Nghịch lý các trường nghề: “Ế” chỉ tiêu tuyển sinh, cửa ra... rộng vì sao?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Sau kì thi ĐH, CĐ thì các trường nghề bắt đầu tổ chức xét tuyển. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có gần 2.500 trường CĐ, trung cấp nghề (TCN) và các cơ sở, trường khác có đào tạo nghề.

Số học sinh (HS), sinh viên (SV) học nghề tìm được việc làm đúng chuyên môn khi ra trường luôn đạt tỉ lệ trên 85%. Tuy nhiên, với tâm lý trọng thầy không trọng thợ khiến các trường nghề hiện nay rất khó tuyển sinh.

Trường nghề năm nào cũng “ế” chỉ tiêu

Thông tin của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh khối các trường nghề khoảng 1,5 triệu học viên sơ cấp, trung cấp và CĐ nghề. Chỉ tiêu này tuy thấp hơn mùa tuyển sinh trước, nhưng thực tế việc tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn hơn. Theo lãnh đạo một số trường nghề, mặc dù luôn rộng cửa đón học viên nhưng các trường nghề thường không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Cứ đến mùa tuyển sinh, trường CĐ nghề mỏ Hồng Cẩm (tỉnh Quảng Ninh) lại chạy đôn chạy đáo lo việc tuyên truyền rồi phát tờ rơi. Chỉ tiêu năm 2013, mặc dù các doanh nghiệp đăng ký đào tạo với trường cần 3.589 lao động, tập trung ở 3 nghề: Khai thác mỏ, xây dựng mỏ, cơ điện lò. Nhưng trên thực tế, đến hết năm 2013, nhà trường chỉ đào tạo được 2.359 HS (đạt 66,3% so với kế hoạch). Đáng chú ý là trong 2.359 HS trên, thì số lượng HS do các doanh nghiệp tự tuyển sinh là 1.035 HS, trường chỉ tuyển sinh được 1.324 HS và tỷ lệ HS bỏ học là 12,05%.

Để xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cứu vãn tình hình “ế” chỉ tiêu. Ngay đầu năm 2014, trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm đã tổ chức hội nghị khách hàng với sự tham gia của 46 doanh nghiệp ngành than trên địa bàn tỉnh và các đơn vị tại 30 tỉnh, TP trong cả nước nhằm đề xuất cách tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển. Nhưng, chỉ tiêu được giao là 4.241, song trường chỉ tuyển được 3.461 người. Đặc biệt là nghề xây dựng mỏ, chỉ tiêu tuyển 900 HS nhưng chỉ có 185 người theo học.

Nếu theo tâm lý khó về đầu vào của các trường thì hầu hết, những HS, SV học tại các trường TCN đều thuận lợi trong quá trình tìm được việc làm đúng chuyên môn. Bạn Nguyễn Văn Phương, học tại trường TCN Thanh Xuân (Hà Nội) sau 18 tháng theo học nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh đã tự mở cửa hàng kinh doanh tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Chia sẻ về công việc hiện tại, Phương phấn khởi: “Nếu so với các bạn cùng trang lứa thì bản thân Phương còn cảm thấy mặc cảm vì không được học ĐH. Nhưng bây giờ, rất nhiều người bạn của Phương học ĐH sau khi ra trường, đang thất nghiệp, nếu có đi làm thì đều làm trái ngành. Hơn nữa, thị trường lao động việc làm ngày càng khó khăn, các Cty phá sản nhiều nên cơ hội tìm việc làm rất khó”. Với công việc kinh doanh hiện tại, đem lại cho Phương nguồn thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng, vừa là ông chủ, lại vừa tự do trong công việc.
5f8hoc-nghe-de-phat-trien-xa-hoi.jpg

Đào tạo thợ nghề để phát triển xã hội. Ảnh: Vi Giáng​

Nguyên nhân từ đâu?

Giải thích về những khó khăn gặp phải trong công tác tuyển sinh, ông Ngô Văn Tung, Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề mỏ Hồng Cẩm cho biết: “Hiện nay thu nhập của thợ mỏ đã giảm mạnh do những khó khăn của ngành than, nên sự hấp dẫn của nghề mỏ không còn cao. Hơn nữa, công việc khai thác than hầm lò độc hại, thường xuyên tiềm ẩn các rủi ro đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nên nhiều gia đình không muốn cho con làm thợ lò”.

Được biết, tính đến hết tháng 2, trường CĐ nghề mỏ Hồng Cẩm đã có 9/15 doanh nghiệp ký kết xong hợp đồng tuyển sinh, đào tạo nghề và 170 HS đã nhập học. Hiện nhà trường đang xúc tiến triển khai việc ký kết hợp đồng với 6 doanh nghiệp hầm lò còn lại (do các doanh nghiệp đang cân đối kế hoạch). Tuy nhiên, để đạt được mức tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu đã giao thì còn nhiều vấn đề nan giải…?

Lý giải nguyên nhân việc tuyển sinh vào các trường nghề gặp khó khăn, TSKH Trần Trung Dũng – Hiệu trưởng trường CĐ nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng đánh giá, trước hết là do hệ lụy của những sai lầm trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân chưa được phân luồng triệt để theo hai hướng: Đào tạo hàn lâm và đào tạo thực hành. Phụ huynh học sinh cũng nhận thức là phải học “càng cao, càng tốt”, nên vẫn tuân theo “mô tip” cũ: Học xong THCS là phải học lên THPT, phải thi được vào ĐH. Trong khi đó, mục tiêu học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường là sẽ làm gì, thì lại không rõ ràng…

Theo chia sẻ của nhiều gia đình và các SV thì cơ hội vào ĐH có quá nhiều… cánh cửa khiến nhiều người không còn mong muốn vào trường nghề như trước. Đặc biệt, theo quy định 55 của Bộ GD&ĐT về việc đổi mới thi liên thông lên ĐH, SV phải đợi 36 tháng thi lại như HS THPT theo kì thi “3 chung” đã khiến cho con đường học tập, nâng cao trình độ của HS, SV các trường nghề vốn đã khó khăn càng trở lên hẹp hơn. Vì sau thời gian 2 – 3 năm học nghề, kiến thức nền ở cấp THPT bị mai một, nhiều HS, SV không còn nắm vững nữa. Vì vậy, tâm lý không thích học trường nghề là điều dễ hiểu.
Theo PLXH
 
×
Quay lại
Top