Chân cuốn và xúc tu khác nhau thế nào?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Có loài nào có cả hai không?

Bạch tuộc có chân cuốn, không phải xúc tu. Ảnh: fjdelvalle via Getty Images.

Bạch tuộc có chân cuốn, không phải xúc tu. Ảnh: fjdelvalle via Getty Images.

Bạch tuộc nổi tiếng với 8 chân cuốn phủ đầy giác hút, trong khi mực ống, từ Architeuthis dux khổng lồ đến những loài khai vị phục vụ trong các nhà hàng, lại bơi bằng nhiều chi hơn: 8 chân cuốn và 2 xúc tu. Thế thì điểm khác nhau giữa những loại chi không xương này là gì?

Mực ống, bạch tuộc và họ nhà ốc anh vũ vỏ cứng đều là những thành viên não to của lớp Cephalopoda (Chân đầu). Ngoại trừ ốc anh vũ cổ đại, tất cả các loài chân đầu còn sống đều thuộc phân loại Octopodiformes 8 chân hoặc Decapodiformes 10 chân, có chân cuốn cơ bắp và nhiều giác hút. Tuy nhiên chỉ mực ống, mực nang, mực cộc đuôi và những thành viên khác của bộ Decapodiformes có xúc tu, và chỉ mực ống quỷ mới có chi phụ dạng sợi gọi là tơ, theo một bài báo được đăng trên tạp chí Journal of Molluscan Studies năm 2017. Sự khác biệt giữa chi của mọi loài chân đầu hoá ra phần lớn đến từ hình dáng và vị trí giác hút.

“Điểm khác nhau cơ bản là chân cuốn có một hàng giác hút chạy dọc theo, trong khi xúc tu không có giác hút trừ khi bạn chạm vào đầu chuỳ xúc tu, là phần phình to ở cuối,” phụ tá nghiên cứu hậu tiến sĩ Morag Taite tại Đại học Aberystwyth, Wales cho biết.

Nói chung, giác hút giúp loài chân đầu bám vào hoặc cảm nhận thế giới xung quanh. Ví dụ, việc có 8 chân cuốn giác hút cho phép bạch tuộc đi lại, bắt mồi, bám vào các bề mặt như rạn san hô, và “nếm” thông qua một giác quan gọi là hoá xúc giác. Trái lại, mực bơi tự do hơn thì dùng xúc tu chủ yếu để săn mồi. Đầu chuỳ xúc tu của chúng cũng có thể có móc. Móc này dày, ẩn mình trong cơ bắp và cong, đôi lúc sắc bén như móc câu của ngư dân. Nhiều loài mực sử dụng móc để bẫy mồi chúng bắt gặp trong đại dương bao la hoặc trong cột nước.

“Trong cột nước, mực sẽ ăn tôm. Tôm rất nhanh nhẹn, nên mực cần phải bắt chúng,” theo Taite, người dùng mã vạch DNA để nghiên cứu quá trình tiến hoá và cây họ hàng của loài chân đầu. “Và những móc này cũng giúp chúng kéo con mồi về mình, trong khi bạch tuộc hầu như chỉ sử dụng chân cuốn để đi lại.”

Một số loài mực, như mực siêu khổng lồ (Mesonychoteuthis hamiltoni) nặng tới 500kg, nặng gần gấp 2 lần mực khổng lồ, có những hàng móc cả trên chân cuốn và xúc tu. Đối với mực siêu khổng lồ sống trong những vùng biển lạnh của Nam Đại Dương quanh châu Nam Cực, móc của chân cuốn cứng và nằm trong hệ cơ dày, trong khi móc của xúc tu có thể xoay tại chỗ. Dù có vũ khí như vậy, nhưng mực siêu khổng lồ là loài săn mồi phục kích, thích ngồi và đợi con mồi lơ là đến gần và chụp lấy. Chiến lược săn mồi này không giới hạn ở mực kích thước khổng lồ hay sinh cảnh. Mực cộc đuôi Hawai (Euprymna scolopes), dài trung bình trên 1 in, tự vùi mình xuống cát ở vùng biển nông và mai phục để tấn công tôm, tôm he và cả những loài bạch tuộc nhỏ bằng xúc tu.


Mực quỷ (Vampyroteuthis infernalis) có 8 chân cuốn và 2 sợi tơ. Ảnh: Library Book Collection/Alamy Stock Photo.

Mực quỷ (Vampyroteuthis infernalis) có 8 chân cuốn và 2 sợi tơ. Ảnh: Library Book Collection/Alamy Stock Photo.

Thậm chí còn lạ hơn đầu chuỳ móc là sợi tơ dài của mực quỷ (Vampyroteuthis infernalis). Mực quỷ là loài chân đầu duy nhất dành cả đời mình sống trong vùng không chiếu sáng ít oxi nhất của đại dương, xuất hiện ở độ sâu khoảng 200-1000 mét dưới mặt nước, theo Viện Nghiên cứu Thuỷ cung vịnh Monterey, Calofornia. Vì mực quỷ sống tại độ sâu cực hạn như vật nên rất khó để nghiên cứu chúng. Các nhà nghiên cứu chỉ mới phát hiện ra chức năng của những sợi tơ vào năm 2012, theo thông tin trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.

Bằng phương tiện vận hành từ xa giám sát thói quen ăn uống của mực quỷ hoang dã và phòng tối lạnh của Thuỷ cung vịnh Monterey quan sát thói quen ăn uống của những mẫu vật thu thập được, nhóm nghiên cứu nhận ra mực quỷ sử dụng 2 sợi tơ để bắt vật chất phân huỷ trôi dạt xuống từ vùng đại dương nông hơn. Mực quỷ được đặt tên theo lớp màng giống như áo choàng giữa các chân cuốn (chứ không phải theo thói quen ăn uống), có họ hàng gần với bạch tuộc ngày nay hơn mực và dành phần lớn thời gian trôi nổi trong hải lưu, chờ thời cơ để phát hiện bữa ăn nhẹ bằng sợi tơ phụ trợ thêm cho 8 chân cuốn màng.


Ốc anh vũ có nhiều xúc tu nhất trong số các loài chân đầu còn sống, dù xúc tu của chúng khác với xúc tu của mực. Ảnh: Stuart Westmorland via Getty Images.

Ốc anh vũ có nhiều xúc tu nhất trong số các loài chân đầu còn sống, dù xúc tu của chúng khác với xúc tu của mực. Ảnh: Stuart Westmorland via Getty Images.

“Chúng có thể xoè tơ ra, trên tơ có lông nên chúng có thể chuyển thức ăn lên phía trước miệng,” Taite cho biết. Dù có hai sợi tơ nhưng mực quỷ thường dùng chỉ một sợi, theo một nghiên cứu năm 2012. Sau khi rút một sợi tơ và kéo qua chân cuốn đang tiết dịch nhầy kết dính thức ăn, mực quỷ sẽ nuốt mảnh thức ăn phủ đầy dịch nhầy ấy.

Ốc anh vũ có lớp vỏ ấn tượng và thay đổi rất ít kể từ khi xuất hiện hơn 440 triệu năm trước, và có nhiều xúc tu nhất so với bất kỳ loài chân đầu nào còn sống, dù chi có hình thái khác với chi của loài họ hàng xa như mực và bạch tuộc. “Hoá thạch sống” này có gần 90 xúc tu với nhiều gờ dính dùng để bẫy mồi, chứ không phải giác hút.

Trong khi đó, giống như mực ống, mực nang có 8 chân cuốn và 2 xúc tu mà chúng tận dụng để bắt những con mồi di chuyển nhanh như tôm và cá, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Behavioral Processes năm 1984. Và trong khi mỗi giác hút của bạch tuộc có 10.000 thụ thể hoá học, giúp chúng nếm khi chạm, thì mỗi giác hút của mực nang chỉ có khoảng 100 thụ thể hoá học, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Marine and Freshwater Behaviour and Physiology năm 1996.

Căn cứ vào sự đa dạng về hình dáng và chức năng, Taite cho rằng không thể nào so sánh được lợi ích của xúc tu và chân cuốn của loài chân đầu.

“Tôi cho rằng nó không phải kiểu giống như ưu điểm và nhược điểm,” cô nói. “Ta không thể nào so sánh được chúng vì chúng sống trong các môi trường khác nhau, vậy nên chúng cần những cách thức khác nhau [để sinh tồn].”


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top