Vì sao teen ngại đến trường?

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Nhưng liệu có phải tất cả teen đều cảm thấy như vậy?
Có những bạn đến trường là một nỗi ám ảnh, là một việc mà phải vất vả lắm mới quyết định đi. Vậy lí do là gì?
Áp lực điểm số, thi cử
Thay vì hỏi “con có đói không?” “hay hôm nay ở trường con có chuyện gì vui không?” thì các bậc phụ huynh lại hỏi con em mình bằng câu “hôm nay con được mấy điểm?”. Vô hình chung ngay từ bé teen từ học đã cảm thấy áp lực nặng nề với chuyện điểm số. Rồi thì bố mẹ không muốn “mất mặt” với đồng nghiệp, với anh em họ hàng, với hàng xóm…nên đã “tự tâng” con mình lên, khiến cho mọi người nhìn vào trầm trồ, thán phục. Và người gánh chịu hậu quả là teen. Nhiều teen đang phải cố gồng mình lên để chứng minh những lời bố mẹ nói với mọi người là đúng, phải sống theo những chuẩn mực do những người xung quanh vô tình tạo ra.
Cũng chính áp lực về điểm số đã khiến teen mất đi tính tự giác, trung thực trong việc kiểm tra, thi cử. Quay cóp, giở tài liệu, mượn vở bạn làm sẵn bài tập để chép…tất cả chỉ do teen mong được điểm cao bởi nếu bị điểm thấp sẽ bị bố mẹ mắng, bị bạn bè chê cười.
dentruongchen.jpg
Không biết học vì cái gì?
Nếu được hỏi “đi học để làm gì? Mục đích của việc học tập là gì?” thì rất rất nhiều teen sẽ trả lời “tớ cũng không biết nữa.” Có những teen đi học đôi khi chỉ là một thói quen, đến giờ thì cắp sách tới lớp, hết giờ học chính lại đi học thêm. Có những teen thì việc tới trường là một nghĩa vụ, nghĩa vụ nghe lời cha mẹ, học để cha mẹ vui. Chính vì thế mà tâm lí muốn được nghỉ học luôn “hiện hữu” trong đầu teen.
Trung (17t) - một học sinh giỏi cho hay “Tớ thấy hầu hết tất cả các kiến thức trong giáo khoa đều chỉ là lí thuyết, thực hành thì ít. Có những lần “tán gẫu” với nhau, bọn tớ không biết những kiến thức mình học được sau này sẽ ứng dụng như thế nào? Hay là chỉ học để phục vụ mục đích thi cử mà thôi. Trên lớp chỉ có chép và chép. Tớ thấy rất chán với việc học chút nào cả.Nếu không chép thì sẽ bị ghi sổ đầu bài, hạ điểm thi đua, nặng thì mời phụ huynh. Thực tế mà nói thì không chỉ riêng tớ mà có rất nhiều bạn khác cũng lâm vào tình cảnh này.”
Còn với Nga (16t) thì “ngày bé tớ rất thích đi học, nhưng rồi càng lớn bài vở càng nhiều, bố mẹ thì bắt phải vào được trường này trường kia mà không hề quan tâm đến sở thích và nguyện vọng của tớ. Nhiều khi tớ tự hỏi “học để làm gì?” mà không bao giờ tìm ra được câu trả lời. Dường như giờ đây mọi người đã quên mất cái suy nghĩ học để làm người, để biết cách đối nhân xử thế, từ đó tìm ra được niềm vui, sự hài lòng với cuộc sống, mà thay vào đó là học để vào đại học danh tiếng, để sau này kiếm được công việc với mức thu nhập cao. Thật ra điều đó không phải là sai. Nhưng theo tớ, học cần phải có đam mê, phải có động lực, không nên nhồi nhét vào đầu một cách thái quá.”
Chính vì không biết mình học vì cái gì, mình thích gì, mình có khả năng gì mà nhiều teen hiện nay, đăc biệt là teen 12 cuối cấp đang phân vân không biết phải chọn ngành nào, trường nào cho phù hợp với bản thân. Có những bạn đang là sinh viên đại học năm 2,3 rồi vẫn biết là mình không hề thích cái ngành mình đang học, nhưng cũng không biết mình muốn gì nên “đâm lao thì phải theo lao”.
Chúng ta không thể đổ tất cả lỗi cho ai được. Gia đình, nhà trường, xã hội và ngay cả chính bản thân teen đều có lỗi và trách nhiệm trong việc này. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vì thế hãy làm sao để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” không chỉ với teen mà với tất cả mọi trẻ em trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này!
 
×
Quay lại
Top