Vì sao teen manh động?

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Ngay ngày đầu năm học, các học trò rúng động bởi cuộc truy sát như phim xã hội đen của một số học sinh Q.8. Vì sao teen manh động?

Bênh bạn gái “xử” nhau đổ máu

Theo cơ quan điều tra CA Q.8 cho biết ngày 25/8, Lê Gia Bách (16 tuổi, ngụ P.14, Q.8), hung thủ đâm trọng thương nam sinh trước cổng trường THPT Tạ Quang Bửu đã đến cơ quan điều tra đầu thú.

Bách khai có bạn gái là Ngọc Tr trước đó đã mâu thuẫn với Yến Th, cả ba đều học chung một lớp.

Tr và Th chat với nhau trên mạng xã hội Facebook, chửi nhau tưng bừng, sau đó cả hai đều méc bạn trai nhờ “xử” dùm.

Sau giờ tan học ngày 24/8, Mai Anh Tuấn (18 tuổi ngụ P.4, Q.8) học sinh lớp 11 trường PTTH dân lập Thăng Long cùng 2 học sinh khác đến trước cổng trường Tạ Quang Bửu để tìm Tr, nhằm giải quyết mâu thuẫn giùm Th.

Khi đến trường, Tuấn phát hiện Bách chở Tr nên cùng bạn dùng mũ bảo hiểm tấn công Bách.

Bách quay vào trường rút con dao từ trong cặp chạy ra ngoài đâm Tuấn một nhát trúng ngực. Tuấn bỏ chạy. Bách truy đuổi đâm thêm một nhát nữa.

Say máu, Bách trở lại trường tiếp tục đâm Th nhưng sượt vào tay rồi tiếp tục đuổi theo Tuấn về hướng cầu Tạ Quang Bửu.

Rất may Tuấn được người đi đường giải cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời trong tình trạng nguy kịch…

Sau khi sự kiện kinh khủng này xảy ra, MTO đã nhận được bài viết chia sẻ, phân tích của Giáo sư-Tiến sĩ —chuyên gia tâm lí Vũ Gia Hiền về vấn đề bạo lực học đường rất đáng báo động này.

dan-hung-thu.jpg

Hung thủ tuổi teen bị đưa đến nơi vứt dao gây án. Ảnh: An Nhơn

Vì sao teen manh động?

Câu chuyện trên cần phải điều tra kĩ để biết nguyên nhân gây ra đâm nhau, việc này sẽ có công an vào cuộc và kẻ gây án phải chịu hình phạt theo pháp luật. Về mặt xã hội thì đây là hiện tượng rất cần cảnh báo và ngăn chặn.

Trước hết không phải đa phần tuổi teen manh động, hầu hết tuổi teen được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục rất kỹ, chỉ một bộ phận nhỏ liều lĩnh, bất chấp luật pháp, tình người đã có những hành động manh động đáng lên án. Về mặt manh động thường do ba nguyên nhân:

1/ Do thiếu giáo dục đến nơi đến chốn, hoặc giáo dục tắc trách của gia đình. Cha mẹ lo làm ăn không quan tâm đến việc học hành, lối sống, cách sinh hoạt của con cái, buông lỏng … dẫn đến thói quen tự do vô trách nhiệm; hoặc học sinh bị cha mẹ khắc nghiệt, đánh đập, sỉ nhục … dẫn đến hiện tượng chai sạn tâm lý mà có thể liều lĩnh; cha mẹ thiếu chỉ dẫn con cái về tự chủ bản thân, kiềm chế cá tính, rèn luyện nhân cách, tôn trọng pháp luật và giá trị sống.

2/ Do nhà trường không đủ tầm quán xuyến học sinh của mình, thiếu gần gũi học sinh (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm), vì thế khi mâu thuẫn xuất hiện không giải quyết kịp thời, để xảy ra những hành động bạo lực đáng tiếc.

Do công tác Đoàn, công tác thanh niên, sinh hoạt tập thể lớp không đi sâu vào các hiện tượng bạo lực để thảo luận, làm sáng tỏ, ngăn chặn … đã dẫn đến những hiện tượng đáng tiếc xảy ra.

3/ Do yếu tố xã hội, đặc biệt là các loại hình ảnh bạo lực trong game, trong các trò chơi, đồ chơi, sách báo … tạo cho giới teen thói quen về bạo lực như một loại “đào tạo bất đắc dĩ”. Đây là hiện tượng đáng báo động hiện nay.

Mặc khác, do tâm lý của thời kỳ công nghiệp, mọi cái đều “tốc độ” như đi xe máy, quản lý thời gian … đều hối hả tạo ra tâm lý mạnh mẽ gần với bạo lực và tự do chuyển sang bạo lực lúc nào không biết.

Ba nguyên nhân trên là nguyên nhân dẫn đến hành động manh động của một bộ phận tuổi teen.

Teen thiếu kĩ năng sống trầm trọng

Hơn ai hết, các bạn tuổi teen phải rèn luyện đức tính biết sợ. Một người không biết sợ hoặc chai sạn cái sợ sẽ dẫn đến những hành động thú tính, liều lĩnh.

Trước hết sợ mình là kẻ thiếu nhân cách, thiếu tình người, thiếu đạo đức. Mà nếu thiếu như vậy thì cuộc đời của mình sẽ trở nên khiếm khuyết, vô nghĩa và mất tương lai.

Sau, phải biết sợ luật pháp, sợ làm suy đạo đức, sợ làm xấu hổ cha mẹ, nhà trường. Rèn luyện nhân cách biết sợ là điều quan trọng nhưng hiện nay giáo dục đang bỏ trống. Đây là vấn đề trách nhiệm của khoa học giáo dục, của thầy cô giáo, của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội.

Đối với giáo dục đạo đức, lối sống cần chú trọng giáo dục hành vi, mặc dù ta biết tư tưởng dẫn đến hành vi nhưng hành vi mới là nguyên nhân chính gây ra bạo lực. Chúng ta hiện nay thiếu giáo dục hành vi như tập cho học sinh làm việc nhóm, giao lưu bạn bè, thăm hỏi những người bất hạnh ….

Đa phần chủ giáo dục ý thức, cho nên khi có chuyện gì bức xúc, ức chế học sinh thì tự học sinh đó không tìm được cách ứng xử tình người mà thành bản năng.

Đây là vấn đề cần đưa vào giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Đối với mỗi học sinh cần nêu cao lòng tự hào gia đình, quê hương, đất nước để có niềm tin cao vào cuộc sống, có lý tưởng sống trong sáng thì tự nơi lòng tự hào đấy sẽ đẩy lùi mọi nguy cơ, trong có có nguy cơ bạo lực học đường.

Việc giáo dục lòng tự hào cụ thể bằng hành động chính là giáo dục hiện đại; tránh tự hào chung chung , mơ hồ, vì nó trên nên sáo rỗng, rất nguy hiểm.


Các bạn trẻ cần hiểu con người hơn các loài động vật ở chỗ ứng xử có tình người, trong khi động vật chỉ biết cắn nhau, húc nhau, đá nhau … thì con người biết phân biệt đúng sai, trái phải, biết nói lời tốt đẹp.

Bạn hãy ứng xử tốt đẹp với bạn của mình bạn sẽ có tính người cao hơn. Khi gặp bức xúc hãy mời nhau uống nước để tâm sự, phân bua và sự nhẹ nhàng đó chính là đỉnh cao của học sinh VN hiện đại

(Giáo sư-Tiến sĩ —chuyên gia tâm lí Vũ Gia Hiền)
 
×
Quay lại
Top