Vì sao cá mập được tôn sùng trong văn hoá của người Hawaii?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Cá mập hiện diện rất nhiều trong văn hoá của người Hawaii. Cá mập xuất hiện trong nghệ thuật, trên công cụ, trong truyền thuyết. Tại bảo tàng Bishop ở Honolulu, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng những công cụ và vũ khí cổ được chế tạo từ răng cá mập và đầu trống từ da cá mập.

Vì sao cá mập được tôn sùng trong văn hoá của người Hawaii?

Giảng viên văn hoá Charles Kauluwehi Maxwell Sr. đã nâng cao nhận thức quốc gia về tầm quan trọng văn hoá của cá mập năm 1991, sau khi bang Hawaii cho phép săn cá mập sau một vụ cá mập tấn công gây chết người ngoài khơi Maui cùng năm. Ông đã cứu cá mập khỏi tận diệt, vì cho rằng loài vật này có tầm quan trọng linh thiêng đối với các gia đình bản địa, nhưng thật sự thì tại sao cá mập lại quan trọng đến vậy đối với cộng đồng người Hawaii?

‘Aumākua

‘Aumākua

Để hiểu được nguyên nhân cá mập được tôn sùng trong văn hoá của người Hawaii, trước nhất ta phải hiểu được ‘aumākua. ‘aumākua là thành viên tâm linh thân cận của gia đình, dưới hình dạng một con vật hoặc vật thể nhất định. Trong văn hoá của người Hawaii, mọi thứ, như con vật, cây cối, đá, cầu vồng, mây, đều mang nội năng hoặc nội linh trong chúng, là phương tiện để giao tiếp với một trong 4 sinh vật vĩ đại hơn: Kane, Ku, Lono và Kanaloa.

Những vật thể hoặc con vật này không được sùng bái trực tiếp, mà chúng được coi là con đường kết nối, là cánh cửa dẫn đến thần linh. Chúng được ban cho tính sùng kính biểu tượng, có thể so sánh với thánh giá hoặc chén thánh trong Cơ Đốc giáo. Những linh vật ấy hiện diện ở nhiều thời điểm, trong cả lễ hội và cơn khủng hoảng, đóng vai trò như người thầy thuốc, người soi sáng và người hộ vệ cho một gia đình nào đó. Theo Maxwell, “Tiện dân [con người] có thể kêu gọi ʻaumakua dễ dàng, ít nghi thức hơn.”

Cá mập Aumakua ở Hawaii được thể hiện trong ghi chép của nhà dân tộc học Martha Warren Beckwith “thực ra, được coi như linh hổn của sinh vật nửa người, mạnh mẽ hơn nhờ cầu nguyện và hiến tế, trú ngụ trong th.ân thể cá mập và là người dẫn lối từ thế giới bên kia cho con cháu mình, vốn tôn kính họ như vị thần hộ mệnh.”

Là một phần của gia đình

Là một phần của gia đình

Thông thường, có đến vài ‘aumākua trong mỗi gia đình ở Hawaii, và cá mập phổ biến hơn cả. Cá mập, rất giống cá heo và cá voi, được coi trọng vì có trí tuệ và cảm xúc. Thời xưa, dân gian cho rằng cá mập ‘aumākua được sinh ra từ những bào thai bị phá, không được chào đời và không thể sống cuộc đời của chính mình. Những bào thai ấy sẽ được mang ra biển và cho cá mập ăn, để tái sinh thành cá mập con ‘aumākua. Bằng cách này, sợi dây gắn kết giữa các gia đình và cá mập được hình thành.

Cá mập ‘aumākua rất thường thấy ở các gia đình sống ven biển. Những ‘aumākua biển khác là vỏ ốc cowry, ốc đá, mực ống và lươn. Mỗi cá mập ‘aumākua có kahu riêng, hay người trông giữ, là một thành viên của gia đình phải chăm nom cho ‘aumākua. Kahu thường cho cá mập của gia đình ăn, đổ các xô awa(*) xuống biển, tạo ra những ao nuôi đặc biệt quanh hòn đảo. Đến nay, một số khu vực này vẫn còn quần thể cá mập khoẻ mạnh sinh sống.

(*) Một loại thức uống của người Hawaii được làm từ cây awa.

Những lúc hân hoan hoặc khủng hoảng, cá mập ‘aumākua có thể hiện lên cho gia đình thấy, qua ảo ảnh hoặc giấc mơ, hoặc ngoài đại dương trước sự chứng kiến của một thành viên gia đình. Dân gian đồn rằng chúng là con đực hoặc cái, có màu đỏ, lấp lánh và nhạt màu hoặc lốm đốm. Cá mập ‘aumākua có thể được các thành viên trong gia đình triệu hồi, đóng vai trò là người dẫn lối tâm linh, bảo hộ họ khỏi đuối nước hoặc hỗ trợ nguồn thực phẩm cho hộ gia đình ấy. Có nhiều câu chuyện về những người đi bơi mất tích được cá mập dẫn đường về bờ. Nếu một thành viên trong gia đình qua đời, hãy quan sát thế giới tự nhiên để thấy các dấu hiệu; một con cá mập có thể xuất hiện cạnh bên một con cá voi lưng gù bên dưới cầu vồng. Trong văn hoá của người Hawaii, đó là dấu hiệu của nhập thể.

“Vai trò của cá mập là để loại bỏ người chết, người hấp hối và người bệnh khỏi đại dương,” Maxwell phát biểu trong tờ The New York Times. “Cá mập là loài săn mồi hàng đầu và là loài quan trọng nhất trong việc gìn giữ trữ lượng cá cân bằng. Người Hawaii từ nhỏ đã được dạy rằng mọi thứ quanh họ đều được gắn kết. Chúng tôi muốn củng cố vai trò hộ vệ biển của cá mập và khuyến khích lòng tôn kính khi ta bước vào nhà chúng.”

Có nhiều truyền thuyết xoay quanh các loài cá mập cụ thể. Một huyền thoại nổi tiếng về cuộc chiến của loài cá mập lớn là những con ăn thịt người bị trục xuất khỏi nhóm. Theo sử gia Mary Kawena Pukui, cá mập ăn thịt người như cá mập hổ hoặc cá mập trắng lớn, được gọi là niuhi. Thời xưa, chỉ những tù trưởng, được bầu làm người đứng đầu vùng đất, mới được coi là đủ dũng cảm và có kỹ năng để bắt niuhi, và phụ nữ thường không ăn ăn thịt những con cá mập ấy. Nhưng thái hậu đời vua Kamehameha I, vị vua đã thống nhất Quần đảo Hawaii năm 1810, đã ăn đôi mắt của niuhi khi mang thai ông để gia tăng lòng dũng cảm và phẩm chất lãnh đạo của đứa con chưa sinh.

Hầu hết ‘aumākua là tổ tiên, là thành viên đã mất của gia đình trở về dưới hình hài khác, một kiểu tái sinh. Khi thi thể được trả lại đất, nó nuôi đất, cây cối, loài vật trong chu kỳ sống, chết và tái sinh. Trong văn hoá của người Hawaii, mối quan hệ giữa thực vật, động vật, các nguyên tố và con người rất rõ ràng. Khái niệm “tất cả chúng ta đều gắn kết với nhau” không chỉ là một tuyên bố đơn thuần, nó còn là trạng thái của tồn tại.

Lặn cùng ‘Aumākua

Lặn cùng ‘Aumākua

Ngay cả ngày nay, tầm quan trọng văn hoá của cá mập vẫn không thay đổi. Chương trình “Lặn cùng cá mập” của Trung tâm Hải dương Maui là một phần của một hiện tượng mới tại các thuỷ cung ở Hoa Kỳ, nơi công chúng có thể lặn trả phí tại một trong những hồ chứa lộ thiên khổng lồ. “Lặn cùng cá mập” chào đón các thợ lặn vào triển lãm Đại dương Lộ thiên 750.000 gallon nước chứa 60 loài cá, gồm cả cá mập vây đen, cá mập cát và cá mập hổ.

Maui liên tục luân chuyển động vật về đại dương và thay nước biển đến 1500 gallon mỗi phút từ vịnh Maalaea gần đó. Chương trình của Trung tâm Hải dương Maui là một cách tuyệt vời để những thợ lặn tiếp cận gần hơn với cá mập và học cách tôn trọng loài động vật thường bị hiểu lầm này. Chương trình cũng bao gồm một video giới thiệu 15 phút của Maxwell thảo luận về cá mập trong văn hoá của người Hawaii.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo The Culture Trip)
 
×
Quay lại
Top