Tương lai nào cho “người mẹ” mang hình hài xanh từ ngàn xưa

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhisnhvien.vn) Giữa những thân cây bị đánh dấu để đốn hạ, một nhà khoa học giải thích vai trò quan trọng của rừng trong việc cứu lấy động vật hoang dã, nhân loại và hành tinh đang ấm dần lên.

Ảnh minh hoạ: Antoine Maillard.

Thân cây tuyết tùng vàng cổ kính rỗng ruột trông như một cái kén với chỗ nằm là những dải vỏ cây mềm mại. Một con gấu mẹ đã dựng chiếc gi.ường này khi nó đến đây ngủ đông hằng năm và sinh con bên trong thân cây 2000 năm tuổi. Giữa mùa đông lạnh giá, lớp dác gỗ đã bảo vệ chúng khỏi cái lạnh thấu xương và gió rét.

Trước đó một thập kỷ, gấu mẹ có thể đã được sinh ra trong cùng chiếc tổ này, gần đầu nguồn con lạch Fairy trên đảo Vancouver, ngoài khơi bờ biển British Columbia. Mỗi độ thu về nó sẽ trở lại đây, vỗ béo mình bằng quả mọng và cá hồi. Tôi nhặt lấy một sợi lông từ đống gỗ cây, mùi cỏ ẩm ướt xộc lên cùng lõi gỗ chua chua và cơn mưa vừa tạnh vùng Thái Bình Dương.

Tôi ở đây cùng một vài nhà hoạt động môi trường. Đối thủ của họ gọi họ là những tên cấp tiến, thậm chí là bọn khủng bố sinh thái. Còn họ tự gọi mình là người giữ rừng, công tác chống lại công ty gỗ nhắm vào chặt phá khu rừng này. Nửa tá chàng trai và cô gái chào tôi trên con đường vừa phát quang, dẫn tôi qua những khúc gỗ lớn và hẻm núi sâu đến cái cây khô héo này. Họ hào hứng kể về những con cú kêu và nhạn lão ông cẩm thạch làm tổ trên tán rừng cây tuyết tùng, chỉ vào địa y bụng đốm phủ lên lớp thân mềm mại của linh sam amabilis. Những loài chim và địa y đó, cũng như nhiều loài đang lâm nguy khác, đang sống trong một quần xã gồm hơn 325 loài thực vật, tảo, rêu, động vật có vú, và số lượng nấm và vi khuẩn không kể xiết trong lưu vực lạch Fairy.

Không có những cái cây này, những người giữ rừng biết sẽ chẳng có con non nào sinh ra, chẳng có địa y giữ lấy sương núi, và chẳng nấm nào đủ lớn để kết nối những vị nữ vương với thế hệ sau. Nằm co rúc trong cứ địa, họ sốt ruột về cơn mưa mùa thu sắp đến và thầm hy vọng mùa tuyết đến sớm để trì hoãn việc đốn cây.


Vạt rừng đa thế hệ này đã tồn tại hàng thiên niên kỷ biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm của nó được mã hoá trong hạt giống và vòng gỗ, thông tin đó được truyền thụ từ cây này sang cây khác thông qua hệ thống nấm dưới lòng đất.


Tôi lớn lên trong những cánh rừng British Columbia. Chú tôi và ông tôi từng cưỡi ngựa, đốn cây chọn lọc đến mức bạn phải căng mắt tìm nơi họ đã đốn một cái cây. Ông dạy tôi về sự tĩnh lặng và gắn bó của rừng, và rằng gia đình tôi đã khắng khít với nó thế nào.

Tôi tiếp bước ông mình. Tôi học lâm học và làm việc ở Sở Lâm nghiệp Canada và ngành khai thác gỗ. Chẳng mấy chốc tôi được làm việc cùng với những người quyền lực phụ trách thu hoạch thương mại. Nhưng tôi nhận thấy mức độ chặt phá đáng báo động, tôi cảm thấy giằng xé vì mình có góp phần. Hơn hết, việc phun thuốc và đốn cây dương và phong để chừa chỗ cho thông và linh sam có giá trị thương mại cao hơn được trồng khiến tôi sửng sốt. Dường như không gì ngăn nổi cỗ máy công nghiệp không biết mệt mỏi này.

Thế là tôi quay lại trường, rồi nghiên cứu khoa học lâm nghiệp. Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một bộ rễ cây thông con truyền được cacbon đến bộ rễ cây thông con khác, nhưng đó là trong phòng thí nghiệm. Tôi nghĩ mãi, Điều đó có xảy ra ngoài thực địa hay không?

Tôi cho là có, cây xanh trong rừng cũng có thể chia sẻ thông tin dưới mặt đất. Điều này còn gây tranh cãi, một số người nghĩ tôi điên, và đúng là tôi có gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ cho nghiên cứu. Nhưng tôi không bỏ cuộc.


“Wood-wide-wed” (mạng lưới toàn rừng) là gì?

Ảnh minh hoạ: Antoine Maillard.

Ảnh minh hoạ: Antoine Maillard.

Khi Suzanne Simard bắt tay vào nghiên cứu lâm nghiệp sau đại học, lý thuyết thông thường cho rằng cây xanh là những kẻ cô độc tham gia vào cuộc cạnh tranh Darwin khắc nghiệt giành nguồn nước, ánh sáng và thức ăn. Các công ty khai thác gỗ trồng những loài sinh lời nhất và xoá sổ gần hết sự cạnh tranh, một cách tiếp cận “trồng rừng” mà Simard cảm thấy đã phớt lờ đi tính hỗn tạp của tự nhiên, với nhiều loài đan xen nhau.

Ở các thí nghiệm đột phá được thực hiện trong lúc ẩn nấp gấu xám trong rừng mưa phía tây Canada, Simard phát hiện cây xanh kết nối nhau qua hệ thống rễ nấm khổng lồ gọi là mạng lưới nấm rễ cộng sinh. Qua đường ống ngầm này, chúng chia sẻ cacbon, nước và chất dinh dưỡng. Nấm chiết xuất đường từ rễ cây mà chúng không thể tự mình sản xuất, và đổi lại nấm vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến rễ cây và thậm chí xa hơn, từ cây này đến cây khác.

Tạp chí Nature đã công bố khám phá mang tính cách mạng của Simard năm 1997, với tiêu đề “The wood-wide-web”. Dù công trình của cô khơi lên những chỉ trích gay gắt, nhưng Simard vẫn kiên trì, chứng minh cách các loài cây giao tiếp và thậm chí là hợp tác với nhau, chuyển tiếp tín hiệu nguy hiểm về hạn hán, dịch bệnh và trao đổi khoáng chất qua một hệ mạch dẫn phức tạp mà cô so sánh với mạng lưới thần kinh trong não bộ con người.

Simard cũng xác định “những cây mẹ”
đóng vai trò trung tâm cho những mạng lưới này. Chúng có thể nhận ra con cháu của mình và luân chuyển nguồn dinh dưỡng dư thừa cho con cháu. Khi những cây già chết đi, chúng “thải” cacbon và các hợp chất phòng vệ vào mạng lưới, truyền lại thức ăn và thông tin cho thế hệ tương lai. – Kerry Banks.


“Có ai nghe tiếng đập cánh không?” Tôi lo lắng hỏi.

“Máy bay trực thăng!” cô gái kế bên tôi trong cứ địa thì thầm. Chúng tôi thò ra xem con chuồn chuồn sắt chao đảo trên sống núi, mấy người đàn ông nhìn chăm chăm xuống từ ô cửa sổ màu. Dưới cánh máy bay quay cuồng, cây tuyết tùng mẹ cao sừng sững 115 ft; gia đình vây quanh nó, như thể đang kể câu chuyện về nguồn cội của mình và bảo vệ cây mẹ.

Vạt rừng đa thế hệ này đã tồn tại hàng thiên niên kỷ biến đổi khí hậu, côn trùng phá hại và gió bão, cũng như được cá hồi di cư nuôi dưỡng hàng thế kỷ. Kinh nghiệm đó được mã hoá trong hạt giống và vòng gỗ của nó, thông tin được truyền từ cây này sang cây khác thông qua mạng lưới nấm dưới lòng đất.

Lớp phòng vệ tiến hoá qua hàng triệu năm đã giúp cây cối chống chịu với nhiệt độ khắc nghiệt và động vật ăn cỏ. Chúng cũng giúp khu rừng này tích luỹ cacbon nhiều như rừng mưa nhiệt đới, 580 tấn mỗi mẩu. Nhưng lớp phòng thủ này chẳng là gì với cưa máy.

Chúng tôi chạy băng qua sườn dốc đến trảng đất trống nhỏ trên núi, nơi chiếc trực thăng đang lượn trên bãi đáp tạm. Một trong những người giữ rừng leo lên trảng đất và vẫy tay như muốn đuổi máy bay đi.

Điểm khác biệt trong thế giới quan giữa người khai thác gỗ và người giữ rừng đột nhiên va vào nhau như sấm rền. Ai cũng cần những cái cây này, nhưng với lý do khác nhau. Người ta chống đối lẫn nhau bởi một nền công nghiệp không còn phù hợp nữa. Sau đó máy bay đột nhiên chuyển hướng và bay xuống thung lũng.


Lớp phòng thủ tiến hoá qua hàng triệu năm đã giúp những cái cây chống chịu với nhiệt độ khắc nghiệt và động vật ăn cỏ. Nhưng lớp phòng thủ này không là gì so với cưa máy.


Chúng tôi băng qua trảng đất nơi mặt đất còn vương vãi địa y xà lách đã rơi xuống cùng tán cây, tước khỏi khu rừng khí nito cần thiết. Trên vỏ cây thiếu sức sống của thân cây to bị đốn, chúng tôi nhìn thấy địa y bụng đốm đang khô héo, một loài được coi là dễ bị tổn thương trong vùng, nhưng luật pháp quá lỏng lẻo không thể bảo vệ chúng, ngay cả khi những người khai thác gỗ có lưu tâm.

Đi theo con đường mòn mờ nhạt vào rừng, chúng tôi băng qua bụi hoa loa kèn lớn cao đến mắt cá, những bộ rễ ngoằn ngoèo như rắn trườn về phía tây và hoa đỗ quyên hoàng tử bé, tất cả những loài tôi ngờ là có liên hệ với mạng lưới nấm của những cây tuyết tùng cổ thụ và nhận dưỡng chất hỗ trợ trong bóng tối sâu thẳm. Chính những loài thực vật hiếm gặp ấy đã cung cấp nguồn cacbon bổ sung cho nấm.

Những khu rừng cổ thụ thế này lưu trữ cacbon nhiều gấp hai lần rừng trăm năm tuổi và gấp hơn 6 lần đất trống. Khi cây cổ thụ già đi, chúng tiếp tục lưu trữ cacbon trong thân cây và cô lập cacbon vào đất, tại đó cacbon được giữ lại. Ngoài ra, rừng trên thế giới và đất rừng lưu trữ khoảng 90% lượng cacbon toàn cầu trên cạn.

Không lâu sau chúng tôi đi vào một trảng đất trống nữa, mặt trời ở đây thiêu đốt và sấy khô những chiếc lá bé nhỏ của loài tầm gửi lâu năm. Cây cổ thụ đổ nằm song song, chỉa về hướng nhà xưởng, nơi người ta sẽ biến chúng thành ván lợp, mạt cưa, màn khuếch âm. Các nghiên cứu đã xác nhận việc khai thác gỗ ở rừng già thải ra 40-65% cacbon trong hệ sinh thái vào không khí (ngay cả khi cacbon lưu trữ ngoại địa trong sản phẩm gỗ được tính vào).

Những người giữ rừng trẻ tuổi đã có mặt trên đất sỏi khi tôi lội lên con mương cuối cùng vào đường mòn. Tôi run rẩy, không chỉ vì quá sức, mà còn vì tổn thương cho những gì sắp xảy đến. Cảnh sát hộ tống chúng tôi đang đợi. Khi tôi bước tới chiếc xe tải, tôi để ý thấy lớp bùn đất màu nâu sô cô la lộ ra trên đường hầm, dày 6 ft và giàu cacbon. Khoảng một nửa lượng cacbon trong rừng này được lưu trữ trong lớp đất này, nửa còn lại ở trong cây. Khi nền rừng bị cỗ máy cưa đối xử tệ và lộ ra không khí, khoảng 60% cacbon sẽ bị mất đi bởi sự dịch chuyển, xói mòn và phân huỷ. Nghiên cứu của tôi cũng cho thấy cuối cùng 90% cacbon sẽ bị mất khi các rừng trồng thay thế bị khai thác lần nữa.


Chúng ta cần chuyển mối quan hệ tách rời, lạm dụng thiên nhiên sang mối quan hệ gần gũi, chở che và tái sinh.


Trước khi cảnh sát đẩy một người giữ rừng vào xe, anh lầm bầm rằng mình đang bảo vệ cô khỏi sự ngu ngốc của chính cô. Tôi hiểu rõ nhưng không nói gì. Nhưng khi xe lăn bánh xuống núi, tôi bắt đầu giải thích những vạt rừng bị chặt trọc sẽ tốn hàng chục năm để thôi không thải ra nhiều cacbon hơn lượng chúng hấp thụ và hơn vài trăm năm để phục hồi thế lực ngầm của những gốc cây ban đầu. Rằng ta không có nhiều năm như vậy để những vạt rừng đó phục hồi từ đất trống. Rằng trong hàng trăm năm chờ rừng trưởng thành, hành tinh của ta được dự báo sẽ ấm lên đến 5 độ C, gây ra thảm hoạ cây chết hàng loạt, đại dịch và nạn đói.

Tôi không biết liệu viên cảnh sát có nghe hay không, nhưng tôi cứ nói, vì sự sống của ta phụ thuộc vào tiếng nói của các nhà khoa học và những người đang hành động. Ở British Columbia, chúng ta chỉ còn lại 3% cây cổ thụ tượng trưng dưới thung lũng, và chúng ta cũng đang săn gỗ chúng. Câu chuyện tương tự đang diễn ra trên toàn thế giới.

Cơn mưa không ngớt. Sau hơn một tháng, đất – bị bóc trần cây cối – xói mòn, sông bị bồi lấp, và ở một số khu vực, thị trấn bị ngập lụt.

Ta có thể làm gì để lần tới chuyện này kết thúc khác đi?

Đầu tiên, chúng ta phải ngừng biến rừng tự nhiên thành rừng trồng công nghiệp và đồng ruộng nông nghiệp. Cam kết của chính quyền nhằm chấm dứt nạn phá rừng trên toàn cầu đến năm 2030 là một bước khởi đầu tốt, nhưng cam kết này cũng cần phải bao gồm việc chấm dứt các hoạt động lâm nghiệp mang tính công nghiệp. Các công ty cần chịu trách nhiệm cho những thiệt hại và lượng khí thải họ gây ra khi theo đuổi lợi nhuận.

Thứ hai, chúng ta có thể hành động ngay để bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái rừng lâu năm.

Thứ ba, chúng ta có thể thúc đẩy các chính sách quản lý địa chính nhằm phục hồi rừng trồng thành rừng tự nhiên, khi đó ta sẽ thu hoạch có chọn lọc ở tỷ lệ thấp hơn để bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn cấp nước và kho lưu trữ cacbon. Bằng cách đánh thuế lượng khí thải cacbon từ rừng, ta có thể hồi phục sự công bình văn hoá và xã hội cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa và cộng đồng người bản địa, thưởng cho người quản rừng khoản phí mà người gây ô nhiễm phải chi trả. Đây là một phương án dễ dàng mang đến sự chuyển dịch tức thì.

Thứ tư, chúng ta cần các chính sách về khí hậu chú trọng vào việc bảo vệ các bể chứa cacbon từ rừng và ngăn chặn khí thải từ việc khai thác gỗ cũng rõ nét như việc ngăn chặn khí thải từ nhiên liệu hoá thạch.

Và cuối cùng, chúng ta cần chuyển mối quan hệ tách rời, lạm dụng thiên nhiên sang mốt quan hệ gần gũi, chở che và tái sinh.

Tất cả chúng ta đểu có thể học hỏi từ người bản địa Coast Salish ở Tấy Bắc Thái Bình Dương, họ từ lâu đã biết cây xanh là máu mủ ruột rà với ta và rừng được tạo nên bởi nhiều dân tộc chung sống cùng nhau trong hoà bình. Tinh thần cộng đồng này sẽ rất cần thiết cho việc kết đồng minh, hình thành mạng lưới gắn kết chúng ta, truyền sức mạnh cho ta và giúp ta bảo vệ rừng của mình cho thế hệ mai sau.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top