Tuổi 20 yêu dấu!

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
(SVVN)Tôi mượn lại cái tít của anh Nguyễn Huy Thiệp để đặt tên cho bài viết của mình: Tuổi hai mươi yêu dấu.



Tôi vào đời sớm nên “già” sớm. Tuổi hai mươi tôi bắt đầu từ năm tôi mười bảy tuổi. Cái “tuổi hai mươi” ấy của tôi, không có ngày nghỉ, không có giải trí, không có quyền được ốm (bệnh), mùa Đông lạnh không giày, không bít tất, bình thường đi đất, có việc mới xỏ dép cao su rút quai, gót chân nẻ toác rỉ máu bám đầy đất, bụi.
Tuổi hai mươi tôi, ngày đông chí, áo ba manh, nằm ngủ phải quấn thêm chiếu cho bớt lạnh, đêm chỉ được ngủ bốn tiếng, dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để học bài, làm và soạn bài ngốn ngấu, bù cho từ chiều đến tối hôm trước phải dành thời gian đi kiếm sống và học thêm những cái mình yêu thích. Không bị kiểm tra vở tập, không bị nhắc nhở khi ngủ gật trong lớp, thế là hạnh phúc rồi. Một bữa “căng bụng”, một ngày “ngủ khì” tới trưa mới dậy, hạnh phúc. Kiếm đều đặn ngày một đồng hai hào rưỡi, cuối tháng không bị quỵt công, hạnh phúc. Được nghe thấy tiếng cười, được nhìn thật gần khuôn mặt của cô gái cùng trường mà mình chỉ dám yêu thầm nhớ vụng, hạnh phúc.
Năm 20 tuổi được vào đại học, thời giờ kiếm sống ít đi, nhưng tiền kiếm được khá hơn vì không phải đi kéo xe, khuân vác như trước nữa. Do được học vẽ từ những năm trước tôi đã nhận được hợp đồng kẻ biển, vẽ tranh, và tối tối đi dạy bổ túc văn hóa trong nhà máy in quân đội. Riêng khoản này cũng đủ trả tiền ăn cho bếp ăn tập thể (sinh viên thời ấy dù có gia đình ở Hà Nội vẫn bắt buộc phải ở nội trú. Chỉ được về nhà từ chiều thứ Bảy cho đến hết ngày Chủ Nhật).
Tuổi hai mươi tôi, chàng sinh viên cao lêu đêu (1m80) người “dẹt như một tấm phản” th.ân thể gầy đét mà bạn bè đùa là “bộ xương trong phòng thí nghiệm” vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Chỉ có đôi mắt là sáng, nhưng đôi mắt ấy không dám nhìn thẳng, không dám nhìn lên, nó luôn nhìn xuống, vì nó biết phận mình, nó biết mình kém cỏi. Với người người xung quanh, nó đầy rẫy lỗi lầm về mặt “tư tưởng, tác phong” bởi những suy nghĩ “có vấn đề” và một cuộc sống không gương mẫu, lộn xộn phức tạp, khó hiểu với cả kho “khuyết điểm” mà nó luôn luôn bộc lộ một cách vô ý thức. Thế nhưng tôi chẳng quan tâm nhiều về điều này. Mình thế nó phải thế.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, sinh viên ít vì “cổng trường đại học cao vời vợi, mười thằng leo chín thằng rơi” nên còn oai lắm. Tuần hai buổi đi thư viện quốc gia, tôi tranh thủ đọc “sách cấm” và những cái ngoài chương trình: Sách Triết (Triết học phương Tây và Nho, Phật, Lão phương Đông là những cái được học rất sơ sài trong chương trình đại học), sách viết về âm nhạc, hội họa.
Riêng hội họa, những vựng tập tranh với rất nhiều phiên bản màu lôi cuốn tôi vô cùng, nhưng do chúng bằng Pháp ngữ, với vốn tiếng Pháp nhỏ nhoi có được từ thời tiểu học, tôi phải kè kè cuốn từ điển để dịch, vất vả nhưng đầu óc bừng sáng.
Học khoa Văn mà sách văn học (văn chương Việt Nam dân gian, cổ điển cận đại và hiện đại, Văn học Phương Tây, Văn học Trung Quốc, Văn học Nga Xô viết - lúc ấy ta dịch rất nhiều) tôi đọc hầu hết từ khi còn học phổ thông nên có nhiều thì giờ để “học ngoài”, đọc sách “ngoài luồng”, xem tranh và nghe nhạc cổ điển phương Tây. Tôi say mê đọc Garodi, Lucas, mê mải với tranh của Corot, Matisse, Kadinsky, nghe Ravel, Debussy như điên rồi bắt đầu điếu đóm các ông anh văn nghệ, bắt đầu la cà cà phê (uống ké), nhảy vào các cuộc tranh cãi về triết học, về văn chương và nghệ thuật với những người “có vấn đề về lập trường tư tưởng”. Đấy mới là trường đại học thật sự của tôi, sau cái “đại học vỉa hè” mà tôi học từ những năm trước. Ở đó tôi được sống với những gì mình có, được va chạm dữ dội, được trưởng thành và trở thành.
Tôi không hiểu sao lúc ấy mình vẫn có thời gian để học các môn hòa thanh, khúc thức, phân tích tác phẩm để mày mò viết bài hát, viết nhạc đàn. Và lấy đâu ra nghị lực để tất cả các buổi nghỉ trưa, mặc dù vô cùng thiếu ngủ, vẫn lén lên phía sau hội trường lách cách với cây đàn piano cũ?
*Tháng mười hai năm 1965 phải rời Hà Nội lên Tuyên Quang, từ bỏ việc vào học khoa Sáng tác trường âm nhạc Việt Nam mà năm ấy tôi đỗ đầu để đi dạy học trả nợ công đào tạo của Nhà nước. Tuổi-hai-mươi-tôi bước sang trang mới.
Bốn rưỡi sáng đầu tiên của một ngày đầu tiên từ phố Chân Cầm, buộc thật chặt cuộn chăn dạ cũ vào bóp-ba-ga chiếc xe đạp cà tàng không gác-đờ-bu, gác-đờ-xen, không phanh, khoác chiếc ba-lô bộ đội xin được của ông anh rể lên đường.
Qua cầu Long Biên cúi gập người trong gió sông lạnh buốt, ngược lên Trung Giã, Lương Sơn, Đại Từ trên con đường đá lởm khởm gồ ghề, vượt qua Đèo Khế, qua phà Trung Hà, một hành trình gần hai trăm cây số đường bộ cực khổ để về đến thị xã Tuyên Quang đúng 9 giờ đêm, mở đầu cho một cuộc sống “trèo đèo lội suối” vất vả.
Không bận tâm đến gian khổ, chỉ nghĩ đến công việc để đêm về ngồi bên bếp lửa sống với cây đàn guitar luôn mang theo bên mình. Có lúc một mình đi bộ hàng hơn bốn chục cây số đường núi, khi lên đến đỉnh dốc Cổng Trời nhìn ra xung quanh mây bay xa tắp, nhìn xuống phía dưới vực sâu hun hút mà lòng đầy hứng khởi. Tôi nghĩ đến câu thơ của thiền sư Không Lộ muốn “hét lên một tiếng cho lạnh cả bầu trời”, mà không phải là một tiếng, tôi hét nhiều lần, vang động.
Giờ nhớ lại những câu chuyện “điên khùng” của tuổi hai mươi tôi, một câu hỏi được đặt ra: Ở đâu ra cái sức sống mãnh liệt như thế? Có lẽ cái sinh lực ấy với tôi, nó không bắt nguồn từ mục đích sống rõ ràng quyết liệt, từ sự nhiệt thành với lý tưởng như nhiều bạn bè cùng thế hệ, những người mà trong thâm tâm, tôi vô cùng kính trọng.
Vậy thì từ đâu? Hôm nay với sự chân thành nhất, nghiêm túc nhất tôi đã tìm được lời giải đáp. Đó chính là từ sức sống của tuổi trẻ. Nếu không phải là tuổi trẻ, liệu tôi có chịu đựng được không, có vượt qua được không, có làm thế được không? Bây giờ, với tuổi 68 của mình, nếu làm lại cuộc đời như thế, chắc chắn tôi chịu thua, chắc chắn tôi sẽ trở thành người bất hạnh như bao kẻ bất hạnh khác trong đời.
*Tôi rất yêu tuổi hai mươi tôi, đúng là “tuổi hai mươi yêu dấu” như anh Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết. Với tôi tuổi trẻ là hạnh phúc, cái hạnh phúc được hiểu theo nghĩa khác.
Người ta bàn nhiều về hạnh phúc, đã viết nhiều quyển sách về nó. Tôi không đọc và chẳng tìm cách định nghĩa. Mọi khái niệm đều rất cứng, đều khuôn định những giới hạn về mặt nội hàm mà cuộc sống lại rất mềm, rất rộng.
Nếu hạnh phúc không chỉ là được gia đình thương yêu, là có được tình yêu của “người ấy”, là ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa tiện nghi, là sở hữu những phương tiện hiện đại nhất, là công việc ổn định, là tài khoản mỗi tháng thêm một vài con số, là được thăng tiến trong công việc, là được đi du lịch ở những nơi tuyệt vời nhất v.v và v.v. thì có lẽ với tôi tuổi trẻ chính là hạnh phúc. Mà là cái hạnh phúc lớn nhất mà giời đã cho chúng ta, cái hạnh phúc khi ta được rèn giũa thu nhận nảy nở tròn đầy để thành chính mình. Qua thời kỳ này thì mọi chuyện đã quá muộn. Chính tôi bây giờ đang sống bằng những gì đã hình thành khi còn “đầu xanh tuổi trẻ”.
Tuổi hai mươi tôi là thế. Vậy thì tuổi hai mươi em, em có nghĩ như tôi không? Tôi chưa biết được câu trả lời, nhưng dẫu thế nào tôi vẫn mong em sống hạnh phúc với tuổi trẻ của mình, cái tuổi trẻ có thể “điên khùng” nhưng vô giá, nó chỉ có một lần trong dời. Phải thế không em?
Xa xăm một quãng đời,
Xa xăm một vùng xanh khơi…
(Xa xăm - Dương Thụ, Album Bây giờ biển mùa Đông)
Tôi đang nhớ tiếc quãng đời ấy đấy, cái tuổi trẻ ấy đấy, tôi đã mất nó, vùng biển khơi xanh thẳm.


(DươngThụ, TP.HCM, 25/12/2010)
(SVVN)
 
dgoanh nói:
Nếu hạnh phúc không chỉ là được gia đình thương yêu, là có được tình yêu của “người ấy”, là ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa tiện nghi, là sở hữu những phương tiện hiện đại nhất, là công việc ổn định, là tài khoản mỗi tháng thêm một vài con số, là được thăng tiến trong công việc, là được đi du lịch ở những nơi tuyệt vời nhất v.v và v.v. thì có lẽ với tôi tuổi trẻ chính là hạnh phúc. Mà là cái hạnh phúc lớn nhất mà giời đã cho chúng ta, cái hạnh phúc khi ta được rèn giũa thu nhận nảy nở tròn đầy để thành chính mình. Qua thời kỳ này thì mọi chuyện đã quá muộn. Chính tôi bây giờ đang sống bằng những gì đã hình thành khi còn “đầu xanh tuổi trẻ”.
Tuổi hai mươi tôi là thế. Vậy thì tuổi hai mươi em, em có nghĩ như tôi không? Tôi chưa biết được câu trả lời, nhưng dẫu thế nào tôi vẫn mong em sống hạnh phúc với tuổi trẻ của mình, cái tuổi trẻ có thể “điên khùng” nhưng vô giá, nó chỉ có một lần trong đời. Phải thế không em?
Xa xăm một quãng đời,
Xa xăm một vùng xanh khơi…

Mình cũng đang "bắt đầu từ nơi anh đi qua"!- có lẽ,có chút khác biệt trong cuộc sống và suy nghĩ với thế hệ trước,vì bọn mình may mắn hơn!- nhưng tuổi trẻ thời nào cũng vậy!luôn đầy ắp hoài bão,tràn đầy nhiệt huyết!
22-chưa thực sự làm được gì cho đời,nhưng mình thật hạnh phúc vì mỗi ngày,qua thầy cô,bè bạn và...KSV mình học được rất nhiều!
Yêu đời hơn và mong sẽ góp chút gì đó xây dựng quê mình!:)
 
Cái tuổi trẻ có thể “điên khùng” nhưng vô giá, nó chỉ có một lần trong dời. Phải thế không em?


 
×
Quay lại
Top