Truyện ngắn đọc và suy ngẫm ( Phần 3)

cactushoa

Thành viên
Tham gia
31/1/2013
Bài viết
37
Cái Nụ

Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả…

Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó:

-Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi… mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng… “tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”.

Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.

Nghề cao quý

Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, thầy trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử:

- Con có thích trở thành cô giáo không?

Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là... Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.


Quà sinh nhật

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?”
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…

Ghe hoa

Nhà nội nhà ngoại bên này bên kia sông. Xưa, ba đón mẹ về trên chiếc ghe kết đầy hoa hồng hạnh phúc. Xuống ghe, giày cao áo dài vướng víu, mẹ suýt ngã. Ba dìu đỡ cùng đi, mẹ mắc cỡ, cúi mặt đỏ bừng đôi má.

Nay mẹ đưa ba về an táng trên đất vườn nhà nội. Cũng trên chiếc ghe hoa - những tràng hoa phúng tím buồn tan tóc - Quần áo tang lòa xòa mẹ bước đi như người mộng du, suýt ngã, mẹ gượng một mình.

Bố là mẹ

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”

Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.

Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:

- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?

Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.

Hoa điên điển

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.

Nắm tay

Con gái đi chơi tối về muộn, chị mắng, nó chỉ cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi nhưng lại cười tủm tỉm. Chị ngạc nhiên... Tối, nó rúc đầu vào lòng chị, khẽ bảo: "Mẹ ơi, con đã nắm tay một người". Chị gật đầu: "Phải nắm chặt nghe con, nếu bạn trai con là một người tốt".

... Ngày xưa, cũng bằng tuổi con, chị yêu và đã được yêu. Chị cũng đã biết cái cảm giác lần đầu tiên nắm tay người khác phái. Cảm giác run rẩy nhưng hạnh phúc đến rạng ngời mà sau này không bao giờ chị kiếm tìm được.

Anh còn bảo: "Đã nắm tay em rồi, anh sẽ nắm thật chặt. Anh sẽ giữ em cho riêng mình". Lúc đó, chị đã khóc... Bây giờ chị lại nghĩ về anh. Anh nắm tay chị chặt quá, chặt quá... làm chị bức bối. Chị phải tự buông lỏng tay mình, để đến ngày lên xe hoa, nắm tay chị lại là một người khác...

Con gái chị vẫn còn cười rạng rỡ, hai tay cứ đan vào nhau như muốn tìm lại cái cảm giác được nắm tay khi nào. Thương mình rồi thương con, quay sang phía tường trắng, chị khẽ thở dài muốn nói với con: "Nhưng đừng nắm chặt quá. Mẹ sợ...".


Chiều xưa

Hôm đó, ngồi cùng nhau bên bờ suối, cầm lấy bàn tay nàng trong tay, anh vẫn không sao thốt ra được lời anh muốn nói. Hai bàn tay đều run nhẹ. Xúc cảm dâng đầy trái tim... Nàng khẻ thở dài khi bóng tối dần dần chiếm ánh hoàng hôn.

Chiều nay, trở về chốn xưa, đến phiên anh thở dài. Chỉ có mỗi mình anh trong bóng chiều bảng lảng. Hôm trước hỏi thăm một người quen, nghe nói nàng đã đi lấy chồng, một người ở rất xa...

Chị em sinh đôi

Em ngông nghênh như một đứa con trai, cứng đầu bướng bỉnh khó có ai chịu nỗi. Thế mà em lại yếu mềm mỗi khi nghĩ đến anh. Lần đầu gặp, ánh mắt, nụ cười, cả cái dáng cao gầy ấy cũng đã theo em vào giấc mơ.

Nhưng người anh chọn lại là chị, tóc dài như suối và ngoan hiền như một con nai tơ.

Ngày mai cưới chị, em sẽ là phụ dâu. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, món đồ gì cũng đều chia đôi cho cả em và chị, thế sao vị trí hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại ấy lại chỉ riêng của mình chị, sao không phải là của em ?

Thì thầm lời mẹ

Lúc nhỏ chị được mẹ chăm sóc rất chu đáo so với các anh em trong gia đình bởi vì chị có nét giống bà ngoại nhiều nhất. Không hiểu mẹ, chị càng ngày càng ngỗ nghịch và nhõng nhẽo. Mẹ bảo "rồi nó sẽ đổi tình" . Theo năm tháng chị đi lấy chồng, mẹ lại nghẹn ngào tự an ủi "rồi nó sẽ về thăm mình mà" . Và rồi khi mẹ không còn nhìn rõ để trông ngóng chị nữa, mẹ lại bâng quơ thở dài: "Chị tui bây chỉ được cái nét mặt là giống bà ngoại bây thôi..."

Xa xứ

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."

Mẹ tôi

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con đi sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ ào...

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình


Ước

Cả tháng trời biết bao chuyện xảy ra, anh và nó mệt mỏi, cả 2 như lặng đi khi ngồi bên nhau.
Anh hỏi nó: - Nếu có một điều ước, em sẽ ước gì ha bé?
Nó ngẫm nghĩ rồi trả lời: - Em ước em biến mất...biến mất tiêu....
Chợt anh khóc.

Mồ côi - Nguyễn Văn Hùng

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…

Ánh mắt

Gởi người đã xa
"Chúng mình xa nhau anh có tin không
Em cô đơn quá đổi
Nếu một ngày kia với chút buồn nông nổi
Em sẽ tìm quên trong một vòng tay?"
Nó đột ngột trở về thăm trường cũ sau một cú sốc vì bị một người thương nhất bội phản. Nó chợt nhớ đến anh - người thầy năm xưa - sau 3 năm quên lãng vì cố chen lấn để tìm một chỗ đứng trong vòng xoáy của cuộc sống đời thường. Anh đón nó bằng nụ cười rộng lượng:

- Anh cứ ngỡ rừng núi Tây Nguyên đã che khuất đường của em về rồi chứ...

Nó quay đi để tránh ánh mắt đằm thắm của anh. Nó đã bỏ quên ánh mắt ấy trong suốt quãng thời gian 1095 ngày của quãng đường dài 1500km

Lần chia tay thứ hai. Không có lời hẹn thề sẽ mãi nhớ về nhau như ba năm trước. Nhưng, suốt cả chặng đường, ánh mắt cứ theo đuổi tâm trí nó, làm cho nó day dứt. Nó lại lẩn thẩn nghĩ về vần thơ cũ.

Bà tôi

Thủa ấy khổ lắm, hàng năm vào tháng bảy mưa dầm, nhà túng thiếu phải vay hàng xóm từng bơ gạo. Mẹ thường nấu cơm nhão cho Bà dễ ăn. Tôi cằn nhằn mẹ. Bà bảo đi xin miếng vôi trầu. Tôi ấm ứ. Bà lọm khọm chống gậy đi. Khi về trời mưa Bà ốm cả tuần. Mẹ nấu cháo cho Bà, khói se mắt, chặc lưỡi: Bà già rồi mà còn khổ!

Bà mất. Tôi xa nhà, ăn cơm bụi chợt thấy dáng ai còng - miếng cơm bỗng khô khốc, quán không khói mà cay cay .

Ba và Mẹ

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?

Trời vẫn nắng, vẫn râm...

...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên


Ba

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà ngĩ cho khỏe.

Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chár cả bờ môi.

Câu hát

Mưa. Hồi trước. Thấy tôi đến người yêu tôi vui mừng. Hai đứa ngây ngất trong vòng tay nhau, hạnh phúc. Cánh cửa bị hư chốt cài, gió thổi vào hung bạo. Vẫm ấm áp. Đưa tôi về. Người yêu tôi hát nhỏ: “Anh ước mong một chiều đông giá…”

Mưa. Bây giờ. Thấy tôi đến người yêu tôi hững hờ. Hai đứa ngồi lại bên nhau trong căn phòng có gắn điều hòa và mở hết số. Vẫn lạnh run. Khi tôi về. Phố trắng xóa, mờ mịt. Lòng rưng rưng với câu hát cũ “…và quên đường về".

Bức tranh

Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.

Mười năm.
Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm.
Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà.

Vầng trăng khuyết đi một nửa…

Chờ

... Đồng hồ điểm mười, mười một, rồi mười hai tiếng. Mẹ như chìm vào khoảng không trống vắng. Đi ra đi vào, ánh mắt không dấu được buồn lo. Thở dài, mòn mỏi... Mẹ lặng lẽ nâng chén cơm, hai dòng nước mắt chảy dài, mặn đắng.
Đâu rồi cái gật đầu của bố...

Cổng trường

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.

"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.

"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy".

"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy...

...Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".

Khốn nạn cuộc đời?

Ngày xưa chị đẹp nhất làng, ngây thơ yêu dại mà thất thân. Sợ cha mẹ già xấu hổ với xóm giềng, bụng mang dạ chửa lên thành phố, cơ cực không kể hết. Rồi sinh ra nó ốm yếu, bệnh tật.

Hai mẹ con sống đậu trong một khu ổ chuột nhếch nhác, sinh nhai bằng gánh xôi chè, cái khổ không che được vẻ non nõn gái một con. Có nhiều lời ngả giá, chị từ chối.

Con nằm thoi thóp trên gi.ường bệnh, suy thận! Chị tần ngần mở kim băng, đếm đi đếm lại cuộn tiền lẻ cột dây thun... lo lắng! Đêm hôm đó, có người đàn bà lầm lũi đi vào khuya... Đó là chị, chị đi cứu con! Trời thương, rồi thì con cũng khỏe sau nhiều lần chạy thận, ngày con xuất viện chị vui lắm.

Thằng bé chạy về từ nhà hàng xóm, hỏi chị:

-Làm đ ĩ là làm gì hả mẹ?

Chị ôm nó vào lòng, nước mắt chảy phía sau lưng đứa con...

Sưu tầm.
 
×
Quay lại
Top