Trí nhớ con người có giới hạn?

dakazino

Ngày mai của những ngày mai
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/4/2013
Bài viết
1.689
Không giống như những chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà khi thẻ nhớ đã đầy không thể chụp thêm được ảnh nào nữa, não bộ của chúng ta dường như không bao giờ có giới hạn.

Các nhà thần kinh học từ lâu đã tìm hiểu năng lực trí nhớ của con người đến đâu. Tuy nhiên, điều làm đổ vỡ tất cả những tính toán đơn giản về dung lượng bộ nhớ của con người là những thành tích phi thường của những người bỏ công tập luyện hay những người có não bộ đặc biệt.


Trí nhớ siêu phàm

Với nhiều người trong chúng ta, nhớ cho được một số điện thoại vào đầu cũng đã khó.

Vậy còn một con số dài 67.980 ký tự thì sao? Đó là số chữ số mà Chao Lu, một sinh viên tốt nghiệp 24 tuổi người Trung Quốc có thể nhớ được về số pi hồi năm 2005. Chao đã đọc ra dãy số này trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà không cần phải đi nhà vệ sinh nhiều lần và đã thiết lập kỷ lục thế giới mới.

150915164602_human_memory_640x360_getty_nocredit.jpg

Các nhà bác học thậm chí còn giỏi hơn thế – họ nhớ được tên tuổi và ngày tháng đến chi tiết của từng khung cảnh phức tạp.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, tổn thương xảy đến đối với người hoàn toàn khỏe mạnh cũng dường như khiến họ có trí nhớ đặc biệt.

Chẳng hạn như khi 10 tuổi, Orlando Serrell bị một quả bóng chày đánh trúng vào mạn trái đầu. Sau đó, cậu bất ngờ phát hiện mình có thể nhớ được vô số bảng số xe và tính toán được những phép tính thời gian phức tạp chẳng hạn như một ngày nào đó từ hàng chục năm trước là ngày thứ mấy trong tuần.

Trên bình diện đo lường, dung lượng bộ nhớ của chúng ta chắc hẳn có cơ sở sinh lý nào đó: khoảng 100 tỷ neuron thần kinh làm thành não bộ của chúng ta. Trong số đó chỉ có khoảng một tỷ neuron đóng vai trò bộ nhớ lưu trữ lâu dài, và chúng được gọi là các tế bào pyramid.

Nếu chúng ta giả định rằng một neuron thần kinh là một đơn vị trí nhớ thì não bộ chúng ta bị chứa hết giới hạn. “Nếu chúng ta có nhiều trí nhớ như số neuron thần kinh thì nó cũng không phải là một con số lớn,” ông Paul Reber, giáo sư tâm lý học ở Đại học Northwestern, nói. “Não bộ chúng ta sẽ mau chóng hết chỗ.”

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng trí nhớ hình thành bằng sự liên kết kết giữa các neuron và ngay giữa các hệ thống neuron khác nhau.

Mỗi neuron nảy ra những nhánh giống như những tuyến xe lửa đi từ một đầu mối giao thông và cuộn vào khoảng 1.000 neuron tế bào thần kinh khác.

Cấu trúc này khiến cho thành phần làm nên trí nhớ có khắp trên một mạng lưới chằng chịt. Do đó mà ý niệm, ví dụ như về bầu trời xanh có thể xuất hiện trong vô số ký ức về cảnh vật ngoài trời.

150915164649_human_memory_cards_640x360_thinkstock_nocredit.jpg

“Theo ước tính hợp lý thì bộ nhớ có dung lượng vào khoảng vài petabyte,” Reber cho biết. Một petabyte tương đương với dung lượng các bài hát MP3 chơi liên tục trong 2.000 năm.

Chúng ta vẫn chưa biết chính xác một trí nhớ đơn lẻ thì cần bao nhiêu mối liên kết hay nó có thể so sánh với máy điện toán kỹ thuật số hay không, do đó việc so sánh như trên có lẽ chỉ mang tính tương đối.


‘Tập luyện’

Những người có trí nhớ đặc biệt liệu họ cũng có bộ não phi thường? Câu trả lời là không.

Những người nắm kỷ lục về thuộc số pi như Lu cũng như đa số những người chiến thắng trong các cuộc tranh tài về trí nhớ cam đoan rằng họ chỉ là người bình thường nhưng đã bỏ thời gian tập luyện não bộ để có thể nắm giữ và lục lại những thông tin có chọn lọc.

Nelson Dellis, nhà vô địch trong cuộc tranh tài trí nhớ ở Mỹ, thừa nhận rằng trí nhớ của anh rất tệ trước khi anh tự huấn luyện mình. Sự tập luyện đã làm nên sự khác biệt.

“Chỉ trong vòng vài tuần hoặc thậm chí ít hơn bạn có thể làm được những gì mà đối với người bình thường gần như không thể,” Dellis nói. “Tất cả chúng ta đều có khả năng này.”

Một vài năm trước, khi bắt đầu luyện trí nhớ, Dellis phải mất 20 phút để nhớ một bộ bài. Giờ đây, anh có thể nhớ toàn bộ 52 lá bài trong vòng chưa tới 30 giây, hay nói cách khác, chỉ nhìn qua một lần là nhớ. Anh đã bỏ ra năm giờ mỗi ngày để luyện tập.

Cũng giống như nhiều nhà vô địch về trí nhớ khác, Dellis có chiến thuật riêng.

150915164735_human_memory_640x360_thinkstock_nocredit.jpg

Một cách được sử dụng rộng rãi là xây dựng ‘lâu đài trí nhớ’. Theo như Dellis giải thích, anh mường tượng ra một nơi mà anh biết rất rõ, chẳng hạn như ngôi nhà tuổi thơ của mình.

Sau đó anh chuyển những gì cần nhớ thành những thứ đặt trên bàn ngay cạnh cửa hay trên bàn bếp... “Tôi chỉ hình dung lại khoảng không gian đấy đã có sẵn các hình ảnh thân thuộc và chuyển nó thành những gì tôi đã nhớ,” Dellis giải thích.

Những người vô địch nhớ số Pi cũng thường dùng cách ‘lâu đài trí nhớ’ hay những mẹo tương tự, chẳng hạn như chuyển những dãy số thành những chữ kết nối lại với nhau làm thành một câu chuyện không mạch lạc.

Sự thành công rộng rãi của những chiến thuật trí nhớ kiểu này cho thấy gần như ai cũng có thể có trí nhớ siêu phàm nếu họ biết cách tổ chức nó.

Nhưng liệu có thể làm được điều đó mà không cần mất nhiều công sức hay không? Đó là mục tiêu của Allen Snyder, giám đốc Trung tâm Trí não tại Đại học Sydney, đặt ra.

Ông đã đưa ra giả thiết rằng tất cả chúng ta đều có thể có một ‘nhà bác học bên trong’ nếu như biết phát huy đúng cách.


‘Không quan tâm đến chi tiết’

Theo Snyder, bộ não bình thường của con người hoạt động chủ yếu trên mức độ tư duy bậc cao chứ không quan tâm nhiều đến các vô số các chi tiết bậc thấp.

“Chúng ta đều ý thức đến cái toàn thể chứ không phải các phần nhỏ lẻ,” ông nói.

Để chứng minh điều này, Snyder đã tiến hành một thí nghiệm với các đồng sự.

150915164807_human_memory_640x360_spl_nocredit.jpg

Ông yêu cầu họ nhớ một danh sách mua hàng dài như bánh lái, cần gạt nước, đèn trước... “Mọi người cảm thấy hết sức khó khăn khi nhớ danh sách này,” Snyder nói, nhưng tất cả đều nói trong danh sách có ‘xe hơi’ mặc dù hoàn toàn không có.

Sự giải thích hợp lý là dường như sự tiến hóa đã rèn giũa trí não của chúng ta làm việc theo cách này.

Chẳng hạn như thay vì phải ám ảnh với những chi tiết trên gương mặt của một con sư tử thì bộ não của chúng ta nhanh chóng đi đến kết luận là đây là một loài thú dữ ăn thịt và chúng ta phải phản xạ nhanh.

Nói cách khác, tất cả những dữ liệu mà các giác quan của chúng ta truyền về não đều không được xử lý ở mức độ nhận thức. Ở các nhà bác học thì khác, cách tư duy ý niệm bậc cao này không phát huy tác dụng, cho phép họ biết tường tận nhiều chi tiết.

Điều rõ ràng là trí nhớ con người có những giới hạn nội tại. Tại sao chúng ta không thể nhớ cùng một lúc tất cả các chi tiết và đưa ra các ý niệm?

“Tôi không biết nữa,” Snyder nói. “Nhưng có lẽ lý do là do sự đòi hỏi phải xử lý thông tin hiệu quả.”

Reber từ Đại học Northwestern cũng cho rằng não bộ của chúng ta không thể theo kịp những kích thích bên ngoài khi nó phản ánh thế giới.

“Đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta không thể nhớ tất cả mọi thứ – có một điểm nghẽn từ các giác quan lên đến trí nhớ của chúng ta,” ông nói.

Theo Reber thì giới hạn đối với trí nhớ con người không phải là dung lượng mà là tốc độ xử lý. “Không phải não bộ chúng ta hết chỗ chứa,” Reber giải thích. “Các thông tin đến với chúng ta ở tốc độ nhanh hơn là chúng ta ghi chúng xuống.”



 
×
Quay lại
Top