Trần Tự Khánh quyền thần hay công thân - Pivivu Blogspot

pivivu

Thành viên
Tham gia
27/11/2018
Bài viết
10
Nếu Thái Sư Trần Thủ Độ được coi là một tay gian hùng hoặc nói theo cách khác là quyền thần cuối triều Lý trong việc thúc đẩy việc sụp đổ của nhà Lý để chuyển sang cho nhà Trần. Thế nhưng, Trần Thủ Độ chỉ là người hoàn tất công đoạn cuối được đàn anh Trần Tự Khánh dọn đường từ trước. Chính ông mới là người dọn đường cho việc kết thúc triều Lý thành lập triều Trần.

Trần Tự Khánh, là một chính trị gia, danh tướng trứ danh thời kỳ suy vong của triều đại nhà Lý, người lãnh đạo chính thống buổi đầu giành quyền lực của họ Trần.

Sau khi cha ông là Trần Lý qua đời, ông là người lãnh đạo gia tộc họ Trần trên con đường danh vọng. Ông dũng mãnh trí lược, đã cùng Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng các thế lực cát cứ chia 3 quốc gia bất phân thắng bại. Về sau, ông dẫn đại binh họ Trần kiểm soát triều Lý, được phong Thái úy, cùng anh trưởng Trần Thừa kiểm soát triều đình.


Họ Trần với quân đội riêng là lực lượng mạnh nhất khi đó nhưng chưa đủ trấn áp các thế lực khác và năm 1210, Trần Lý qua đời do tử trận trong các cuộc chiến với phiên trấn khác. Anh em Trần Thừa và Trần Tự Khánh thay cha lãnh đạo quân đội họ Trần nhưng người em Tự Khánh lại tỏ ra xuất sắc hơn về tài cầm quân.

Trần Tự Khánh thay cha thống lĩnh binh chúng, được phong là Thuận Lưu bá, đóng quân ở Thuận Lưu (miền Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình) nhưng không quy phục Cao Tông. Ông kéo quân về kinh thành, cướp bóc tài sản của hoàng cung, nhưng bị dân chúng kinh thành đánh đuổi.

Tháng 10 năm 1210, Cao Tông băng hà, Thái tử lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Huệ Tông lập Trần Nhị Nương làm Nguyên phi, Tô Trung Từ được phong làm Thái uý. Để lấy lòng Tự Khánh, Huệ Tông phong ông làm Chương Thành hầu.

Trần Tự Khánh có công dẹp giặc yên dân, được phong chức lớn, lại nắm giữ binh quyền, thế lực át hẳn các quan triều cũ, kể cả những người trong tôn thất nên nhiều người bất bình ghen tỵ. Bọn này gièm pha với Lý Huệ Tông rằng: "Tự Khánh chuyên quyền, có ý muốn làm phản, không nên dùng". Huệ Tông được lên ngôi vua là nhờ công ơn họ Trần nên không nghe theo.

Thấy gièm pha với nhà vua không hiệu quả, chúng xoay ra xúi bẩy Đàm Thái hậu, nói Huệ Tông say mê Trần thị sắc đẹp, tin dùng ngoại thích gian ngoa, Tự Khánh nắm hết quyền bính là người phản trắc, rất nguy hại cho cơ đồ nhà Lý. Đàm Thái hậu tin lời người hoàng tộc, muốn buộc Huệ Tông phế truất Trần thị và giải chức Trần Tự Khánh. Huệ Tông không chịu nghe theo.


Đầu 1213, Đàm Thái hậu ngầm hẹn các tướng đánh úp quân của Trần Tự Khánh. Tự Khánh không phải kiểu người ngu trung nên khi bị đánh lại đã phản kích ngay. Đại Việt sử lược chép: “Trần Tự Khánh dẫn quân vào cung cấm đốt cầu Ngoạn Thiềm rồi kéo về bến Đại Thông. Vì chuyện này, Huệ Tông lần đầu thân cầm quân đi đánh Tự Khánh nhưng không thành công”.

Dù vua Huệ Tông lần thứ 2 đích thân cầm quân đánh Tự Khánh nhưng các cánh quân đều thua các tướng nhà Trần nên phải chạy đến Lạng Châu. Dù đánh thắng nhà vua nhưng Tự Khánh tiếp tục xin về dưới trướng vua.

Tự Khánh chiếm được kinh đô. Vài ngày sau, ông sai người đem thư lên Lạng Châu gặp Huệ Tông và nói rõ ý mình rằng:

"Dân tình uất ức, không thấu được lên trên. Cho nên, nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc họa, để yên lòng dân mà thôi. Đến như thân phận vua tôi, thần không dám phạm đến một chút nào. Ngờ đâu, phải gánh lấy tội chuyên quyền đánh dẹp, để khiến cho xa giá phải long đong, tự xét tội của thần thật đáng vạn lần chết. Xin bệ hạ nguôi cơn giận dữ, quay xa giá về kinh sư để thỏa lòng người mong muốn"


Lý Huệ Tông đã có ý muốn về nhưng phe phái của Thái hậu tìm đủ cách can ngăn. Cuối cùng, vua nghe lời Thái hậu không về với họ Trần dịp đó. Huệ Tông không về thì Trần Tự Khánh lập tức có đối sách khác là lập vua Lý khác lên ngôi.

Sử chép: Tháng 2 (1214), Chương Thành hầu Trần Tự Khánh triệu tập các bậc Vương tước và trăm quan để nghị bàn về việc cải lập. Rồi sai người đi đón con của vua Anh Tông là Huệ Văn Vương ở Hạc Kiều lập làm vua. Ngày đó Trần Tự Khánh sai bắt người trong gia tộc của Thái hậu là bọn Đàm Kinh Bang. Tất cả đều bị trói thêm bằng dây thép rồi cầm tù ở Mỹ Lộc. Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là nguyên Vương.


Cục diện trong nước lúc này hình thành ba thế lực cát cứ lớn: Phía Bắc là Nguyễn Nộn, phía Đông là Đoàn Thượng, phía Nam là Trần Tự Khánh. Ngoài ra còn nhiều thế lực cát cứ khác ở các địa phương:

Nguyễn Bát, tước Ô Kim Hầu ở đất Ô Kim (Hoài Đức - Hà Nội ngày nay).

Họ Hà ở Quy Hóa (miền Yên Bái, Tuyên Quang

Họ Đinh ở Đại Hoàng (Ninh Bình).

Họ Phạm ở Nam Sách (Hải Dương).

Khắp nơi trong nước hỗn loạn. Quân các lộ luôn kéo về đánh phá Thăng Long. Trần Tự Khánh dẫn quân về đóng ở Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)

Đàm Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ Trần Nhị Nương mà nói là bè đảng của giặc, bảo Huệ Tông đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Huệ Tông biết bèn ngăn lại. Đàm Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nửa và không lúc nào cho rời bên cạnh.

Đàm Thái hậu ngày ngày muốn giết Trần Nhị Nương, sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Huệ Tông ngăn lại không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chỗ quân của Tự Khánh

Tự Khánh đón được Huệ Tông, bèn phế Nguyên vương mà mình từng đưa lên ngôi xuống làm Huệ Văn vương. Việt sử lược viết: "Tự Khánh trông thấy vua rất mừng, tướng sĩ đều vui vẻ reo hò". Từ đó, vua cùng Tự Khánh quyết ý dẹp loạn.

Do không còn Thái hậu ở bên làm khó dễ, Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, phong Trần Thừa tước Liệt Hầu làm nội thị phán thủ. Trần Liễu (con Trần Thừa), Phùng Tá Chu, Lại Linh được phong tước Quan Nội Hầu, Trần Hải, con cả của Tự Khánh được phong tước Vương. Thế lực họ Trần lúc này rất lớn, át cả thế lực quý tộc nhà Lý cũ, dần dần thu hút các quý tộc khác.

Tự Khánh cùng Thượng tướng quân Phan Lân chỉnh đốn lại quân triều đình, rèn đúc vũ khí, huấn luyện sĩ tốt, khí thế quân đội lên cao, phấn chấn đi đánh phản loạn. Tình hình quanh kinh thành đã tạm yên, Tự Khánh rước vua Huệ Tông về thành Thăng Long.


Từ ngày hồi cung về Thăng Long, Huệ Tông phó thác hết việc nước, chính trị cũng như quân sự cho Tự Khánh... Tự Khánh nhiếp chính, thay vua lo giữ gìn an ninh cho dân chúng, chuyên chú việc binh bị. Trong nước không còn những cuộc binh đao đáng kể. Các địa phương quy phục triều đình. Trăm họ được yên ổn làm ăn vui vẻ. Bấy giờ bên Trung quốc, nhà Tống đã suy yếu. Miền Bắc do nhà Kim chiếm giữ. Miền Tây bắc, nước Tây Hạ hàng năm sách nhiễu vàng lụa, nên việc bang giao với nước ta tốt đẹp.

Việc tự ý lập vua khác trong khi vua cũ chưa truyền ngôi thời xưa được coi là đại nghịch bất đạo. Bên cạnh đó, việc phế vua mới, phò vua cũ, cũng đã thể hiện "quyền khuynh triều dã" của Tự Khánh. Tuy nhiên, với Trần Tự Khánh thì ông coi ngai vua như một trò đùa, chỉ là một vật để tạo dựng vị trí vững chắc cho dòng họ. Bản thân Trần Tự Khánh sau này còn nhiều lần hý lộng ngai vàng nhà họ Lý và dần dần từng bước củng cố địa vị của người họ Trần.

Nguồn: pivivu.blogspot.com
Pivivu
 
×
Quay lại
Top