Tìm thấy “ốc đảo” trên sao Hoả, nhưng chỉ là tàn dư từ quá khứ

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Hàng tỷ năm trước, quang cảnh nhìn từ rìa miệng núi lửa Jezero hẳn rất “ngoạn mục”.

Ảnh: NASA / JPL-Caltech

Ảnh: NASA / JPL-Caltech

Trên bề mặt sao Hoả cách xa hàng triệu dặm, trong miệng núi lửa khổng lồ, một tàu thăm dò nhỏ của NASA đang chụp vài bức ảnh. Quang cảnh nơi đó thật đẹp, địa hình màu đỏ nâu nguyên sơ trải dài hàng dặm rải rác đầy sỏi đá, với những đụn cát mịn che khuất đi nền đá lởm chởm. Nhưng khi tàu thăm dò Perseverance gửi những bức ảnh từ miệng núi lửa Jezero về mặt đất, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điểm nữa.

Phải chăng là lớp lang trầm tích? Nó trông giống một khung cảnh quen thuộc nào đó trên Trái Đất thôi. Còn những tảng đá thì sao? Chỉ là một dòng chảy xiết đã cuốn chúng đến. Các nhà khoa học giờ đây có thể phát hiện ra rằng Jezero không phải lúc nào cũng khô cằn và hoang vắng. Nơi đó từng là một hồ nước. Tàu thăm dò Perseverance đang đi loang quanh trên vùng đất trước kia từng là đồng bằng châu thổ, nơi con sông nhỏ đổ ra biển lặn. Vài tỷ năm trước, có lẽ mặt đất bên dưới lốp xe của tàu thăm dò đã cuồn cuộn nước.

Trên Trái Đất, khi sông đổ vào hồ sẽ mang theo phù sa. Dần dần, trầm tích bồi tụ thành nhiều lớp, tản ra từ một điểm hẹp nơi nước chảy gặp nước tĩnh. Các quan sát từ những sứ mệnh tàu không gian quay quanh sao Hoả từ trên không trước đây cũng cho thấy đặc điểm tương tự trên bề mặt hành tinh đỏ, vì vậy các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng miệng núi lửa Jezero, hình thành sau va chạm với thiên thạch, từng chứa đầy nước. Nhưng họ chỉ có thể chắc chắn sau khi Perseverance đến đó và say mê chụp ảnh như một du khách. Hiện tại đây là tàn tích cổ của sao Hoả. Tàu thăm dò trông ra địa hình tĩnh lặng, không chỉ quan sát vùng đất hoang cằn cỗi, mà còn là một ốc đảo bị mất.

Những bức ảnh chụp cận cảnh đã giúp các nhà khoa học kết luận rằng trầm tích có thể đã được tạo thành nhờ nước chảy, dựa trên độ dày và độ dốc lớp trầm tích, không bằng phẳng do gió hoặc những quá trình địa chất khác. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn có thể xác định những sự kiện thời tiết nhất thời trong quá khứ như lũ quét: Những tảng đá nằm rải rác dưới lòng hồ, một số tảng đá ước tính nặng vài tấn, chìm lún trong lớp trầm tích trên cùng, gợi ý rằng ban đầu chúng nằm ngoài miệng núi lửa. Những tảng đá ấy hẳn đã được dòng nước chảy xiết đánh bật lên và sau đó mang đến hạ nguồn. Nhưng môi trường không phải lúc nào cũng náo loạn như vậy. Dưới những tảng đá này là những lớp trầm tích mịn, cho thấy rằng trước khi bị oanh tạc, một dòng sông hiền từ đã nuôi dưỡng bồn trũng này.


Tầm nhìn của tàu thăm dò Perseverance ra đồng bằng châu thổ sông cổ trên sao Hoả. Ảnh: NASA / JPL-Caltech

Tầm nhìn của tàu thăm dò Perseverance ra đồng bằng châu thổ sông cổ trên sao Hoả. Ảnh: NASA / JPL-Caltech

Khoảng 3,7 tỷ năm trước, sao Hoả giống hệt Trái Đất – ấm áp, với bầu khí quyển dày đặc. Miệng núi lửa Jezero trông ra sao khi ấy? Để trả lời câu hỏi này, tôi đã tìm gặp Briony Horgan, giáo sư khoa học hành tinh tại Đại học Purdue và là nhà khoa học của Perseverance, người dẫn đầu lựa chọn miệng núi lửa Jezero làm điểm đến của sứ mệnh. Horgan luôn mơ được đứng cạnh đồng bằng sông Jezero và ngắm nhìn hồ nước. Bao quanh bồn trũng từ mọi phía là những rặng núi tối tăm – vành miệng núi lửa. Đá sẽ dốc xuống nước, dần dần thế chỗ cho bờ cát trắng. Vào những thời khắc không có lũ, mặt nước sẽ tĩnh lặng, lăn tăn vỗ bờ. Có lẽ một cơn gió nhẹ sẽ khuấy động mặt nước. Bầu trời, vốn được khí quyển chở che mà về sau đã bị loại bỏ, sẽ là một màu xanh tuyệt đẹp. “Quang cảnh chắc hẳn phải ngoạn mục lắm,” Horgan nói.

Vào thời khắc nào đó trong lịch sử, khí hậu trên sao Hoả đã thay đổi triệt để, biến hành tinh này thành một nơi lạnh giá đầy bụi như chúng ta thấy ngày nay. Tiếng sóng vỗ đã được thay thế bằng tiếng ồn ù ù của những tàu thăm dò. Các nhà khoa học không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng các nhà nghiên cứu làm việc với sứ mệnh Perseverance hy vọng sẽ tìm ra lời giải bên trong miệng núi lửa. Lòng hồ cổ là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm bằng chứng về những vi khuẩn hoá thạch, và tàu thăm dò Perseverance sẽ dành thời gian thu thập mẫu đá trên sao Hoả vào ống nghiệm và lưu trữ chúng ở nơi an toàn để những sứ mệnh tàu không gian trong tương lai có thể mang chúng về Trái Đất.

Một ngày nào đó, giống như những tàu thăm dò đàn anh, Perseverance sẽ phải tự mình trở thành một phần của khung cảnh, bất động như một tảng đá dọc đồng bằng khô hạn, nằm dưới những đám mây sao Hoả. À phải rồi, sao Hoả vẫn có mây nhé – những đám mây bồng bềnh đẹp đẽ cấu tạo từ băng. Hàng tỷ năm sau, những hồ nước và đại dương của chính Trái Đất cũng sẽ biến mất, bị đun sôi dưới cái nóng ngày càng tăng của mặt trời tuổi xế chiều. Liệu có còn đám mây nào lửng lơ, che bóng mát xuống tàn tích hiu quạnh của chính chúng ta?


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo The Atlantic)
 
×
Quay lại
Top