Thương nhớ cái...giỏ lác

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
(CPN)- Tôi từng nghĩ, Doremon có cái túi thần kỳ thì cái giỏ của mẹ tôi cũng chứa đựng trong đó biết bao điều đẹp đẽ. Đó là bữa cơm cho ba, là những chùm nho căng mọng hay mấy trái bí, trái khổ qua mang lên chợ, đó là những bịch chè, bịch đậu hũ,...

Ngót hơn 15 năm tôi không còn lủn tũn chạy theo cái giỏ xách khi mẹ vừa về tới ngõ sau buổi chợ trưa. Chừng ấy năm, ký ức tôi lúc đậm nhạt, khi khắc khoải khôn nguôi về một thời ấm êm và tươi đẹp vô cùng.

Cái giỏ đi chợ, một vật dụng hết sức bình thường ở mỗi gia đình nhưng lại có giá trị quá lớn đối với tôi và anh chị tôi, những đứa trẻ sinh ra giữa thời khốn khó. Hay nói cách khác, nó đã là một phần của lịch sử, ít nhất là với riêng tôi.

hinh-minh-hoa-bai-6-suu-tam-1427882522071.jpg

Mong mẹ đi chợ về để có quà bánh là niềm vui của nhiều đứa trẻ nhà quê như tôi. (Ảnh minh họa: internet)

Cái giỏ lác mẹ mua từ cái ngày tôi ra đời, ba tôi quýnh quáng gom hết vô đó nào bình thủy, khăn mặt, gối, tả mang vô bệnh viện cho mẹ. Qua bao nhiêu mùa nho, cái giỏ xưa bạc dần nhưng mẹ cứ tiếc “còn tốt mà, bỏ sao đành”.

Cứ mỗi sáng, sau khi nấu cơm xong là mẹ tất tả giở cơm vô cái giỏ, mang xuống cho ba đang canh rẫy nho. Tung tẩy vượt qua một quãng đường đất dài vòng vèo qua hết rẫy này rẫy nọ, cái giỏ hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất của nó. Sau khi ba mẹ ăn cơm sáng xong, cái giỏ lại theo mẹ tôi ra hầm nho (ở quê tôi người ta không gọi luống nho mà gọi là hầm nho) để cắt những chùm nho chín sớm. Thường ngày thì cái giỏ hay được đựng ớt, khổ qua, bí đao- những loại hoa màu được trồng xen trong rẫy nho và chỗ hàng ranh bụi bờ. Thi thoảng, cái giỏ còn đựng cho tôi vài trái ổi chín hay mấy trái mãng cầu bị chim ăn toét loét. Mẹ nói mấy trái chim ăn mới ngon và ngọt.

Thời giờ trôi nhanh, chẳng mấy chốc mẹ tôi và cái giỏ đã đủng đỉnh ở chợ. Chiếc giỏ oằn người, mẹ cũng gồng lên để mang bán cho kỳ hết mớ cải, mớ ớt hay bó sả cho kịp buổi chợ.

Với chị em tôi và tụi hàng xóm thì khoảnh khắc mẹ đi chợ về là khoảnh khắc hân hoan nhất trong ngày. Đang chơi nhảy dây, ném đáo, búng thun rất hăng, nhiều đứa mũi dãi thò lò đang hăng máu vì bị thua hết sạch vậy mà nghe tiếng mẹ về một cái, tụi nó chạy ùa ra, mặc kệ thế cuộc gì đang diễn ra. Rồi thì đứa chạy theo kéo cái giỏ, đứa thì bốc bịch chè ra ăn ngay lập tức, đứa thì khôn hơn xách phụ mẹ hay chu đáo như con Diên điệu, tót vô nhà lấy ly nước cho mẹ nó rồi lấy cái quạt nan quạt quạt cho mẹ nó mát.

Rõ ràng là mặt đứa nào đứa nấy rạng rỡ hẳn lên khi mẹ về (Duy chỉ có anh em thằng Lụm, thằng anh thì mếu mếu, thằng em thì nhề nhệ khóc vì tụi nó dặn mua chè chuối mà má nó quên, lỡ mua chè đậu đen). Quà cho tụi nhỏ xong, các bà mẹ cũng không quên mua khi thì cái bánh ít, khi thì bịch đậu hũ cho người già trong gia đình. Khi tôi thấy ánh mắt vui hay háy của bà nội, lúc đó tôi thầm nghĩ người già và con nít, sao mà giống nhau! Ai cũng thích có quà.

Mà cũng kỳ lạ là, các bà mẹ của chúng tôi thường mua rất giống nhau, hễ đứa này có miếng bánh khoai mì thì nhất định mẹ đứa kia cũng mua y chang vậy. Chỉ có lần nọ, mẹ thằng Chì mang về cho anh em nó hai con gà đất, chị em tôi cũng hy vọng mẹ cũng mang về, vậy mà không có. Thế là khóc ầm lên, nói mẹ không thương tụi con, mẹ không chịu đi vòng qua góc bên kia nên mẹ không thấy con gà như mẹ thằng Chì…làm mẹ tôi phải tất tả đi chợ thiệt sớm bữa sau để tìm mua cho bằng được.

Nhớ nhất mấy ngày tết, người quê tôi thường kiêng cữ đi chợ cho đến khi hạ nêu. Cái giỏ nằm bơ vơ, nhưng bọn trẻ con như chúng tôi thì không buồn mấy vì tết nhất trong nhà có đủ bánh trái, nước ngọt. Đến khi hết Tết, hết đồ ăn, lại thỏ thẻ rằng mẹ ơi mẹ đi chợ chưa, rằng con thèm cái này cái nọ.

Chiếc giỏ và những niềm vui nó mang lại gắn bó với chị em tôi suốt cả thời thơ ấu. Kể cũng lạ, mỗi lần cô giáo cho vẽ hình tả người là chị em tôi lại vẽ ảnh mẹ một tay cầm cái giỏ, miệng cười thiệt tươi, tay kia cầm…bông hoa (dù rằng mẹ chẳng bao giờ vừa cầm hoa vừa xách cái giỏ cả). Tôi từng nghĩ, Doremon có cái túi thần kỳ thì cái giỏ của mẹ tôi cũng chứa đựng trong đó biết bao điều đẹp đẽ. Đó là bữa cơm cho ba, là những chùm nho căng mọng hay mấy trái bí, trái khổ qua mang lên chợ, đó là những bịch chè, bịch đậu hũ, miếng bánh khoai mì, là cái kẹp tóc hay bộ đồ bộ, đó là khúc vải cho bà nội, là con cá chép cúng ông Táo, đó là hạt dưa, bánh in, là những con gà đất hay mấy thứ đồ chơi hợp với túi tiền nhà quê…

“Mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nải chuối buồng cau”, cái giỏ đơn sơ mà chở trong lòng nó biết bao sự lo toan, vất vả, yêu thương của mẹ. Cái giỏ là cả một thế giới muôn màu được mang đến gần hơn với những đứa trẻ quê hồn nhiên như cây như cỏ. Cái giỏ còn là biểu trưng cho sự chờ đợi và sự đáp lại đầy thiêng liêng của tình mẫu tử.

Giờ đây, cái thời thiếu thốn ấy đã qua. Tụi nhỏ bây giờ nó lớn lên với hàng quán xung quanh và hai cái siêu thị to ở trong thành phố. Với đầy đủ các món ngon. Chợ không còn là nơi duy nhất mang lại những thức quà, trái cây và niềm vui con trẻ. Những chiếc giỏ xưa giờ cũng im lìm khi được thay thế bởi những cái bao nilon tiện lợi.

Những đứa con ngày xưa giờ đã làm cha, làm mẹ. Có lúc nào giữa buổi trưa nắng mật, họ chợt thèm một cái níu giỏ hay tiếng gọi mẹ ơi?

(phunu.nld.com.vn)
 
Mẹ người phú quí vinh hoa
Mẹ người đi chợ thì ta không mừng
Mẹ ta đói rách trăm tầng
Mẹ ta đi chợ ta mừng mẹ ta.
 
bây h ai đi chợ cũng mang túi ni lông chứ ko còn ai mang giỏ lạc nữa :(
 
×
Quay lại
Top