Thủ khoa hôm nay có về giúp quê nghèo mai sau?

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Cả nước đang rộn ràng “mùa” thủ khoa, mùa Olympic quốc tế… chợt thấy tự hào khi mảnh đất hình chữ S lại hội tụ nhiều người có tiềm năng trở thành nhân tài thực sự. Càng ngạc nhiên và khâm phục hơn khi đa phần thủ khoa đều không phải các “cậu ấm cô chiêu” mà chính là những chàng trai, cô gái xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống phải chịu nhiều thiệt thòi. Có lẽ chính cái vất vả ấy lại là động lực giúp các em phấn đấu học thật giỏi để thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Điển hình trong rất nhiều các thủ khoa con nhà nghèo như: em Lê Xuân Hoàng (Hoằng Hóa – Thanh Hóa), đỗ thủ khoa của 2 ngôi trường “top trên” là ĐH Thủy Lợi và ĐH Y Hà Nội; Lê Tiến Đạt (Nông Cống – Thanh Hóa), thủ khoa Học viện Y dược cổ truyền VN; Nguyễn Cường Quốc (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đỗ Thủ khoa ĐH Tây Nguyên; Nguyễn Diệu Hằng (Vĩnh Phúc) đỗ Thủ khoa ĐH Ngoại thương… Những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ các em có thêm nguồn sức mạnh tinh thần và vật chất là rất cần thiết lúc này. Nhớ năm xưa, trước hoàn cảnh khó khăn của 2 thủ khoa trường làng: Lê Thị Minh Vượng và Phạm Văn Khánh (huyện Ứng Hòa – Hà Nội), nhiều người đã chung tay sẻ chia, giúp đỡ hai em có đủ tiền trang trải học phí và học đại học đến ngày nay… Ai cũng hy vọng, các em thành tài về xây dựng kinh tế gia đình, xóm làng và quê hương. Tiếc thay, khi con đường công danh đã trải đầy hoa hồng thì rất nhiều người đã một đi không trở lại, họ đã quên nơi “chôn nhau cắt rốn” và quên luôn “lời hứa” về đóng góp xây dựng quê hương.
Xa hơn, phải kể đến câu chuyện về những người tài được thành phố Đà Nẵng tuyển chọn cho du học làm thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngân sách, với cam kết sẽ quay về cống hiến cho địa phương tối thiểu từ 5 – 7 năm. Với chi phí 6 – 8 trăm triệu/ năm cho mỗi người, yêu cầu trên không có gì thái quá. Tuy nhiên, một số người học xong đã “mất liên lạc” với thành phố. Kết quả, điều không ai muốn đã xảy ra, thành phố Đà Nẵng dự kiến khởi kiện một số nhân tài. Nếu chuyện xảy ra, đây có lẽ là lần đầu tiên chính quyền và nhân tài phải gặp nhau ở toà án.

010813-nuoico.jpg
Thủ khoa hôm nay có về giúp quê nghèo mai sau?
Hay như chuyện về các quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” hầu hết đều đang lập nghiệp ở nước ngoài. Rất nhiều người bức xúc rằng: “tình trạng chảy máu chất xám đã rất trầm trọng, cần xem xét lại có nên tổ chức chương trình này nữa hay không? Hóa ra, chương trình mở ra chỉ để đào tạo nhân tài cho nước ngoài? Thiết nghĩ, cần phải có thêm điều kiện ràng buộc với các nhà vô địch, sau khi hoàn thành khóa học phải về VN để cống hiến cho nước nhà”.

010713-tranngocminh.jpg
Chị Trần Ngọc Minh là nhà vô địch đầu tiên của chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000. Hiện đang làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia.
Lâu nay vẫn nghĩ, nhân tài giống như những cánh đại bàng, luôn tự do “khi vui thì đậu khi buồn thì bay” khắp phương trời rộng lớn, đến những người bình thường còn “nhảy việc” nữa là. Thế nhưng dường như không phải vậy, nếu áp dụng “công thức nhân tài 3C” (Nhân tài = Năng lực x Cam kết x Cống hiến) nổi tiếng của GS Dave Ulrich, cho thấy, nếu một trong 3 yếu tố trên bằng 0, coi như kết quả làm việc cũng bằng 0. Nghĩa là nếu một người có năng lực và cống hiến tốt cho công ty, nhưng không cam kết làm việc lâu dài, hoặc không dấn thân, không cống hiến cho tổ chức thì cũng không thể coi là nhân tài!
Vậy nên, cái “đạo” đầu tiên của người trẻ là phải biết được nơi sinh ra, quê quán, nguồn gốc, xuất thân của mình. Như câu thơ, từ những ngày đầu tới trường:
“Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
… Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”.
Quả thật vậy, người có học thức phải có quê hương bởi tình cảm quê hương là giá trị tinh thần cơ bản, là nền móng vững chắc để hình thành nhân cách con người. Vẫn biết nhân tài hoàn toàn có quyền quyết định nơi mình sẽ làm việc và sinh sống, nhưng nếu cứ vụn vào việc nước ngoài hấp dẫn hơn về nước mà quên đi trách nhiệm với quê hương, thì sự lấp lánh của “tấm huy chương” cũng phần nào bị phai nhạt.” Vẫn còn đó những gương sáng như Tiến sĩ toán học Lê Bá Khánh Trình. Ông hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Khoa Học Tự Nhiên. Tham gia kì thi Toán Quốc tế năm 1979 và giành giải đặc biệt, được rất nhiều lới mời gọi của các trường Đại học danh tiếng thế giới, thế nhưng lòng yêu quê hương đã thôi thúc vị tiến sĩ quyết định làm việc tại quê nhà. Tình cảm ấy là sự cống hiến, đóng góp cho ngành Toán nước nhà.

010713-lexuanhoang.jpg
Em Lê Xuân Hoàng (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), đỗ thủ khoa của 2 ngôi trường “top trên” là ĐH Thủy Lợi và ĐH Y Hà Nội
Chính vì thế dù chúng ta có một trình độ học vấn uyên bác đi chăng nữa thì chúng ta vẫn không thể quên đi quê hương, tổ quốc của mình được. Ngược lại, chúng ta cần phải cố gắng học tập để góp phần giúp đỡ quê nghèo, làm vinh danh tổ quốc. Như lời bác Hồ kính yêu từng nói: “non sông, đất nước Việt Nam có sánh ngang với các cường quốc năm châu khác được hay không chính là nhờ vào công lao học tập của các cháu”. Bài học về cái tâm, cái đức của những người tài được lồng ghép hồn nhiên trong từng suy nghĩ gửi đến các bạn trẻ. Liệu Thủ khoa hôm nay có về giúp quê nghèo mai sau? và có quá lời không khi nói đất nước đang cần những nhân tài biết hỏi “Tôi đã làm gì cho tổ quốc” trước khi hỏi “Tổ quốc đã làm gì cho tôi”?
 
Đến bao giờ những người tài mới biết nghĩ cho quê hương đất nước, chịu hy sinh một chút đây.
 
1.ai cũng có quyền được ghét quê hương mình cả
2.người học giỏi đâu phải là người duy nhất có thể giúp nước đâu
 
×
Quay lại
Top