Tặng sách & sách tặng

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
1. Trước khi bìa sách ruột sách đưa đi in, tôi thường trực tiếp gửi file bìa cho tác giả xem lần nữa. Bìa sách sắp in này thường được tác giả post lên facebook, lên blog, trước hết là để chia vui với bạn bè, sau nữa là giới thiệu gương mặt “đứa con” sắp chào đời của mình với tâm trạng hồi hộp, hạnh phúc, mà đằng sau nỗi hân hoan đó là những tháng ngày âm thầm viết, âm thầm rút tỉa niềm vui nỗi đau của chính mình và gom nhặt nỗi niềm của nhiều thân phận. Tác giả của những quyển sách sắp được phát hành nhận được những lời chúc mừng, lời chia sẻ, lời hứa “sẽ mua sách”, nhưng phần đông số người quen, người thân, bè bạn thì thường… yêu cầu tác giả tặng sách.

2.
Tặng sách, tức tặng một món quà với một giá trị vừa giống vừa không giống nhiều món quà thông thường khác. Giống, bởi sách cũng là hàng hóa, dù là loại hàng hóa đặc biệt. Mà khi đã là hàng hóa và được bày bán ở cửa hàng thì người nào bỏ tiền ra mua, người đó được sở hữu. Và cũng như những mặt hàng khác, người sở hữu được (ngay cả khi được cho, được tặng) phải sử dụng nó: món ăn thì phải bỏ vào miệng, rượu ngon thì phải uống, quần áo đẹp thì phải mặc, vàng vòng thì phải đeo, xe thì phải chạy, nhà thì phải ở, sách thì phải đọc…

Khi quyển sách được tác giả ký tên vào trang sách và tặng, nó không còn là một món hàng thông thường mà có tiền là mua và được sở hữu. Giá trị quyển sách luôn vượt khỏi giới hạn của đồng tiền và chi phối bởi đồng tiền, nếu quyển sách được đọc một cách chăm chú, đọc bằng sự thấu cảm và đọc bằng sự trân trọng “món quà” được làm nên bởi tài năng, mồ hôi và cả nước mắt. Khi một quyển sách được đón nhận như thế, có lẽ không một tác giả nào lại không cảm thấy hạnh phúc và sẵn sàng ký tên tặng sách, chỉ mong gặp được tri âm.
3.
Tri âm, luôn là nỗi khao khát, không chỉ của người cầm bút. Nhưng với người cầm bút, tri âm luôn là nỗi kiếm tìm đau đáu, bởi nhà văn không chỉ đối diện âm thầm trước trang viết mà còn đối diện với cô đơn. Càng cô đơn càng mong có được tri âm. Tri âm ở những nhân vật nơi trang viết và tri âm ở những người đón đọc những trang viết. Khổ nỗi, nhà văn thường nhẹ dạ và cả tin.

32-stock-photo-book-wrapped-with-a-ribbon-153470027.jpg


Cứ tin sách mình tặng sẽ được đọc, được đắm chìm như mình đã từng đắm chìm. Cho đến khi nhận ra việc gặp được tri âm cũng khó như biết làm người tri âm. Và khi biết sách mình ký tên và tặng chỉ được đọc lướt, thậm chí sau một thời gian, những quyển sách do tác giả tặng được chủ nhân của nó, có người ý tứ xé đi trang đề tặng, có người vô ý tống luôn quyển sách có đầy đủ lời đề tặng nắn nót và chữ ký của người tặng sách cho hiệu sách cũ hoặc cho người mua ve chai.
4.
Sách tặng thường ít được đọc, là nhận xét của nhiều “khổ chủ” sau một thời gian dài mới ngộ ra. Và dù đã ngộ ra, nhưng có lẽ chỉ trừ một vài tên tuổi mà sách của họ lúc nào, quyển nào cũng best seller (dù không phải quyển nào cũng hay) thì không cần tặng sách, còn lại số đông, vẫn không khước từ được thói quen tặng sách và chưa làm quen được với việc mạnh dạn tự giới thiệu sách và trực tiếp bán sách. Gần đây tác giả trẻ Nguyễn Hữu Tài (tác giả của Những chuyến thiên di, Cô đơn thẳng đứng, Nỗi buồn rực rỡ, Chồm hổm chợ quê…) tuy sinh sống và làm việc tại Mỹ nhưng lần nào ra mắt sách mới, Tài cũng bay về Việt Nam để trực tiếp bán sách với mục đích: “Tôi bán sách không phải vì tiền, chỉ muốn sách của mình được đến tay độc giả trong thời gian sớm nhất, góp phần tháo bỏ quan niệm chờ tác giả tặng sách. Tôi hạn chế việc tặng sách đến mức tối đa, dẫu bạn bè thân thiết đến cỡ nào cũng nên bỏ tiền ra mua sách. Vì khi mua, họ sẽ biết quý công sức mình bỏ ra để có được đồng tiền mua sách, như thế họ sẽ đọc”.

Sách được đọc mới thực sự là quyển sách có giá trị trọn vẹn. Người đọc được sách và tìm thấy nơi trang sách những giá trị là một người giàu có, thứ giàu có mà bạc tiền không mua được.

Theo PNTP
 
×
Quay lại
Top