Sứ mạng lớn lao của các trường THPT chuyên

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trước thềm năm học mới 2013 - 2014, ngày 21/8, trong chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chỉ đạo mang tính định hướng cho các cấp quản lý giáo dục, cán bộ - giáo viên, nhà trường, cơ sở giáo dục tỉnh Thanh Hóa.

images669779_5.jpg

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa)
Nhân rộng kinh nghiệm của trường THPT chuyên


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa; Sở GD&ĐT tỉnh; thăm, tặng quà, động viên khích lệ tinh thần cán bộ quản lý, giáo viên, HSSV các trường: THPT chuyên Lam Sơn; Trường MN Tư thục Happy Home (TP Thanh Hóa) và Trường ĐH Hồng Đức.

Đến thăm Trường THPT Chuyên Lam Sơn - ngôi trường đã khẳng định được uy tín với thành tích đạt được ở trong nước, khu vực và quốc tế - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu nhân rộng những kinh nghiệm quý báu của Trường THPT chuyên Lam Sơn trong hệ thống trường THPT chuyên cả nước, các trường THPT đại trà của tỉnh Thanh Hóa. Những truyền thống mà chỉ riêng nhà trường có được cũng cần nghiên cứu kĩ lưỡng, phát huy trong thời gian tới để có nhiều thành tựu giáo dục mũi nhọn hơn nữa.

Bên cạnh đó Bộ trưởng mong muốn các GV nhà trường xuất phát từ tâm huyết, lòng yêu nghề đóng góp những ý kiến đến Bộ GD&ĐT phản ánh khó khăn, vướng mắc, bất cập, không phù hợp của cơ chế, cách thức làm việc hiện thời tác động tới sự phát triển của những ngôi trường mũi nhọn. Đây là những ý kiến rất quan trọng, xuất phát từ chính thực tế. Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe, tiếp thu và cải tiến để có chính sách phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục.

Nhân ý kiến của cô giáo trẻ Mai Châu Phương - Giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn - về ưu tiên tuyển thẳng vào CĐ - ĐH đối với các HS lọt vào vòng 2 của vòng thi chọn các đội tuyển đi thi khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD&ĐT đã đổi mới cách thức tổ chức kì thi HSG quốc gia. Các công tác tổ chức, ra đề thi, chấm thi... hoàn toàn theo cách thức của các kì thi quốc tế, kì thi HSG quốc gia đã hội nhập kì thi quốc gia với kì thi quốc tế.

Đồng thời, Bộ đã giao cho các nhà khoa học giỏi về chuyên môn đứng ra tổ chức kì thi, Bộ GD&ĐT chỉ ra chủ trương, tạo điều kiện mọi mặt về vật chất, tinh thần cho HS tham gia kì thi. Chính nhờ vậy, chất lượng kì thi HSG quốc gia đã đi vào thực chất hơn.

Tiếp đó Bộ GD&ĐT quyết định khôi phục lại chế độ tuyển thẳng HSG quốc gia, khu vực và quốc tế ở các môn văn hóa vào CĐ - ĐH. Ý kiến của cô giáo Châu Phương sẽ được Bộ GD&ĐT nghiêm túc nghiên cứu vì HSG được chọn vào vòng 2 đã là có năng lực thực sự.

images669781_8.jpg
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn (giữa) trân trọng đón nhận ảnh Bác Hồ từ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng cho nhà trường.

Đào tạo, bồi dưỡng GV - CBQL phải xuất phát từ thực tiễn giáo dục

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Để có được tập thể sư phạm sáng tạo, đổi mới, GV phải đổi mới. GV không đổi mới không thể dạy HS đổi mới, GV không tự nâng cao kiến thức thì không thể đòi hỏi HS tự học. Chính vì vậy mà ngành GD phát động Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.

GV dạy HS tự học, nghiên cứu thì trước hết bản thân phải biết tự học, nghiên cứu. Để thúc đẩy GV, HS chủ động trong hoạt động tự học, nghiên cứu, người CBQLGD phải biết đến hoạt động này; có thể không giỏi, sâu sắc về hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng người cán bộ phải biết tạo môi trường, điều kiện và nhất là động lực để động viên, khuyến khích GV và HS.

Theo Bộ trưởng, hoạt động từ thực tiễn GD trên đây phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho GV, CBQLGD nội dung, kĩ năng gì thì phải xuất phát từ thực tiễn giáo dục. Xuất phát từ nhu cầu tự thân đó để đào tạo bồi dưỡng GV - CBQLGD (khác hẳn với cách từ trước đến nay vẫn làm là chỉ rao giảng lý thuyết) mới mong có được sự đột phá trong giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã và đang thiết kế các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV -CBQLGD theo hướng này. Đồng thời Bộ mong nhận được những đề xuất, kiến nghị từ GV-CBQLGD của các trường THPT chuyên các địa phương, các trường hàng đầu như Lam Sơn, các trường đặc thù của các vùng miền để công tác này thiết thực, có hiệu quả.

Trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” mà Bộ đang xây dựng trình Bộ Chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng GV - CBQLGD trở thành nội dung hết sức quan trọng. Bộ trưởng nhấn mạnh: Từ trước đến nay, giáo sinh tốt nghiệp ĐH Sư phạm là đi dạy, trở thành GV. Trong đó có một số ít GV ham học hỏi, tự đào tạo nâng cao trình độ có hàm thạc sĩ, tiến sĩ. Số còn lại cơ bản hành nghề với trình độ như lúc mới ra trường; không có đào tạo lại, không có bồi dưỡng định kỳ như hiện nay. Theo đó không đáp ứng được mục tiêu nâng cao trình độ để theo kịp với thực tiễn giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Phải đưa chu kì đào tạo, bồi dưỡng GV - CBQLGD vào thực chất với chương trình thực chất, nội dung thực chất, hình thức thực chất.

images669782_9.jpg
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận động viên, khích lệ tinh thần cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn trước thềm năm học mới

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn các trường THPT chuyên, trong đó có Trường THPT Chuyên Lam Sơn - phải đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra - đánh giá.

Trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” mà Bộ đang hoàn thiện, công tác này sẽ được đổi mới theo hướng: Thay cách dạy trước đây là đọc - chép, thầy giảng - trò ghi, truyền thụ kiến thức một chiều, HS thụ động và không vận dụng sáng tạo được những kiến thức đã học - sang cách dạy mới là thầy hướng dẫn trò tự học, tự nghiên cứu. Cách giảng dạy này đặc biệt quan trọng đối với THPT chuyên, khi vai trò của người thầy ở đây không còn là người truyền thụ nữa mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn HS tự học và học theo nhóm.

Bộ trưởng đề nghị cán bộ, GV trường THPT chuyên Lam Sơn và ngành GD&ĐT Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung chú ý đến công tác đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: HSG không phải là mục tiêu cuối cùng của hệ thống giáo dục. Trách nhiệm của chúng ta, những người làm giáo dục và cũng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội không phải là hướng đến mục tiêu đoạt nhiều giải quốc tế. Đây mới chỉ là khâu trung gian. Mục tiêu cuối cùng của hệ thống giáo dục là phải đào tạo được những nhà khoa học, nhà kỹ nghệ, thương nhân danh giá, những cán bộ quản lý tài ba.

Quá trình học tập của HS từ bậc học phổ thông lên ĐH là một quá trình dài hơi như chạy marathon đường dài. Do vậy, khi đã đạt được thành tựu giáo dục mũi nhọn, các nhà trường, nhất là các trường THPT chuyên cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn xã hội phải nghĩ đến sứ mạng lớn lao: Động viên, khích lệ, giúp đỡ các em HS giỏi vượt qua mọi khó khăn trong học tập, nghiên cứu để phấn đấu học thành tài..

Ngày 20/1/2012, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 382/QĐ-BGDĐT về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng CBQLGD. Chương trình mới được thiết kế theo định hướng tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất về lãnh đạo và quản lý GD&ĐT, là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý GD&ĐT cho đội ngũ CBQLGD trong thời kỳ mới.

Bộ GD&ĐT đã đổi mới cách thức tổ chức kì thi HSG quốc gia. Các công tác tổ chức, ra đề thi, chấm thi... hoàn toàn theo cách thức của các kì thi quốc tế, kì thi HSG quốc gia đã hội nhập kì thi quốc gia với kì thi quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Theo giaoducthoidai.vn

 
×
Quay lại
Top