Rợn người bán thận để . . . đánh lô

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Phải mất khá nhiều thời gian trong vai khách mua thận, chúng tôi mới đột nhập được thế giới của những chàng trai trẻ bán thận.

Bán thận nuôi em, mở cửa hàng

Sau khi đăng tải thông tin về cần mua thận trên các trang rao vặt, hàng ngày phóng viên đều nhận được 3-4 người liên lạc. Khi được hỏi về hậu quả, tất cả đều biết rất rõ nhưng họ vẫn “nhắm mắt” làm liều. Sau khoảng hơn 10 số điện thoại liên lạc, cuối cùng phóng viên cũng tìm được một thanh niên ở Hà Nội cần bán thận. Liên lạc qua điện thoại, người này giới thiệu tên Quân, đang làm nhân viên công ty máy tính nhỏ ở phố Lê Thanh Nghị. Quân cũng không ngần ngại đưa ra lý do cần tiền trả nợ nên mới bán thận.

Cũng như nhiều người khác, Quân nhất định không mời về nhà mà hẹn phóng viên đến một quán cafe nằm trên đường Lạc Long Quân để thỏa thuận. Cậu ta tỏ ra nghiên cứu khá kĩ các tài liệu đã có trên mạng với những thông tin về nhóm máu, sức khỏe, địa điểm cấy ghép ở Việt Nam và Trung Quốc…


xhbanthan.jpg

Rất nhiều người tự rao bán một phần cơ thể của mình trên mạng

Đúng giờ hẹn, PV có mặt tại điểm hẹn còn Quân đã ngồi chờ trên tầng 3 của tòa nhà. Trông Quân già hơn tuổi 23 của mình, dáng người dong dỏng cao, gầy gò. Gương mặt tràn đầy sự suy tư ẩn sau cặp kính cận dày cộp. Mái tóc gọn gàng nhưng lốm đốm bạc.

Chúng tôi chọn một vị trí gần cửa sổ. Vào đầu giờ sáng nên quán cà phê chưa hề có khách ngoài hai chúng tôi. Câu chuyện vì thế cũng có phần cởi mở hơn. Quân nói nhỏ, vừa đủ nghe còn tôi thì phải cố gắng nói to để xua đi sự e ngại mới đầu.

Nhà Quân ở làng Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) nhưng vào làm cho công ty máy tính V.A ở Lê Thanh Nghị. Hàng tháng lương của một kĩ thuật viên bảo hành chỉ từ 2 đến 2,5 triệu đồng không đủ để chi phí cho bản thân chứ chưa nói gì đến việc lo cho gia đình. Mỗi buổi sáng, Quân thường đến công ty sớm, quẹt thẻ kiểm tra rồi sau đó lấy lý do “chăm sóc khách hàng” ra ngoài tìm việc bảo hành máy tính thuê cho các gia đình. Thu nhập thêm hàng tháng cũng được khoảng 1,5 triệu.

Hiện tại, em trai Quân đang học ĐH Thủy Lợi khoa cấp thoát nước, đào tạo theo chương trình quốc tế nên chi phí khá đắt đỏ. Trung bình một tháng, riêng chi phí tiền học của em Quân cũng mất tới 4-5 triệu đồng. Thương cậu em hiếu học nên gia đình vẫn cắn răng để cậu bé theo đuổi ước mơ.

Bố mất sớm, gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của người mẹ khiến Quân càng thêm suy nghĩ về vai trò của mình trong gia đình. Đồng lương ít ỏi 1,5 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm) của mẹ Quân – công nhân công ty Môi trường đô thị Hà Nội – không đủ để gánh đỡ cả gia đình.

Sau hơn 1 năm, Quân chuyển công ty tới 3,4 lần nhờ đó cậu cũng tích lũy được một số mối hàng quen nhất định. Đây cũng là lúc cậu có ý định tách ra để làm ăn riêng, tự mình làm chủ một cửa hàng nho nhỏ. Quân tâm sự: “Một cửa hàng nhỏ thì nó cũng là của mình. Có cửa hàng mình có thể đứng ra để vay vốn và có thể làm những đơn hàng lên tới vài trăm triệu. Nếu làm thuê thì điều này là không thể”.

xhbanthan1.jpg

Những tờ giấy chứng nhận sức khỏe được người bán đưa ra để đảm bảo về sức khỏe của bản thân.

Biết nguy hiểm: Vẫn làm

“Nếu gia đình không đồng ý thì sao?”, khi PV đặt câu hỏi, Quân không ngần ngại khẳng định: “Giờ mình cũng lớn rồi, mình tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm”. Hiện tại gia đình không ai biết Quân có ý định đi bán thận. Nếu mọi việc thuận lợi, Quân sẽ nói dối mẹ là đi công tác 2, 3 tháng trong miền Nam.

xhbanthan2.jpg

Những thanh niên có nhu cầu bán thận đều chọn những nơi giao dịch khá kín đáo


Khi phóng viên đề cập tới việc sẽ mời Quân sang Trung Quốc để tiến hành ghép thận, cậu tỏ ra rất thẳng thắn: “Trong trường hợp này sẽ có hai cách giải quyết. Một là sẽ lấy thận của em và bảo quản để đem sang đó ghép. hai là em sẽ sang đó cùng gia đình anh nhưng sẽ phải có bạn thân của em đi cùng”. Tôi gật đầu đồng ý, nhưng dường như cậu ta như vẫn còn có điều gì đó chưa thật thoải mái. Quân tiếp lời: “Nói thật là em không muốn sang nước ngoài để làm việc này. Sang đó em sẽ không có ai cả. Ở đây dù sao thì em cũng vẫn còn có gia đình”.

Qua tìm hiểu, Quân được biết những người cho thận thường sức khỏe thường sẽ suy giảm dần và dễ dàng nhận thấy khi bước vào tuổi 50. Tôi lại hỏi dồn: “Thế cậu định chỉ làm ông chủ đến năm 50 tuổi thôi à. Sau này ai sẽ là người lo cho cậu trong nửa đời người còn lại”. Quân lặng người không trả lời. Cậu ta lại tiếp tục châm điếu thuốc thứ 4 chỉ sau hơn 30 phút trò chuyện.

xhbanthan3.jpg

Những cạm bẫy luôn rình rập với những người đang có ý định bán một phần cơ thể của mình.

Vô tư rao bán thận không cần biết “tử thần” rình rập

Một thanh niên quê gốc tên Hải quê gốc ở Thái Nguyên xuống Thủ đô lập nghiệp đã nhiều năm nay. Với chiếc bằng CNTT ngành quản trị mạng, Hải không thể kiếm được một công việc ưng ý ở mảnh đất thủ đô đầy sôi động. Nhà khó khăn, nên Hải định bán một phần cơ thể để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày dưới Thủ đô và cần một số tiền lớn để có thể xin việc vào một cơ quan làm truyền thông ở Hà Nội.

Trường hợp của Hải đã khiến phóng viên hết sức bất ngờ. Tình cờ trong câu chuyện của những người bạn, Hải được biết có thể kiếm được một số tiền lớn từ việc mua bán thận. Chỉ với số ít thông tin được tham khảo vội vàng trên các trang mạng, Hải quyết định tìm người mua một bên thận của mình với giá 100 triệu.

Khi phóng viên hỏi về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra về sức khỏe, Hải ngơ ngác đáp: “Những cái đó thì bây giờ mình mới biết. Nhưng không sao cả, bây giờ mình đang cần tiền nên vẫn quyết định bán”. Cũng như Quân, khi tiến hành công việc mua bán thận, Hải sẽ nhờ một người bạn thân đứng ra thực hiện giao dịch thanh toán và nhất quyết phải có cậu bạn thân đi cùng trong trường hợp công việc cấy ghép được tiến hành bên Trung Quốc.

Một số người bán thận khác thì sổ toẹt luôn mục đích bán: Lấy tiền cá độ và trả nợ cá độ. “Không trả tiền, bọn bảo kê cá độ hại tính mạng thì còn hại hơn là giảm sút sức khỏe do bán thận” – Tùng, một sinh viên năm cuối ĐH Thương Mại nói với phóng viên như vậy.

Những ẩn họa từ việc mua bán thận luôn luôn rình rập những thanh niên trẻ có ý định mua bán một phần cơ thể của mình. Hải và Quân cũng như nhiều thanh niên khác, dù được biết rất rõ về những hậu quả có thể xảy đến từ việc mua bán thận nhưng họ vẫn kiên quyết làm, bỏ mặc những lời can ngăn của bạn bè.

Hủy hoại một phần cơ thể của mình cũng có nghĩa họ đang bất hiếu với những đấng sinh thành. Nếu biết được cuộc “giao dịch” thế này từ chính những đứa con mình, chắc hẳn những bậc phụ huynh hoặc người thân của họ chắc chắc sẽ không có được một giây phút yên ổn trong quãng đời của họ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, việc rao, mua bán thận trên mạng là chuyện bình thường của xã hội. Tuần nào ở khoa cũng có mấy thanh niên bảo là sinh viên đang cần tiền gấp đến gạ gẫm hỏi có ai cần mua thận thì sẵn sàng bán. Tuy nhiên, việc mua bán bộ phận cơ thể người pháp luật Việt Nam không cho phép nên bác sĩ cũng không thể giới thiệu dù có nhiều người cần.

Cũng theo tiến sĩ Luận, tại Việt Nam hiện nay các ca ghép thận được thực hiện chủ yếu là do người nhà hiến. Vì thế, nếu người nào thỏa thuận mua được thận phù hợp để ghép thì thường sang Trung Quốc ghép. Hoặc đến bệnh viện họ khai là người thân, anh em hiến thận cho nhau.

“Việc nhiều người lách luật để bán thận là chuyện có xảy ra. Đúng luật một người đến cho thận phải trình hộ khẩu, chứng minh thư, tuy nhiên thực tế không mấy nơi ghép thận thực hiện điều này”.

Điều 11 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như: cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại… Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra chế tài áp dụng khi vi phạm một trong những hành vi trên.

Theo VTC.vn​
 
Quay lại
Top