Quê hương tan rã - Chinua Achebe

PHẦN THỨ BA - Chương 20

Bảy năm xa thị tộc quả là một thời gian dài đằng đẵng. Chỗ của ta đâu có ở đó mà đợi ta. Khi ta đi thì có người khác đứng dậy tới chiếm liền. Thị tộc như một con rắn mối, hễ cụt đuôi thì mọc ra khúc đuôi khác liền.



Okonkwo biết như vậy. Ông biết rằng đã mất chỗ trong đám chín hồn thiêng đeo mặt nạ xử kiện trong thị tộc. Mất cơ hội chỉ huy thị tộc hiếu chiến của ông để tấn công tôn giáo mới đã bành trướng, theo lời người ta nói. Đã mất mấy năm nếu không thì đã có thể lên được những cái chức vị cao nhất trong thị tộc. Nhưng có vài cái mất mát có thể vãn hồi lại được. Lần hồi hương này phải rực rỡ, làm cho cả dân làng chú ý tới, và ông sẽ ráng gỡ lại bảy năm đã bỏ phí.



Ngay từ năm đầu bị đày ở quê ngoại, ông đã chuẩn bị cho cuộc hành hương này rồi. Việc đầu tiên ông sẽ làm là xây dựng lại dinh cơ cho lộng lẫy hơn. Ông sẽ cất một cái lẫm lớn hơn trước, cất thêm chòi cho hai người vợ mới cưới nữa. Rồi ông sẽ tập cho các con trai vô đoàn ozo để cho thiên hạ thấy cảnh phú quí của ông. Chỉ những người thực sang trọng trong thị tộc mới làm được như vậy. Dân làng sẽ kính trọng ông, ông sẽ nhận chức cao nhất trong miền, điều đó ông tin chắc rồi.



Trong mấy năm lưu đày, càng ngày ông càng thấy rằng thần bổn mạng của ông có thể đền bù cho ông tai họa trước kia. Khoai mài của ông tăng lên nhiều, chẳng những tại quê ngoại, ngay cả ở Umuofia nữa vì ở đó, bạn thân của ông vẫn mỗi năm phân phát cho người ta làm rẽ.



Rồi xảy ra chuyện đau lòng về đứa con trai lớn. Mới đầu, ông tưởng không đủ can đảm để chịu nổi, nhưng ông vẫn kiên nhẫn, rốt cuộc thắng được nỗi khổ tâm. Còn năm người con trai nữa, ông sẽ dạy chúng theo tục của thị tộc.



Ông cho kêu năm người con trai đó lại obi ngồi gần ông, đứa nhỏ nhất mới bốn tuổi và ông bảo:

- Các con đã thấy cái tội của thằng anh các con đấy. Từ nay nó không còn là con của cha nữa, cũng không còn là anh của các con nữa. Cha muốn rằng con trai của cha thì phải là hạng nam nhi, hiên ngang đi trong đám dân chúng. Nếu các con có đứa nào muốn làm đàn bà thì nó nên đi theo thằng Nwoye ngay bây giờ để cha có thể nguyền rủa nó khi cha còn sống. Khi cha chết rồi mà các con phản lại cha thì cha sẽ hiện hồn về bẻ cổ đấy.



Okonkwo rất mừng về phía các con gái, luôn luôn tiếc rằng Ezinma không phải là con trai. Trong đám con, chỉ có một mình nó là hiểu được tính tình ông. Tình thiện cảm giữa hai cha con càng ngày càng tăng.

Ezinma đã lớn rồi và thành một thiếu nữ đẹp nhất ở Mbanta, bên quê ngoại. Người ta gọi em là “Thủy tinh đẹp”, như hồi xưa người ta gọi má em. Đứa nhỏ hồi xưa hay đau ốm thường làm cho mẹ lo lắng khổ sở, nay đã biến đổi một cách gần như đột ngột, thành một thiếu nữ dồi dào sinh lực, vui vẻ, hoạt bát. Cũng có lúc nàng rầu rĩ, ăn nói dấm dẳng với mọi người, như một con chó muốn cắn ai vậy. Lâu lâu nàng trái tính như vậy, mà chẳng hiểu tại đâu. Nhưng những lúc đó rất hiếm mà chỉ một lát là qua; và trong khi gắt gỏng quạu cọ, người duy nhất nàng chịu được là cha nàng.



Nhiều thanh niên và phú gia đứng tuổi lại cầu thân với nàng. Nàng từ chối hết vì nghe lời cha. Buổi tối đó, cha nàng kêu nàng vô bảo:

- Ở đây có nhiều người đàng hoàng và giàu có, nhưng cha muốn rằng khi nào chúng mình về quê nội ở Umuofia rồi con hãy lấy chồng.

Ông không nói thêm gì nữa. Nhưng Ezinma hiểu rõ ý nghĩ của ông và đoán được câu đó ngầm chứa những gì rồi. Và nàng đồng ý với cha.

Okonkwo nói thêm:

- Em con, Obiageli không hiểu được cha đâu. Con giảng cho nó nghe.

Tuổi tuy suýt soát nhau, nhưng Ezinma có ảnh hưởng lớn tới Obiageli. Nàng giảng cho em hiểu tại sao chưa nên có chồng vội và Obiageli cũng nhận là phải. Vì vậy cả hai đều từ chối những đám cầu hôn ở Mbanta.

Okonkwo nghĩ bụng: “Phải chi nó là con trai”. Cái gì, nàng cũng hiểu rõ. Có người con nào khác của ông đoán được ý của ông như nàng đâu. Có hai người con gái diễm lệ tới tuổi gả chồng, thì lần này về Umuofia, tất được mọi người chú ý tới. Những con rể tương lai của ông sẽ là những người có quyền thế trong thị tộc. Bọn nghèo và vô danh tiểu tốt đâu dám bén mảng tới.





*

* *





Umuofia đã hoàn toàn thay đổi trong bảy năm Okonkwo xa quê hương. Giáo hội đã tới và làm cho nhiều kẻ lầm đường lạc lối. Không phải chỉ riêng những kẻ tầm thường và bọn tiện dân osu, mà còn có cả một vài người có danh vọng theo tôn giáo mới nữa. Tức như trường hợp của Ogbuefi Ugonna đã có được hai chức vị trong làng rồi mà cũng như một thằng điên, cắt đứt cái vòng chức phận ở cổ chân rồi liệng đi để nhập bọn theo Ki Tô giáo. Nhà truyền giáo da trắng vinh hạnh về ông ta lắm và ông ta là một trong những người đầu tiên ở Umuofia được nhận phép ban Thánh Thể, mà người Ibo gọi là Bữa Thánh. Ogbuefi Ugonna tưởng bữa đó sẽ được ăn uống và chỉ khác các bữa tiệc ở làng là có tính cách thiêng liêng hơn thế thôi. Vì vậy ông ta bỏ cái sừng uống rượu vào trong cái đẫy bằng da dê để tới giáo đường.



Nhưng ngoài giáo đường ra, người da trắng còn lập một chính phủ nữa, dựng một tòa án, cho Ủy viên của khu xử án mặc dầu chẳng biết chút gì. Có bọn sứ giả của Triều đình bắt phạm nhân tới xử. Nhiều sứ giả từ Umuru lại; Umuru ở trên bờ con Sông Cái, là nơi mà người da trắng tới đóng trước hết, đã lâu rồi, thành lập trung tâm tôn giáo, thương mại và chính quyền của họ. Dân chúng Umuofia ghét cay ghét đắng bọn sứ giả đó vì họ đã là ngoại nhân, mà lại vênh váo tàn bạo. Người ta gọi họ là bọnkotma vì họ bận quần cụt màu tro, và họ còn có thêm cái tên là Đít-màu-tro nữa. Họ gác khám đường chật ních những người vi phạm pháp luật của người da trắng, chẳng hạn như đã liệng những trẻ sinh đôi vào rừng, hoặc ức hiếp các người theo đạo Ki Tô. Bọn kotma đánh đập những phạm nhân đó, bắt họ làm việc mỗi buổi sáng: quét dọn khu vực của chính quyền, kiếm củi cho Ủy viên da trắng và các sứ giả Triều đình (Anh). Trong số phạm nhân có vài người có chức tước, đáng lẽ không phải làm những công việc đê tiện đó, sinh lòng oán hận, và than thở rằng phải bỏ công việc đồng áng. Bọn trẻ vừa phát cỏ buổi sáng bằng chiếc rựa vừa hát theo nhịp:





Thằng kotma có đít màu tro,

Chỉ đáng làm tên nô lệ.

Thằng da trắng chẳng biết cóc khô.

Chỉ đáng làm tên nô lệ.





Bọn sứ giả Triều đình không thích cái tên Đít-màu-tro nên đánh đập họ. Nhưng bài hát cũng lan khắp Umuofia.



Okonkwo rầu rĩ cúi đầu nghe Obierika kể lại những chuyện đó, rồi nói mà gần như tự hỏi mình:

- Có lẽ tôi xa quê lâu quá. Nhưng tôi không làm sao hiểu được những điều anh nói đó. Dân tộc mình ra sao vậy? Tại sao mà mất tinh thần chiến đấu đi?

Obierika hỏi:

- Anh không nghe nói người da trắng đã san phẳng Abame ra sao ư?

Okonkwo đáp:

- Có, tôi được nghe, nhưng tôi cũng nghe nói rằng dân Abame nhu nhược và ngu ngốc. Tại sao họ không chống cự lại? Họ không có súng và rựa ư? Chúng ta mà tự so sánh với tụi Abame thì chẳng hóa ra hèn nhát ư? Ông cha họ đâu dám chống lại ông cha chúng ta. Chúng ta phải đánh đuổi tụi ngoại nhân đó ra khỏi xứ mới được.

Obierika rầu rĩ đáp:

- Trễ quá rồi. Người của chúng ta, cả con cái chúng ta cũng đi theo phe ngoại nhân rồi. Họ theo tôn giáo của chúng và giúp chúng duy trì chính phủ chúng lập nên. Nếu chỉ đuổi người da trắng ra khỏi Umuofia thì là việc dễ. Chỉ có hai đứa. Nhưng còn những người làng đã theo tục lệ của chúng và được chúng giao cho quyền hành? Họ sẽ lại Umuru và dắt lính tráng lại, và chúng ta sẽ như Abame thôi. (Ông ngừng lại một lát rồi nói thêm): Lần cuối cùng tôi lại thăm anh ở Mbanta, tôi đã kể cho anh nghe chúng treo cổ Aneto ra sao rồi.

Okonkwo hỏi:

- Thế rồi vụ tranh kiện miếng đất đó ra sao?

- Nnama đã tặng nhiều tiền hơn cho bọn sứ giả và cho tên thông ngôn của người da trắng nên tòa án của tụi đó đã xử cho Nnama thắng, miếng đất phải trả về cho gia đình Nnama.

- Người da trắng có hiểu tục lệ về đất cát của ta không?

- Làm sao họ hiểu được, ngay ngôn ngữ của mình họ cũng không biết. Nhưng họ chê phong tục của chúng ta bậy bạ; mà chính những anh em của chúng ta theo tôn giáo họ rồi cũng chê phong tục của chúng ta bậy bạ. Anh nghĩ coi, làm sao chúng mình có thể chiến đấu được khi mà chính anh em chúng ta cũng chống lại chúng ta? Thằng da trắng quỷ quyệt lắm. Chúng ta thấy nó ngu ngốc mà cười và cho phép nó ở. Bây giờ nó đã chinh phục được anh em của chúng ta và thị tộc không còn đoàn kết như một người để hành động nữa. Nó đã cắt những dây kết chặt chúng ta với nhau và chúng ta đã tan rã.

Okonkwo hỏi:

- Chúng làm cách nào mà bắt rồi treo cổ Aneto được?

- Trong cuộc tranh giành đất cát, Aneto giết Oduche rồi trốn lại Aninta để khỏi bị Thổ Thần trừng trị. Việc đó xảy ra khoảng tám ngày sau cuộc chém lộn, vì Oduche bị thương nhưng chưa chết ngay, bảy ngày sau mới chết. Nhưng mọi người đều biết thế nào hắn cũng chết, và Aneto thu thập của cải đồ đạc, chuẩn bị để trốn. Nhưng tụi theo Ki Tô giáo cho thằng da trắng hay và thằng da trắng phái bọn kotma lại bắt Aneto. Nó giam Aneto và tất cả những người lớn trong gia đình Aneto. Sau cùng, Oduche chết, Aneto bị tụi nó đưa lại Umuru và treo cổ ở đó. Còn những người kia được thả ra, nhưng tới nay họ vẫn chưa hoàn hồn, để kể nỗi đau khổ của họ được.



Obierika nói xong, hai người ngồi làm thinh một lúc lâu.
 
Chương 21

Umuofia có nhiều đàn ông và đàn bà không oán ghét chế độ mới như Okonkwo. Người da trắng đã đem tới một tôn giáo điên khùng thực đấy, nhưng cũng đã dựng một trung tâm thương mại và lần đầu tiên, rượu kè và trái kè thành những vật có giá trị, và tiền bạc chảy vô Umuofia như nước.



Ngay về phương diện tôn giáo, cũng càng ngày càng có nhiều người nghĩ rằng xét cho cùng, tôn giáo mới không phải là vô nghĩa hẳn, tuy điên khùng quá cỡ nhưng cũng có cái gì tựa tựa như một thứ khuôn phép.



Sở dĩ dân chúng có thiện cảm như vậy là nhờ ông Brown, người truyền giáo da trắng. Ông ta rất cương quyết cấm tín đồ gây sự phẫn nộ của thị tộc. Có một tín đồ rất khó ngăn cản được, tên là Enoch, con trai thầy pháp giữ việc thờ thần Rắn. Có tin đồn rằng Enoch đã giết và ăn thịt con rắn thần và bị cha nguyền rủa.



Ông Brown chống thái độ quá hăng hái đó, bảo bọn tín đồ cương quyết của ông rằng cái gì cũng có thể làm được, nhưng không phải cái gì cũng nên làm. Ông không chà đạp tín ngưỡng của thị tộc, nên thị tộc trọng ông. Ông lại làm quen, giao du với vài người có danh vọng trong thị tộc, thường đi thăm các làng bên, và được một làng nọ tặng một chiếc ngà voi chạm trổ, nghĩa là được trọng như một nhân vật có chức vị. Một người quyền quí trong làng đó tên là Akunna, cho một người con trai theo ông để học trong trường da trắng do ông lập.



Mỗi khi lại làng đó, ông ghé vô obi của Akunna, nói chuyện về tôn giáo hằng giờ với Akunna, nhờ một người thông ngôn. Không người nào thuyết phục được người kia cải đạo, nhưng họ hiểu được tín ngưỡng của nhau hơn.

Một hôm, Akunna bảo ông Brown:

- Ông bảo có một vị Chúa tối cao, duy nhất tạo ra trời, đất. Chúng tôi cũng thờ vị Chúa đó mà chúng tôi gọi là Chukwu. Ngài đã tạo ra cả thế giới và các vị thần khác.

Ông Brown bảo:

- Không có vị thần nào khác. Chukwu là vị Thần duy nhất, còn hết thảy đều là ngụy thần hết. Ông đục đẽo một khúc gỗ, như khúc này (ông ta trỏ mấy cái xà nhà lủng lẳng những tượngIkenga chạm trổ của Akunna) rồi ông gọi là thần. Nhưng cũng vẫn chỉ là một khúc gỗ.

Akunna đáp:

- Phải, đúng là một khúc gỗ. Nhưng chính đấng Chukwu đã tạo ra cây mà người ta đã chặt để có khúc gỗ đó, và cũng chính Ngài đã tạo ra những thần nhỏ hơn, thấp hơn, để làm Sứ giả cho Ngài, làm trung gian giữa Ngài và chúng tôi. Thì cũng như ông vậy. Ông làm chủ giáo hội của ông.

Ông Brown cãi:

- Không. Chính Chúa mới là chủ giáo hội của tôi.

- Tôi biết, nhưng trên cõi đời này, phải có một người nào chỉ huy những người khác chứ. Phải có một người nào như ông chỉ huy ở đây.

- Hiểu theo nghĩa đó thì vị làm chủ giáo hội của tôi ở bên Anh kia.

- Tôi cũng muốn nói vậy. Vị chỉ huy giáo hội của ông ở bên xứ ông. Ông ấy phái ông qua đây làm sứ giả. Rồi ông cũng lại lựa một số người làm sứ giả, tay sai cho ông. Hoặc, nếu ông cho phép, tôi xin lấy một thí dụ khác: ông Ủy viên khu này. Ông ấy do quốc vương của ông phái qua.

Người thông ngôn tự ý sửa lại:

- Họ có Nữ hoàng.

- Nữ hoàng của ông phái sứ giả qua đây, tức ông Ủy viên khu. Ông này không thể làm hết mọi việc được, lựa các kotma làm phụ tá. Đấng Chukwu thì cũng vậy. Ngài lựa các thần thấp hơn để giúp Ngài vì công việc của Ngài nhiều quá, một người làm không xuể.

Ông Brown bảo:

- Ông không nên coi Chukwu là một người. Chính vì ông có ý niệm đó nên mới tưởng tượng rằng Ngài cần có phụ tá. Tệ hơn nữa là các ông dốc lòng thờ phụng các ngụy thần mà chính các ông tạo ra.

- Không phải vậy. Chúng tôi cúng vái các thần thấp hơn đó, nhưng khi các vị đó không cứu giúp chúng tôi được, chúng tôi không biết khấn vái nơi đâu nữa thì chúng tôi cầu tới đấng Chukwu. Hành động như vậy là phải. Muốn tiếp xúc với một bậc quyền quí thì phải nhờ bộ hạ của bậc đó làm trung gian. Nhưng khi các bộ hạ đó không giúp chúng ta được thì chúng ta mới ngưỡng về nguồn hy vọng cuối cùng. Bề ngoài thì có vẻ như chúng tôi cúng vái các thần nhỏ nhiều hơn, nhưng không phải vậy. Đúng hơn là chúng tôi quấy rầy các vị đó nhiều hơn, vì ngại không dám quấy rầy đấng Tối cao. Ông cha chúng tôi biết rằng đấng Chukwu cao hơn hết thảy, cho nên nhiều cụ đặt tên con là Chukwu, có nghĩa là “Đấng cao hơn hết”.

Ông Brown đáp:

- Trong lời ông nói, có một điều đáng để ý, là các ông sợ đấng Chukwu. Trong tôn giáo của chúng tôi, đấng Chukwu chí nhân, chí từ, và ai làm theo ý chí của Ngài thì không có gì phải sợ Ngài.

Akunna bảo:

- Nhưng khi chúng ta không làm theo ý chí của Ngài thì phải sợ Ngài chứ. Mà ai biết chắc được ý chí của Ngài ra sao? Ý chí của Ngài lớn quá mà.

Nhờ những cuộc đàm thoại như vậy mà ông Brown biết được nhiều về tôn giáo của thị tộc, và ông ta rút ra được kết luận rằng tấn công thẳng tôn giáo đó thì sẽ thất bại. Vì vậy ông ta cất một trường học và một dưỡng đường ở Umuofia. Ông chịu khó đi từng nhà năn nỉ dân làng cho con tới học trường ông. Nhưng mới đầu họ chỉ cho bọn nô lệ, đôi khi một vài đứa trẻ biếng nhác tới học thôi. Ông Brown năn nỉ, biện bác, rồi đóng vai tiên tri, bảo rằng sau này những người cầm quyền trong xứ sẽ là những người đàn ông, đàn bà biết đọc biết viết. Nếu thị tộc không cho trẻ tới học, thì sẽ có những người từ nơi khác tới cai trị họ. Thì họ thấy rồi đấy, tại Tòa án bản xứ, Ủy viên khu dùng các người xứ khác nói được tiếng Anh. Hầu hết những người này từ thị trấn Umuru tới, thị trấn đó ở xa tít trên bờ Sông Cái, nơi mà người da trắng tới đóng trước hết.



Sau cùng những lí lẽ của ông Brown bắt đầu có kết quả. Dân làng tới học đông hơn và ông khuyến khích họ, tặng họ áo gi-lê bằng nỉ mỏng và khăn mặt. Không phải họ đều trẻ cả; có vài người ba chục tuổi hoặc lớn tuổi hơn nữa. Buổi sáng họ làm việc ở ngoài ruộng, buổi chiều tới trường. Và cũng chẳng bao lâu dân làng bắt đầu khen thuốc của người da trắng công hiệu mạnh. Trường học của ông Brown mau có kết quả. Chỉ học vài tháng là thành một sứ giả của Triều đình, có khi thành một viên lục sự nữa. Người nào học lâu hơn thì thành giáo viên; có vài người lao động ở Umuofia mà được giao cho việc dụ dỗ dân làng vào đạo. Nhiều giáo đường được xây cất ở các làng chung quanh, trường học cũng vậy. Ngay từ buổi đầu, tôn giáo và giáo dục đã đồng tiến. Hội truyền giáo của ông Brown thành công liên tiếp và nhờ liên lạc với chính quyền mới, nên có thêm uy tín mới. Nhưng sức khỏe của ông ta suy giảm. Khi mới có triệu chứng đau, ông không để ý tới, sau cùng ông phải rầu rĩ, đau lòng từ biệt các con chiên của ông.





*

* *





Okonkwo về Umuofia đầu mùa nắng, tới mùa mưa sau thì ông Brown về quê hương. Năm tháng trước, khi mới hay Okonkwo về, ông lại thăm liền. Hồi đó Nwoye, con của Okonkwo, bây giờ đổi tên là Isaac, mới được ông gởi tới học tại trường Sư phạm Umuru mới thành lập. Ông ta hy vọng Okonkwo hay tin đó sẽ mừng lắm. Nhưng Okonkwo đã đuổi ông ta đi, lại hăm rằng nếu còn trở lại thì sẽ bị xách cổ liệng ra khỏi cổng.

Sự hồi hương của Okonkwo không vẻ vang, đáng ghi như ông đã mong ước. Quả thực, hai người con gái diễm lệ của ông được nhiều người cầu thân và chẳng bao lâu, các cuộc mối manh bắt đầu tiến hành đẹp đẽ; nhưng ngoài điểm đó ra, thị tộc có vẻ không đặc biệt chú ý tới sự hồi hương của chiến sĩ này. Trong khi xa quê, thị tộc đã thay đổi tới nỗi ông gần như không nhận ra được nữa. Tôn giáo mới, chính quyền mới, và các cửa tiệm thu hút cặp mắt và tinh thần của dân chúng. Cũng có nhiều người cho chế độ mới là xấu xa, nhưng ngay những người đó cũng ít nói tới, ít nghĩ tới những cái gì khác, và chắc chắn là chẳng quan tâm tới sự hồi hương của Okonkwo.



Lại thêm, năm đó ông cũng không gặp thời nữa. Giá ông có thể cho ngay hai người con trai của ông vô đoàn ozo như ông đã định thì dân làng sẽ bị kích động, chú ý tới ông. Nhưng ở Umuofia cứ ba năm mới có một lần cử hành lễ vô đoàn, và ông còn phải đợi thêm non hai năm nữa lận.



Ông rầu rĩ lắm. Không phải rầu rĩ cho riêng ông, mà cho cả thị tộc rồi đây sẽ sụp đổ tan rã, rầu rĩ cho những người xưa kia hiếu chiến ở Umuofia bây giờ không hiểu tại sao, bỗng hóa ra nhu nhược như bọn đàn bà hết ráo.
 
Chương 22

Người kế nhiệm ông Brown là Linh mục James Smith, tính tình khác hẳn ông Brown. Ông ta công khai mạt sát chính sách thỏa hiệp, nhân nhượng của người tiền nhiệm. Đối với ông, chỉ có đen và trắng, và hễ đen là xấu. Thế giới là một chiến trường, và những người con của ánh sáng phải chiến đấu tới chết với những đứa con của bóng tối. Trong các bài thuyết giáo, ông thường nhắc tới những con cừu và những con dê, những hạt lúa tốt và những hạt cỏ trộn với lúa. Ông tin tưởng ở sự tàn sát bọn tiên tri Baal.



Ông rầu rĩ lắm khi thấy đa số các con chiên của ông ngay ý niệm về Tam-Vị-Nhất-Thể và các Thánh Lễ nữa mà cũng chẳng biết chút xíu gì hết. Như vậy chỉ có thể chứng tỏ rằng hạt giống đã gieo trên một khu đất đầy đá sỏi. Thì ra ông Brown đã nghĩ tới lượng, mà ông ta phải biết rằng Nước của Chúa đâu có cần gì thật đông người. Chính đức Ki Tô đã nhấn mạnh vào số ít. Con đường thật hẹp mà kẻ theo được thật ít ỏi. Bọn sùng bái ngẫu tượng, om sòm đòi những dấu hiệu này dấu hiệu nọ, cái bọn đó mà cho vô chật đền của Chúa thì thật là một việc điên khùng, hậu quả tai hại vô kể. Chúa Ki Tô chỉ dùng roi mỗi một lần trong đời Ngài để trục xuất đám đông tạp nhạp ra khỏi đền của Ngài.



Tới Umuofia được vài tuần, ông cấm một thiếu phụ vô giáo đường vì đã rót rượu mới vô bình cũ. Chị ta đã để cho người chồng không theo đạo rạch cắt d.a thịt đứa con đã chết, vì cho nó là một ogbanje, thứ con ranh con lộn, đầu thai bốn lần trở về để quấy phá mẹ. Làm vậy để nó sợ, không trở lại nữa.



Hay chuyện đó, ông Smith nổi cơn lôi đình lên. Vài tín đồ xác nhận với ông rằng có những đứa con quả thực là dữ dằn, bị cắt d.a thịt rồi mà vẫn không ngán, vẫn lộn trở lại, mang đủ các vết thẹo, nhưng ông không tin. Ông bảo những chuyện như vậy lan truyền ở mọi nơi là tại quỷ Satan muốn lừa gạt loài người. Ai mà tin những chuyện đó thì không đáng được ngồi ở bàn ăn của Chúa.



Ở Umuofia có một tục ngữ bảo rằng vũ khúc ra sao thì nhịp trống như vậy. Ông Smith nhảy múa theo một điệu điên cuồng, cho nên nhịp trống cũng cuồng loạn. Những người cải đạo và quá nhiệt tâm, trước kia bị ông Brown ghìm bắt lại, bực mình lắm, bây giờ được hưởng mọi ân huệ, mừng rỡ vô cùng. Trong bọn đó có Enoch, con trai của thầy pháp thờ Rắn, mà dân làng tin rằng đã giết và ăn thịt con Rắn thần. Lòng mộ đạo của hắn có vẻ còn lớn hơn ông Brown nhiều, nên người làng gọi hắn là: Người dưng mà khóc lớn hơn tang gia.



Hắn nhỏ con, mảnh khảnh, lúc nào cũng có vẻ vội vàng. Bàn chân hắn ngắn mà rộng, và khi hắn đứng hoặc đi thì gót chân chụm vào nhau còn đầu bàn chân mở ra, chìa ra hai bên, như thể gây lộn nhau, mỗi bàn chân muốn đi về một phía. Trong th.ân thể bé nhỏ của hắn, nghị lực quá dồi dào bị giam h.ãm, nên cứ phải nổ ra hoài thành những cuộc gây lộn, đánh lộn. Chủ nhật nào hắn cũng nghĩ rằng mục sư thuyết giáo là để răn đe đối thủ của hắn, tức những người ôn hòa, không theo chủ trương của hắn. Và nếu hắn ngồi bên cạnh một người trong bọn đó thì lâu lâu hắn lại quay lại ngó, như muốn bảo: “Đó, thấy không, đúng như lời của tôi đã bảo anh mà!”. Từ khi ông Brown ra đi, mây đen đã vần vũ trên nền trời Umuofia và bây giờ Enoch gây cuộc xung đột lớn giữa giáo hội và thị tộc.



Việc đó xảy ra trong buổi lễ Nữ Thổ Thần hằng năm. Vào những lúc đó, tổ tiên của thị tộc, khi chết, xác được gởi về lòng của Đất Mẹ, bây giờ từ những lỗ kiến nhoi lên, thành những egwugwu.



Theo thị tộc, một trong những tội lớn nhất là lột mặt nạ của mộtegwugwu trước công chúng, hoặc có một hành động nào làm giảm uy tín bất hủ của một egwugwu trước mặt những người không theo tín ngưỡng của thị tộc. Enoch đã phạm phải tội đó.



Ngày cúng Nữ Thổ Thần năm đó nhằm một ngày chủ nhật, và các hồn thiêng đeo mặt nạ hiện lên, nên bọn đàn bà theo Ki Tô giáo đi lễ ở giáo đường không thể về nhà được. Vài người đàn ông đi với họ yêu cầu các egwugwu tạm rút lui một chút để cho đàn bà đi qua. Các egwugwu bằng lòng và đã rút lui rồi, Enoch huênh hoang khoe rằng hồn thiêng nào mà dám động đến một tín đồ Ki Tô giáo. Thế là các hồn thiêng quay trở lại, và một vị có sẵn gậy trong tay giáng cho Enoch một cái. Hắn nhảy bổ tới, giật mặt nạ của hồn thiêng. Tức thì các egwugwu vội bao lấy người bạn bị xúc phạm đó, lôi đi liền, cho bọn đàn bà con nít khỏi thấy. Như vậy là Enoch đã giết một hồn tổ, và cả Umuofia đã xôn xao lên.



Đêm đó, Đức Mẫu các hồn thiêng đi khắp thị tộc mà khóc con trai bị giết. Thật là một đêm kinh hoàng. Bô lão lớn tuổi nhất ở Umuofia cũng chưa bao giờ nghe thấy một thanh âm kỳ dị, khủng khiếp như vậy, mà sau này cũng không bao giờ nghe thấy nữa. Cơ hồ như linh hồn của bộ lạc khóc lóc vì sắp bị một tai họa ghê gớm: sự hủy diệt của bộ lạc.

Hôm sau, hết thảy các egwugwu đeo mặt nạ của Umuofia đều tụ họp ở sân trước chợ. Họ từ mọi thôn xóm của thị tộc tới, có vị từ những làng bên cạnh nữa. Otakagu, hồn thiêng đáng sợ nhất từ Imo tới, còn Ekwensu, từ Uli tới, tay cầm con gà trống trắng đưa qua đưa lại. Cuộc tụ họp ghê rợn vô cùng. Những tiếng nói từ dưới mồ đưa lên của vô số hồn thiêng, tiếng chuông keng keng ở sau lưng vài vị, tiếng rựa chạm vào nhau lách cách khi họ chạy tới chạy lui, chào nhau, tất cả những tiếng đó làm cho ai nấy đều run sợ. Từ thời có loài người tới giờ, lần đó mới thấy tiếng bò-mộng-thiêng gầm lên giữa ban ngày.



Từ chợ đám người đó hầm hầm tiến về phía trại của Enoch. Có vài vị bô lão đi theo, xách các thứ bùa phép nặng nề. Họ là những người cao tay về ogwu, tức bùa phép. Còn đàn ông và đàn bà thì ngồi yên trong nhà mà nghe ngóng.



Những người chỉ huy tín đồ Ki Tô giáo đã hội họp ở nhà mục sư Smith đêm trước. Trong khi bàn bạc với nhau, họ nghe được tiếng Đức Mẹ các Hồn thiêng khóc con. Thanh âm lạnh lẽo đó làm cho ông Smith bối rối và lần đầu tiên, ông ta có vẻ sợ, hỏi:

- Họ tính làm gì vậy hả?

Ai mà biết được, vì từ xưa tới nay có bao giờ xảy ra một chuyện như vậy đâu. Ông ta muốn sai người đi mời Ủy viên khu và các sứ giả của Triều đình lại, nhưng họ đã đi thanh tra hôm trước rồi. Ông bảo:

- Có điều này rõ ràng: chúng ta không thể dùng sức mà chống cự lại họ được. Sức mạnh của chúng ta là nhờ Chúa.

Thế là họ cùng quỳ xuống mà cầu nguyện Chúa giải thoát cho.

Ông Smith la lên:

- Xin Chúa cứu con dân của Chúa.

Và mọi người tiếp:

- Và giáng phúc cho di sản của Chúa.

Họ quyết định giấu Enoch trong nhà của ông Smith một hay hai ngày. Enoch thất vọng lắm khi hay tin đó vì hắn hy vọng rằng thế nào cũng có thánh chiến; vài tín đồ khác cũng nghĩ như hắn. Nhưng đa số sáng suốt hơn, nhờ vậy đỡ được nhiều sinh mạng.



Bọn egwugwu tiến như vũ, như bão tới trại của Enoch, dùng rựa đập phá rồi nổi lửa đốt trụi hết. Xong rồi họ tiến lại giáo đường, chỉ muốn tàn phá hết thảy.



Ông Smith đương ở giáo đường khi nghe thấy họ tiến tới. Ông bình tĩnh bước ra cổng ra vào của khu đất và đứng tại đó. Nhưng khi ba hay bốn egwugwu mới xuất hiện trên nền đất đắp của giáo đường, ông ta hoảng quá, tính co giò chạy, sau tự chủ được, không chạy, xuống hai bực thềm đưa lại phía giáo đường và tiến về phía các egwugwu.

Các hồn thiêng đứng tụm cả lại, xô đẩy nhau và một khoảng dài hàng rào tre bao vây giáo đường đổ sập xuống. Tiếng chuông nhói tai, tiếng rựa chạm vào nhau, và những âm thanh của cõi âm vang lên trong không khí bụi mù. Ông Smith nghe thấy có tiếng chân ở sau lưng, quay lại thì là Okeke, người thông ngôn của ông. Okeke với ông không hòa hảo với nhau từ khi chú ta mạt sát thái độ của Enoch trong cuộc hội họp đêm trước giữa các vị chỉ huy giáo đường. Chú bất bình tới nỗi bảo không nên giấu Enoch trong nhà mục sư, vì như vậy chỉ làm cho thị tộc oán lây tới mục sư. Ông Smith mắng chú thậm tệ và sáng nay không thèm hỏi ý kiến chú. Nhưng bây giờ, thấy chú đứng cạnh mình để đương đầu với cơn thịnh nộ của các hồn thiêng, ông ta ngó chú, mỉm cười. Nụ cười thảm hại làm sao, nhưng tỏ một nỗi lòng biết ơn thâm trầm.



Ngạc nhiên về thái độ bình tĩnh bất ngờ của hai người đó, đámegwugwu, không ùa tới nữa mà ngừng lại một chút, chỉ một chút thôi như sự im phăng phắc giữa hai tiếng sấm vậy. Rồi họ lại ào ào xô nhau tới dữ hơn lần trước, như nuốt chửng hai người kia. Và một giọng nói cất lên trong cảnh ồn ào đó, một giọng nói quen thuộc không ai nhận lầm được; tức thì mọi người im lặng. Người ta giãn ra để cho hai thầy trò mục sư đứng riêng ở giữa và Ajofia bắt đầu nói.



Ajofia là vị egwugwu quan trọng nhất ở Umuofia. Cụ cầm đầu và làm phát ngôn viên cho cả chín “ông tổ” xử các vụ kiện trong thị tộc. Ai cũng nhận ra được giọng nói của cụ, nên cụ có thể làm cho nỗi bất bình sôi nổi của các “hồn thiêng” kia dẹp xuống ngay. Cụ nói với ông Smith và trong khi nói, một làn khói từ đầu cụ tỏa lên như đám mây. Cụ dùng ngôn ngữ của các hồn thiêng khi nói với người sống:

- Nhục thể người da trắng, tôi chào anh. Nhục thể của người da trắng, anh biết tôi không?

Ông Smith ngó viên thông ngôn, nhưng Okeke sinh trưởng ở một miền xa, Umuru, cũng chẳng hiểu gì cả.

Ajofia cười ồ ồ, y như một kim thuộc rỉ vậy:

- Họ là người xa lạ, chẳng biết gì hết. Bỏ qua cho họ.

Cụ quay về phía các bạn, chào họ, gọi họ là tổ tiên của Umuofia. Cụ cắm phập chiếc giáo xuống đất, nó rung rung, phát ra một thanh âm của kim thuộc. Rồi cụ quay trở lại về phía mục sư và người thông ngôn, mà nói với người này:

- Anh nói với người da trắng rằng chúng ta không làm hại hắn đâu. Bảo hắn về nhà đi, để mặc chúng ta. Chúng ta mến người anh em của hắn trước kia ở đây. Anh đó ngu ngốc nhưng chúng ta mến ảnh, vì vậy mà sẽ không làm hại người anh em của ảnh. Nhưng cái đền này mà ảnh xây cất thì phải phá đi, không thể để được. Chúng ta không muốn trông thấy nó ở đây thêm một ngày nào nữa. Nó gây những chuyện ghê tởm, khả ố vô cùng, chúng ta tới đây để chấm dứt những cái đó.

Cụ quay về phía các bạn của cụ:

- Các tổ tiên Umuofia, tôi chào các bạn.

Mọi người đồng thanh đáp lại, giọng ồ ồ.

Rồi cụ lại quay về phía mục sư:

- Anh có thể ở lại đây nếu anh thích phong tục của chúng ta. Anh có thể thờ thần của các anh. Một người mà thờ thần và linh hồn của ông cha, thì là điều rất nên. Về nhà anh đi, để khỏi bị thương. Cơn giận của chúng ta rất lớn nhưng chúng ta đã nén được để bình tĩnh nói với anh đấy.

Ông Smith bảo người thông ngôn:

- Bảo họ đi đi. Đây là nhà của Chúa, ta không muốn sống để nhìn nó bị xâm phạm đâu.

Okeke khôn khéo diễn ý đó với các tổ tiên Umuofia như sau:

- Người da trắng lấy làm sung sướng được các cụ lại trình bày những điều phàn nàn của các cụ, như chỗ thân tình với nhau. Người da trắng mong rằng các cụ để mặc cho người da trắng xử sự.

- Chúng ta không thể để mặc cho hắn xử sự được vì hắn không hiểu phong tục của chúng ta, cũng như chúng ta không hiểu tục của hắn. Chúng ta cho hắn là ngu ngốc vì không hiểu tục lệ của chúng ta, và có lẽ hắn cũng cho chúng ta là ngu ngốc vì không hiểu tục lệ của hắn. Hắn đi đi.



Ông Smith vẫn giữ quan điểm của mình, nhưng không thể cứu ngôi giáo đường được. Khi các egwugwu quay về thì ngôi giáo đường bằng đất đỏ do ông Brown xây cất chỉ còn là một đống tro và đất vụn. Hiện thời, hồn thiêng của thị tộc tạm được yên.
 
Chương 23

Từ bao lâu nay, lần này là lần đầu tiên Okonkwo mới được thấy được hả dạ gần như sung sướng. Cái thời xưa, nó đã thay đổi không sao ngờ trước được, trong cuộc lưu đày của ông, bây giờ cơ hồ như muốn trở lại. Thị tộc trước đã phản ông, bây giờ có vẻ muốn tạ tội với ông.



Ông đã lớn tiếng, hăng hái hô hào thị tộc khi mọi người hội họp ở sân chợ để quyết định nên hành động ra sao. Và mọi người đều kính mộ nghe ông. Như thể cái thời xưa đã trở lại, thời mà một chiến sĩ có thái độ hiên ngang, được trọng vọng. Họ không đồng ý là phải giết nhà truyền giáo hoặc trục xuất bọn theo Ki Tô giáo đi, nhưng ít nhất họ cũng nhận ra rằng phải làm một cái gì thiết thực. Và họ đã làm. Okonkwo lại thấy gần như sung sướng.





*

* *





Hai ngày sau khi đốt phá giáo đường, không có chuyện gì xảy ra cả. Đàn ông ở Umuofia đi đâu cũng mang theo cây súng hoặc chiếc rựa, để khỏi bị tấn công thình lình mà không chống cự được như dân chúng ở Abame.



Rồi Ủy viên khu đi thanh tra về. Được tin, ông Smith lại thăm liền, hai người bàn bạc với nhau một hồi lâu mà ở Umuofia không ai hay, nếu có hay thì cũng không cho là quan trọng, vì nhà truyền giáo vẫn thường lại thăm người anh em da trắng của anh ta, có gì đâu mà lạ.



Ba ngày sau, Ủy viên khu phái một sứ giả ăn nói ngọt xớt, lại mời các thủ lãnh Umuofia lại tổng hành dinh của họ để Ủy viên được tiếp chuyện. Cái đó cũng không có gì lạ, vì từ trước ông ta vẫn thường mời lại “thương nghị” như ông ta nói. Okonkwo là một trong sáu thủ lãnh được ông ta mời.



Okonkwo dặn mấy người kia phải mang theo khí giới phòng thân. Ông bảo: “Đàn ông Umuofia không khi nào từ chối một lời mời. Có thể từ chối không làm theo ý họ, nhưng họ mời lại nói chuyện thì không bao giờ từ chối cả. Tuy nhiên thời buổi đã khác, chúng ta phải đề phòng mọi sự”.



Thế là sáu người vác rựa lại thăm Ủy viên khu. Họ không mang súng theo vì như vậy coi chướng quá. Người ta dắt họ vô Tòa án, nơi mà Ủy viên đương xử những tội nặng. Ông ta lễ phép tiếp họ. Họ gỡ những đẫy bằng da dê, những cây rựa còn trong vỏ, đặt hết cả xuống đất rồi ngồi xuống.

Ủy viên khu bắt đầu nói:

- Tôi mời các ông tới vì chuyện xảy ra trong khi tôi vắng mặt. Người ta báo cáo với tôi vài điều, nhưng tôi chưa thể tin được, muốn được nghe thêm tiếng nói của các ông. Tôi mong rằng chúng ta nói chuyện với nhau như chỗ bạn thân và cùng tìm một giải pháp nào cho những vụ như vậy đừng bao giờ xảy ra nữa.

Ogbuefi Ekwueme đứng dậy và bắt đầu kể đầu đuôi vụ đó.

Ủy viên khu bảo:

- Hãy khoan đã. Tôi muốn kêu mấy người bên tôi lại đây cho họ nghe và ghi nhận các lời phàn nàn của các ông. Trong bọn đó, có những người từ xa lại, tuy nói được ngôn ngữ của các ông nhưng không biết rõ phong tục các ông - Jame! Kêu mấy người đó vô.

Viên thông ngôn của ông ta bước ra và lát sau trở vô với mười hai người. Những người này ngồi chung với các người ở Umuofia và Ogbuefi. Ekwueme bắt đầu kể vụ Enoch đã giết egwugwu.

Rồi việc xảy ra rất mau, sáu người ở Umuofia không thấy trước được. Loạn đả trong một nháy mắt, họ không kịp rút rựa ra khỏi bao nữa, bị tụi kia còng tay đưa vào phòng giam.

Một lát sau, Ủy viên khu bảo họ:

- Chúng tôi sẽ không làm gì các ông đâu, miễn là các ông chịu hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi đem lại cho các ông và dân chúng các ông một nền hành chánh ôn hòa, một cảnh tượng thái bình để các ông có thể sống sung sướng. Có kẻ nào hành hạ các ông, bất kỳ kẻ đó là ai, chúng tôi sẽ cứu giúp các ông. Nhưng chúng tôi cũng không để cho các ông hành hạ kẻ khác. Chúng tôi có một tòa án và chúng tôi xử án công bình như ở xứ chúng tôi, dưới quyền một đại nữ hoàng vậy. Chúng tôi đưa các ông vô đây vì các ông đã hội họp nhau để ức hiếp người ta, đốt nhà cửa người ta, phá phách nơi thờ phụng của người ta. Nữ hoàng của chúng tôi, vị chúa uy quyền nhất thế giới không cho phép những việc như vậy xảy ra. Tôi đã quyết định rằng các ông phải bồi thường hai trăm bao vỏ sò. Nếu các ông chịu bồi thường và bắt đầu cho người thu góp số tiền đó trong dân làng thì các ông sẽ được thả ngay. Sao, các ông nghĩ sao?

Sáu người im lặng, vẻ mặt hầm hầm, và Ủy viên khu bước ra, để họ ngồi với nhau một lúc. Rồi ông ta ra khỏi Tòa án, dặn các sứ giả Triều đình phải đối đãi lễ độ với họ vì họ là những thủ lãnh Umuofia. Họ đáp:

- Bẩm vâng.

Rồi chào ông ta.

Khi Ủy viên khu đi rồi, người sếp bọn sứ giả, cũng làm thợ cạo trong khám, lấy con dao, cạo trọc đầu cả sáu người. Họ còn đeo còng, ngồi yên, rầu rĩ lắm.

Bọn sứ giả Triều đình trêu họ:

- Ai làm trưởng nhóm này đây? Làm sao mà biết được? Toàn là bọn bần cùng, mà tên nào cũng đeo cái vòng chức vị Umuofia ở cổ chân như nhau cả. Giá tiền có tới mười vỏ sò không?

Suốt ngày hôm đó và hôm sau, sáu người không ăn gì cả. Người ta không cho họ một giọt nước để uống nữa, mà họ có muốn ra ngoài bụi tiêu hay tiểu cũng không được. Buổi tối, tụi sứ giả vô châm chọc họ, nắm đầu trọc lóc của người này đập mạnh vào đầu trọc lóc của người kia.

Ngay khi ngồi một mình, họ cũng không biết nói gì với nhau. Tới ngày thứ ba, không chịu nổi đói và những lời chửi rủa, họ mới bắt đầu nói tới chuyện chịu thua.

Okonkwo càu nhàu:

- Các ông không nghe tôi, đáng lí phải giết tên da trắng đó đi.

Một người đáp:

- Giết nó thì bây giờ phải ngồi ở Umuru mà đợi bị treo cổ.

Một tên sứ giả phăng phăng bước vô, hỏi:

- Thằng nào muốn giết người da trắng đó?

Mọi người làm thinh.

- Phạm tội này chưa đủ sao mà còn đòi giết người da trắng nữa.

Nó cầm một cây gậy gộc, đập vào đầu vào lưng mỗi người mấy cái. Okonkwo căm phẫn muốn nghẹt thở.





*

* *





Ngay từ khi sáu người đó bị giam, tụi sứ giả của Triều đình đã lại Umuofia bảo dân các làng rằng nếu không nộp phạt hai trăm rưỡi bao vỏ sò thì các thủ lãnh sẽ không được thả.

Tên sếp bọn đó nói:

- Nộp phạt ngay đi nếu không các chỉ huy của các ngươi sẽ bị giải tới quan lớn da trắng ở Umuru và sẽ bị treo cổ.

Chuyện đó lan rất mau trong khắp các làng và cứ mỗi lần truyền đi thì người ta lại nói thêm vào. Có người bảo sáu thủ lãnh đó bị giải tới Umuru rồi và ngày hôm sau sẽ bị treo cổ. Có người còn nói cả vợ con họ cũng bị treo cổ nữa. Lại có người bảo lính tráng đã lên đường, tới tàn sát dân chúng Umuofia cũng như hồi trước ở Abame.

Nhằm hồi trăng tròn, nhưng đêm đó không nghe thấy tiếng trẻ. Mọi khi hễ có trăng chúng tụ họp ở ilo để chơi giỡn, đêm nay ilovắng tanh. Các phụ nữ Iguedo không thấy hiện ra trong khu riêng biệt của họ để học một vũ điệu mới rồi biểu diễn cho dân làng coi nữa. Những thanh niên trước kia hễ trăng tròn là đi dạo khắp nơi, đêm nay nằm nhà. Trên các đường làng không nghe thấy tiếng hùng dũng của họ đi thăm nhau hoặc thăm người yêu. Umuofia như một con vật thấy cơn nguy, vểnh tai hểnh mũi để đánh hơi trong không khí yên lặng và đầy đe dọa, do dự không biết nên chạy ngả nào.



Bỗng tiếng ogène lanh lảnh của người mõ làng vang lên, phá sự tĩnh mịch: mọi người đàn ông ở Umuofia, từ tuổi Akkanma trở lên, hôm sau, sau bữa sáng, phải lại họp ở sân chợ. Người đó đi từ đầu làng tới cuối làng, khắp chiều dọc chiều ngang, không bỏ một đường chính nào.



Trại của Okonkwo tiêu điều và bỏ hoang, như bị nước lạnh trút xuống vậy. Cả gia đình hội họp, nhưng người nào cũng nói nho nhỏ. Nàng Ezinma, con gái của Okonkwo đương lại thăm gia đình bên chồng tương lai, theo lệ phải ở bên đó hai mươi tám ngày, nhưng chưa hết hạn đã xin về vì nghe tin cha bị giam và sắp bị treo cổ. Vừa về tới nhà, nàng lại thăm Obierika liền, hỏi thăm xem các đàn ông ở Umuofia quyết định ra sao. Nhưng Obierika đã đi khỏi từ buổi sáng, theo lời các bà vợ có lẽ là đi dự một cuộc hội họp bí mật nào đó. Người ta cho nàng biết bọn đàn ông đã làm việc gì đó rồi. Theo lời rao của mõ làng, sáng hôm sau, bọn đàn ông ở Umuofia đã hội họp ở sân chợ, quyết định quyên ngay hai trăm rưởi bao vỏ sò để nộp người da trắng. Họ đâu có biết rằng tụi sứ giả Triều đình đã tăng lên năm chục bao để chia nhau đút túi.
 
Chương 24

Nộp phạt xong, bọn Okonkwo được thả ra. Ủy viên khu lại thuyết họ một lần nữa về đại Nữ hoàng, về hòa bình, về chính quyền tốt. Nhưng chẳng ai thèm nghe, chỉ ngồi ngó ông ta với viên thông ngôn. Sau cùng người ta trả họ đẫy và rựa để trong bao, rồi bảo họ về nhà. Họ đứng dậy, ra khỏi tòa án, chẳng nói năng với ai cả, mà cũng chẳng nói gì với nhau.



Tòa án cũng như giáo đường, cất hơi xa làng một chút. Con đường mòn nối các nơi đó với nhau có người qua lại vì nó cũng đưa xuống sông ở phía sau tòa án. Đường trống và đầy cát. Đường mòn nào cũng trống và đầy cát trong mùa nắng. Tới mùa mưa, cây cỏ hai bên đường tươi tốt, mọc lan ra, phủ cả mặt đường. Hồi đó còn đương mùa nắng.



Trên đường về làng, họ gặp nhiều đàn bà và trẻ con đội vò xuống sông múc nước. Nhưng thấy vẻ mặt họ hầm hầm dữ tợn quá, bọn đàn bà và trẻ con không dám chào họ “nno” mà né ra cho họ đi. Tới làng, có từng nhóm người nhập bọn với họ, sau cùng họp thành một đoàn khá đông. Họ lặng lẽ bước. Khi một trong sáu người về tới trại của mình thì bước ngay vào và một phần đám đông vô theo. Làng nhộn nhịp hẳn lên, nhưng vẫn yên lặng, có vẻ như bí mật.



Khi nghe tin sáu người sắp được thả, Ezinma đã nấu sẵn mấy món ăn cho cha. Nàng đem lên obi dâng cha. Okonkwo ăn mà bụng dạ ở đâu đâu, không thấy ngon miệng; ông ăn chỉ để cho con vui lòng thôi. Những thân thích đàn ông và bạn bè của ông đều tụ họp trong obi. Obierika khuyên ông ráng ăn thêm. Những người khác không nói gì cả, nhận thấy trên lưng Okonkwo còn mấy lằn roi tên coi ngục đã quất ông.





*

* *





Người mõ làng lại đánh cái ogène bằng kim thuộc đi rao rằng sáng hôm nay sẽ có một cuộc hội họp nữa. Ai cũng biết rằng dân Umuofia sẽ bày tỏ thái độ về tất cả vụ xảy ra đó.



Đêm đó Okonkwo ngủ rất ít. Lòng ông vừa chua xót vừa hí hởn như một em nhỏ. Trước khi đi ngủ ông đã hạ đồ trận của ông xuống mà từ hồi ở quê ngoại về ông chưa mó tới. Ông giữ chiếc áo lót bằng lá dứa bám đầy khói, rồi xem xét chùm lông gài mũ cùng chiếc khiên của ông. Ông cho rằng những cái đó đều còn tốt cả.



Nằm dài trên chiếc chõng tre, ông nhớ lại cảnh bị hành hạ trong tòa án người da trắng và quyết định trả thù. Nếu Umuofia quyết chiến thì tốt nhất. Nếu họ muốn làm những kẻ hèn nhát thì ông sẽ tự trả thù lấy. Ông nhớ lại những chiến tranh thời trước, cho rằng chiến tranh với thị tộc Isike đáng kể là vinh quang nhất. Thời đó, Okudo còn sống. Chà, ông Okudo đó mà hát khúc tiến quân ca thì không ai bằng. Ông ta không phải là một chiến sĩ, nhưng giọng hát của ông làm cho người nào cũng thành sư tử hết.



Nhớ lại thời đó, Okonkwo thở dài:

- Ngày nay không còn bọn đàn ông xứng danh là nam nhi nữa. Tụi Isike không bao giờ quên được trong trận đó bị bên mình giết ra sao. Bên mình giết được mười hai đứa mà chúng chỉ giết được của mình có hai người. Chưa hết tuần chợ thứ tư, chúng đã phải điều đình xin hòa giải. Thời đó đàn ông mới thực sự là đàn ông.



Trong khi suy nghĩ như vậy, ông nghe thấy tiếng ogène văng vẳng từ đằng xa. Chú ý nghe, thấy tiếng nói của người mõ làng, nhưng nhỏ quá. Ông trằn trọc, lăn qua lăn lại, thấy rát ở lưng. Ông nghiến răng. Người mõ mỗi lúc một lại gần, sau cùng đi sát trại Okonkwo.

Okonkwo chua xót nghĩ bụng:

- Trở ngại lớn nhất ở Umuofia là cái thằng hèn nhát Egonwanne đó. Miệng nó ngọt xớt, có thể làm cho lửa tàn thành tro. Nghe nó nói thì đàn ông của mình bị nó dụ dỗ, hóa ra vô lực hết. Nếu họ biết cái khôn-ngoan-đàn-bà của nó năm năm trước, thì đâu đến nông nỗi này (Ông nghiến răng). Ngày mai nó sẽ bảo với mọi người rằng ông cha chúng ta không bao giờ gây “một chiến tranh tủi nhục”. Nếu mọi người nghe nó thì mình sẽ bỏ họ mà chuẩn bị lấy cuộc trả thù của mình.

Tiếng rao của người mõ lại nhỏ lần, mà tiếng ogène kim thuộc không còn inh tai nữa vì đã cách xa. Okonkwo lăn qua lăn lại, thấy rát ở lưng mà thích thú. “Thằng Egonwanne đó ngày mai mà nói tới “chiến tranh tủi nhục” thì mình sẽ chìa lưng và đầu ra cho nó coi”. Ông nghiến răng kèn kẹt.





*

* *





Ngay từ lúc hửng đông, sân chợ bắt đầu đông người. Obierika ngồi đợi trong obi, Okonkwo tới gọi. Ông ta quàng lên vai chiếc đẫy da dê và con rựa để trong bao, rồi bước ra. Chòi của ông ở sát lề đường nên người nào đi lại chợ, ông cũng trông thấy, và buổi sáng đó ông đã chào hỏi nhiều người đi ngang qua nhà rồi.



Khi Okonkwo và Obierika tới chỗ hội họp thì thiên hạ đã đông nghẹt, giá có liệng cát lên trên không thì cũng không có hột nào rớt xuống đất được. Có cả nhiều người khác từ mọi ấp trong chín thôn tới nữa. Thấy số đông hùng hậu đó, Okonkwo vui vẻ trong lòng. Nhưng ông muốn kiếm riêng một người mà ông vừa ngại vừa khinh miệng lưỡi của nó. Ông hỏi Obierika:

- Anh thấy nó đâu không?

- Ai?

- Thằng Egonwanne.

Okonkwo vừa đáp vừa đảo mắt tìm khắp nơi trên sân chợ mênh mông. Hầu hết mọi người đều ngồi trên những tấm da dê trải ở mặt đất, vài người ngồi trên những chiếc ghế đẩu bằng gỗ mang theo.

Obierika nhìn khắp đám đông đáp:

- Không... À có, nó kìa, dưới gốc cây gòn kìa. Bộ anh sợ nó thuyết phục chúng mình đừng chiến đấu hả?

- Tôi mà sợ nó ư? Nó muốn thuyết phục gì các anh thì thuyết phục, tôi cóc cần. Tôi khinh nó, tôi khinh những người nào nghe nó. Tôi sẽ chiến đấu một mình nếu tôi muốn.

Hai người phải gào lên mới nghe được vì chung quanh mọi người nói nhao nhao lên y như trong một phiên chợ lớn.

Okonkwo nghĩ bụng:

- Mình sẽ đợi cho nó nói trước rồi mình sẽ nói sau.

Làm thinh một lát, Okonkwo hỏi:

- Nhưng làm sao anh biết được rằng nó sẽ chống chiến tranh?

- Vì nó là một thằng hèn nhát...

Obierika không nghe hết câu của bạn vì lúc đó có ai ở phía sau chạm vào vai ông, ông quay lại bắt tay năm sáu người bạn và chào hỏi họ. Okonkwo nhận ra được tiếng nói những người đó nhưng không muốn quay lại. Ông đương bực mình, nên không muốn chào hỏi ai. Nhưng một người chạm tay vào ông và hỏi thăm gia đình ông. Ông lơ đễnh đáp:

- Mạnh giỏi hết.

Người đầu tiên đứng ra nói với dân chúng Umuofia buổi sáng đó là Okika, một trong sáu người đã bị nhốt khám. Okika là một người có danh vọng, ăn nói hùng hồn, nhưng không có cái giọng vang như chuông mà người nào nói đầu tiên cần phải có thì đám đông mới im lặng nghe mình. Onieka có giọng ấy, cho nên người ta yêu cầu ông ta đứng ra ngỏ lời chào dân chúng Umuofia trước rồi trao lời cho Okika sau.

Onieka đưa cánh tay trái lên, xòe bàn tay ra đẩy vào không khí rồi cất tiếng oang oang:

- Umuofia kwenu!

Dân làng Umuofia đồng thanh gầm lên:

- Yaa!

Onieka lại hét lớn:

- Umuofia kwenu!

Như vậy mấy lần, mỗi lần hướng về một phía.

Và đám đông lại đáp: Yaa!

Tức thì mọi người im phăng phắc như thể người ta xối nước lạnh lên ngọn lửa đương cháy phèo phèo.

Okika nhẩy lên, cũng chào các người trong thị tộc bốn lần, rồi bắt đầu nói.

- Hết thảy bà con đã biết tại sao chúng ta hội họp ở đây trong khi ai nấy phải lo cất lẫm hoặc sửa nhà, sắp đặt lại trang trại. Hồi trước cha tôi thường bảo tôi: “Hễ con thấy giữa ban ngày một con cóc ở trong hang nhảy ra thì con biết rằng có cái gì đe dọa tính mạng nó”. Khi tôi thấy mới sáng sớm mà bà con ở các thôn ấp trong thị tộc lại đây hội họp đông đảo như vầy thì tôi hiểu ngay rằng có cái gì đe dọa đời sống của chúng ta.

Ông ngừng một chút rồi nói tiếp:

- Các thần linh của chúng ta đều khóc. Thần Idemili khóc. Thần Ogwugwu khóc. Thần Agbala khóc, các thần khác cũng vậy. Tổ tiên đã khuất của chúng ta khóc vì có kẻ đã báng bổ nhục nhã các Người, vì sự ghê tởm khả ố mà chính chúng ta đã mục kích.

Ông lại ngừng một chút cho giọng của ông hết run.

- Cuộc hội họp này thật vĩ đại. Không một thị tộc nào có thể khoe rằng đông hơn hoặc dũng cảm hơn chúng ta. Nhưng có đủ mặt ở đây không? Tôi xin hỏi bà con: hết thảy các đàn ông, con trai Umuofia có họp ở đây với chúng ta không?

Có tiếng lào xào trong khắp đám đông. Okika nói tiếp:

- Không, không đủ mặt. Họ đã phá tan thị tộc và mỗi kẻ đi một ngả. Chúng ta lúc này hội họp ở đây là hiếu nghĩa với tổ tiên, nhưng có những người anh em đã bỏ chúng ta đi theo một tên ngoại quốc để làm ô uế đất đai của tổ tiên. Nếu chúng ta tấn công tên ngoại quốc đó thì chúng ta cũng phải đánh anh em của chúng ta nữa và có lẽ sẽ làm đổ máu một người trong thị tộc. Biết vậy nhưng vẫn phải làm. Ông cha chúng ta không bao giờ tưởng tượng được một chuyện như vậy, các cụ không bao giờ giết người trong thị tộc cả. Nhưng người da trắng xưa kia đâu có tới đây. Cho nên chúng ta phải làm cái việc mà các cụ không bao giờ làm. Cũng như người ta hỏi con chim Eneke tại sao nó cứ bay hoài vậy, nó đáp: “Loài người đã tập được cách bắn phát nào trúng phát nấy, cho nên tôi cũng phải tập bay hoài, không khi nào đậu, dù là trên một cành nhỏ nhất”. Chúng ta phải bứng bỏ lời nguyền rủa đó đi, và nếu anh em chúng ta đứng về phe ác thì chúng ta cũng phải bứng bỏ họ đi. Mà phải làm ngay từ bây giơ. Phải tát nước đó đi ngay bây giờ khi nó mới lên tới mắt cá chân chúng ta...

Đúng lúc đó, đám đông bỗng nhốn nháo lên và mọi cặp mắt đều quay về một phía. Có một khúc quẹo trên con đường từ chợ tới tòa án của người da trắng và tới dòng sông ở phía sau, thành thử khi năm sứ giả của Triều đình tới khúc quẹo rồi, chỉ còn cách đám đông có vài bước, người ta mới thấy chúng. Okonkwo ngồi ở vành ngoài đám đông.

Khi nhận ra tụi sứ giả, ông đứng phắt dậy, đối diện với người sếp tụi họ. Ông căm hận tới run lên, không thốt lên được một tiếng. Người kia không sợ gì cả, không lùi một bước, sau lưng là bốn bộ hạ đứng thành hàng.

Trong giây phút, vũ trụ như ngưng đọng lại, chờ đợi. Im phăng phắc. Đám đông Umuofia như lẫn lộn với bức màn phông câm lặng gồm các cây cối và dây leo khổng lồ; họ chờ đợi.

Tên sếp các sứ giả phá tan sự yên lặng như bị thôi miên đó, ra lệnh:

- Tránh ra cho tôi đi!

- Anh tới đây làm gì?

- Người da trắng mà anh biết quyền uy ra sao rồi chứ, ra lệnh cho các anh phải giải tán.



Nhanh như chớp, Okonkwo rút chiếc rựa. Tên sếp cúi xuống để tránh. Vô ích. Chiếc rựa phập xuống hai lần và đầu của hắn nằm lăn bên cạnh cái xác bận đồng phục.



Bức màn phông bỗng sinh động lên, nhốn nháo và buổi họp ngưng. Okonkwo đứng ngó cái thây. Ông ta biết rằng Umuofia sẽ không lâm chiến. Ông biết vậy vì người ta đã để cho bốn tên sứ giả kia trốn thoát. Họ nhốn nháo lên thôi chứ không hành động, như vậy tỏ rằng họ sợ. Ông nghe thấy có những người hỏi nhau: “Tại sao ông ấy làm vậy?”.



Okonkwo chùi lưỡi rựa vào cát rồi đi.
 
Chương 25

Khi Ủy viên dắt một đội quân có khí giới và một bọn sứ giả Triều đình tới trại của Okonkwo thì thấy một nhóm đàn ông mệt mỏi tụ họp trong obi. Ông ta bảo họ đi ra, họ lặng lẽ tuân lệnh. Ông bảo người thông ngôn hỏi họ:

- Okonkwo là ai?

Obierika đáp:

- Ông ấy không có đây.

- Thế thì ở đâu?

- Không có đây!

Ủy viên khu nổi giận, mặt đỏ gay, bảo họ nếu không dắt Okonkwo đem nạp ông tức tốc thì hết thảy sẽ bị nhốt khám. Họ thì thầm với nhau rồi Obierika nói:

- Chúng tôi có thể dắt ông lại chỗ ông ấy và có lẽ các bộ hạ của ông sẽ giúp chúng tôi.

Ủy viên khu không hiểu câu “có lẽ các bộ hạ của ông sẽ giúp chúng tôi” là nghĩa gì. Ông ta nghĩ bụng: một trong những thói bực mình nhất của tụi này là dùng những tiếng vô ích.

Obierika và năm sáu người khác đi dẫn đường. Ủy viên khu và bộ hạ đi theo, súng lên cò sẵn. Ông ta đe trước Obierika rằng nếu gạt bọn ông ta thì sẽ ăn đạn liền. Rồi họ đi.

Sau trại của Okonkwo có một bụi cây nhỏ. Chỉ có mỗi một lỗ tròn đục trong tường rào đưa ra bụi cây đó, mà lỗ nhỏ quá, để chỉ cho gà ra vô kiếm thức ăn, người chui không lọt. Obierika dẫn bọn kia tới bụi cây. Họ phải đi sát bức tường rào vòng quanh trại. Họ yên lặng đi, chỉ nghe thấy lá khô sào sạo dưới chân.

Rồi họ tới một cây cao treo lủng lẳng cái thây đong đưa của Okonkwo, và đứng sựng lại.

Obierika nói:

- Có lẽ bộ hạ của ông có thể hạ thây ông ấy xuống và chôn giúp chúng tôi được. Chúng tôi đã phái người đi kiếm những người lạ ở làng khác để làm việc đó cho chúng tôi, nhưng chắc còn lâu họ mới tới.

Thái độ của Ủy viên thay đổi liền, không còn là một nhà cai trị cương quyết nữa, mà chỉ là một người tò mò muốn biết những phong tục chất phác. Ông ta hỏi:

- Tại sao các ông không thể làm lấy được?

Một người đáp:

- Trái với tục lệ chúng tôi. Kẻ nào tự hủy hoại đời mình là làm một điều ghê tởm, xúc phạm Thổ Thần, các người trong thị tộc không được chôn kẻ đó. Thây kẻ đó bị nguyền rủa, và chỉ những người lạ mới được rờ tới. Vì vậy chúng tôi phải nhờ bộ hạ của ông hạ thây đó xuống, vì các ông là người lạ.

Ủy viên hỏi:

- Rồi các ông có chôn cất như chôn cất mọi người khác không?

- Chúng tôi không thể chôn cất được. Chỉ người lạ mới chôn cất cho được thôi. Chúng tôi sẽ trả công cho bộ hạ ông. Khi chôn cất ông ấy xong rồi, chúng tôi sẽ làm trọn bổn phận với ông ấy, sẽ cúng tế để tẩy uế đất đai.

Obierika vẫn đăm đăm ngó thây lủng lẳng của bạn, thình lình quay lại nói với Ủy viên, giọng giận dữ:

- Ông ấy là một trong những vĩ nhân của Umuofia. Ông đã dồn ông ấy tới cái nông nỗi phải tự tử, và bây giờ đây, người ta sắp vùi thây ông ấy như vùi thây một con chó...

Giọng ông run run, nghẹn ngào. Ông không nói thêm được một lời nào nữa.

Chẳng can cớ gì mà một tên sứ giả quát lớn:

- Có câm cái miệng không!

Ủy viên bảo người sếp bọn sứ giả:

- Hạ thây đó xuống và khiêng lại Tòa án, dắt cả mấy người này theo nữa.

Tên đó cúi đầu chào:

- Bẩm quan lớn, vâng ạ.

Rồi Ủy viên khi đi về, dắt theo bốn tên lính. Trong biết bao năm bôn tẩu để đem văn minh lại cho các miền châu Phi, ông ta đã học được nhiều điều. Một trong những điều đó là đường đường một Ủy viên khu thì không bao giờ được chứng kiến những việc ti tiện như hạ thây một kẻ tự ải. Quan tâm tới cái đó thì thổ dân sẽ khinh mình đi. Trong cuốn sách ông ta tính viết, ông sẽ nhấn mạnh vào điểm đó. Vừa đi về Tòa án, ông vừa suy nghĩ về cuốn sách. Cứ mỗi ngày lại thu thập được thêm một tài liệu. Chuyện người da đen đã giết một sứ giả rồi tự treo cổ đó, đọc sẽ thấy thú vị đấy. Có thể viết trọn một chương được. Không, có lẽ trọn một chương thì không nên, nhưng ít nhất cũng thành một đoạn vừa phải. Có biết bao chuyện phải cho vô, và phải cương quyết tước bớt những chi tiết rườm rà đi chứ. Ông ta đã suy nghĩ lung và lựa được nhan đề này cho cuốn sách: Sự Bình định các Bộ lạc dã man miền Hạ-Niger.
 
DANH TỪ CÁC BỘ LẠC OBI DÙNG TRONG CUỐN NÀY

E đọc là Ê, U và G đọc như âm Việt)



Afo: Tên một ngày, không rõ là ngày gì.

Agadi-nwayi: Môn bùa ngải.

Agbala: Đàn bà, đàn ông vô dụng. Cũng là

tên Thần Núi-Hang.

Akalongoli: Có lẽ là quỷ hay một thần ác.

Akanma: Có lẽ là tuổi thành nhân.

Amadiora: Thiên lôi.

Ani: Nữ Thổ Thần.

Cam: Một loại cây để sơn mình.

Chi: Thần bổn mạng.

Chukwu: Trời, Thượng đế.

Cola (kola): Một cây cao, lớn, trái quý và bổ, có

chất cà phê.

Efulefu: Kẻ vô dụng.

Ege: Một đòn đánh vật.

Egusi: Một thứ cháo.

Egwugwu: Hồn thiêng tổ tiên; người đóng vai

hồn thiêng tổ tiên.

Ekwe: Mõ bằng gỗ.

Ekwensu: Thần ác.

Eze-agadinwayi: Răng bà già.

Foofoo: Món ăn chính của người Obi.

Iba: Bệnh sốt rét.

Idemili: Một chức cao thứ ba trong làng.

Cũng trỏ một vị thần.

Ikenga: Tượng thần bằng gỗ.

Ilo: Sân chơi của làng.

Inyanga: Một điệu vũ có lắc phần dưới mông.

Iroko: Tên một loài cây cao lớn.

Isa-ifi: Lễ xưng tội khi cô dâu về nhà chồng.

Iyi-uwa: Vật của một đứa con lộn, chôn dưới

đất, hễ đào được thì hết lộn trở lại nữa.

Jigida: Một thứ hạt trai phụ nữ xâu chuỗi

để đeo.

Kotma: Bọn sứ giả triều đình Anh, như tụi

mã tà ở ta thời Pháp thuộc.

Kwenu: Lời chào hoặc chúc mừng.

Ndichie: Bô lão.

Nna: Cha

Nne: Mẹ

Obi: Chòi riêng của người chủ trong gia

đình, vợ con ở trong các chòi khác.

Ochu: Tội giết một người cùng thị tộc.

Ogbanje: Con ranh, con lộn.

Ogène: Mõ hay chuông bằng kim thuộc.

Ogwu: Bùa phép.

Ogwugwu: Tên một vị thần (hay một hạng thầy

pháp?).

Osu: Hạng tiện dân.

Ozo: Một chức vị, muốn được chức vị đó

thì phải giàu có, vô một đoàn thể,

theo một số nghi lễ.

Tie-tie: Sợi dây.

Udu: Một nhạc cụ.

Udula: Tên một loài cây.

Uli: Một thứ để vẽ mình (không rõ là gì).

Umuada: Con cháu trong nhà.

Umunna: Họ hàng, bà con xa gần.

Uri: Lễ đón dâu.

HẾT
 
×
Quay lại
Top