Psychopomp: Những vị thần trấn giữ ngưỡng cửa cái chết

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Cái chết là một bí ẩn lớn và đáng sợ, luôn chờ đợi ta ở đoạn cuối cuộc đời. Nhân cách hoá cái chết giúp ta có cái nhìn dễ chịu hơn về sự kiện này.

Ảnh: fergregory / Adobe Stock.

Ảnh: fergregory / Adobe Stock.

Psychopomp (tạm dịch: tử thần dẫn lối) là những vị thần hoặc linh hồn trấn giữ ngưỡng cửa cái chết. Họ hộ tống những linh hồn vừa mới chết đến thế giới bên kia. Hầu hết các nền văn hoá trong suốt chiều dài lịch sử đều có psychopomp, từ tổng lãnh thiên thần Michael cầm kiếm rực lửa đến nam tước Samedi hài hước và say xỉn. Nổi tiếng nhất là Grim Reaper và các Valkyrie. Bằng cách nhân cách hoá hoặc trao cho cái chết một hình hài, chúng ta có thể giảm bớt nỗi lo về điều bí ẩn đáng sợ ấy.

Vậy giờ bạn đã chết. Bạn đã có một cuộc đời tươi đẹp. Bạn biết yêu thương, biết trao đi những nụ cười và có những đêm chơi bời tuyệt vời. Bạn đã đến Taj Mahal, đã nghe Rolling Stones hát nhạc sống, và bạn đã đọc hết bộ sách Chúa Nhẫn. Nhưng bạn chết rồi. Đừng tự dằn vặt bản thân nữa, ai cũng chết mà. Ai rồi cũng chết thôi.

Khi bạn nằm đó, lạnh lẽo và tái nhợt trên gi.ường bệnh, hoặc bị con gấu hung tợn xé xác, hay cơ thể bị đạn bắn lỗ chỗ trong đống đổ nát vùng chiến sự, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tưởng tượng linh hồn bạn bay lên khỏi cơ thể, bị kéo ra như chiếc khăn mùi soa trong hộp, lơ lửng trên thi thể vẫn còn rất điển trai kia, bối rối và vô định.

“Này, có ai không?” giọng nói ma mị của bạn cất lên giữa một thế giới xám xịt và câm lặng. Đó là thế giới mà bạn biết, nhưng lại rất khác. Tầm nhìn của bạn mờ ảo, và chân trời phía xa dựng lên một bức tường đen ngòm hoặc chỉ tiếp giáp một khoảng không hư vô. Bạn lạc lối và sợ hãi. Bạn cần có một tử thần dẫn bước.


Những Psychopomp sẽ đưa đường chỉ lối

Psychopomp là những tử thần dẫn lối đến thế giới bên kia. Họ là những huyền thoại hoặc thần thánh hộ tống người mới chết từ thực tại đến cõi tâm linh. Psychopomp là những vị thần trấn giữ ngưỡng cửa cái chết, và lãnh địa của họ là vùng đất biên ải tối tăm làm cầu nối giữa thế giới sống và thế giới linh hồn. Họ chờ đợi những linh hồn (đôi khi là bắt hồn) và hộ tống những linh hồn đến nơi đã định sẵn bình an vô sự.

Hầu hết các nền văn hoá trong lịch sử đều có psychopomp. Một số trông khá đáng sợ, như bộ xương choàng áo cầm lưỡi hái Grim Reaper. Số khác lại là những vệ thần, chẳng hạn như tổng lãnh thiên thần Michael xua đuổi những con quỷ săn mồi bằng thanh kiếm rực lửa. Một số tử thần dẫn lối có cơ thể rất to lớn, như quỷ quạ khổng lồ Vanth trong thần thoại Etrusca. Và có khi họ cũng bé tí hon, như những con ong trong thần thoại thời cổ điển.

Sau đây là 5 psychopomp nổi tiếng nhất, thú vị nhất và kỳ lạ nhất trong lịch sử.


Aurora Borealis (Bắc Cực Quang)

Aurora Borealis (Bắc Cực Quang)

Nếu bạn từng trông thấy Aurora Borealis, hay Bắc Cực Quang, thì bạn sẽ biết ta khó lòng mà không liên tưởng hiện tượng này với điều gì đó thiêng liêng. Có một thế giới khác trong vầng sáng lung linh huyền ảo ấy. Đây chính là điều người Cree ở Bắc Mỹ (phần lớn sống ở Canada) tin tưởng.

Trong mắt người Cree, Aurora Borealis được gọi là Wawatay (hoặc Wawastew). Wawatay là nơi an nghỉ của những linh hồn tổ tiên đã khuất của họ. Người Cree cho rằng những màu sắc cổ quái nhảy múa trên nền trời đêm là những linh hồn ma đang soi đường đến thế giới bên kia. Bắc Cực Quang là buổi tiệc liên hoan của người chết, những người dẫn dụ và hướng dẫn những linh hồn mới chết đi đúng đường. Theo quan niệm của người Cree, khi ta chết, ta phải đi theo những vầng sáng Aurora Borealis vẫy gọi và tìm kiếm cuộc sống tiếp theo của mình ở thế giới tâm linh.


Cầu Chinvat

Cầu Chinvat

Hầu hết các chuyện kể về psychopomp hay thần thoại xoay quanh thế giới tâm linh đều ít nhiều có điểm giao nhau. Thường thì ta phải vượt qua một con sông, như sông Styx trong thần thoại Hy Lạp, nhưng trong tín ngưỡng của người Zoroastria thì đó là “Cầu Chinvat”. Theo người Zoroastria, ngay sau khi bạn chết, linh hồn sẽ lơ lửng quanh cơ thể trong 3 ngày. Đây là khoảng thời gian mà những vị thần sẽ cân đo đong đếm hành vi thiện ác của bạn. Đó là một quá trình vô hạn và thiêng liêng. “Cảm ơn ngươi vì đã chờ đợi, linh hồn ngươi rất quan trọng với ta.”

Vào ngày thứ tư, linh hồn của bạn sẽ vi hành đến Cầu Chinvat. Tại đó, Daena đang chờ đợi. Daena sẽ xuất hiện trước bạn trong hình hài một thiếu nữ xinh đẹp, là “người công bình trong mọi khía cạnh”, nếu bạn đã sống một cuộc đời xứng đáng. Hoặc nàng sẽ xuất hiện dưới hình hài một mụ phù thuỷ hôi hám nếu bạn đã sống một cuộc đời xấu xa.

Daena, cùng một vệ thần có tên gọi Suroosh sẽ bảo vệ linh hồn bạn khỏi những con quỷ đói muốn ăn tươi nuốt sống bạn. Nếu lương tâm bạn xứng đáng lên thiên đường, Daena sẽ hộ tống bạn lên cầu đến thiên đường. Nhưng nếu bạn là một kẻ xấu xa, nàng sẽ buộc bạn bước đi ba bước, một bước cho “suy nghĩ xấu xa”, một bước cho “lời nói xấu xa”, một bước cho “hành vi xấu xa”, và rồi bạn sẽ rơi xuống địa ngục.


Valkyrie

Valkyrie

Trong một xã hội có tinh thần thượng võ khắt khe như của người Bắc Âu, chiến tranh và các chiến binh là những đối tượng được thánh thần ban phước. Thần thoại Bắc Âu là một câu chuyện mạt thế hoành tráng. Trong đó mọi thử thách và khổ nạn đều là để chuẩn bị cho trận chiến “ragnarok” vĩ đại giữa thần linh và các thế lực hắc ám. Sự giải thoát từ các Valkyrie không hề êm ả hay thoải mái. Họ sẽ đưa bạn đến đại sảnh Odin ở Valhalla để diễn tập chiến tranh (giữa các đợt chè chén say sưa). Cuối cùng, bạn sẽ bị đưa đến một cuộc đại chiến với thế lực hắc ám. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn “sống” sót sau cuộc chiến? Thật đáng tiếc là thi ca Bắc Âu không đề cập đến.

Cùng với Grim Reaper, có lẽ các Valkyrie là những psychopomp nổi tiếng nhất. Tên của họ có nghĩa là “Tuyển thần tử binh”, và họ là những nữ chiến binh trong thần thoại Bắc Âu chuyên tuyển mộ những linh hồn quả cảm và xứng đáng trong số những người đã ngã xuống, nhất là trong các trận chiến.


Nam tước Samedi

Nam tước Samedi

Không có psychopomp nào có vẻ ngoài lịch lãm sánh bằng nam tước Samedi. Samedi, thường được miêu tả với chiếc mũ chóp và áo đuôi tôm, là một linh thần cực kỳ mạnh mẽ ở Haitian Vodou. Ngài nam tước không chỉ hộ tống người chết mà còn định đoạn ai là người sẽ chết. Nam tước Samedi sẽ đào huyệt chôn cho những người sắp tận số nhưng vẫn sẵn sàng đẩy lùi thời hạn cho những người nài xin và dâng đồ cúng. Ngoài năng lực về người chết, ngài còn có thể chữa lành và mang đến sự sống.

Samedi thường được khắc hoạ là một người đàn ông mặc đồ đen (hoặc một bộ xương) ranh mãnh, thích mỉa mai và châm chọc, tỉnh táo hoặc say rượu. Ông rất mê uống rượu rum và hút thuốc. Sau khi đào huyệt cho bạn, Samedi sẽ chờ bạn tại một giao lộ (một điểm giống nhau khác nữa của ngưỡng cửa cái chết). Bạn sẽ tán gẫu và vui đùa, và nếu bạn hoặc gia quyến đối đãi Samedi tốt, ngài sẽ đứng trước thi thể bạn đến khi nó phân huỷ, để đảm bảo nó không biến thành một thây ma. Vậy nên tốt nhất bạn nên để dành vài mẩu chuyện cười để kể cho ngài nam tước.


Những tử thần cánh trắng

Không có gì phù hợp với Hollywood như những thiên thần cánh trắng, giương cao thanh gươm rực lửa để bảo vệ những linh hồn công chính khỏi nanh vuốt quỷ dữ. Và trong cả Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, ta đều tìm thấy hai tử thần dẫn lối có hình hài này: tổng lãnh thiên thần Azrael trong hồi Giáo và tổng lãnh thiên thần Michael trong Thiên Chúa giáo.

Tổng lãnh thiên thần Michael

Tổng lãnh thiên thần Michael​

Khi trẻ nhỏ hát bài hát cổ “Micheal, chèo thuyền vào bờ”, bọn trẻ thực sự đang hát một bài đồng dao về cái chết. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự giao nhau, và trong trường hợp này, tổng lãnh thiên thần Michael đảm nhận vai trò của một người lái thuyền, hay ở Hy Lạp Charon đảm nhận vai trò này. Người ta cho rằng Michael sẽ hộ tống các linh hồn đến thế giới bên kia. Tại đó, chính Michael là người nắm giữ cán cân xác định liệu phẩm hạnh của một linh hồn có đủ để họ lên thiên đường hay không. Đó là lý do tượng điêu khắc của ông xuất hiện trên khắp các nghĩa trang và nhà nguyện tang lễ ở châu Âu.

Hồi giáo cho rằng Azrael là thiên thần duy nhất đủ dũng khí để hạ thế chiến đấu với quỷ dữ. Đổi lại như một món quà, thánh Allah biến ngài thành tử thần. Azrael sở hữu một danh sách tên của tất cả nhân loại, và tên những người ngay thẳng được khoanh tròn bằng ánh sáng, còn những người xấu xa được khoang tròn bằng bóng tối. Allah sẽ viết tên của người sắp tận số lên chiếc lá và thả rơi xuống tay Azrael. Sau đó Azrael có 40 ngày để tước đi mạng sống người đó. Nhiều năm qua, truyện dân gian Hồi giáo đã phát kiến ra nhiều mánh khoé và vũ khí để xua đuổi Azrael trong dù chỉ giây lát. Vẫn có một lời nguyện nài, nhưng người ta cũng cho rằng Azrael không thể động đến những người làm bố thí. Sau đó một lỗ hỏng hữu ích được áp dụng là cứ đi bố thí cho người nghèo, bằng cách đó Azrael phải chờ thời cơ để hành động sau.


Chuyến hành trình kết thúc

Cái chết là sự bảo đảm duy nhất trong cuộc sống, và chẳng có gì ngạc nhiên khi mọi nền văn hoá đều tạo ra những câu chuyện, huyền thoại và tôn giáo về nó. Chúng ta có thể bớt lo sợ về cái chết hơn bằng cách nhân cách hoá và trao cho cái chết một hình hài. Cõi hư vô rộng lớn đáng sợ và cô độc đang chờ đợi tất cả chúng ta sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu ta được một nam tước vui tính hay một vệ thần cầm kiếm đồng hành. Những câu chuyện này nhằm an ủi và bình thường hoá thực tế về cái chết không thể tránh khỏi.

Cái chết là khoảnh khắc đánh mất bản thân cuối cùng, chẳng trách mà ta cần một người dẫn lối. Vậy nên bạn hãy chọn cho mình một psychopomp yêu thích, khiến cái chết dễ gần hơn một chút và sẵn sàng cho một chuyến hành trình khác đầy thú vị.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Bigthink)
 
×
Quay lại
Top