Phòng chống những mẹo lừa đảo xảo quyệt

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824
image48.jpg

Tang vật trong một vụ lừa đảo.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) diễn biến hết sức phức tạp, nhức nhối. Ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt và đa dạng trên mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Những tiểu xảo lừa đảo

Bọn lừa đảo sở hữu những kỹ năng dối trá đạt đến tầm chuyên nghiệp. Chúng có thể là bất cứ ai, từ người quen đến kẻ lạ, nên rất khó để nhận biết trước; có thể nhập vai và diễn xuất hoàn hảo đến mức bạn chỉ có thể nhận ra mình bị lừa khi chúng đã “xa chạy, cao bay” cùng tài sản của mình.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, có thể bạn đã gặp chúng dưới cái vỏ của một doanh nhân thành đạt; một quan chức đầy quyền uy; hoặc ngược lại là một người trong bộ dạng đói rách, thất thểu, kiếm ăn từng bữa; một bà mẹ khốn khổ, cầu xin từng đồng cho đứa con của mình. Thậm chí, một kẻ chuyên nghiệp còn có thể khiến bạn cảm thấy như gặp được người bạn tri âm, tri kỷ.

Một công thức phổ biến cho phần lớn các vụ lừa đảo, đó là tạo cớ tiếp cận, bắt quen, kết thân. Chúng có đủ kiên trì để chơi với bạn đủ lâu, để dành trọn sự tin cậy của bạn. Bởi đích hướng đến của chúng là khối tài sản bạn đang sở hữu, nên có khi chúng sẵn sàng “thả con săn sắt, bắt con cá rô” với bạn, sẵn lòng giúp đỡ bạn điều gì đó nho nhỏ để tạo dựng uy tín, lòng tin. Giống như đối tượng huy động vốn tín dụng đen, luôn trả cao và sòng phẳng cho bạn vài lần, trước khi chúng “ôm” số tiền lớn và bỏ trốn.

Thủ đoạn lừa đảo vô cùng đa dạng trên thực tế. Đó có thể là dùng lời nói dối trá, giấy tờ giả mạo để đánh lừa; dàn dựng những sự việc để giăng bẫy nạn nhân; giả danh người có chức vụ quyền hạn; mạo nhận là người có quan hệ và có khả năng tác động đến người có chức vụ quyền hạn; giả danh các tổ chức để ký kết hợp đồng; sử dụng các chiến thuật tâm lý tác động lên nạn nhân; sử dụng kế liên hoàn (dùng đồng thời các thủ đoạn nói trên) trong một vụ lừa đảo.

Những thủ đoạn ấy, được chúng tính toán và áp dụng trên cơ sở khai thác tối đa các điểm yếu trong tâm lý của nạn nhân. Điểm yếu đó chính là lòng tham, tính hám lợi, hám rẻ, ham giàu nhanh, sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, nỗi lo lắng, sợ hãi, đức tin…

Các vụ án lừa đảo xảy ra gần đây cho thấy có sự cấu kết của nhiều đối tượng, hình thành nên các băng ổ nhóm hoạt động chuyên nghiệp. Thông thường chúng có từ 2 tên trở lên. Khi tiếp xúc với nạn nhân, chúng thường dùng lời nói ngọt ngào, hứa hẹn nhiều, tự nói (khoe khoang) về chức vụ, tài chính, khả năng, quan hệ… của mình có thể giải quyết công việc (để tạo lòng tin). Nếu lừa đảo ngoài đường, chúng thường nhằm vào những người mà chúng đánh giá là thiếu hiểu biết và mất cảnh giác (như người già, phụ nữ).

Hành động của bọn tội phạm lừa đảo, đều theo những kịch bản quen thuộc. Bởi diễn biến tâm lý của nạn nhân đã được tính toán kỹ, nên họ không thể thoát ra khi đã sa vào bẫy của chúng. Tuy nhiên, giống như mọi tội phạm khác, chúng cũng rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Khi gặp phải người có tinh thần cảnh giác cao, thận trọng và có động thái kiểm tra ngược lại về chúng, hoặc về các thông tin chúng đưa ra, bọn lừa đảo sẽ tự động rút lui vì không muốn mất thời gian.

Hiện nay, tội phạm LĐCĐTS thường xảy ra khi đi xin việc làm, xin đi học, xuất khẩu lao động; chạy (xin) cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, xin cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin xây nhà, làm các thủ tục hành chính khác; chạy án; mua bán hàng hóa, hợp đồng kinh tế, thương mại; vay lãi tín dụng đen, vay tiền ngân hàng thế chấp tài sản…

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng chống loại tội phạm này, cách tốt nhất là đừng tự biến mình thành “mồi ngon” của kẻ lừa đảo. Sự cảnh giác và biết tiết chế lòng tham chính là lớp áo giáp bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của chúng.

Trong cuộc sống, bạn cần đề cao cảnh giác, không dễ tin vào lời nói, tài liệu, đồ vật… người khác đưa ra khi chưa thể kiểm chứng, xác định tính chính xác của nó. Khi có người lạ mặt đến nhà bạn gạ bán hàng hóa giá rẻ, cách xử lý tốt nhất là từ chối tiếp xúc, không mua hàng hóa, không đứng gần, tuyệt đối không mở cửa cho họ vào nhà (đề phòng bị thôi miên, hoặc đầu độc bằng thuốc mê, hoặc cướp, trộm cắp tài sản). Nếu có người lạ (trong đồng phục thợ điện, cửa hàng ga, điện thoại…) đến nhà, đề nghị cho kiểm tra ga, đường điện thoại, đường nước, Internet…, bạn cần hỏi xem trong nhà có ai gọi họ đến không. Nếu họ đến đường đột, không có thông báo của cơ quan, thì tuyệt đối không được mở cửa cho vào nhà (vì đó có thể là bọn cướp ngụy trang, bọn lừa đảo tìm cách xâm nhập vào trong nhà).

Nếu trong nhà cũng có nhu cầu sửa chữa, thì cần hỏi rõ địa chỉ, điện thoại cơ quan của họ và gọi điện đến để xác minh xem có đúng là người của cơ quan đó không. Thông thường, bọn lừa đảo sẽ bỏ đi ngay, nếu chúng thấy bạn đang xác minh về chúng. Đối với người đã quen biết, cần tìm hiểu họ có động cơ, mục đích nào phía sau những lời hứa hẹn giúp đỡ mình.

Cần cảnh giác cao độ với những lời “đường mật”, hứa hẹn lợi ích vật chất hay cuộc sống xa hoa, sung túc phi thực tế. Bản thân bạn cũng rất cần cảnh giác với lòng tham trong chính con người mình. Phải luôn ghi nhớ chẳng ai cho không bạn cái gì đâu. Đừng để lòng tham làm mờ mắt trước sự thúc giục khẩn trương giao tài sản của người khác, mà cần bàn bạc, trao đổi với người thân trong gia đình, người có chuyên môn, hiểu biết hoặc người đang làm việc tại chính lĩnh vực đó, trước khi đưa ra quyết định giao tài sản. Ngay cả khi đã biết ít nhiều về người nhận làm hộ một việc, cũng vẫn cần thiết phải kiểm tra họ bằng nhiều cách khác nhau (kiểm tra về hoạt động hiện hành của họ, về vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của họ đối với công việc mà mình đang nhờ giúp đỡ…). Chỉ giao tài sản khi đã có những căn cứ xác thực nội dung mà người khác đưa ra là đúng.

Khi giao nhận tiền, tài sản nên có giấy tờ (công chứng hoặc viết tay) để ghi nhận sự việc đó. Nội dung nên ghi trung thực theo thỏa thuận giao dịch của các bên (nhiều người ghi là giấy vay tiền, làm sai lệch bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động điều tra và đòi lại tài sản sau này). Nếu không tiện yêu cầu ghi giấy tờ, thì cần ghi âm, ghi hình bí mật (bằng điện thoại, máy chuyên dụng). Nhất thiết phải có tài liệu ghi nhận sự việc trao tài sản. Trong toàn bộ quá trình giao dịch những công việc có tính chất nhạy cảm, dễ xảy ra lừa đảo, hoặc bản thân chưa thực sự tin tưởng vào đối tác, hay chưa có khả năng kiểm chứng ngay nội dung thông tin họ đưa ra, cần chủ động ghi âm, ghi hình bí mật và mời người thứ ba cùng tiếp chuyện với mình (để có người làm chứng cho việc tố cáo tội phạm sau này, nếu đó là vụ lừa đảo). Việc mời người làm chứng, nên nhờ bạn bè, hàng xóm để đảm bảo yếu tố khách quan. Dùng người nhà làm chứng thì tính thuyết phục không cao.

Nếu chẳng may bạn đã bị lừa, bạn cần làm gì? Hãy làm đơn trình báo ngay với cơ quan cảnh sát điều tra tại quận, huyện nơi xảy ra tội phạm, nơi đối tượng cư trú hoặc tạm trú. Nếu không xác định được thì gửi tại nơi cư trú của mình. Nếu tài sản lớn thì nộp đơn trình báo tại cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh, thành phố nơi xảy ra tội phạm, nơi đối tượng cư trú hoặc tạm trú. Nếu không xác định được thì gửi tại nơi cư trú của mình. Đồng thời, bạn nên giao nộp cho cơ quan công an tất cả những giấy tờ, tài liệu, hình ảnh, clip… có liên quan đến vụ lừa đảo.

Nên giao nộp bản sao (photocopy), bản chính giữ lại, chỉ xuất trình để đối chiếu, hoặc giao nộp cho cơ quan điều tra khi vụ án đã khởi tố, điều tra. Ngoài ra, bạn nên tích cực tìm hiểu thông tin về đối tượng (nơi ở hiện tại, công việc, số điện thoại đang dùng) để báo cáo với cơ quan công an, phục vụ việc truy tìm đối tượng bỏ trốn. Nếu bản thân tự đi tìm, hoặc tình cờ gặp lại, phát hiện đối tượng đã lừa đảo mình đang lưu thông trên đường, nên theo dõi về đến nơi ở, chỗ làm việc của chúng. Đồng thời gọi điện báo công an, rồi gọi cho bạn bè, người thân… (phải huy động đủ số người cần thiết) để ngăn chặn, giữ đối tượng lại. Ngay sau đó phải áp giải đối tượng vào trụ sở cơ quan công an gần nhất (hoặc bất kỳ trụ sở cơ quan nào đó, rồi gọi điện báo công an đến tiếp nhận).

Nên nhớ, tuyệt đối không dùng vũ lực đánh đập đối tượng, tịch thu chiếm giữ phương tiện, tài sản, tiền bạc, tài liệu, giấy tờ… của đối tượng rồi mang về nhà mình, vì có thể sẽ phạm vào các tội “Cố ý gây thương tích”, “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cướp tài sản”, “Chiếm đoạt tài liệu”…). Để ngăn chặn đối tượng bỏ trốn hoặc chống trả để thoát thân, bạn có thể khóa trói bằng dây trong quá trình dẫn giải đến cơ quan công an. Nếu giữ phương tiện, tiền bạc, tài sản, giấy tờ… của đối tượng, cũng phải mang đến giao nộp ngay cho cơ quan công an giải quyết sự việc. Việc tự ý chiếm giữ tài sản của chúng là vi phạm pháp luật.


Nguồn: https://laodong.com.vn/xa-hoi/meo-thoat-h...314132.bld
 
Không tin người lạ. Mình chẳng bao giờ hại ai nhưng sao trên đời này lại vẫn còn người xấu. Nhưng có lúc chính sự đa nghi dè chừng này lại là lý do tốt để người ta bao biện cho hành động không giúp đỡ cho người cần giúp. Sự dối trá của kẻ xấu và sự im lặng của người tốt....
 
×
Quay lại
Top