Văn Phân tích "Cảnh ngày hè" - Nguyễn Trãi

Yoshida

Variety is spice of life
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/5/2020
Bài viết
1.461
Nguyễn Trãi là một nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lõi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời, cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn dưới triều Lê. "Cảnh ngày hè" là một trong số các bài thơ mà Nguyễn Trãi đã sáng tác khi không còn được nhà vua trọng dụng. Trong đó, bức tranh cảnh hè tràn đầy sức sống và tấm lòng ái quốc ưu dân của tác giả là nội dung xuyên suốt toàn bài.

[Trích thơ]

"Cảnh ngày hè" được trích trong chùm thơ có tên chung là "Bảo kính cảnh giới", là bài số 43 trong phần "Vô đề" của "Quốc âm thi tập". "Quốc âm thi tập" là tập thơ Nôm được tác giả làm dưới triều Lê, khi không được vua tin dùng, mãi nghe theo lời kẻ dua nịnh, bỏ ngoài tai lẽ phải. Ấy vì cớ đó, tác giả đã cáo quan về ở ẩn. Tuy đã từ quan, trờ về với cuộc sống bình yên, nhàn nhã vẫn hằng ao ước, tác giả vẫn canh cánh bên mình nỗi lòng yêu nước thương dân. Với thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, nhịp điều đi ngược quy luật, tác giả đã tự do tận hưởng ngày hè của mình gắn với ước mơ sống ấm no của dân tộc.

Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp với muôn sắc màu qua cái nhìn tinh tế của Nguyễn Trãi vào một chiều cuối hè:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương."
Từ láy "đùn đùn" là một động từ mạnh, thể hiện một sự sôi trài, cuồn cuộn, dồn dập lao đến. "Tán rợp giương" là hình ảnh miêu tả sức lan tỏa của tán lá, xum xuê, che kín một góc trời. Ta thấy được, cây hòe xanh tươi, đang ở giai đoạn phát triển, cứ phát triển không ngừng. Sức sống bên trong nó trào dâng mãnh liệt, thôi thúc những cành lá vươn lên, vươn lên mãi đến rợp cả khoảnh trời, xanh mướt.

Sau khi trông thấy màu xanh sự sống của cây hòe, Nguyễn Trãi lại nhìn đến hoa lựu bên hiên cửa qua nghệ thuật điệp ngữ tinh tế. Thạch lựu đã trổ bông. Nhưng không như các cây khác, không nhẹ nhàng và điềm đạm, lặng lẽ nở từng hoa. Họa lưu ở đây "phun" ra những "thức đỏ". Thạch lựu ra hoa một cách rất nhanh chóng và mạnh mẽ, dứt khoát. Những cánh hoa đỏ rực như lửa đốt, căng tràn nhựa sống. Việc sử dụng động từ mạnh "phun" đã làm nổi bật sức sống ứ đọng trong hoa lựu thật mãnh liệt.

Ta chợt nhớ đến một câu thơ khác, cũng là của tác giả, và cũng vào dịp hè sang:
"Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông"
Vẫn là hoa lựu, vẫn là màu hoa nóng rực bên hiên nhà, Rõ ràng rằng, ta đã cảm nhận được màu sắc náo nhiệt, sôi động, tràn đầy sức sống, của một mùa trong năm, gọi là hè.

Tác giả không chỉ dừng lại ở thị giác mà còn lắng lòng cản nhận được hương sen thoang thoảng, nhẹ nhàng. Nếu lá cờ đỏ sao vàng đại diện cho sự anh dũng, bất khuất, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, thì sen là loài hoa truyền thống cho phẩm hạnh, tâm hồn trong trắng, thuần khiết của người Việt, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Thế nên, Nguyễn Trãi đã không gọi loài hoa ấy là "hoa sen" như ai ai vẫn thường hay gọi, mà là "hồng liên trì" và "tiễn mùi hương". Với sự đảo ngữ và cách dùng từ diễm lệ, ta thấy được sự trân trọng mà tác giả đã danh cho loài hoa nền nã, nhã nhặn này. Dẫu đã cuối ngày, cuối hè, hoa vẫn ngát hương, vẫn thiết tha với cuộc đời. Đây là một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống qua các động từ mạnh, tính từ chỉ sắc thái. Từ đó, ta biết được rằng, Nguyễn Trãi là người rất yêu thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, có một tấm lòng thiết tha với thiên nhiên, với cuộc đời. Thế nên, ông mới có thể cảm nhận được từng đường đi, nước bước, từng cái cựa mình của những điều thật bé nhỏ xung quanh.

Không chỉ quan sát, khắc họa bức tranh thiên nhiên bằng màu vẽ, tác giả còn thổi vào đó cái hồn sống bởi những âm thanh:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"
"Chợ cá" là âm thanh của làng chài. Đó là dấu hiệu của bình yên và no ấm. Vì, khi cuộc sống sung túc, đủ đầy, các phiên chợ mới mở ra, người mua, kẻ bán tấp nập, vui tươi. Tiếng "lao xao" ấy đã tan dần trong không trung, theo gió bay đi thật xa, vang vọng thật xa, và được tác giả bắt giữ lại. Đây là cái nghiêng tai kì diệu, tinh tế và tấm lòng luôn hướng đến con người và cuộc sống của Nguyễn Trãi. Chỉ khi tâm hồn luôn lo toan, khát vọng giúp dân, giúp nước, yêu nước thương dân, mới có thể cảm nhận đucợ sự no đủ, hạnh phúc của họ dù cách xa vạn dặm.

Đệm vào âm thanh lao xao của chợ cá, là những khúc tấu ve vui tươi, rộn rã. Ve là một trong những biểu tượng không thể thiếu vào mùa hè. Và dù hè sắp qua, ngày gần tàn, những tiếng ve vẫn vang lên inh ỏi, dạo những khúc nhặc mê say luyến lưu ngày hè. Tiếng ve cao vút, trầm bổng, nao nức lòng người như tiếng đàn. Vâng, ve là ca sĩ, là nghệ sĩ của thiên nhiên.

Khi chiều tà cũng là lúc tâm hồn con người dễ lắm chìm vào cảnh ưu sầu ảm đạm, lúc con người ta thấy quá mỏi mệt sau một ngày dài vất vả, đầy tính toan. Lúc con người cảm giác như chỉ còn một và bao kí ức, nỗi niềm chợt bao trùm lấy họ. Như cảm xúc của Bà Huyện Thanh Quan trong "Chiều hôm nhớ nhà":
"Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn"
Hoàng hôn buông mang theo nỗi sầu thương nhớ quê hương của bà, cũng với âm thanh xa vời vợi khiến càng tiếc nhớ khôn nguôi. Nhưng Nguyễn Trãi là không hề như vậy. Vẫn là buổi chiều tà- "lầu tịch dương", vẫn là những âm thanh dường như đang loãng dần trong không khí: "lao xao chợ cá", "dắng dỏi cầm ve", ấy thế mà nó không gợi cảm giác ảm đạm. Bởi, ngày sắp tắt, nhưng sự sống không ngừng lại. Thiên nhiên vẫn vận động với một nguồn sống dồi dào, hài hòa giữa đường nét màu sắc và âm thanh, con người và cảnh vật.

Từ việc chọn lọc và sử dụng những từ ngữ quen thuộc, giản dị, đến sự liên tưởng, cảm nhận, cả sự tài tình, khéo léo huy động mọi giác quan: thị, khứu, thính để miêu tả bức tranh thiên nhiên, cuộc sống ngày hè tràn đầy sức sống. Điều đó cho ta thấy một tâm hồn khao khát sống, yêu đời mãnh liệt và tinh tế của tác giả.

Bên cạnh những đường nét phác họa bức tranh thiên nhiên sinh động, tác giả cũng phần nào âm thầm gửi vào đó chút nỗi niềm của mình. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn của tác giả với khởi đầu là tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời:
"Rồi hóng mát cảnh ngày trường."
Cách ngắt nhịp 1/2/3 thể hiện sự tự do, thong thả của tác giả. Thật vậy, với một người luôn đau đáu nỗi lòng yêu nước thương dân như Nguyễn Trãi chẳng mấy khi có được khoảnh khắc "rồi" đặc biệt này. Đây chính là hoàn cảnh lí tưởng, là thời gian rãnh rỗi, thư thái, thanh thản hiếm có của tác giả để được tận hưởng cảnh đẹp, khí trời mát mẻ, trong lành. Việc mở rộng hồn thơ, huy động nhiều giác quan và sự liên tưởng độc đáo đã diễn tả cảnh ngày hè chân thật, tràn đầy sức sống, dân dã, bình dị. Điều đó cho thấy sự nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của tác giả.

Từ tình yêu thiên nhiên ấy, tác giả đã bước đến 1 bậc cao hơn, là tình yêu dân, yêu nước.
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
"Ngu cầm" là đàn của vua Ngu Thuấn-bậc minh quân gắn với khúc hát Nam Phong. Vào thời kì này, cuộc sống của nhân dân rất mực thanh bình và ấm no. Vua cùng nhân dân cày cấy. Nhà không cần chốt cửa bởi chẳng có trộm. Không nghèo đói, không tham lam. Cuộc sống nhân dân vô cùng sung túc. Đây là ước mơ của Nguyễn Trãi cho nhân dân ta có một cuộc sống giàu đủ. Tác giả chỉ ước mơ, vì xã hội thời bấy giờ đã đến hồi thối nát, mục rửa. Biết bao tham nhũng, bất chính ngày ngày diễn ra trước mắt và gia tăng từ quan lại triều đình đến người dân đen bần hàn cơ cực. Câu kết của bài thơ với sự phá cách (6 chữ), ngắt nhịp 3/3 chắc khỏe, âm điệu đột ngột, ngắn gọn, súc tích, đã thể hiện sự dồn nén bấy lâu trong lòng tác giả. Điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai không phải ở thiên nhiên tạo vật mà chính là ở cuộc sống của con người, của nhân dân, khát vọng đất nước có những ngày tháng thái bình, ấm no, hạnh phúc, thịnh trị.

Bài thơ được viết ở thể thơ thất ngô xen lục ngôn. Đây là điểm cách tân so với thơ Đường. Sử dụng nhiều từ ngữ quen thuộc, giản dị, làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên cuối hè sinh động và gần gũi, cả vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đáng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, trước cuộc đời, trước con người và đất nước.

"Cảnh ngày hè"-một bài thơ mang biết bao xúc cảm bên trong Nguyễn Trãi. Chút gì đó thanh thản, chút gì đó bình yên, chút gì đó mãnh liệt, cùng một chút lo toan cả những ước mơ, khát vọng thật bé nhỏ cũng thật lớn lao. Sự phá cách trong thể thơ và ngát nhịp, vận dụng khéo léo, tài tình các giác quan, tác giả đã khắc họa vẻ đẹp cuộc sống giản dị, thanh cao, thể hiện một giá trị nhân văn cao đẹp: tấm lòng ưu dân ái quốc, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống. Bài thơ đã để lại trong bao trái tim những phút giây tươi vui, chìm vào một bức họa rực rỡ, căng tràn sức sống, nhưng đồng thời, cũng là lời nhủ khuyên chính mình...
 
Tới bây giờ, khi khả năng cảm thụ nghệ thuật và nhìn ra ẩn ý sau mỗi câu thơ tăng lên rất nhiều thì đối với tôi việc viết ra được nó vẫn là vấn đề. Cơ bản là quá lười :v
May có người viết hộ.
 
Hihi, cảm thấy câu cú hơi bị lủng củng nhỉ ?! :V
Nếu bây giờ bắt phân tích lại bài này muốn được "lủng củng" vậy cũng hơi bị khó đó :))
 
×
Quay lại
Top Bottom