Phân biệt xử lý vi phạm hành chính với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác

mlawkey

Banned
Tham gia
18/3/2019
Bài viết
0
Phân biệt xử lý vi phạm hành chính với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác. Luật sư Lawkey sẽ trả lời vấn đề trên như sau:
Xử lý vi phạm hành chính với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác có những điểm giống nhau và khác nhau.

Trước tiên, có thể nói rằng, giữa xử lý vi phạm hành chính và xử lý các loại vi phạm pháp luật khác đều là biện pháp xử lý của Nhà nước, do Nhà nước đặt ra dưới hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng đối với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Nói cách khác, xử lý vi phạm hành chính và xử lý các loại vi phạm pháp luật khác đều là việc áp dụng trách nhiệm pháp lý do Nhà nước quy định đối với các loại vi phạm pháp luật khác nhau tuỳ theo tính chất, mức độ của vi phạm và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Tương ứng với các loại vi phạm pháp luật khác nhau, có bốn loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đó là: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm dân sự. Việc áp dụng các loại chế tài trách nhiệm pháp lý nêu trên đối với đối tượng vi phạm thường đem lại hậu quả bất lợi cho họ về vật chất hoặc tinh thần (bị phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện; bị bồi thường thiệt hại; tù giam; hoặc cách chức, buộc thôi việc...).

Xử lý vi phạm hành chính có những điểm chủ yếu khác với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác, cụ thể:

Thứ nhất, xử lý vi phạm hành chính chính là việc áp dụng trách nhiệm hành chính (bao gồm xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hành chính khác) đối với đối tượng vi phạm hành chính theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng các chế tài xử phạt hành chính hoặc các biện pháp xử lý hành chính khác là những chức danh thuộc cơ quan hành chính nhà nước do pháp luật quy định cụ thể. Trong khi đó, chủ thể áp dụng các chế tài pháp lý khác đối với đối tượng vi phạm pháp luật có thể là Toà án (đối với vi phạm pháp luật hình sự, dân sự) hoặc thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức (đối với vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức).

Thứ hai, đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính bao gồm cá nhân, tổ chức đã cố ý hoặc vô ý vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước. Như vậy, đối tượng bị áp dụng xử lý hành chính có thể là cá nhân hoặc tổ chức đã thực hiện vi phạm hành chính. Trong khi đó, đối tượng bị xử lý do vi phạm pháp luật khác thường là cá nhân (đối với việc xử lý hình sự, xử lý kỷ luật thì đối tượng bị xử lý phải là những cá nhân cụ thể) hoặc cũng có thể là pháp nhân (đối với việc xử lý vi phạm pháp luật dân sự, ví dụ quy định về trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân).

Thứ ba, việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo một trình tự, thủ tục riêng do pháp luật hành chính quy định. Hiện nay, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh này ban hành năm 2008. Các loại xử lý vi phạm pháp luật khác cũng theo trình tự, thủ tục riêng tương ứng đối với mỗi loại xử lý vi phạm pháp luật. Ví dụ, trình tự, thủ tục áp dụng xử lý vi phạm pháp luật hình sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trình tự, thủ tục áp dụng xử lý vi phạm pháp luật dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật cán bộ công chức thì áp dụng theo trình tự, thủ tục áp dụng chế tài kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Thứ tư, cơ sở pháp lý của xử lý vi phạm hành chính là vi phạm hành chính được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (đối với việc xử phạt vi phạm hành chính) và các quy định pháp luật về đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ quy định chế độ áp dụng các biện pháp này. Đối với việc xử lý các loại vi phạm pháp luật khác thì cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài trách nhiệm pháp lý cũng khác nhau. Ví dụ, đối với việc xử lý vi phạm pháp luật hình sự thì cơ sở pháp lý là Bộ luật hình sự. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật dân sự thì cơ sở pháp lý chủ yếu là Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức thì cơ sở pháp lý là Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2003), các nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Xem thêm: Dịch vụ kế toán thuế.
 
×
Quay lại
Top