OTT: Mối đe dọa hay cơ hội của các nhà mạng?

Tuổi Trẻ 24

Tuoitre24.vn - Đào Tạo Khởi Nghiệp
Thành viên thân thiết
Tham gia
10/2/2014
Bài viết
345
Cũng như thời gia đình còn dùng điện thoại cố định với bàn quay số, không ai trong chúng ta dám nghĩ rằng sẽ có một ngày gia đình tôi vứt cái diện thoại cồng kềnh này đi và mỗi người trong gia đình sẽ sở hữu riêng cho mình một chiếc di động. Cho đến hôm nay, trong nhà không có điện thoại cố định cũng chẳng phải là một vấn đề nghiêm trọng, miễn sao các thành viên trong gia đình có thể liên lạc với nhau mọi lúc mọi nơi qua di động.




chatapps-2.jpg.aspx


Tương tự, đối với OTT và dịch vụ mạng điện thoại truyền thống, lúc này là thời điểm giao thời. Có thể lúc này chúng ta chưa nghĩ đến việc ngưng sử dụng dịch vụ gọi và nhắn tin truyền thống nhưng một ngày nào đó, trong tương lai không xa, không có dịch vụ này cũng chẳng sao, miễn là chúng ta có OTT với Internet miễn phí. Bạn có nghĩ vậy không?

Hãy nói về cuộc cách mạng OTT
smartphone.jpg.aspx


Có bốn yếu tố căn bản làm nên một cuộc cách mạng: Cái cũ, cái mới, yếu tố tác động làm cái cũ chuyển thành cái mới, và sự bùng nổ nhanh chóng. Trong cuộc cách mạng OTT cũng vậy. Cái cũ chính là dịch vụ nhắn tin, gọi điệ thoại truyền thống thông qua nhà mạng, có-tính-phí. Cái mới là dịch vụ kết nối tương tự nhưng tích hợp nhiều chức năng hơn thông qua internet, miễn-phí. Và yếu tố tác động mang tính bùng nổ chính là xu hướng kết nối internet mọi lúc mọi nơi với sự gia tăng sử dụng smartphone.

Hẳn bạn đã biết, OTT (Over-the-top) là mô hình dịch vụ cho phép gửi tin nhắn chữ, hình ảnh, hội thoại, video và nhiều hơn nữa nhưng miễn phí thông qua ứng dụng trên smartphone hay các thiết bị khác có kết nối internet. Nếu bạn đang dùng một trong các dịch vụ như Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, WhatsApp, hay BeeTalk, thì bạn đang sử dụng dịch vụ OTT đấy. Tất cả những gì bạn cần làm để được dùng miễn phí là tải ứng dụng về và kết nối internet.

Chính vì sự dễ dàng và thuận tiện này mà OTT bùng nổ như một cuộc cách mạng về mô thức giao tiếp trên internet toàn cầu, không loại trừ Việt Nam. Trong khi hiện nay, số người dùng OTT chiếm hơn một nửa tổng số người sử dụng smartphone mà không hề có xu hướng suy giảm. Và theo ITU, số thuê bao di động trên thế giới vào năm 2014 ước tính là khoảng 7 tỉ thuê bao, sấp sỉ dân số toàn cầu. Thì viễn cảnh xuất hiện trước mắt chúng ta là cả thế giới đều dùng OTT để kết nối với nhau một cách nhanh chóng và kịp thời hơn.

Ovum dự đoán rằng, đến năm 2016, các nhà mạng sẽ mất đi 54 tỉ USD doanh thu từ SMS vì các tin nhắn được chuyển qua các ứng dụng trên smartphone thuộc họ OTT. Con số này cao gấp đôi con số 23 tỉ USD doanh thu mà họ cho là bị mất tính đến thời điểm cuối năm 2012.

Vì sao lại có con số này? Chẳng phải người dùng vẫn phải dùng dịch vụ 3G của nhà mạng để kết nối internet qua smartphone sao? Không, có một sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn là cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho khách hàng.

Internet miễn phí

free-wifi.jpg.aspx


Theo dự đoán của Cisco, cho đến năm 2016, lưu lượng sử dụng wifi sẽ chiếm 50% tổng lưu lượng internet. Tại Việt Nam, gần như hiện nay tại các thành phố lớn, đa phần các quán cafe và rất nhiều gia đình đều phủ sóng wifi. Các dự án phủ sóng wifi toàn thành phố Đã Nẵng, Hội An, Hạ Long, Đà lạt, và mới đây Hà Nội đã lên phương án “phủ” Wi-Fi khu CNTT tập trung Cầu Giấy; các dự án phủ sóng wifi tại các địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga; đó là chưa tính đến các đơn vị tư nhân cung cấp wifi miễn phí theo mô hình Social wifi; cho chúng ta thấy được sự nở rộ của internet công cộng miễn phí.

Đây chính là sự lựa chọn của người dùng và lựa chọn này gây khó khăn cho nhà mạng.

Trong tương lai, tất cả chúng ta có thể được bao phủ bởi sóng wifi miễn phí. À, lúc đó có thể chúng ta sẽ tính đến chuyện sử dụng công nghệ gộp sóng để có thể sử dụng sóng wifi miễn phí mạnh hơn?

Nhưng đường nào cũng về La Mã

Với hai xu hướng kể trên, rõ ràng, nhà mạng bị đẩy vào một trận chiến cam go đến nỗi có thông tin cho rằng nhà mạng chặng các dịch vụ OTT. Thậm chí các nhà mạng còn yêu cầu Bộ Thông Tin & Truyền Thông áp đặt chính sách quản lý cho các dịch vụ OTT. Nhưng suy cho cùng giải pháp thứ nhất chỉ là kế hoãn binh, giải pháp thứ hai là giải pháp lâu dài. Còn hiện tại, không gì có thể đi ngược lại xu hướng chung.

Tại Việt Nam, các nhà mạng cung cấp độc quyền đường truyền internet cũng đang cung cấp dịch vụ gọi điện nhắn tin truyền thống trên di động. Vậy việc các nhà mạng bị “tình thế đẩy đưa” vào cuộc chiến cam go này, thiết nghĩ, là do bởi sự bắt nhịp chưa kịp thời của nhà mạng với xu hướng và nhu cầu người dùng. Lẽ ra, với lợi thế độc tôn cung cấp Internet của các nhà mạng hiện nay, họ đã có thể độc tôn luôn cả các dịch vụ OTT. Nhưng, những người ở thế độc tôn thường tự mãn và sơ hở trước đối thủ.

Tuy nhiên, đường nào cũng về La Mã: OTT thì cũng cần có internet. Hiện nay, nếu được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép thì nhà mạng MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin trên Internet (OTT). VinaPhone cũng tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ OTT (cả hai đều thuộc VNPT). Còn Viettel thì bị vây quanh bởi thông tin mua lại một công ty OTT nào đó đang còn dấu tên vì mua lại sẽ nhanh hơn là xây dựng từ đầu.

Về bản chất, việc mua lại một công ty OTT chẳng phải cũng giống như thuê một agency làm OTT cho nhà mạng sao? Hay nhà mạng tự làm ứng dụng OTT và tung tiền gầy dựng thị trường. Đường nào thì nhà mạng cũng vẫn có lợi, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Thế nên, OTT chưa hẳn là mối đe dọa cho nhà mạng, phải chăng là một cơ may để các nhà mạng bắt kịp thị trường và không đánh mất khách hàng trung thành của mình?

Theo: https://khoinghiep.tuoitre24.vn/y-tuong-kinh-doanh-1/ott-moi-e-doa-hay-co-hoi-cua-cac-nha-mang.html
 
×
Quay lại
Top