Ở nơi con chữ như... dừng lại

dALo

Kẻ lang thang đi ngang cuộc đời ...
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/4/2011
Bài viết
4.051
TT - Trong khi trẻ em trên khắp cả nước đang náo nức chuẩn bị ngày khai trường thì hàng chục trẻ em ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) phải lo chăn trâu, làm rẫy giúp bố mẹ. Với nhiều gia đình ở đây, chuyện học của con chỉ là thứ yếu.
Từ TP Huế ngược về phía tây hơn 100km, chúng tôi tìm đến khu tái định cư của xã Hồng Thủy nằm giữa trùng điệp dãy Trường Sơn. Tại nhà ông Hồ Văn Lặp, sáng 3-9, chúng tôi gặp em Hồ Thị Gọt, 7 tuổi, khi em đang vét cơm đổ qua nồi canh để ăn trước khi chuẩn bị giữ em cho bố mẹ đi làm rẫy. “Nhà vừa dọn đến ở, vừa vay được 5 triệu đồng, chưa kịp mua chi cả đã phải đóng tiền trường, mua vở bút và đủ thứ hết mấy trăm ngàn rồi. Sách hay quần áo để tính sau vậy, chừ nhà tui phải lo cái ăn tại nơi ở mới ni đã” - ông Hồ Văn Lặp, bố Gọt, nói.
Cạnh nhà ông Lặp là nhà ông Hồ Văn Díu, một gia đình có ba con đi học: một lớp 4, một lớp 1 và một mẫu giáo. Ông Díu và vợ lắc đầu cho biết vừa phải bán 4 tạ bắp để đóng tiền học cho con. Ông Díu nói: “Rẫy ngày một xa và khó làm, nhà thì cần nhân lực. Biết là con cần có cái chữ nhưng nhiều tiền thì khó quá, tui không biết lấy chi để mua áo quần, đủ thứ sách vở cho con đi học. Miếng ăn mấy tháng tới còn sợ thiếu!”.
Nhà nghèo, bố mẹ chỉ lo làm nương rẫy, chủ yếu quan tâm đến chuyện lo đủ cái ăn đã khó, nói chi đến chuyện học hành của con cái. Đó là lý do mà rất nhiều đứa trẻ ở khu tái định cư Hồng Thủy này rơi vào tình trạng thất học. Gia đình ông Hồ Văn Lặp có bốn người con, học cao nhất là bé út Ku Đor, nghỉ học cách đây hai năm khi vừa học xong lớp 4. Ba anh chị của Ku Đor chỉ xong lớp 1 và lớp 2 rồi bỏ học, có người đến nay còn không nhớ mặt chữ.
Một trường hợp khác là bé trai tên Nầu đang ở trần chơi với nhóm bạn đen nhẻm giữa sân, hỏi chữ không biết vì chưa đi học, hỏi mấy tuổi cũng lắc đầu. Bố mẹ của Nầu nghèo và bệnh tật, lo làm ăn và chẳng chú ý đến việc học của con, trong khi những đứa trẻ sinh cùng năm đã vào lớp 3.
Theo ông A Ka Sơn - phó chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, hiện xã vẫn chưa nắm được số học sinh đang đi học và số học sinh có nguy cơ bỏ học vì vẫn chưa chính thức vào năm học. “Tình trạng đó (nguy cơ bỏ học - PV) xã có biết, xã cũng động viên chứ không có cách nào khác, nếu cha mẹ không đồng tình cho con đến lớp xã cũng bó tay! Một số gia đình không hiểu biết để con cái làm chi thì làm. Xã lại nghèo không có chi để hỗ trợ cho họ cả!” - ông A Ka Sơn nói.
 
×
Quay lại
Top