Nước mắt

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Tại sao nước mắt không thể chảy ngược lại vào trong? Một lần cô ngước lên hỏi anh sau tấm màn lệ đang che nhòa đôi mắt. Cô vẫn thường chạy sang tìm anh để mách chuyện vừa bị chị gái bắt nạt, hay vừa bị bố mẹ mắng oan, và tất nhiên là để khóc.

1296186484.img.jpg

Ảnh minh họa Từ nhỏ cô đã là một đứa con gái mít ướt rồi. Lỡ bị người khác nói nặng lời hay làm gì chạm tự ái là lại tủi thân chảy nước mắt. Những giọt nước rưng rưng ấy thường cô không muốn ai nhìn thấy, ngoại trừ anh. Anh là chàng hoàng tử láng giềng dịu dàng tốt bụng, là người anh trai cô mong ước có thể thay thế bà chị đanh đá xấu tính mà hẳn ông trời nhầm lẫn thế nào mới gán cho cô vào chung một nhà.
- Em muốn nước mắt chảy ngược vào trong để làm gì?
- Để mỗi khi em khóc, không ai biết là em đang khóc cả.
Anh xoa đến rối bù mái đầu Tết hai cái đuôi sam sắp tuột của cô. Cơn dỗi hờn trẻ con cũng đến lúc gần cạn.
- Ngốc ạ! Nước mắt của em là do nỗi buồn trong lòng tan ra mà thành. Em không khóc hết ra ngoài lại còn muốn giữ vào trong thì làm sao hết buồn để vui lên được?
Cô mở to đôi mắt vẫn còn sưng mọng, ngỡ ngàng vì những lời thơ anh vừa đọc cho nghe như cổ tích.
- Với lại đã có anh luôn ở đây để làm cái bình không đáy hứng nước mắt cho em rồi, lúc nào muốn cứ việc khóc thoải mái đi - anh lấy tay lau hai bên má lem nhem của cô và bật cười - Trông em bây giờ hệt như con mèo mới ngủ dậy, hai mắt không mở nổi nữa này.
Đấy là lời tỏ tình đầu tiên. Năm ấy cô mới mười hai, anh chưa tròn mười sáu. Hai nhà chỉ cách nhau một bờ tường vữa trát đã lên rêu đen mốc, thấp lè tè.
Lời tỏ tình thứ hai là vào mùa hè năm anh thi đại học. Anh lên Hà Nội, vào một ngôi trường chuyên dạy người ta viết văn, viết báo. Cô vẫn còn cả ba năm phổ thông trước mặt.
- Ở nhà đừng có mà lười học! Anh sẽ về thường xuyên để kiểm tra em!
Cô tiễn chân anh bằng một trận khóc như mưa. Nước mắt vương trên áo anh còn ướt đẫm suốt quãng đường ngồi xe lên Hà Nội.
Ở lại một mình, cô giữ những nỗi buồn ngày qua ngày chất chồng lại trong lòng, chờ đến lúc anh về mới để cho tan ra thành nước mắt. Từ nhỏ đến giờ, chỉ có anh mới là cái bình hứng nước mắt cho cô.
Mỗi lần về anh lại mang theo vài tờ báo có đăng thơ, truyện của anh.
- Những bài viết này để tặng cho em hết đấy!
Bài nào cũng nói về một người con gái có đôi mắt buồn. Cô cẩn thận cắt ra đem đóng lại thành quyển. Chưa đầy hai năm anh đi học đã thành ba quyển sổ to dầy cộp. Nhưng cũng từ cuối năm thứ hai ấy không thấy anh về nhiều nữa. Anh bảo còn bận học và đi làm thêm, càng học lên cao chương trình càng nặng. Cô phát hiện ra là cứ giữ những nỗi buồn ở lâu trong lòng thì dần dần nó sẽ kết tủa hóa đá đọng lại, đến khi khóc ra nước mắt cũng không còn nhiều như trước. Quyển sổ thứ tư làm sẵn đợi những bài viết của anh mãi chỉ lơ thơ ở mấy trang đầu.
Đến mùa hè năm cô thi đại học, anh về thăm nhà dẫn theo một cô gái chân dài, váy ngắn, móng tay sơn cùng màu son môi đỏ chót, giới thiệu là bạn quen ở tòa soạn báo anh làm cộng tác viên. Cô đi học về chạy sang nhà tìm anh, thấy cô gái ấy đang uốn éo ôm chặt lấy anh ở góc vườn. Cô chạy thẳng về nhà không dám đứng lại chào anh một tiếng. Anh cũng chỉ ở đến hôm sau là đi, chẳng nhắn nhủ lại điều gì. Bố cô mua gạch về xây chồng thêm lên cái bờ tường cũ mốc meo cho cao khuất hẳn cả đầu người.
Nước mắt bấy lâu nay anh cầm bình ngồi hứng cho cô, giờ lại đem đổ trả cô tất cả. Đến lượt chị cô, bố mẹ cô ở bên để hứng bằng tay. Đời này thật lạ! Người trước kia chưa từng làm cô khóc hóa ra lại là kẻ khiến cô khóc nhiều nhất trong đời. Những người đã làm cô khóc thì giờ lại trở thành chỗ dựa an ủi cô. Nước mắt tràn trề rơi qua kẽ tay của họ. Nghĩ đến đấy, cô giữ lại chỗ lệ còn chưa tuôn ra hết, cho kết lại thành nỗi buồn để ngấm dần vào trong, quay về với kỳ thi đại học. Vừa kịp để đỗ một trường nhỏ ngay tại quê nhà, cô đã thấy sợ Hà Nội, sợ những phù hoa lộng lẫy có sức thay đổi cả lòng người.
Đi học rồi đi làm, những va chạm không tránh khỏi trong đời nhiều lần làm cô muốn khóc, nhưng trên đời này mới chỉ có anh từng nhận mình là cái bình không đáy chờ hứng nước mắt cho cô. Lòng bàn tay của chị cô, bố mẹ cô hay bạn bè cô đều không dành cho việc ấy. Tay chị cô đến lúc phải chăm lo cho một gia đình riêng bé nhỏ. Tay bố mẹ cô cả đời săn sóc chị em cô đến nay đã nhăn nheo. Cô không nỡ để nước mắt của mình làm ướt những nếp da hằn vết thời gian ấy nữa. Tay bạn bè thì dù thân đến mấy cô cũng biết chẳng đủ để hứng trọn nước mắt của mình. Từ cái phát hiện thuở bắt đầu xa anh, cô tập thói quen không khóc. Bao nhiêu buồn đau, đắng cay, cô độc cứ giữ cả lại chờ nó kết tụ bên trong, cũng đến lúc không còn để chảy lọt ra ngoài được nữa.
Cô nhớ lại lời anh lúc nhỏ. Nước mắt không thể tự chảy ngược vào trong. Nhưng nỗi buồn có thể hóa đá giấu kín trong lòng, không cần đem phơi ra bằng lệ đắng. Chỉ có điều thứ đá đen nặng nề ấy làm cô héo mòn, chẳng còn sinh khí. Những lúc vui chưa kịp cười đã nghe tiếng đá lạo xạo bên trong. Cô hóa ra luôn ủ ê, khó tính và già trước tuổi.
Gia đình lo cô ế. Người người đến mai mối cho cô những anh chàng mà chỉ gặp một lần, hoặc họ làm cô quay đi chẳng ngoái đầu lại, hoặc cô khiến họ không trụ được đến lần thứ hai.
Gần ba mươi, chị cô dắt đến một người bạn cũng vào hàng "lỡ thì", kéo em gái vào buồng đe một trận:
- Lần cuối cùng đấy! Cô còn giở trò thì chết với tôi! Liệu hồn mà cư xử, người ta cũng là đằng tử tế, biết điều...
Người ấy không cao, không đẹp trai, ăn nói cũng chẳng gọi là có duyên được. Mải mê sự nghiệp đến lúc nhìn lại xung quanh gái chưa chồng chỉ còn toàn các cô điệu đàng, trẻ non, mắt xanh môi đỏ. Người ấy tính hơi nhát và sợ. Người ấy chỉ muốn tìm một người vợ lặng lẽ, đảm đang giống mẹ mình. Giống cô.
Sau mấy lần hẹn gặp nhau, anh rủ cô đi xem một bộ phim Hàn Quốc.
- Anh mới được cho hai cái vé. Phim này nghe nói cảm động lắm, phụ nữ rất thích xem.
Chuyện về một đôi trai gái lớn lên cùng nhau. Chàng trai thầm yêu cô gái. Cô gái lại đi yêu những chàng trai khác. Cuối cùng chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo, trước khi chết còn cố gắng mai mối cô gái cho một người tốt bụng. Khắp cả rạp vang lên những tiếng nức nở sụt sùi. Lúc phim tàn, bà lao công quét gom được cả bao khăn giấy đã dùng còn vứt vương giữa các hàng ghế. Cô theo anh ra chỗ gửi xe, mắt anh vẫn còn rơm rớm lệ.
- Ô kìa, em không khóc à? Anh thấy phim cảm động quá.
- Em cũng thấy cảm động lắm, nhưng đã lâu không khóc quen rồi.
Người đàn ông dễ khóc cũng không hẳn là người đàn ông yếu đuối. Xét theo một khía cạnh nào đó, việc dễ dàng trải nghiệm những cảm giác lẽ ra chỉ thuộc về phái yếu khiến họ trở nên dịu dàng và dễ cảm thông hơn. Cô nhìn những giọt nước mắt của anh, nghĩ rằng cũng đã đến lúc chọn bến đỗ cho cuộc đời mình.
Mấy tháng sau anh ngỏ lời cầu hôn, cô nhanh chóng gật đầu chấp nhận. Cô đã biết việc ấy sớm muộn cũng đến, và tự chuẩn bị tâm lý cho mình bước vào một cuộc sống mới, làm người phụ nữ của gia đình. Ngày đưa dâu, bố mẹ rồi chị cô khóc sướt mướt. Vừa vui khi thấy cô con gái út đã có nơi có chốn. Vừa buồn vì từ nay nhà thêm vắng vẻ. Cô chẳng để rơi một giọt lệ nào.
Đời sống hôn nhân không phải là không có những lúc thăng trầm. Nhưng cô đã quen không khóc, lúc nào cũng giữ vẻ mặt thản nhiên, chẳng vui, chẳng buồn. Anh vốn biết điều và tế nhị, có mâu thuẫn gì cũng là người hòa giải trước. Người ngoài nhìn vào không ngớt xuýt xoa, ở đâu ra cái gia đình cả đời chả nghe thấy ai nói với nhau một lời to tiếng.
Cho đến một ngày đứa con trai tám tuổi của cô hỏi bố:
- Trong sách viết rằng phụ nữ là phái yếu, tức là dễ khóc, dễ bị đau. Sao con chẳng bao giờ thấy mẹ rơi nước mắt? Đến con cũng còn có lúc khóc, bố có lần xem phim cũng khóc nữa là. Hay mẹ nhà mình không phải là phái yếu?
- Con đừng có ăn nói linh tinh. Mẹ của con không khóc không phải vì không là phái yếu, mà là do mẹ con dễ bị đau, dễ bị tổn thương hơn bình thường, nên những cái đau ấy mẹ giấu trong lòng để không làm mọi người ảnh hưởng. Bố con mình càng phải yêu thương, chăm sóc mẹ nhiều hơn để mẹ không bao giờ thấy buồn nữa, biết chưa?
Cô đứng sau cánh cửa nghe thấy lời chồng nói với con, bất giác nước mắt tuôn trào không dứt. Bao nhiêu là đá chất chứa lâu nay đến lúc tan ra thành lệ. Mằn mặn, cay cay, nhưng nếm kỹ lại có cả vị ngọt ngào.
Chiếc bình cũ năm xưa tưởng đã vỡ chẳng còn gì thay thế. Bây giờ cô mới lại nhận ra, có đến hai cái bình mới vẫn ở bên mình, sẵn sàng chờ hứng lấy đôi dòng lệ.


 
×
Quay lại
Top