Nước mắt trong hành trình 'cai nghiện' game

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
Thuê ôtô 10 triệu đồng và người nhà đi kèm từ Bắc vào Nam, có gia đình phải xích chân hoặc cho con uống thuốc ngủ rồi vứt lên xe... Không ít ông bố, bà mẹ rơi nước mắt trước hành trình cai nghiệm game cho con.


Chị Nguyễn Thị Thủy ở Thanh Hóa chia sẻ, cuộc sống của gia đình với hai con trai vốn vô cùng hạnh phúc vì các con đều ngoan và học giỏi. Nhưng khi đứa út nghiện game là những ngày tháng khổ sở nhất của vợ chồng chị. Cậu bé suốt ngày chỉ sống trong thế giới ảo, học hành, sức khỏe sa sút, tính tình lì lợm mặc cho bố mẹ can ngăn. Vợ chồng chị chán nản chuyện làm ăn, có lúc muốn buông xuôi tất cả, coi như mình đã mất một đứa con.
"Ngày xưa cháu tình cảm lắm, xa bố mẹ một ngày là nhớ không chịu được, lúc nào cũng gần gũi quấn quýt. Vậy mà từ khi nghiện game online cháu chẳng còn để ý đến thứ gì, cả ngày không nói một câu. Bố đi công tác xa về cũng không còn bận tâm. Nhìn con mà ruột gan chúng tôi quặn thắt", chị Thủy nghẹn lời khi nhớ lại.
123.jpg

Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Không còn cách nào, cuối cùng chị cũng nhờ anh em bạn bè giúp đỡ và quyết tâm đưa cháu vào lớp cai nghiện game của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam. Vì con không tình nguyện nên chị đã phải thuê hẳn một chiếc xe riêng áp tải. Để chống đối mẹ, cậu bé quyết tuyệt thực hai ngày không ăn uống, chỉ nằm một chỗ bắt mẹ phải cho quay về. Suốt hai ngày đường vật lộn với con, chị Thủy chỉ biết khóc, nhưng thương con nên quyết đưa đi bằng được.
Những tháng ngày con "cai nghiện", vợ chồng chị phải thay nhau đi ra đi vào, tốn kém biết bao nhiêu nhưng cũng phải chấp nhận vì không thể để mất một đứa con.
Sau khóa học, sợ con chưa dứt hẳn được với thế giới ảo, chị Thủy lại tiếp tục quyết định cho con tham gia nhiều khóa khác như: Trải nghiệm cuộc sống, Học kỳ quân đội với chi phí cả chục triệu đồng để giúp con đoạn tuyệt khỏi trò chơi nguy hiểm này.
"Nghe cậu con trai thốt lên rằng 'giờ con mới hiểu được gia đình chính là bến đậu cuối cùng của mình', mà chị không kìm được xúc động", người mẹ hân hoan nhưng cũng vẫn còn e ngại bởi những mất mát, đau thương của vợ chồng chị trong thời gian qua không dễ gì quên được.
Không kém phần gian nan như chị Thủy, có gia đình người Nùng ở tận Lạng Sơn con cũng bị mê game quá nặng, to nhỏ bảo con không được, họ chọn giải pháp cho uống thuốc gây mê rồi bế lên xe đưa vào TP HCM để "cai game". Suốt cả quãng đường, cha mẹ chỉ nhìn con rồi ôm nhau khóc.
Một trường hợp khác ở Đà Nẵng có con học tại trường ĐH Bách khoa, lặn lội vào Sài Gòn tìm con ở khắp nơi. Cuối cùng phải nhờ tới công an khu vực can thiệp mới vào được tiệm net - nơi cậu con trai ngày đêm lấy đó làm đại bản doanh, để đưa con về nhà. Đến lúc này họ mới biết, cậu con trai đã bỏ trường từ khi đang học năm nhất. Mọi khoản chu cấp học phí của gia đình, quý tử đều nướng vào game.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, bà Nguyễn Thị Kim Liên, việc đưa các em đi cai nghiện game vô cùng khó khăn, nhiều gia đình bất lực vì thuyết phục không được. Đã nhiều lần, trung tâm phải cử điều phối viên đến tận nhà để áp tải các em, thậm chí phải dùng cả biện pháp mạnh xích chân lại để đưa các em đi cai.
Bà Liên cho biết thêm, hầu hết những em nghiện game đều xuất phát từ hoàn cảnh thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc do bạn bè rủ rê. Khi đi "cai", các em đều có thái độ bất hợp tác và chống đối với cha mẹ hay có tư tưởng bất chấp mọi thứ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không dễ gì giúp con em cách ly được với cám dỗ này.
"Nhiều gia đình tan nát chỉ vì con nghiện thế giới ảo. Thấy các ông bố bà mẹ cứ phờ người vì con mà chúng tôi cũng xót. Việc giúp các em từ bỏ được trò chơi này cũng gian nan, nếu không có sự hỗ trợ và quyết tâm từ phía gia đình thì chúng tôi cũng không thể làm được gì", bà Liên nói.
Cũng theo bà Liên, quá trình đưa các em ra khỏi thế giới ảo đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt như: phối hợp với gia đình nắm được tâm lý sở thích của từng em từ đó hướng đam mê của các em sang những đam mê khác mang tính tích cực như khiêu vũ, vẽ, hip hop, cờ tướng... Đồng thời, trung tâm còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn tâm lý trị liệu và thôi miên hàng đầu trong nước. Họ sẽ giúp các em thay đổi định hướng trong nhận thức bấy lâu sang một lối sống tích cực hơn.
Bên cạnh đó, các em cũng được đưa vào trung đoàn 88 của Bộ tư lệnh quân khu 7 ở Đồng Nai để học trong môi trường quân đội, rèn luyện ý thức kỷ luật cũng như tạo sức ép để các em có thể bỏ được trò chơi nguy hiểm này. Những bài học vận động, học nấu ăn hay các trò chơi thực hành "Viết cảm xúc", "Làm thơ"... cũng là một trong những phương pháp giúp các em nhanh chóng thay đổi nhận thức của mình.
Hằng ngày vẫn còn nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh từ khắp các tỉnh thành gọi điện về trung tâm đăng ký cai nghiện game cho con và xin tư vấn để giúp các em trở lại với cuộc sống bình thường.
Hải Duyên
 
×
Quay lại
Top