Những “shipper” giao đồ ăn đêm

cây măng to lớn

măng tre ngâm dấm
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/6/2013
Bài viết
205
Một mình một xe giữa đêm hôm khuya khoắt, có lạc đường cũng tìm kiếm “mỏi mắt” mới có người để hỏi, đang di chuyển thì mưa gió bất ngờ… Đây chỉ là một số khó khăn mà những shipper giao đồ ăn đêm gặp phải.

Nghề “lọ mọ”


Trần Quang Trường

Đáp ứng nhu cầu ăn đêm cho những người thường xuyên thức khuya, dịch vụ “ship” (giao) đồ ăn đêm mọc ra ngày càng nhiều. Đảm đương công việc giao đồ ăn đêm hiện nay chủ yếu là sinh viên.

Từng có thời gian làm thêm tại Lotteria khoảng một năm, đảm nhận vai trò của một nhân viên phục vụ kiêm shipper nên Trần Quang Trường (năm thứ tư, trường ĐH Bách khoa Hà Nội) không quá lạ lẫm với công việc vận chuyển đồ ăn. Trường cho biết, cảm giác của việc giao hàng ban ngày và ban đêm vẫn hoàn toàn khác biệt: “Ship ban ngày có cảm giác an toàn hơn, còn ship ban đêm thì toàn ra đường vào lúc tối muộn hoặc đêm khuya. Lần đầu đi giao hàng sợ lắm, dần dần rồi cũng quen”.

Thời điểm muộn nhất mà Trường từng thực hiện việc ship đồ ăn đó là 2h sáng. Tính đến nay, bạn đã có tổng cộng 3 chuyến đi vào khung giờ đó, đối tượng khách hàng gọi đồ ăn trong thời điểm ấy thường là những game thủ túc trực khuya ở các quán game. Suất ăn của những vị khách này thường gồm mì xào, khoai tây chiên và một lon nước ngọt.

Đường phố Hà Nội vốn đã lắm ngõ ngách, việc tìm đúng địa điểm vào ban ngày vốn đã rất khó khăn chứ chưa nói đến thời điểm ban đêm khi mà đường phố đã tối om, tĩnh lặng. Trường tâm sự: “Phải đưa đồ đến những nơi ngõ ngách vốn là chuyện thường gặp. Có những địa chỉ đánh số lung tung nên đâm hết ngách nọ ngách kia mà địa chỉ khách gọi vẫn chưa thấy đâu”.

Khi hỏi về những nguy hiểm có thể gặp phải trên đường: Va quệt, xô xát, cướp giật, đua xe… Trường cười: “Chắc số mình may nên từ dạo đi ship đồ chưa gặp phải trường hợp tai ương nào. Còn nếu chẳng may có nguy cơ đụng độ với những đối tượng “khả nghi” trên đường thì tốt nhất nên “lượn” sớm và tránh va chạm”. Do thường xuyên phải lưu thông trên đường vào ban đêm nên Trường cũng rất có ý thức trong việc chuẩn bị kỹ các loại giấy tờ tùy thân: Đăng ký xe, bằng lái, chứng minh thư… và chạy xe với tốc độ vừa phải.

Những phen lạc đường đáng nhớ


Đào Văn Tùng (phải) cùng bạn trong một lần chuẩn bị đi ship đồ ăn đêm

Với những đơn hàng ít đồ, thường chỉ có một shipper nhận nhiệm vụ. Với các đơn hàng nhiều món, có kèm nước uống, cần phải sử dụng đến những vật dụng phức tạp thì phải cần tới hai shipper.

Đào Văn Tùng (bạn học, cùng làm với Trường) kể: “Một lần, mình và Trường phải ship đồ cho một vị khách tận Văn Điển, Hà Nội vào lúc 11h đêm. Đoạn đường này chúng mình rất ít qua lại nên không am hiểu nhiều, địa điểm này lại mới nên bản đồ định vị trên điện thoại chưa cập nhật được, chúng mình đành vừa đi vừa hỏi. Khổ nỗi là đêm khuya, đường vắng nên cứ đi tầm 1 km thì mới gặp một người đi đường để hỏi. Ba người đầu còn chỉ nhầm đường khiến chúng mình đi lạc mất 5 km. May mắn là hai người sau đã chỉ đúng đường và chúng mình đến được địa chỉ cần tìm vào lúc gần 12h đêm”.

Sức khỏe cũng là một điều đáng lưu ý đối với công việc của một shipper. Tùng kể thêm một kỷ niệm “đáng đời không kém” của mình: “Mới mấy hôm trước thôi, trời bắt đầu chuyển lạnh và mưa. Hôm ấy, mình phải đi giao hàng ở hai nơi, nhưng vì chủ quan nên vẫn mặc quần ngố, áo cộc tay đơn giản như mọi ngày. Bị nhiễm mưa nên đêm hôm ấy về mình bị sốt”. Với Tùng, đây là một bài học quý báu để những shipper giao đồ ăn đêm như cậu rút kinh nghiệm. Đó là trước khi đi giao đồ cần phải xem dự báo thời tiết để phòng thân.

Trải nghiệm đặc biệt

Chiếc điện thoại của shipper được coi là vật bất ly thân bởi đó là phương tiện kết nối duy nhất giữa shipper với khách hàng. Với những shipper sử dụng điện thoại thông minh thì đây còn là công cụ để định vị và chỉ đường. Tùng có một kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến chiếc điện thoại: “Hôm đó trời mưa to, đồ ăn lại nhiều nên mình đi ship cùng một bạn khác. Vì chủ quan nên bạn kia không cầm theo điện thoại, còn mình cũng không chú ý nhiều đến tình trạng chiếc điện thoại của mình. Đến nơi, rút điện thoại ra gọi cho khách xuống nhận đồ thì mình thấy pin yếu. May mắn là vừa gọi xong cú điện thoại cho khách thì máy… sập nguồn”.

Cũng trong lần giao hàng đó, Tùng không chỉ một phen “hú hồn” vì điện thoại hết pin và còn gặp sự cố “đau đầu” liên quan đến việc trả lại tiền thừa cho khách. Tổng hóa đơn giao hàng lần đó là 180.000 đồng. Nghĩ rằng, khách sẽ chỉ đưa tờ 200.000 đồng nên cả hai đều không mang theo nhiều tiền để trả lại. Trớ trêu là khách lại chỉ còn một tờ 500.000 đồng duy nhất, Tùng phải chạy vạy đi đổi tiền nhưng vì trời tối và mưa, mọi người lại sợ tiền giả nên không ai dám đổi tiền cho bạn.

Không còn cách nào khác, Tùng đành phóng xe quay về cửa hàng để lấy tiền trả lại cho khách. “Bình thường, trước mỗi lần giao hàng, chúng mình đều kiểm tra điện thoại kỹ để chắc chắn rằng nó còn pin và còn tiền trong tài khoản. Tiền lẻ cũng phải mang theo đủ để trả lại cho khách đưa tiền mệnh giá lớn. Nhưng lần ấy sơ ý và bất cẩn quá nên vừa mất thời gian vừa mệt. May mà nhà khách hàng cũng ở gần quán”, Tùng nói.

Khi được hỏi yêu cầu của công việc là thức đêm, ngủ ngày liệu có ảnh hưởng đến việc lên lớp và kết quả học hành, Trường và Tùng cùng cười: “Mình phải xem xét rất kỹ rồi mới làm. Vì chúng mình học chiều nên buổi sáng vẫn có thể dành để ngủ nướng và chiều lên lớp bình thường”. Cả hai đều cho rằng, đây là công việc vất vả song nó cũng đem lại những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top