Những người gieo chữ trên núi đá

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Một phần trường nằm giữa thung lũng núi đá, ở đó các thầy cô dù mưa hay nắng vẫn phải lặn lội đi bộ vài km đường núi đá để gieo con chữ tới các bản làng người Dao.


Những em học sinh vùng cao dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường xá xa xôi vẫn hàng ngày tới lớp. Đó là những giáo viên và học sinh trường tiểu học Lũng Oong thuộc xã Công Trừng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.


Nhọc nhằn gieo chữ...

Từ trung tâm xã Trương Lương, theo chân những người dân tộc dao xuống chợ về, chúng tôi tìm đến phân trường Lũng Oong. Suốt chặng đường là những bậc đá quanh co, uốn lượn quanh ngọn núi, những con đường dốc đứng tưởng như lên trời, có lúc lại như xuống vực sâu hun hút.


Đường đi xung quanh chỉ toàn đá, hòn to, nhỏ, cao, thấp chen chúc nhau. Xen giữa các hốc đá là những mầm xanh của cây ngô và hoa màu do người dân bản địa trồng, cây và đá hòa quyện vào nhau tạo nên một quang cảnh khá thơ mộng và đẹp đẽ...

Mất hơn 2h đồng hồ, chúng tôi mới lên được đỉnh núi. Đứng trên cao, theo hướng chỉ của người dân bản địa, phân trường Lũng Oong hiện ra mờ ảo sau làn sương núi ở phía xa dưới thung lũng, lọt thỏm phía sau núi đá, và sau những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc của người Dao.


864925-1367218712-giao-duc-1.jpg

Toàn cảnh phân trường Lũng Oong

Bước gần tới trường, tiếng giảng và tiếng học bài của ngôi trường xen lẫn tiếng lê bước chân và thở dốc vì mệt mỏi của chúng tôi. Người đầu tiên chúng tôi gặp là thầy Bưu.
Thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, đồ đạc lỉnh kỉnh, bắt tay hỏi thăm chúng tôi về quãng đường đi. Thầy cười: “Đi như vậy có thấm tháp gì so với chúng tôi, chúng tôi phải đi quãng đường ấy cả chục năm trời, còn phải thường xuyên trèo núi lên từng bản vận động các em đi học, có khi tối mịt mới về đến trường”.


Nhìn những đứa trẻ người Dao trong lớp học, tôi không khỏi chạnh lòng. Khuôn mặt em nào cũng lem luốc vì đất, đầu tóc không được chải chuốt gọn gàng như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Cô Hiếu tâm sư: “Các em học sinh ở đây còn còn nhát lắm”.
Cô Bế Thị Hiếu đã có gần 20 năm công tác trong nghề và là người gắn bó với phân trường Lũng Oong lâu năm nhất. Cô chia sẻ: “Trở ngại lớn nhất trong việc dạy các em là do sự bất đồng ngôn ngữ. Các em không hiểu nhiều tiếng phổ thông, mà chủ yếu nói tiếng Dao. Mặt khác tiếng dân tộc của các giáo viên còn hạn chế, nên kiến thức các em tiếp thu được không nhiều....”


Thiếu thốn trăm bề



864925-1367218712-giao-duc-2.jpg

Giờ học của các em trong trường

Cơ sở vật chất ở trường Lũng Oong còn sơ sài và thiếu thốn rất nhiều. Cả phân trường có 6 lớp học, đều là nhà tạm làm bằng tranh tre, lợp ngói, những lúc mưa gió. Vào mùa đông, cái lạnh của gió núi làm các em và các thầy cô tưởng như không thể chống lại được. Các lớp học chật hẹp, nằm sát nhau, hai lớp cạnh nhau có thể nghe rõ từng tiếng động nhỏ lớp bên kia, thậm chí có thể nhìn thấy nhau, vì vậy các em không thể tập trung học khi ở vào hoàn cảnh “một lớp hai người giảng” như vậy.


Bàn ghế học sinh chỉ là những chiếc bàn, ghế xiêu vẹo, được đóng để dùng tạm cho các em ngồi, còn các thầy cô hầu như phải đứng cả buổi để giảng bài. Các phương tiện khác để phục vụ giảng dạy ngoài sách giáo khoa thì hầu như không còn gì. Phòng ở cho giáo viên ở đây cũng chỉ là nhà tạm xiêu vẹo, chật chội, ngay cả chiếc bàn để thầy cô dùng để tiếp khách cũng là điều xa xỉ.
Nơi ở đã khó khăn vậy, nhưng do địa hình núi đá, đi lại khó khăn, đi đi về về cũng mất cả buổi trời nên hầu hết các thầy cô phải ở trọ luôn tại trường. Cũng vì vậy mà các cô cũng phải tự túc thức ăn, ngày đầu tuần phải vượt qua những bậc đá cheo leo cùng nhau gánh gạo, rau, để dùng cho cả tuần. Hiếm lắm mới được một bữa thức ăn tươi như thịt cá...


Cô giáo Nông Thị Dinh, người từng có kinh nghiệm dạy tại nhiều phân trường xa và khó khăn, tâm sự: “Đây là lần đầu tiên cô phải tới một phân trường xa và đi lại khó khăn như ở đây. Đa số học sinh là người dân tộc Dao, sống rải rác trên sườn núi, hay thung lũng núi đá, đường xá đi lại khó khăn, có khi mất nửa ngày trời nên công tác giảng dạy của các giáo viên cũng gặp khá nhiều khó khăn”.


Vào mùa khô, giếng của bản cạn nước, các thầy cô lại gánh thêm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Vượt lên khó khăn


864925-1367218712-giao-duc-3.jpg

Đường đến trường của các em
Vượt lên mọi vất vả, khó khăn, những người thầy người cô nơi đây luôn hết lòng tận tụy đem con chữ gieo vào những mầm xanh nơi bản làng. Trong sinh hoạt thường ngày với những học sinh, họ cũng như những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Đa phần các em học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Có nhiều em đã phải nghỉ học để ở nhà giúp gia đình làm nương rẫy.


Cô Dinh tâm sự với chúng tôi về một vài hoàn cảnh khó khăn nhất: Em Bàn Bùi Xểnh, bố mất sớm, gia đình chỉ còn mẹ và các em, gánh nặng cơm áo đặt hết lên vai người mẹ. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng nỗi lo cơm áo, gạo tiền cũng đã ăn sâu vào tâm trí của Xểnh. Em nghỉ học, giúp mẹ làm nương và chăm lo cho các em.


Quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, các thầy, cô đã đến tận nhà tuyên truyền vận động, giảng giải cho phụ huynh của các em về tác dụng của việc học, có kiến thức sẽ làm kinh tế tốt hơn, gia đình sẽ thoát nghèo. Nhờ vậy mà Xểnh cũng như bao học sinh khác đã trở lại trường học với các bạn cùng trang lứa khác...


Điều kiện học tập tuy khó khăn, nhưng các em học sinh nơi đây lại chăm học đến lạ kì. Hàng ngày các em vẫn vượt vài km đường qua những dốc đá cheo leo, dựng đứng, để đến với các thầy, cô, để được múa hát, vui chơi và hơn cả là để học cái chữ.
Theo lời các thầy cô, xa nhất phải kể đến em Lý Thị Ngân, 3 tuổi, đang học lớp mẫu giáo phải thường xuyên vượt 2km đường núi đá tự theo các anh chị lớn hơn đến trường học. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nhà neo người bố mẹ phải vất vả lo toan cuộc sống mưu sinh, không có thời gian chăm sóc em. Trường hợp của em là một tấm gương hiếu học mà không ít em ở đây đã làm được.


“Để khuyến khích tinh thần vượt khó đến trường học tập của các em, hằng năm, các thầy cô đều thường xuyên tặng quà, quần áo, sách vở, giày dép cho các em học sinh” – cô Bế Thị Hiếu cho biết thêm.


Vượt lên trên mọi khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày thầm lặng gieo con chữ cho các em học sinh chỉ với một hy vọng, một nỗi niềm đau đáu là rồi đây, ở những bản người dân tộc xa xôi và khó khăn như nơi đây sẽ không còn ai mù chữ. Ai cũng biết đọc, biết viết, biết làm tính. Các em sẽ thắp sáng bản làng bằng kiến thức được các thầy cô giảng dạy....
Nguồn :hn.24h.com.vn
 
×
Quay lại
Top