Những ngày đi học

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616

Quãng thời gian đi học là những ngày ấm áp nhất trong cuộc đời của tôi, cho dù những tháng năm ấy thực sự vất vả và khó khăn.

Hồi mới sang Đức (và thậm chí cho đến tận bây giờ), những người bạn ở Việt Nam thi thoảng vẫn hay hỏi tôi về việc học, đại loại như “Có thú vị không?”, “Người Đức có chăm học không?”, “Chương trình học bên đó có nặng lắm không?” và rất nhiều những điều khác nữa. Thực ra đôi khi, tôi thấy mình khá may mắn khi được trải qua thời phổ thông ở hai đất nước.

Không biết những bạn khác có những trải nghiệm thế nào, riêng tôi ngày đầu tiên vào lớp, đã vô cùng ngạc nhiên khi chỉ thấy chừng ba mươi gương mặt (sau này tôi mới biết ba mươi đã là rất nhiều, thường chỉ khoảng hơn hai mươi học sinh một lớp), hai người ngồi một bàn và khi kiểm tra thì sẽ lấy một cái cặp chèn ở giữa.

Suốt thời gian học sinh làm bài, thầy cô cứ đi đi lại lại, lúc nào mỏi chân thì ngồi xuống đọc cái gì đó (và đây là lúc để cho trò đá chân nhau, kiểu như “xịch cái tờ giấy lên trên tao coi chút” hay “đáp số bao nhiêu”, “câu 3 mày gạch ô thứ mấy”). Đến khi thầy giả vờ ho là cả lớp biết thầy ho… cảnh cáo rồi, nếu thầy phát hiện lần nữa thì chỉ có nước nộp bài và rinh về con 6. Lúc đó thì ôi thôi, đừng có xin với xỏ.

hoc-tro-hoc-sinh-2082-1410369387.jpg

Đến bây giờ, mỗi lần nhìn lại, tôi vẫn tự mỉm cười và tạ ơn cuộc đời đã cho tôi có thêm một thời học trò đầy tinh nghịch và yêu thương.

Mà thầy cô bên này ít thiên vị cho học sinh, có cưng trò cỡ nào thì vẫn chấm điểm mạnh tay và dĩ nhiên, học trò có quyền “kiện” nếu họ nghĩ rằng thầy bỏ sót ý này ý kia của họ. Và nếu điểm của họ vì thế mà tốt hơn, thầy chỉ xấu hổ chứ không có chuyện trù học sinh.

Bài tập về nhà thì không có chuyện hên xui giống ở Việt Nam, tức là thầy cô gọi đến tên ai thì người đó phải trả bài, mà bên này thầy sẽ đi vòng một lượt và mỗi người phải giơ vở cho thầy xem, đúng sai không quan trọng, miễn là có làm.

Hôm nào thầy muốn kiểm tra sự trung thực của trò thì sẽ hỏi: “Hôm nay ai không làm bài tập về nhà thì tự nguyện giơ tay”, và nếu có vài cánh tay giơ lên, thì thầy sẽ không đi lòng vòng nữa. Nhưng không thấy cánh tay nào là thầy cũng… ngạc nhiên ra phết, cứ nên kiểm tra một lần nữa thì hơn! Mỗi lần không làm bài tập về nhà, chúng tôi bị “ăn” một gạch, sau này thầy sẽ cộng số gạch lại, đem ra “khoe” với trò khi thông báo điểm.

Tất nhiên việc kiểm tra bài cũng tùy ở từng thầy cô và những lên lớp 12, 13 thì tần suất kiểm tra của thầy cô cũng giảm đi nhiều. Hồi đầu cái gì tôi cũng thấy khác với ở Việt Nam (đấy là tôi so sánh với thời tôi học ngày xưa chứ không biết bây giờ các bạn học thế nào).

Ví dụ ở Việt Nam, các thầy cô không cho ăn quà vặt trong lớp thì ở đây, thấy các bạn ấy nhai bánh mỳ, trái cây, uống nước thoải mái trong giờ học (tất nhiên là đừng có bành trướng quá hoặc làm bẩn sàn lớp, bẩn chỗ ngồi).

Điều làm tôi thấy thú vị nhất là khi đến lớp, con gái thường chào nhau bằng những cái ôm, con trai thì cụng tay vào nhau. Nhưng cũng có lần phải há mồm há miệng vì thấy mấy nàng tạm biệt nhau bằng nụ hôn môi (không phải là họ đồng tính đâu nhé). Sau này được giải thích là “họ quý mến nhau quá”. Ây dà!

Tôi thường được các thầy cô để ý và quan tâm, bao giờ giảng bài xong họ cũng đến bên cạnh hỏi tôi có hiểu hết không, còn tôi luôn cảm động vì sự quan tâm đó. Những môn phải nói nhiều như tiếng Anh, tiếng Pháp thì điểm cứ 50:50, tức là 50% điểm miệng và 50% điểm viết.

Ngày đầu tôi hay ngại phát biểu, cứ nghĩ kiểu Việt Nam là “mình làm bài xong rồi, thầy giáo thấy mà, cần gì giơ tay nữa”, ai dè đến cuối kỳ, điểm của tôi bị kéo xuống chỉ vì điểm miệng không được tốt. Tôi ngô nghê giải thích: “Nhưng thầy biết là em biết mà”, thầy hỏi lại: “Làm sao tôi biết?”.

Lúc đó, tôi tức… nghẹn cả họng mà không làm gì được. Sau quay sang hỏi con bé bạn cùng lớp, nó bảo: “Mày biết thì mày phải giơ tay phát biểu chứ, có thể thầy biết là mày biết nhưng bọn tao làm sao biết được.

Rồi cuối kỳ khi đọc điểm, điểm miệng mày tự nhiên cao chót vót, bọn tao sẽ kiện thầy và hỏi tại sao, mày thử nghĩ xem lúc đó thế nào?”. Tôi ngẫm một lúc rồi gật đầu: “Ừ, mày đúng!”. Từ dạo đó trở đi, điểm miệng các môn học của tôi đều cao hơn điểm viết và đúng là nó thực sự có lợi hơn rất nhiều.

Đi học, dĩ nhiên vui nhất vẫn là được đi dã ngoại và tham quan các vùng miền, thành phố. Việc này tùy vào sự linh hoạt của từng giáo viên nên không phải lớp nào, trường nào cũng giống nhau.

Tôi may mắn có ông thầy đam mê văn hóa nên thi thoảng lại được đi đây đi đó, thăm khu này khu nọ, mà toàn miễn phí, hoặc nếu phải trả thì chỉ là tiền xe buýt. Thầy hay liên kết với các thầy cô bộ môn rồi mời họ tham gia luôn.

Ví dụ như môn Hóa thì chúng tôi sẽ tham quan nhà máy sản xuất bia, môn Lý thì tham quan nhà máy điện nguyên tử, môn Anh thì sẽ tham gia các chương trình nào đó với sự góp mặt của hàng chục trường khác và cả tuần đó chỉ thảo luận với nhau bằng tiếng Anh, môn Sử thì tham quan các viện bảo tàng, các trại tập trung. Mỗi năm lớp tổ chức đi tham quan một lần ở một nơi nào đó vài ngày, có lần tới tận hai tuần.

Và kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi ngày đó cũng chính là một chuyến đi cùng lớp như vậy, thậm chí sau này kể lại cho các bạn Đức khác nghe, họ cũng tròn xoe mắt lên ngạc nhiên.

Số là: Thầy tôi luôn có ý nghĩ trong đầu là phải rèn luyện chúng tôi tự thân vận động nên sau nửa năm bàn tới bàn lui với học sinh và phụ huynh, mọi người đồng ý đi Harz (một dãy núi nằm ở vùng Bắc Đức, có ngọn núi Broken cao nhất và là giao điểm giữa ba Bang Niedersachsen, Thueringen và Sachsen-Anhalt) hai tuần. Lúc tôi vào lớp thì mọi chuyện đã được quyết định xong, tôi chỉ việc “khăn gói quả mướp” mà… đi cùng.

Hai tuần ở trên núi, sáng nào chúng tôi cũng phải làm việc, mỗi nhóm 6 sáu người được một người phụ trách chở lên tít trên cao bằng xe buýt. Ở đó, chúng tôi phụ giúp họ xây các tòa tháp bằng gỗ rất cao dành cho những người quan sát động vật, chim chóc.

Buổi chiều là thời gian tự do, muốn làm gì thì làm, nhưng hỡi ôi, ở trên núi thì biết làm gì ngoài… vào rừng ngắm cây. Còn muốn xuống núi thì… đi bộ. Thế là chiều nào lớp muốn đi bơi hay đi shopping là cả đoàn lại đi bộ xuống núi, mất chừng một tiếng, rồi từ đó bắt xe buýt vào trung tâm.

Buổi tối, cả lớp quây quần bên ánh lửa, chơi những trò chơi khác nhau, hoặc nếu lười quá thì làm nũng: “Thầy ơi, thầy đọc sách cho bọn em nghe đi!”.

Đi học, mối quan hệ thầy trò vô cùng thoải mái, nhất là khi trò cũng lớn dần. Có lần thầy hiệu trưởng vào hỏi: “Thứ sáu này thầy cần vài bạn hỗ trợ mấy việc để chuẩn bị cho lễ hội mùa hè, ai có thời gian nào?”. Và đáp lại thầy là một câu hỏi rất tự nhiên của trò: “Có trả lương không thầy?”. Thầy cười và lắc đầu. Mấy gương mặt ỉu xìu: “Thế thì thôi ạ, em không có thời gian”. Tôi ngồi theo dõi mà buồn cười.

Hay lần khác, sau nửa năm không gặp trò vì trò bận thực tập, ngày hội ngộ, thầy hỏi: “Lớp mình có gì mới không? Có bạn nào làm bố? Có bạn nào làm mẹ? Có bạn nào ly dị?”, tôi ngồi dưới hỏi lại thầy: “Thầy ơi, sao thầy không hỏi có bạn nào có người yêu không ạ?”. Thầy và cả lớp quay lại nhìn tôi, tôi vội vàng xua tay: “Là em hỏi thế thôi chứ không phải em có người yêu đâu ạ!”.

Ở trường có rất nhiều các lớp học ngoại khóa vào các buổi chiều mà ai cũng có thể đăng ký tham gia, tất nhiên là miễn phí. Từ lớp học khiêu vũ cho đến cầu lông, bóng bàn, cờ vua, âm nhạc, vẽ vời, báo chí cho đến tiếng Pháp (để lấy bằng DELF), tiếng Tây Ban Nha.

Nói chung, ai thích học gì thì ghi tên, thậm chí có cả lớp gia sư miễn phí, ai yếu môn nào có thể tới hỏi bài hoặc làm bài tập ở nhà tại đó.

Còn nhớ hồi ấy, tôi đăng ký học tiếng Tây Ban Nha, bất chấp sự ngăn cản của mẹ nuôi vì bà cho rằng tôi nên tập trung cho tiếng Đức nhiều hơn chứ không nên học nhiều. Nhưng với bản tính lì lợm của một cô gái trẻ, tôi vẫn đăng ký học và cho đến tận bây giờ, tôi không hề hối hận một phút giây nào.

Lớp học tiếng Tây Ban Nha hồi đó chỉ có chừng tám hay chín đứa, cô giáo thì hiền và tâm lý, khỏi phải nói thời gian đấy chúng tôi hạnh phúc thế nào. Cứ hết một học kỳ là chúng tôi lại đòi cô tổ chức nấu ăn theo phong cách Tây Ban Nha và lần nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Sau hai năm, vì thời gian không cho phép nên tôi dừng chương trình học để tập trung cho các môn chính, đăng ký học thêm tiếng Pháp để thi lấy bằng DELF, vì ngày đó cô bảo tấm bằng này có giá trị trên toàn thế giới.

Ngày đấy, tôi chưa ý thức được việc học như bây giờ, thấy cô nói vậy thì đăng ký học, mục đích chỉ là để cho đẹp cái hồ sơ của mình thôi chứ không nghĩ là mình học cho mình.

Lớp học DELF cũng chỉ có năm đứa, tôi yếu nhất nên đến lúc đi thi cô giáo cũng lo nhất, dặn đi dặn lại: “Nhớ là không được nói tiếng Đức xen vào đâu nhé!”.

Lúc thi xong phần thi miệng, bà người Pháp khen anh chàng Hauke cùng lớp tôi nức nở, nhưng đến lúc cho điểm thì chỉ cho 11/20 khiến Hauke vô cùng phẫn nộ. Còn tôi được gọi là “thảm họa tiếng Pháp” của lớp, lớ ngớ thế nào lại được tận 17/20 khiến mọi người tròn xoe mắt. Thực tình, đến giờ tôi cũng không giải thích được lý do vì sao. Nhưng có những điều, hãy cứ để nó là bí mật cũng tốt.

Quãng thời gian đi học là những ngày ấm áp nhất trong cuộc đời của tôi, cho dù những tháng năm ấy thực sự vất vả và khó khăn. Nhưng nhờ có tình yêu thương của thầy cô, bạn bè cùng với những nỗ lực của bản thân, tôi đã đi qua nó nhẹ nhàng.

Đến bây giờ, mỗi lần nhìn lại, tôi vẫn tự mỉm cười và tạ ơn cuộc đời đã cho tôi có thêm một thời học trò đầy tinh nghịch và yêu thương.

Hoàng Yến Anh
Theo Ngôi sao
 
thời đi học, hồn nhiên và ngây thơ,
 
×
Quay lại
Top