Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên

minhquynhxt

không cảm xúc
Tham gia
23/5/2014
Bài viết
21
Đối với nhiều người, lịch sử cổ đại là một màn trình diễn tay ba - Ai Cập, Rome và Hy Lạp. Đó là lý do tại sao mọi người dễ dàng có ấn tượng rằng ngoài 3 nền văn minh này, bản đồ thế giới cổ đại phần lớn chỉ là những khoảng trống. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều nền văn minh rực rỡ và đầy quyến rũ từng tồn tại.

Hung Nô

Đế quốc Hung Nô là một liên minh của các bộ tộc du cư thống trị phía bắc Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên. Hãy tưởng tượng đó là quân đội Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, nhưng trước đó một thiên niên kỷ, và với xe ngựa. Có nhiều thuyết giải thích cho nguồn gốc của Hung Nô, và có thời điểm một số học giả đã lập luận rằng Hung Nô có thể là tổ tiên của người Hung (sống ở Trung Á và Đông Âu).



Vanminh04.jpg

Kỵ binh Hung Nô.


Điều rõ ràng nhất là những cuộc tấn công Trung Hoa của quân Hung Nô quá tàn khốc đến mức hoàng đế nhà Tần đã phải ra lệnh tiếp tục hoàn thiện Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn họ tiến xuống phía nam. Gần nửa thế kỷ sau, các cuộc tấn công liên tục và đòi hỏi triều cống của Hung Nô đã buộc người Trung Hoa, lúc này dưới triều đại nhà Hán, củng cố lại và mở rộng Vạn Lý Trường Thành hơn nữa.


Năm 166 trước Công nguyên, hơn 100.000 kỵ binh Hung Nô đã tiến sâu đến cách kinh đô Trung Quốc có 160 km trước khi bị đẩy lui. Nhưng sau này do bất hòa nội bộ, tranh chấp nối ngôi và xung đột giữa các bộ tộc khác nhau, người Hung Nô đã suy yếu, khiến Trung Hoa cuối cùng đã có thể phần nào kiểm soát được người láng giềng phương Bắc này. Tuy nhiên, Hung Nô vẫn là đế chế du cư trên thảo nguyên đầu tiên và tồn tại lâu nhất ở châu Á.

Greco-Bactria

Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tỉnh Bactria (ngày nay nằm ở Afghanistan và Tajikistan) trở nên rất hùng mạnh và tuyên bố độc lập. Một số tài liệu mô tả đây là một vùng đất giàu có “của hàng ngàn thành phố” với một lượng lớn tiền đúc còn sót lại cho đến ngày nay.


Vanminh05.jpg

Đội quân Greco-Bactria.


Vị trí của Greco-Bactria khiến nó trở thành trung tâm của tổng hợp các nền văn hóa Ba Tư, Ấn Độ, Scythia. Một số nhóm du cư khác cũng góp phần vào sự phát triển của một vương quốc Greco-Bactria độc nhất vô nhị. Đương nhiên, vị trí và sự giàu có của vương quốc này cũng thu hút sự chú ý không mong muốn, và vào đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, sức ép của những người du cư ở phía Bắc đã buộc những người Greco-Bactria phải tiến xuống phía Nam đến Ấn Độ.


Nguyệt Chi

Nguyệt Chi đáng chú ý vì dường như đã chiến đấu chống lại tất cả. Họ khởi đầu là một liên minh vài bộ tộc du cư ở các vùng thảo nguyên phía bắc Trung Quốc. Các thương nhân Nguyệt Chi đi rất xa để trao đổi ngọc bích, tơ lụa và ngựa. Thương mại phát triển đã đưa họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Hung Nô, những người cuối cùng đã buộc họ phải ra khỏi trò chơi thương mại với Trung Quốc.



Vanminh06.jpg

Đồng tiền Nguyệt Chi.


Người Nguyệt Chi hướng về phía Tây, nơi họ đã gặp và đánh bại người Greco-Bactria, buộc những người này phải tái lập ở Ấn Độ. Cuộc di cư của Nguyệt Chi sang Bactria cũng di dời một tộc người gọi là Saka, những người đã đáp lại bằng việc tàn phá nhiều phần của đế chế Parthian. Các bộ lạc của Scythian và Saka cuối cùng đã thành lập lại trên đất Afghanistan. Vào 2 thế kỷ đầu sau Công nguyên, người Nguyệt Chi đã chiến đấu chống lại những người Scythian bên cạnh một số cuộc chiến tranh ở Pakistan và nhà Hán. Trong thời kỳ này, các bộ tộc Nguyệt Chi đã củng cố và lập nên một nền kinh tế nông nghiệp định canh, định cư. Đế chế này tồn tại trong 3 thế kỷ, cho tới khi các lực lượng từ Ba Tư, Pakistan và Ấn Độ tái chiếm lại vùng đất cũ của họ


Vương quốc Mitanni

Quốc gia Mitanni tồn tại từ khoảng năm 1500 trước Công nguyên cho tới 1200 trước Công nguyên và bao gồm những vùng đất ngày nay là Syria và bắc Iraq. Người Mitanni được tin là có nguồn gốc Ấn-Aryan và văn hóa của họ chứng minh cho mức độ mà tầm ảnh hưởng của Ấn Độ cổ đại đã thâm nhập vào nền văn minh Trung Đông này.



Vanminh07.jpg

Nữ hoàng Nefertiti có nguồn gốc Mitanni.


Người Mitanni tin theo niềm tin Hindu như kiếp người, đầu thai và hỏa thiêu, những niềm tin khiến mối liên kết giữa Mitanni và Ai Cập càng gây tò mò. Trên thực tế, nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập (là một người Mitanni) và chồng bà, Amenhotep IV, là trung tâm của cuộc cách mạng tôn giáo ngắn ngủi ở Ai Cập. Nefertiti được biết đến là một người rất có tiếng nói và thường được mô tả trong nhiều tình huống, như trừng phạt kẻ thù, mà thường chỉ có ở các pharaoh.


Các học giả hy vọng rằng những cuộc khai quật sắp tới ở kinh đô Washukanni của Mitanni sẽ mang đến nhiều thông tin về vương quốc cổ đại này.


Aksum

Vương quốc Aksum (hay Axum) là chủ đề của vô số huyền thoại. Bất kể nó là quê hương của nhân vật bí ẩn Prester John, là vương quốc đã biến mất của Hoàng hậu Sheba hay nơi đặt cuối cùng của Chiếc hòm Giao ước, Aksum từ lâu đã nằm trong trí tưởng tượng của người phương Tây.


Vanminh01.jpg

Vị trí của vương quốc Aksum.


Vương quốc ở Ethiopia này không phải là thần thoại, nó từng thực sự là một cường quốc về thương mại. Nhờ tiếp cận được cả sông Nile lẫn các tuyến đường giao thương ở Biển Đỏ, thương mại của Aksum rất phát đạt, và vào đầu Công nguyên, phần lớn người Ethiopia nằm dưới quyền cai trị của Aksum. Sức mạnh và sự thịnh vượng của Aksum cho phép họ mở rộng sang cả Arập. Vào thế kỷ thứ 3, một nhà triết học Ba Tư đã viết rằng Aksum là một trong 4 vương quốc lớn nhất thế giới, bên cạnh Rome, Trung Quốc và Ba Tư.


Aksum đã chấp nhận Cơ đốc giáo không lâu sau Đế chế La Mã và tiếp tục phát triển mạnh trong suốt đầu thời kỳ Trung Cổ. Nếu không phải vì đạo Hồi được mở rộng, Aksum đã có thể tiếp tục thống trị Đông Phi. Sau cuộc chinh phục bờ Biển Đỏ của người Arập, Aksum đã đánh mất lợi thế giao thương chính của mình vào tay những quốc gia láng giềng. Lẽ dĩ nhiên, họ chỉ có thể tự trách chính mình. Chỉ vài thập kỷ trước đó, vị vua của Aksum đã cho phép những người tin theo Thánh Muhammad tị nạn, do đó đã tạo điều kiện cho một tôn giáo phá hủy chính đế chế của mình.


Kush

Được người đời biết đến từ các nguồn thông tin Ai Cập cổ đại vì có rất nhiều vàng và các loại tài nguyên thiên nhiên đáng giá khác, Kush đã bị người láng giềng phương Bắc Ai Cập chinh phục và khai thác trong gần một nửa thiên niên kỷ (khoảng 1500 - 1000 trước Công nguyên). Nhưng nguồn gốc của Kush còn sâu xa hơn thế - các vết tích cổ từ năm 8000 trước Công nguyên đã được phát hiện ở khu vực kinh đô Kerma, và vào đầu những năm 2400 trước Công nguyên, Kush đã có một xã hội phức tạp và gắn kết cao độ với nền nông nghiệp trên quy mô lớn.


Vanminh02.jpg

Các kim tự tháp Kush.


Vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, sự bất ổn ở Ai Cập đã cho phép người Kush giành lại cho mình độc lập. Và một trong những cuộc xoay chuyển vận mệnh ngoạn mục nhất của lịch sử, Kush đã chinh phục Ai Cập vào năm 750 trước Công nguyên. Trong thế kỷ sau, một loạt các vị pharaoh của Kush đã cai trị một vùng lãnh thổ lớn hơn nhiều những người tiền nhiệm Ai Cập của họ. Chính những nhà cai trị của Kush đã phục hồi công cuộc xây dựng các kim tự tháp và đưa các công trình này sang Sudan. Người Kush cuối cùng đã bị quét khỏi Ai Cập bởi cuộc xâm lược của quân Assyrian, chấm dứt hàng thế kỷ trao đổi văn hóa Ai Cập và Kush.


Người Kush đã chạy trốn xuống phía Nam và tái lập đất nước của mình ở Meroe trên bờ đông nam của sông Nile. Tại Meroe, người Kush thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Ai Cập và phát triển chữ viết của riêng mình, hiện được gọi là Meroitic. Loại chữ này vẫn còn là một bí ẩn và chưa được giải mã, mang theo bóng tối của phần lớn lịch sử Kush. Vị vua cuối cùng của Kush chết vào năm 200 sau Công nguyên, dù nguyên do vì đâu vương quốc của ông đi xuống và sụp đổ vẫn chưa có lời giải đáp.


Yam

Vương quốc Yam có lẽ đã tồn tại như là một đối tác buôn bán và đối địch với Vương quốc Ai Cập cổ, nhưng vị trí chính xác của nó vẫn khó đoán biết không khác gì thần thoại về lục địa Atlantis. Dựa trên những câu viết trên mộ của nhà thám hiểm Ai Cập Harkhuf, dường như Yam là một vùng đất của “hương trầm, gỗ mun, da báo, ngà voi và boomerang”.


Vanminh03.jpg

Tranh vẽ người Yam.


Bất chấp tuyên bố của Harhuf về những chuyến đi trên đất liền kéo dài hơn 7 tháng, các nhà Ai Cập học từ lâu đã xác định vùng đất của những chiếc boomerang chỉ cách sông Nile vài trăm dặm. Hiểu biết thông thường là không có cách nào người Ai Cập có thể băng qua dải đất khắc nghiệt của sa mạc Sahara. Cũng có những câu hỏi về điều người ta tìm được ở bên kia của Sahara. Nhưng có lẽ nó đã đánh giá thấp các thương nhân Ai Cập cổ đại, vì những chữ tượng hình mới được phát hiện gần đây cách sông Nile khoảng 700 km về phía tây nam đã xác nhận sự tồn tại của việc giao thương giữa Yam và Ai Cập cũng như chỉ ra vị trí của Yam là phía bắc cao nguyên Chad.

Chính xác người Ai Cập đã băng qua hàng nghìn dặm trên sa mạc trước khi bánh xe ra đời và chỉ với những chú lừa thồ hàng vẫn còn là điều khó hiểu. Nhưng ít nhất điểm đến của họ không còn bị che giấu trong màn bí mật nữa.
 
×
Quay lại
Top