Những kẽ hở trong giao dịch mang: người mua, kẻ bán đều có thể bị lừa

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Ngày càng có nhiều cảnh báo về những rủi ro khi mua sắm trên mạng. Khi những lỗ hổng về an ninh mạng, quy trình cấp phép kinh doanh qua mạng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cả người kinh doanh lẫn người mua sắm đều nên cân nhắc trước hình thức mua bán “hiện đại” này.

Kêu trời, trời chẳng thấu

Các trang web bán hàng qua mạng có muôn hình vạn trạng, thực hiện cả trên Facebook và blog cá nhân. Các giao dịch chủ yếu thông qua chat, e-mail, gửi tin nhắn vào hộp thư hoặc gọi điện thoại trực tiếp. Chính vì không cần “mặt đối mặt”, những người bán hàng thiếu lương tâm thường sử dụng thủ thuật “lập lờ đánh lận con đen”.


Cặp đồng hồ hàng fake Nhật Đăng mua qua mạng

Nhật Đăng kể: “Mình mua trên mạng chiếc đồng hồ nhãn hiệu Calvin Klein, giá chưa tới 1 triệu đồng. Càng bất ngờ hơn là số tiền này mua được cả một cặp đồng hồ nam – nữ. Tuy trong phần mô tả sản phẩm, trang web công bố rất ít thông tin nhưng mình vẫn mua vì thấy quá rẻ. Mình chỉ thật sự hối hận khi sau 2 ngày sử dụng, chiếc đồng hồ của mình đã chết đứng, trong khi chiếc đồng hồ nữ bị vô nước. Lật lại thông tin, rõ ràng trang web kể trên không hề có bất kỳ cam kết nào. Mình chỉ biết ngậm đắng nuốt cay vì… trót ham rẻ và không xem kỹ!”.

B. T. (trường ĐH Thể dục Thể thao TP. HCM) được giới thiệu mua đôi giày đá bóng F50 Adizero “hàng chính hãng Adidas, giá rẻ, sản xuất tại Đức” trên trang web sports123… Sau khi được bên bán cho xem hình ảnh, thấy đôi giày khá bắt mắt, đệm gót trông rất mềm, đường chỉ đẹp, đế và đinh được giới thiệu là bám chắc chắn, giá lại chỉ 2,5 triệu đồng (trong khi giá chính hãng là trên 4 triệu đồng), T. đồng ý mua. Chuyển tiền vào tài khoản được 2 ngày thì T. nhận giày. Tuy nhiên, khi khui hàng, T. tá hỏa vì đôi giày đúng kiểu dáng, chi tiết như đã xem trên mạng nhưng màu sắc và chất lượng thì kém hẳn. T. kể: “Mình gọi cho chủ hàng nhưng bên đó một mực khẳng định, giày đúng như hình đã công bố. Anh ta còn khuyên: Bạn cứ dùng thử đi, không hài lòng mình sẽ đổi!”. Vào web xem lại thì mới biết, cũng topic đó nhưng hình đã được thay đổi là hình chính đôi giày mình đang cầm, không phải hình cũ, sản xuất tại Indonesia chứ không phải tại Đức. Gọi điện thì người bán chối phăng: Hình và thông tin sản phẩm như cũ, tôi không thay đổi, không lừa bạn. Nếu thích thì bạn cứ kiện!”. Đến lúc đó, T. mới chắc mình đã bị lừa bởi chiêu “ve sầu thoát xác” cao tay này. Đôi giày sử dụng chưa được một tháng thì phai màu, đế nứt, mũi giày sờn da… T. cho rằng, đôi giày bạn mua có lẽ được sản xuất ở “lò″ sản xuất hàng giả nào đó ở trong nước chứ chưa chắc được nhập về từ Indonesia.

Cả bên bán cũng bị lừa

Những tưởng câu nói “người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm” là “chân lý” nhưng thực tế, với đặc thù giao dịch không biết mặt nhau, cộng thêm lỗ hổng an ninh mạng, ngay cả những người bán hàng nghiêm chỉnh cũng vẫn bị kẻ gian “giã” cho đau điếng. Trên mạng 123mua.vn, gần đây, lan truyền câu chuyện “bị lừa như phim” của một chủ hàng tên Linh Lan.

Được một khách đặt mua hàng, Linh Lan, chủ shop bán phụ kiện điện thoại di động liên hệ và gửi thông tin tài khoản ngân hàng cho khách. Đúng hẹn, chủ shop nhận được tin nhắn với thông tin sau: VIETCOMBANK: So du TK VCB 0071000712009 thay doi +7,699,000 VND. Ref IBVCB.038100… TT don hang 2013061700040/123mua… De tu choi: IM.STOP gui 8085 https://sms.vn số gửi +87853525.

Không chần chừ, Linh Lan đóng gói hàng gửi ngay cho khách, khấp khởi mừng vì bán được hàng khá nhanh chóng. Hàng đã được gửi đi. Tuy nhiên, Linh Lan kiểm tra tài khoản ngân hàng thì không có số dư tương ứng với số tiền vừa giao dịch. Băn khoăn, cô mở điện thoại kiểm tra và đưa cho nhân viên ngân hàng xem xét. Cấu trúc tin nhắn của ngân hàng Vietcombank gửi cho khách thông thường là: “So du TK VCB 531000267086 thay doi +1,500,000 VND. Số dư 1,554,260 VND. Ref…”. Kẻ gian đã cố tình viết cấu trúc tin rất giống với cấu trúc tin gửi từ ngân hàng. Chỉ khác, đọc đến cuối tin nhắn mới xuất hiện nguồn gốc gửi tin là hòm thư tự động, mà hiện nay, chẳng khó gì để tạo hoặc mua loại tin này. Đây là tin nhắn giả danh ngân hàng chứ hoàn toàn không phải thông báo chính thức từ ngân hàng.

Thành bại tại… lương tâm

“Buyer” có vai trò cốt yếu trong kinh doanh qua mạng. Đây là trung gian giữa người mua và nhà cung cấp, là những người làm trong bộ phận bán hàng với tư cách nhân viên kinh doanh, có nhiệm vụ lựa chọn các mặt hàng thích hợp để bán, giúp công ty đạt doanh số. “Buyer” hay “sale” làm nhiệm vụ tìm kiếm, tiếp xúc, thương thảo và xúc tiến hợp đồng với các đối tác. Vậy, con đường luân chuyển tiền bạc và hàng hóa thông qua vị trí này sẽ được hình dung ra sao?

Đầu tiên, “buyer” chủ động tìm kiếm các thương hiệu để bắt mối. Nếu hợp đồng được ký, những mặt hàng từ thương hiệu ấy sẽ xuất hiện trên web, nơi “buyer” đang làm việc. Hàng hóa được chọn ký hợp đồng sẽ được phía thương hiệu giao đến kho của các trang web và trang web sẽ hưởng “hoa hồng” từ phần trăm doanh số. Các “buyer” cũng được hưởng lợi. Khi chịu trách nhiệm, chăm lo về chất lượng, thông tin sản phẩm, các “buyer” tìm mọi cách để mặt hàng mình mang về bán phải được chú ý và tin tưởng nhất.

P.T. (từng là “buyer” của một trang bán hàng qua mạng) chia sẻ trải nghiệm: “Mình được giao trong tháng đầu phải đạt doanh số ít nhất là 40 triệu đồng. Sếp chỉ dẫn bắt mối với một đầu nậu hàng điện tử, máy tính, loa, phụ kiện điện thoại. Tất cả đều là… hàng nhái và hàng giả. Sau khi thỏa thuận, mình nhận lời làm trung gian cho đầu nậu này với trang web mình đang làm. Bên kia thỏa thuận chi “hoa hồng” trên tổng số hàng bán ra. Mình có nhiệm vụ đưa thông tin sản phẩm, “vẽ” các tính năng và đưa lên web. Nếu người mua đồng ý, bên kia sẽ trực tiếp giao hàng. Mình chỉ làm trung gian, nhận “hoa hồng”, khách hàng thì “sống chết mặc bay”. Nếu có khiếu nại gì, bộ phận sale sẽ tìm cách chối trách nhiệm bằng cách đưa lý do “không chịu trách nhiệm về các giao dịch vì web của chúng tôi chỉ đăng thông tin”. Sau 2 tháng làm việc tại đây, mình thấy lương tâm cắn rứt quá nên quyết định xin nghỉ”.

Thường đối tượng dễ dàng nhất để các “buyer” đạt chỉ tiêu là tìm đến những thương hiệu nhỏ, vô danh và nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí là… hàng nhái. Nhiều trường hợp các thương hiệu “đểu” còn chủ động tìm đến “buyer” đặt vấn đề. Vì thế, “buyer” ngoài việc hưởng “hoa hồng” từ tiền bán hàng còn nhận thêm khoản tiền “lót tay” từ các thương hiệu muốn xuất hiện trên web bán hàng trực tuyến.

Vì áp lực doanh số và thu nhập, các “buyer” rất dễ dính đến chuyện buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Quá trình luân chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp lên web rồi đến tay người dùng đều dính đến chuyện ăn chia giữa các bên, cuối cùng, người mua lãnh đủ.

Mỗi “buyer”, ngoài lương cứng sẽ phải cố gắng ký hợp đồng với các doanh nghiệp, nhà cung cấp để kiếm thêm thu nhập, đạt chỉ tiêu công ty giao. Tuy nhiên, không phải lúc nào “buyer” cũng ký được hợp đồng với nhà cung cấp. Chị Thủy (một nhân viên kinh doanh tại TP. HCM) cho biết, chị nhiều lần bị từ chối chỉ vì tên tuổi của trang web bán hàng quá nhỏ, chất lượng web/hình ảnh không cao, không đáp ứng nhu cầu của thương hiệu nổi tiếng ấy.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top