Những cục pin đã chết

hell_angel1795

...
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/7/2014
Bài viết
3.370
Tháo cục pin từ chuột máy tính ra, tôi tự hỏi: cái này bỏ vào đâu nhỉ?
Tôi không biết, vì không có chỗ nào để bỏ cục pin đã qua sử dụng. Bỏ vào thùng rác chung thì không đành, vì tôi biết khi bị đốt chung với rác thải thông thường, cục pin sẽ chảy ra thành một nguồn chất độc ngấm vào đất và nước.

pin-68acb.jpg

Chuyện đúng là nhỏ như cọng rác. Nhưng những cọng rác nhỏ có khi lại làm nên một công trình lớn, nếu chúng được xử lý hiệu quả. Chẳng hạn, người Nhật đã hình thành những khu chứa rác khổng lồ, sau đó họ chôn lấp và trồng cây lên, tạo thành những đảo rác lấn biển. Những đảo rác ấy lại tiếp tục được đầu tư xây dựng, trở thành những hòn đảo nhân tạo xinh xắn, như là Odaiba ở Tokyo.

Người nước ngoài đến Nhật, có lẽ bài học đầu tiên để hòa nhập vào cộng đồng là việc phân loại rác. Trong một tuần, họ có những ngày nhất định để vứt giấy, sách báo; có ngày để bỏ các đồ không đốt được; có ngày để hủy đồ đốt được...

Người dân nước này được hướng dẫn phân loại rác với bất cứ một vật cỏn con nào. Mỗi chai nước có thể chia thành hai hay ba nhóm: thân chai, nắp chai, miếng giấy bóng bọc trên thân chai. Học sinh tiểu học uống sữa trong bữa ăn trưa ở trường xong, bỏ ống hút một khay, phần hộp sữa làm bằng giấy thì mở các nếp gấp ra, bóp xẹp lại, rồi xếp gọn vào một khay khác. Ở nhà ga, trường học, nơi công cộng, luôn có một dãy dài 3-5 thùng với tên gọi tương ứng để vứt rác.

Nước Nhật không có nhiều tài nguyên. Họ biến rác thành tài nguyên.

Có lẽ vì thấy được lợi ích lớn của cọng rác nhỏ, Nhật từng hỗ trợ Việt Nam phân loại rác. Mỗi hộ gia đình ở khu phố nhà tôi được phát hai thùng nhựa: thùng màu xanh cho rác vô cơ và thùng màu vàng cho rác hữu cơ. Một số gia đình cũng phân loại thức ăn thừa, rau cỏ vào thùng vàng. Nhưng rốt cục, vào cuối ngày, người ta gom lẫn lộn tất cả vào một xe rác.

Nhưng nói như vậy không phải là người Việt Nam không biết quý từng cọng rác. Từ lúc hiểu tiếng mẹ gọi, tôi đã nghe có người đạp xe vòng quanh xóm rao “nhôm, đồng, sắt vụn, dép nhựa bán đê/ lông ngan lông ngỗng bán đê”. Ông thu gom đồ cũ còn có cả bài vè nghe rất vui tai như “tivi tủ lạnh bàn là, hỏng không dùng nữa thì là bán đê”. Đến nay, họ - những người biết rõ rác có thể tái chế, có thể sinh lợi - vẫn hiện diện thường xuyên trong sinh hoạt cộng đồng dân cư ở nhiều nơi.

Việc phân loại rác sinh hoạt khá quen thuộc với người Việt Nam. Việc phân loại và thu gom các vật gây nguy hại cho môi trường như pin chết, bóng đèn tuýp, bình ga nhỏ… mới là những thứ gây bối rối cho họ. Câu chuyện lớn hơn nữa là thu gom, quản lý và xử lý rác, không chỉ rác thải sinh hoạt mà ở phạm vi rộng hơn là rác công nghiệp, rác y tế... Đây chính là phần việc đang cần có bàn tay của cơ quan quản lý.

Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức ngày hội tái chế chất thải tại TP HCM. Hội chỉ có một ngày, nhưng người dân xả rác 365 ngày mỗi năm, những hoạt động phân loại, thu gom, xử lý cần làm không thiếu một ngày nào.

Những cục pin chết của tôi vẫn nằm trong ngăn kéo. Nếu được, chúng sẽ được mang đến ngày hội tái chế sắp tới. Cũng có thể, chúng sẽ được giữ riêng đến khi Việt Nam có chính sách thu gom chất thải độc hại một cách phổ biến và khoa học.

Nguyễn Thị Thủy
VnExpress
 
×
Quay lại
Top