Ngẫm "văn hóa Phượt" từ chuyện đoàn phượt 50 người lên Hà Giang

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Cộng đồng mạng hiện đang sục sôi câu chuyện về "văn hóa phượt", khi mà có rất nhiều những hành động không đẹp của dân phượt liên tục diễn ra ở thời gian qua, đặc biệt là sau chuyến đi của một nhóm 50 bạn trẻ.

Mang nhiều hơn ý nghĩa của việc du lịch đơn thuần, trào lưu phượt mang lại cho giới trẻ cảm giác của một chuyến đi phiêu lưu, khám phá. Người người, nhà nhà đi phượt . Tuy nhiên, việc chạy theo những kỷ lục, tâm lý muốn thể hiện mình qua ở những chuyến phượt đã khiến cho “văn hóa phượt” đang bị nhiều người nhìn vào với ánh mắt không tích cực. Nếu như dân phượt chân chính đang xây dựng một cộng đồng xê dịch lành mạnh, bổ ích thì có một bộ phận dân phượt đang vô tình hoặc cố ý làm ảnh hưởng đến nó.

Chính vì vậy, mới đây, câu chuyện của đoàn phượt 50 người từ Hà Nội lên Hà Giang đã khiến cho cộng đồng phượt khắp nơi phải lên tiếng chỉ trích bởi mức độ nguy hiểm và các hành động không văn minh của đoàn đi: “Dường như nhiều bạn trẻ đang có cái nhìn dễ dãi về phượt, phượt bản thân nó là du lịch bụi, là không cầu kỳ nhưng không có nghĩa là không có nguyên tắc, là bạn muốn vác xe đi mà không hề biết một chuyến đi cần nhiều hơn sự hăng hái đơn thuần của bạn” – Một dân phượt lâu năm nói trên một diễn đàn phượt.

“Phượt không có nghĩa là “xách cái mạng lên và đi”

Đó là lời của một thành viên của diễn đàn phuot.vn khi nói về chuyến đi của đoàn phượt 50 người từ Hà Nội lên Hà Giang đang gây tranh cãi trên mạng. Dân phượt vẫn thường định nghĩa phượt rất đơn giản: Phượt = an toàn. Vì vậy, những nguy hiểm được thể hiện qua những bức ảnh và câu chuyện kể lại đã khiến nhiều dân phượt “cứng” cũng phải khẳng định 50 bạn trẻ trong đoàn phượt rất liều lĩnh: “Tầm 400km từ Hà Nội lên Hà Giang với nhiều loại đường, 50 người đi không hề là “khí thế” cho chuyến đi mà chính là trở ngại. Rất khó khăn để kiếm soát hết từng đấy con người, nhất là khi các bạn lại khởi hành trong đêm và đi xe máy xuyên đêm lên Hà Giang với vận tốc 70-80km/h. Đã rất nhiều người bị thương, phải bỏ cuộc vội vàng bắt xe về Hà Nội giữa chừng hay có người bị thương nặng phải vào viện, chuyến đi trở thành “hành trình phá sức” đúng nghĩa.” – Cư dân mạng G.Duong nói.

"Nếu hiểu về phượt thì bạn sẽ thấy con số 50 người là quá lớn. Phượt là gắn kết, trải nghiệm cùng nhau trên cùng một chuyến đi, chứ không phải càng nhiều người hùa nhau đi mới là phượt. Tôi đã từng biết đến một đoàn phượt lớn có đế 70 người, tất nhiên leader và các thành viên đều là những "tay phượt". Thế nhưng, nhiều người đi về sau chuyến phượt này đều cho rằng chuyến phượt mất đi một nửa ý nghĩa khi đoàn đi quá nhiều người, thiếu gắn kết, rời rạc, đi cùng nhau nhưng chẳng biết đó là người trong đoàn" - Một cư dân mạng H.L bình luận

"Đi với vận tốc 50km/h tôi đã từng với một người bạn của mình suýt lao xuống vực ở những khúc cua quanh đường núi, còn các bạn đi với vận tốc 70-80km/h, tôi nghĩ các bạn đang "ném" tính mạng vào một chuyện đi. Thật liều và ngớ ngẩn!" - FBer T.T nói

Tấm ảnh chụp lại cảnh 50 người trong đoàn phượt ngủ qua đêm trên quốc lộ cũng khiến nhiều người phải giật mình. Điều gì khiến đoàn phượt này ở lại qua đêm ở khúc cua trên mặt đường quốc lộ cũng được nhiều người chỉ ra: đó là sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm của trưởng đoàn.

650555-121108dsvanhoaphuot02-b3167.jpg

Cảnh tượng mà dù có hỏi hết những tay "phượt" kì cựu nhất, thì cũng không mấy ai dám thử thế này.

"Rõ ràng là bất chấp luật giao thông, coi thường tính mạng của mình và bạn đồng hành hoặc không nữa là một sự thiếu hiểu biết khó chấp nhận được". – Lời của một thành viên của diễn đàn phuot.vn

Với số lượng phượt 50 người, thì rõ ràng trên đường đi sẽ không có đủ chỗ ăn, ngủ ở cho đủ từng ấy con người. Trước khi đi, có thành viên nào thắc mắc, hỏi trưởng đoàn rằng có nơi nào đủ để cho 50 người ngủ nghỉ, hay chỉ nghĩ rằng phượt là xuề xòa có đâu nằm đấy? Các bạn có tính toán phía trước hành trình dài đó sẽ phải đối mặt với những chuyện gì? Các bạn dường như bỏ qua sức khỏe, sự an toàn của mình để đổi lấy một chuyến phượt “có tiếng” đông người” – Một Fber M.D nói

Trong chuyến phượt "nguy hiểm" này, một thành viên đã lên tiếng trên báo chí về việc bỏ cuộc giữa chừng của mình do bị chấn thương trên đường đi. Thành viên này nói rằng mình đã có hành trình đi lên Hà Giang xuyên đêm, vượt qua những con đường đèo dốc quanh co với tốc độ 70-80km/h. Nghe xong ai cũng giật mình vì sự liều lĩnh, coi nhẹ tính mạng. Nhưng với một người lần đầu đi phượt như bạn trai này, thì cậu bạn chỉ đơn giản là "nghe thấy đi phượt lên Hà Giang, cũng thú vị nên đi" chứ không có sự tính toán một chuyến phượt đường trường - bản thân cần có những kĩ năng, chuẩn bị gì.

Bên cạnh đó, chuyến đi này được thành lập vội vàng, các thành viên chưa có cơ hội tìm hiểu nhau vì được đăng kí “cấp tốc” trên Facebook. Việc này khiến cho chuyến đi thiếu đi tính gắn kết giữa các thành viên đủ để tránh các mâu thuẫn, xích mích và quan trọng hơn là hiểu được thói quen, sức khỏe của từng người.

Tổn hại sức khỏe, thậm chí là tinh thần, tính mạng là những gì xưa nay cộng đồng phượt luôn “sợ”, bởi chuyến phượt sẽ mất đi hoàn toàn ý nghĩa nếu như có bất kì tổn hại nào trên lộ trình. Nhớ đến phượt, là bạn nhớ đến những hành trình bổ ích cứ không phải là nhớ đến một chuyến đi ám ảnh. Và chuyến đi phượt của đoàn 50 người đi lên Đồng Văn ngày 26/10 vừa qua thực sự là chuyến đi ám ảnh cho không ít thành viên có mặt.

Năm 2009 cho đến nay, năm nào cũng có người phải bỏ mạng vì phượt thiếu an toàn, họ đều là người trẻ tuổi, nhiệt huyết nhưng thiếu cẩn trọng.

Tôn trọng các giá trị văn hóa trên hành trình

Ảnh chụp trưởng đoàn của đoàn phượt này thản nhiên đứng, ngồi trên nóc cột mộc quốc gia 0km ở địa đầu Tổ quốc cũng nhận được nhiều chỉ trích bởi sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng các giá trị văn hóa.

650555-121108dsvanhoaphuot01-b3167.jpg


650555-121108dsvanhoaphuot04-b3167.jpg

"Đây là cột mốc thiêng liêng ở địa đầu Tổ quốc, những người lính biên phòng mỗi khi đi tuần tra phải đứng chào cột mốc theo điều lệnh. Thế nhưng, hành động của bạn không những phản cảm, nguy hiểm mà còn khiến nhiều người phải lo sợ về phông kiến thức của lớp trẻ ngày nay." - FBer Q.G nói

Tôn trọng lịch sử, tôn trọng di tích, công trình văn hóa là tôn trọng chính bản thân mình. Còn nhớ hành vi khắc tên trên mái chóp của đỉnh Fan-xi-phăng, trên bức tường Pha Đin đã từng bị chỉ trích chưa lâu thì giờ lại tới hình ảnh vô tư đứng trên cột mốc như một hành động "phong cách".

Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang năm nay cũng "lao đao" vì từng đoàn phượt kéo đến, chụp ảnh, hái hoa và ra về khi để lại không ít "chiến tích". Người dân bản xứ năm nào cũng than thở mùa hoa chóng tàn vì dân phượt.
Và một trong những hành động chỉ trích của đoàn phượt này là việc một thành viên phóng thẳng xe băng qua vườn hoa tam giác mạch.
650555-121108dsvanhoaphuot03-b3167.jpg

Một thành viên khác trong đoàn thậm chí tuyên bố đã bưng nguyên một góc vườn cây tam giác mạch về để trồng.

Thế nhưng, đây chẳng phải chuyện của riêng đoàn phượt này. Không ít nhóm phượt đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân bản xứ. Từ chuyện chẳng ngại giẫm đạp lên hoa màu để có được một bức ảnh đẹp, đến chuyện đồ ăn, thức uống, củi lửa đốt qua đêm được các nhóm phượt hồn nhiên để lại sau mỗi lần dừng chân dọc đường. Từ chuyện đi đến đâu cũng gây ầm ĩ náo loạn bởi sự đông đúc, bởi tiếng nói cười, đến chuyện xâm phạm thô bạo những giá trị văn hoá về cả vật chất và tinh thần của những vùng đất họ đi qua...

"Có nhóm chưa dập tắt hết lửa đốt trại đã lên xe đi sang vùng đất khác, họ có biết một khóm lửa nhỏ thôi cộng với gió cũng đủ lan thành khóm lớn và có thể gây cháy. Hay gần đây nhất là chuyến Apa Chải đợt 30/4 của mình, một nhóm phượt sau khi leo lên được cột mốc không số rồi tung tăng chụp ảnh ăn uống và đi xuống để lại 1 đống rác trên đó. Không biết các bạn ý có biết là mỗi 1 cột mốc quốc gia, bộ đội ta ở vùng cao đã phải mất rất nhiều công sức mới xây dựng được không?" - Một thành viên của diễn đàn phượt bức xúc.
“Bạn biết đấy, du lịch kích thích kinh tế, đời sống người dân ở vùng du lịch đấy phát triển. Vì vậy khi đến những địa điểm ở đâu trên bất kì đất nước, là người đi phượt với chi phí tiết kiệm nhất, bạn không nên để lại rác, làm ô nhiễm, làm bẩn nơi bạn đặt chân đến. Vì bạn đã không những mua được cho người dân ở đó cái gì thì cũng bắt họ phải dọn dẹp rác của bạn! - Một thành viên khác có tên H.Ngân gay gắt.

Tạm kết

Mong muốn có một cộng đồng xê dịch an toàn, lành mạnh là những gì mà dân phượt chân chính đang xây dựng bấy lâu nay. Bởi đã từng có một thời, phượt trong mắt nhiều người là nguy hiểm, là “phong trào” liều lĩnh và không hề đáng cổ suý. Dễ hiểu khi những hành động của chuyến phượt đoàn 50 người lên Hà Giang bị chỉ trích. Đó không phải là sự tẩy chay hội đồng. Đó là lời cảnh báo, vì không ai muốn chuyến đi của mình trở thành ám ảnh, không ai muốn phượt trở thành “hàng cấm”.

Thật mong, giới trẻ ngày càng phượt văn minh hơn để có được những trải nghiệm quý báu từ những chuyến đi, như lời một thành viên của một diễn đàn phượt: “Phượt là để bạn khám phá, tìm tòi và trải nghiệm chứ không phải là bạn gắng sức để đến được nơi cần đến, chụp được vài kiểu ảnh để khoe ta đây đã đặt chân đến chỗ này chỗ kia.”
Theo Kenh14
 
không phải cứ đem cái ý nghĩ: "vác balo lên và đi" đem ra thực hiện như vậy
nó đương nhiên không tôn trọng từ "phượt" và cũng không tôn trọng chính mình
đi để hiểu biết chứ không phải là buông thả để nhận lấy những lời khen tặng hào nhoáng bên ngoài
nhưng lựa chọn thế nào vẫn là của người trong cuộc thôi
 
Không phải càng đông càng vui, em đi vs lớp chả bao giờ thấy vui vì quá rời rạc và nhàm chán. Cảm giác như bị hành ấy, nếu đi chơi xa kiểu này chắc chỉ nên trên dưới 10 người và phải có 2 bạn đứng ra quản lí và sắp xếp chỗ ăn ở rõ ràng. Nhìn cảnh các anh chị ấy nằm ngủ trên đường quốc lộ mà rùng mình :P ... dạo này ngoài đường toàn xe trọng tải lớn, đi trong đêm vs tốc độ ko kiểm soát....
 
×
Quay lại
Top