Năm hổ bàn chuyện hổ: Vì sao hổ có màu cam?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Việc đó xuất phát từ góc nhìn của con mồi.

Một con hổ màu cam nổi bật lên giữa khung cảnh xung quanh. Ảnh: Ondrej Prosicky/Getty Images.

Một con hổ màu cam nổi bật lên giữa khung cảnh xung quanh. Ảnh: Ondrej Prosicky/Getty Images.

Màu sắc và hoa văn của động vật phục vụ rất nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như để giúp chúng nổi bật hơn trong mắt bạn đời hoặc thậm chí là để cảnh báo kẻ thù “tôi có độc đấy”. Nhưng đối với loài săn mồi mai phục như hổ, khả năng vô hình trước con mồi sẽ quyết định chúng có một bữa no hay phải tiếp tục nhịn đói. Thế thì trong số nhiều màu sắc, tại sao hổ lại có màu cam?

Đó là một câu hỏi hay, vì đối với con người, màu cam là màu được dùng cho những vật phẩm cần thu hút sự chú ý, như nón giao thông hay áo khoác an toàn. Trong mắt chúng ta, màu cam nổi bật trong hầu hết các môi trường, khiến hổ khá dễ bị trông thấy.

Nhưng đó là vì chúng ta có thị lực tam sắc. Khi ánh sáng từ thế giới bên ngoài đi vào mắt, sẽ chạm trúng lớp màng mỏng ở mặt sau là võng mạc. Võng mạc sẽ xử lý ánh sáng đó bằng hai loại thụ thể ánh sáng: tế bào que và tế bào nón. Tế bào que chỉ thụ cảm sự khác biệt giữa sáng và tối chứ không thụ cảm màu sắc, và chủ yếu được dùng trong ánh sáng yếu. Tế bào nón được dùng để thụ cảm màu sắc. Phần lớn con người chúng ta có 3 loại tế bào nón: tế bào nón cho màu lam, lục và đỏ. Đó là lý do vì sao thị lực của chúng ta được coi là tam sắc: Chúng ta có thể nhìn được 3 màu chính và những tổ hợp màu của 3 màu ấy. Chúng ta có cùng kiểu thị lực này với vượn người và một số loài khỉ.

Nhưng hầu hết thú trên cạn, bao gồm chó, mèo, ngựa và hươu nai, đều có thị lực lưỡng sắc. Nghĩa là võng mạc của chúng chỉ chứa tế bào nón cho 2 màu lam và lục. Những người chỉ nhận thông tin từ tế bào nón lam và tế bào nón lục bị coi là mắc chứng mù màu, và cũng không thể phân biệt giữa sắc đỏ và sắc lục. Điều đó có lẽ cũng tương tự với động vật thị lực lưỡng sắc.

Thú trên cạn như hươu nai là con mồi chính của hổ, nhưng thị lực lưỡng sắc của hươu nai khiến chúng không thấy được màu cam của kẻ săn mồi, mà chúng nhìn thành màu lục. Điều đó giúp hổ rất khó bị trông thấy khi lúp ló sau những bụi cây hoặc chực chờ trong đám cỏ.

Dù hổ màu lục có thể sẽ khó bị trông thấy hơn, nhất là với thị lực tam sắc của ta, nhưng quá trình tiến hoá lại không “hợp tác” với những thành phần cần thiết để tạo nên bộ lông xanh.

Về bản chất, việc tạo ra màu nâu và màu cam dễ hơn so với màu lục vì cấu trúc phân tử sinh học cấu thành nên cơ thể động vật. Trên thực tế chỉ có một loài thú duy nhất có màu xanh là con lười, nhưng bộ lông của nó không phải màu xanh. Đó chỉ là lớp tảo mọc trên lông. Không có loài động vật nào có lông màu lục.

Nhưng nếu tiến hoá có xu hướng ưu ái những đặc điểm giúp một loài tồn tại, thì tại sao động vật là con mồi không tiến hoá khả năng nhìn thấy màu cam?

Bạn sẽ nghĩ trong cuộc đua tiến hoá, một cải tiến trong nhận thức thị giác sẽ mang lại cho con mồi hệ thống thị giác tốt hơn ngay từ ban đầu chứ. Nhưng dường như không có áp lực tiến hoá nào để chúng trở thành động vật thị lực tam sắc, nhất là đối với hươu nai vốn là con mồi chính của hổ. Đó có thể là do hổ cũng không biết nó có màu cam vì nó cũng là động vật thị lực lưỡng sắc.

Thế nên màu cam không hề tồn tại trong cuộc đua tiến hoá. Đó chỉ là do hổ đã tiến hoá để có được một màu sắc, một hệ thống nguỵ trang bảo vệ nó được tốt hơn trong môi trường rừng rậm.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top