Một tư duy hoàn toàn mới - bán cầu não phải sẽ thống trị tương lai

moitruogvietco

Thành viên
Tham gia
16/4/2013
Bài viết
3
Trước khi viết vài suy nghĩ về cuốn sách rất đặc biệt và có sức tác động mạnh mẽ của Daniel H. Pink, một học giả Mỹ, được Nhà xuất bản Lao động - Xã hội ấn hành năm 2009, với tiêu đề “Một tư duy hoàn toàn mới - Bán cầu não phải sẽ thống trị tương lai”, có lẽ tôi muốn bắt đầu bằng một ám ảnh từ khi còn nhỏ của mình: Đó là sự thiệt thòi của những người thuận tay trái, thường kém về khoa học tự nhiên, khá hơn về xã hội, thiên hướng nghệ thuật từ khi còn học phổ thông. Vâng, những người này luôn bị coi là thiểu số, là những người bất tài, đa sầu đa cảm, bọn học dốt - chẳng học được (nghĩa là học giỏi toán, lý, hóa… sau này là học kinh tế, ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh, khoa học tự nhiên cơ bản… mới gọi là giỏi). Một cô rẽ ngang đi học múa bị coi là “tứ chi phát triển”, dân học nhạc thì luôn bị gán cho là “đại học dốt”… Vâng, tất cả những điều này xuất phát từ một quan niệm cực kỳ chật hẹp và phiến diện: Tất cả những gì được coi là hay, là giỏi đều liên quan đến não trái, nghĩa là liên quan tới năng lực tư duy logic, hệ thống, tính toán, phán đoán… Nếu một đứa trẻ không nằm trong cái khung đó bị coi là dốt, không có khả năng học. Các nền giáo dục của nhiều quốc gia đều rơi vào cái lỗi phổ bíến này, riêng Việt Nam thì bệnh này còn trầm kha.
Nhưng vẫn có những nhà văn, những họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa, đạo diễn điện ảnh, những nhà thiết kế… những người mà không có cách gì tỏa sáng trong trường học cả. Họ dường như chỉ xuất hiện và phát triển khi họ thoát khỏi môi trường giáo dục nghèo nàn mà thôi.
Xin trở lại với cuốn sách tuyệt vời của Daniel Pink. Vâng, chính là ông trả lời cho một vấn đề lớn của xã hội, một lỗ hổng lớn không chỉ của riêng giáo dục, mà của cả xã hội: Đó là sự bỏ quên, hay coi thường năng lực phi thường của não phải - đó là năng lực đóng vai trò chủ đạo trong sự khéo léo, óc thẩm mỹ, khả năng cảm thụ, tình cảm, sự say mê…
Thực ra, không có sự công nhận thì não phải vẫn có đó, vẫn hoạt động và đóng góp cho xã hội những sự sáng tạo tuyệt vời qua nghệ thuật và nhiều lĩnh vực sáng tạo khác. Tuy nhiên, giải phóng khỏi sự trói buộc của những quan niệm hẹp hòi của xã hội sẽ tạo ra những cơ hội cho sự phát triển cao hơn của với nhiều tín hiệu đã xuất hiện - đó là thời của xã hội nhận thức. Daniel Pink nói rằng sau Thời đại Thông tin sẽ làm Thời đại Nhận thức, sau nền kinh tế thông tin sẽ là nền kinh tế xã hội. Đặc điểm của kỷ nguyên này theo ông là sự trỗi dậy của những năng lực xã hội dựa trên sự phát triển của não phải. Động lực của sự trỗi dậy này là sự dư thừa về vật chất, sự phát triển của nhân công tri thức rẻ của châu Á (do đó, đối với nước Mỹ, Anh, hay nhiều quốc gia phát triển cao khác, các lĩnh vực kinh tế dựa trên não trái sẽ bị xuất khẩu sang châu Á do chi phí lao động rẻ) và tự động hóa. Sự phát triển dư thừa về vật chất khiến con người ngày quan tâm và suy nghĩ nhiều hơn tới ý nghĩa của cuộc sống.
Thời đại Nhận thức được Daniel Pink mô tả với sự phát triển mạnh mẽ và sự thừa nhận rộng rãi của xã hội đối với những năng lực sau đây:

  • Thiết kế: Thiết kế có mặt ở mọi nơi. Không chỉ các lĩnh vực nghệ thuật mà cả các doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng đang ngày càng cần đến các nhà thiết kế. Thiết kể trở thành một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận. Không phải cái hữu dụng là đẹp, mà cái đẹp là hữu dụng. Điều này trở thành động cơ cho các lĩnh vực cả văn hóa và kinh tế.
  • Kể chuyện: Đang qua đi cái thời của tư duy trừu tượng, khô khan, máy móc. Trong Thời đại Nhận thức, những câu chuyện với khả năng tác động mạnh mẽ vào tình cảm, vào năng lực ghi nhớ của con người, sẽ trở thành sức mạnh.
  • Hòa hợp: Đó là khả năng năng ghép nối những mảnh riêng lẻ với nhau, là khả năng tổng hợp hơn là phân tích. Nhạc trưởng của một dàn nhạc là hình ảnh ví dụ cụ thể của khả năng này. Nguyên nhân là do tự động hóa sẽ đảm nhiệm nhiều công việc liên quan tới khả năng phân tích. Năng lực vượt qua các mẫu hình, các ranh giới, khám phá sự kết nối bên trong để tạo ra những bước tưởng tượng nhảy vọt trở thành thiết yếu.
  • Khả năng đồng cảm: Đó là khả năng hình dung bản thân ở vị trí của người khác và cảm nhận được những gì người khác cảm nhận. Đồng cảm tạo nên sự tự nhận thức, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp mọi người làm việc cùng nhau cung cấp nền tảng đạo đức cho con người. Trong tác phẩm nổi tiếng “Trí tuệ xúc cảm”, Daniel Goeman cũng chỉ rõ khả năng xúc cảm thậm chí còn quan trọng hơn khả năng tư duy thông thường. William Butller Yeats cũng nói: “Những người chỉ dựa vào giải thích mang tính logic, triết lý và lý trí cuối cùng cũng sẽ nhận thấy mình thiều đi phần quan trọng nhất của tâm hồn”. Thời đại Nhận thức đòi hỏi luật sư, bác sĩ, y tá, hội đồng xét xử, những nhà tư vấn… xem năng lực đồng cảm như một trong những năng lực nghề nghiệp hàng đầu.
  • Giải trí: Đạt được niềm vui khi làm việc, biết cười, biết chơi và hài hước sẽ là một trong những năng lực giúp con người có cuộc sống hài hòa và cân bằng. Do đó, những lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu này của con người sẽ phát triển mạnh mẽ.
  • Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống: Không phải bây giờ con người mới đi tìm ý nghĩa cuộc sống, nhưng trong Thời đại Nhận thức, đây không phải địa hạt đặc quyền của triết học. Hiện nay, thế giới có hàng trăm triệu người thường xuyên tham gia các hoạt động, các cuộc thảo luận về ý nghĩa cuộc sống. Điều này cho thấy sự cân bằng đang được tìm lại khi mà cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ. Đi tìm ý nghĩa cuộc sống, hay phát triển tâm linh, sẽ trở thành tâm điểm, một sự phát triển văn hóa cơ bản của Thời đại Nhận thức.

Mặc dù là một cuốn sách viết về xu thế phát triển trong thế kỷ 21 của xã hội Mỹ, Daniel Pink cũng đồng thời cho thấy xu thế phát triển của xã hội loài người. Trong cuốn sách vô cùng hữu ích này, bạn đọc cũng sẽ tìm thấy sự giới thiệu quý báu của ông về những cuốn sách cũng như những trang web cần đọc.
Với những phụ huynh đang tìm cách xác định con đường phát triển cho con mình khi chúng đang ở ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai với tham vọng trở thành công dân toàn cầu, cuốn sách của Daniel Pink là cuốn cẩm nang hướng dẫn tuyệt vời mà tôi chỉ có thể nói: Nếu bạn định khuyên con bạn đi học quản trị kinh doanh để làm công dân thế giới thế kỷ 21, có thể bạn sẽ nghĩ lại! Đi tiếp đoạn cuối con đường mà bao người đã đi hơn, hay là dấn thân chào đón tương lai và thích ứng với nó? Con đường này đang còn thênh thang và vắng vẻ. Hãy là người dẫn đầu thì hơn!
 
hừm bây giờ người có EQ cao sẽ được đề cao hơn là IQ cao:KSV@07::KSV@07:
 
×
Quay lại
Top