Một cuộc đời!

kiingboss

sìke
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/12/2010
Bài viết
138
12h một thời khắc có thể sẽ bình thường ở những đô thị lớn, thành phố lớn, nhưng ở một vùng quê nghèo thì 12h đã là rất khuya, cảnh vật xung quanh chỉ còn là bóng tối. Một bóng đêm ghê sợ đến lạnh người! Thỉnh thoảng chỉ có thể nghe tiếng chó sủa ở đâu đó quanh đây, trên đường không còn một ai, tất cả chìm trong im lặng, một sự im lặng đến sởn cả tóc gáy. Nhất là vào những ngày mưa, sự buồn bã của đường quê càng thể hiện thấy rõ, nó được diễn tả theo tiếng mưa, tiếng ếch, nhái, ển ương bị nước ngập hang hay là tiếng cải lương ở nhà nào đó vọng lại trong những đêm họ khó ngủ! Quê nghèo là vậy, cuộc sống thật ngắn ngủi và có lẽ con người như nhàn nhạ hơn những nơi mà người ta gọi là văn minh và phát triển. Cuộc sống thật nhanh chóng kết thúc, đâu khoảng 10h là mọi người cửa đóng then cài, và chìm trong giấc ngủ. Tưởng rằng họ trả lại cho thiên nhiên sự an bình, trả lại cho chính con người sự hạnh phúc trong bình an như đúng với cái tên gọi của nơi đây. Ấp Bình An, một ấp nghèo của tỉnh Đồng Tháp. Trong bóng tối ấy! Trong màn đêm đen mịt ấy! Chỉ thấp thoáng nhìn thấy những thanh niên vài ba người vừa đi vừa hát sau một cơn “anh chén tôi chén”. Và ở đâu đó xa xâm trong một căn nhà nhỏ nằm cạnh quốc lộ 54, và ở đâu đó trong ngôi nhà có một người đàn ông vẫn còn chưa ngủ. Và nó đã trở thành thói quen của anh ta! Có thể vì đêm là người bạn trung thành, biết lắng nghe tâm tư của bất cứ ai trong im lặng! Cũng chẳng có ai biết được! nhưng điều chắc chắn rằng lòng anh ta không bao giờ được bình an. Không nghĩ về những gì cao siêu, không nghĩ về tương lai và cũng không nghĩ về quá khứ hắn chỉ nghĩ về hiện tại, biết làm gì và biết đi về đâu?! Đó là câu hỏi mà hắn đặt ra trong suốt cuộc đời, hắn chỉ nghĩ về bản thân mình…
Hắn được sinh ra trong một gia đình, một gia đình nghèo nàn, bố không nghề nghiệp chỉ đi làm thuê cho người khác, cuộc sống vất vả quanh năm, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Cuộc sống với nhiều nỗi suy tư, có quá nhiều điều để lo lắng, có quá nhiều nỗi buồn không biết bày tỏ cùng với ai. Ba hắn là một người chỉ biết lao vào rượu chè, làm thuê được mấy đồng thì mấy đồng ấy cũng biến mất để thay vào đó là những chén rượu, những miếng mồi trên bàn nhậu. Ba hắn được mọi người biết đến với cái tên là “Hoàng Tử”, thật ra ông ta tên Hoàng, nhưng với cuộc sống buôn thả không lo lắng về bất kỳ điều gì nên bà con gọi là “Hoàng Tử” cũng không phải là không có lý! Trước đây ông ta cũng đâu đến nỗi nào, cũng làm việc để nuôi vợ nuôi con, nhưng nhiều năm nay ông ta đã quá sức, không còn tý sức khỏe nào để vác kho hay làm thuê được nữa, thân hình gầy như cây sậy, với đôi mắt nằm sâu trong hóc mắt, đầu đinh, nhìn thật ghớm, ngón tay trỏ bàn tay phải của ông ta bị mất một đoạn. Không biết nguyên nhân vì sao, nhưng có lần đứa trẻ trong xóm hỏi, ông ta chỉ trả lời là do trong lúc bổ củi sau nhà vô tình chặt phải! Và dường như cái ngón tay trò bị thiếu đoạn ấy đã trở thành nỗi khiếp sợ cho những đứa trẻ trong xóm. Nhưng cái mà họ ghê sợ nhất trong con người ông là thói sống ở đời! Ông chửi rủa hàng xóm không từ một ai, hễ việc gì mà ông cảm thấy không vừa lòng là lôi những người đã khuất ra chửi thậm tệ. Ông không có danh dự và nhân phẩm và không có bạn bè! À không! có chứ, có một ông họa sĩ hết thời ở gần nhà rất thường hay qua lại uống rượu cùng với ông. Bạn bè là vậy nhưng khi ông Hoàng Tử bị thiếu thốn vật chất hay gặp khó khăn thì cũng chẳng gặp ông họa sĩ ấy đâu. Nhưng cũng phải thôi thói người như ông “Hoàng Tử” không ai thích là phải rồi. Nhớ có một lần trong một cuộc cãi vã với người chị ruột của ông ta, trong lúc bực bội đã xô cả bàn thờ ông bà xuống cái mương bên cạnh, thấy mà bất bình nhưng cũng không ai dám nói gì vì sợ bị vạ lây. Thôi thì cứ để số trời quyết định tương lai! Nói là nói vậy chứ bà con hàng xóm cũng không thể đứng nhìn mà không giúp ông vượt qua khó khăn, những khi nhà hết gạo bà con cũng tặng ông vài lít, đau ốm bà con cũng giúp đỡ tiền thuốc thang,… Và cũng có nhiều người không muốn giúp, họ bảo nhau rằng “ có cho thì cho nó cần câu, chứ đừng nên cho nó con cá”, nhưng cũng có một số người quan niệm rằng trong lúc con người đang đói nếu cho họ cần câu thì biết tới khi nào họ mới câu được cá, thôi thì cứ để qua cơn hoạn nạn rồi hướng nghiệp họ sau. Và cũng vì vậy mà gia đình ông “Hoàng Tử” sống được qua ngày. Ông ta cũng có vợ có con như những người khác, vợ ông ta là một phụ nữ cũng rất chí thú làm ăn, hằng ngày bà xỏ lông gà kiếm tiền nuôi các con, nhưng một người làm sao nuôi nổi sáu miệng ăn?! Đó là nỗi niềm trăn trở của bà! Và cũng vì vậy mà các con của bà không thể đi học đến nơi đến chốn, tất cả bọn chúng đều nghỉ học khi chưa hết cấp một. Có người hỏi vậy thì tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ đi về đâu?! Đi về đâu, chỉ có trời mới biết được! Nhưng cũng không mấy tươi sáng! Họ có bốn đứa con, đứa con trai lớn chính là hắn, hắn tên Tuấn, nhưng không biết vì lẽ nào mà hết thảy mọi người đều gọi là “Minh Tàng”, chẳng biết nguyên nhân và cũng chẳng có ai để ý làm gì, họ chỉ biết cuộc đời của hắn là một chuỗi những cay đắng! Một chuỗi sự bất hạnh. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ cực, có một người cha không biết lo toan trong gia đình, chỉ vùi vào men rượu. Đã vậy hắn còn luôn bị mọi người xem thường là một thằng bất học, còn bé thua thiệt những người cùng trang lứa, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng lại là một người hiền lành, chỉ đâu mới mười hay mười một tuổi mà đã đi làm thuê kiếm tiền, hắn bán vé số, những buổi sáng sớm hắn qua chợ đến những hàng bán cá, ngồi đợi những con cá nhảy ra khỏi thau là chộp lấy và cho vào bọc, để về nhà có cái mà ăn. Ngày nào cũng vậy, dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chú bé ngồi cạnh mấy chị bán cá, cũng có nhiều người thấy tội nghiệp cho, vậy mà cũng có cái ăn. Nhưng ông “Hoàng Tử” ba ruột của hắn, lại thật tàn nhẫn, nhiều khi người ta tưởng rằng ông bị điên vì chưa bao giờ người ta bắt gặp người cha nào như ông. Ông thẳng tay đuổi cổ đứa con trai ruột của mình, Minh Tàng không làm gì có lỗi, chỉ lỗi ở đây là quá nghèo, ra đời còn quá sớm làm sao có nhiều tiền mà phụng dưỡng cha mẹ, đưa tiền ít là ngày đó hắn không được ba cho ăn cơm, nhưng tấm lòng người mẹ thì nào chịu nỗi, bà lén đưa cơm cho con mình, bị ông ấy bắt gặp là ngày đó bà bị ông đánh, chửi. Có nhiều câu chửi của ông nghe thật buồn cười “nó là chồng của mày hay gì mà mày lo cho nó quá vậy? Tao mới là chồng mày mà mày không quan tâm gì đến tao!” thật không thể tin vào đôi tai của mình, đó là tấm trạng của bà con trong xóm, nhưng đó lại là sự thật mới đau lòng, và có lẽ vì thế mà hắn không tài nào ở lại trong ngôi nhà ấy được, hắn phải ra đời, hắn đi bụi từ khi còn rất trẻ, hắn tập bè bạn xấu, hắn làm mọi nghề, nhưng không ăn trộm, dường như vẫn còn chút gì đó trong tâm trí hắn, chỉ kiếm tiền bằng chính sức lực của bản thân, chạy xe lôi, chở hàng, bán vé số,…Hắn sống quần quật suốt ngày, nhưng cũng không đủ dư để lo toan cho mình và nghĩ đến tương lai, tương lai đối với hắn như là một thứ gì đó cao siêu, khó với tới được, là những thứ chỉ có trong những giấc mơ mà thôi.
Rồi hắn cũng có vợ, nhưng vợ hắn là gái đã có chồng và được một đứa con gái. Cô ta li dị với chồng được vài năm là gặp hắn, vì cuộc sống cơ cực quá cần tìm người lo lắng nên cô ta đồng ý làm vợ hắn. Nói là vợ chồng thôi chứ cũng không có cái đám cưới nào được tổ chức, và hầu như hết thảy mọi người cũng chẳng biết tý gì về cuộc hôn nhân này, nhưng nhìn mặt khác hắn đã trưởng thành, hắn có vợ và con, tuy là con của người khác nhưng suy cho cùng thì họ vẫn là một gia đình. Tưởng rằng cuộc sống của hắn rồi đây sẽ chuyển sang một trang khác. Đúng! Cuộc đời hắn được viết lên trang khác nhưng tồi tệ hơn và bi ai hơn. Hắn làm việc như con trâu, thậm chí khoảng 9h tối mà người ta vẫn còn thấy hắn chạy xe chở nệm cho người ta, mà điểm đến lại cách nơi hắn ở khoảng 20km, có nhiều người tự hỏi, “mấy giờ nó về tới nhà nhỉ?!”. Mấy giờ?! Thời gian đối với hắn bấy nhiêu đây vẫn còn chưa đủ. Hắn làm việc bất kể ngày đêm, bất kể sức khỏe mình, vì bây giờ không còn đơn giản là kiếm tiền sống qua ngày nữa mà hắn còn phải nuôi vợ và con, làm được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho vợ giữ, không giữ riêng một phần tiền bé nhỏ nào bên mình, nhìn thấy ai cũng thương ai cũng mến! Nhưng chính người chung chăng gối lại không nghĩ đến những vất vả và tấm lòng của hắn. Và thế là bài hát năm xưa lại tiếp diễn, ít tiền là vợ hắn chửi rủa đuổi ra khỏi nhà, đứa con còn quá đáng hơn chửi hắn bằng những câu thậm tệ và chưa bao giờ gọi hắn là ba, mà đơn giản chỉ là “ông Tuấn”, nó còn xua đuổi hắn, nó ném tất cả quần áo ra ngoài cửa, lúc ấy hắn làm gì à! Chỉ biết bưng mặt khóc và năn nỉ vợ con, mong được “tha thứ” vì làm ít tiền. Và cũng có đôi lúc hắn được “tha thứ” cho vào nhà, nhiều đêm khi tất cả mọi người chìm trong giấc ngủ, hắn ngồi một mình trong góc nhà ăn cơm, một sự lạnh nhạt bao trùm trong tâm trí hắn, cuộc đời sao thật trớ trêu, hắn thường nghe mọi người bảo cuộc sống muôn màu, thật tươi sáng, nhưng cuộc đời của hắn là màu gì?! Không ai trả lời được! Ngay cả chính hắn cũng không biết lựa chọn màu sắc nào phụ hợp với chính bản thân mình. Vài năm sau đó, sức khỏe giảm thấy rõ rệt, bệnh triền miên, nhưng cuộc sống không cho phép dừng lại, hắn phải làm việc, thậm chí làm việc còn nhiều hơn trước vì cô con gái hắn đã vào cấp ba, bao nhiêu khoản tiền cần phải chi trả! Bao nhiêu ghánh nặng chỉ nằm gọn trong vai hắn, dường như hắn cảm thấy bất lực trước số phận, bất lực trước cuộc đời và ngay chính bản thân, giờ chỉ biết buôn xuôi cho số phận, mặc ngày sau ra sao, để rồi đến một hôm khắp người hắn nổi lên những mục ghẻ lở, chúng mọc lên khắp nơi, tay, chân, mặt, trông thật khủng khiếp! Lẽ dĩ nhiên cô vợ kia sao dám tiếp tục cuộc sống vợ chồng với người bệnh tật khắp thân, một lần nữa trong đời, hắn cuốn gối ra đi, hắn không biết đi về đâu, không biết phải làm gì cho cuộc sống, hắn như người mất trí, mất phương hướng như một đứa trẻ lạc mẹ, như một chú chim lạc bầy.
Cũng vào thời gian đó ông “Hoàng Tử” ba hắn qua đời trong một cơn bệnh nặng! hắn về đưa ma ba. Cái đám ma nhỏ vô cùng, chỉ vỏn vẹn có vài người xung quanh nhà, đếm hết thảy cũng chưa được hai mươi. Nhà hắn rất nghèo tiền đâu mà làm ma, vậy là mọi người quyên tiền cho mẹ hắn làm ma chay, bầu không khí ảm đạm bao trùm trong mái nhà nghèo xơ xác, căn nhà rách như xơ mướp. Hắn khóc nhiều nhất, khóc như chưa bao giờ được khóc, dẫu sao thì đó cũng là ba của hắn, tuy có nhiều lúc hắn cũng hận lắm người cha tàn nhẫn của mình, nhưng bây giờ ông ta đã mất, mọi chuyện cũng đã qua đi, quá khứ ấy cũng không ai muốn nói lại làm gì. Và mọi chuyện nhanh chóng kết thúc, một đám ma ảm đạm nhưng đọng lại trong lòng người dự những nỗi niềm bâng khuâng về cuộc đời, lúc này mới có nhiều người tự hỏi lại lòng mình thế nào mới là cuộc sống đích thực, quan niệm về cuộc sống của mỗi người giờ cũng đã khác. Họ cảm thấy mệt mỏi, họ cảm thấy nao lòng về những mãnh đời bất hạnh mà có đôi lúc họ thờ ơ, họ cảm thấy mình vô tâm và thật là tàn nhẫn. Có thể nói đây là việc làm tốt nhất và duy nhất của ông “Hoàng Tử” trong đời. Khi còn sống không làm được điều gì tốt chỉ phiền phức mọi người nhưng khi chết đi đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong tim mỗi người về quan niệm sống.
Ở gần nhà ấy có một ông tu theo Phật Giáo Hòa Hảo, động lòng thương trước số phận, nên huy động mọi người trong hội từ thiện cho gia đình hắn một ngôi nhà, dĩ nhiên bây giờ hắn quay về sống với mẹ, nhìn lúc này mới thấm thía câu nói của người xưa không ai yêu con bằng mẹ, mẹ là tất cả của đời con. Vậy là hắn có một căn nhà mới, công việc diễn ra cũng nhanh lẹ, mọi thứ điều do hàng xóm giúp đỡ, kẻ góp của người góp sức. Thậm chí có người còn qua đấy nấu cơm đãi những người xây nhà cho hắn. Xem ra đấy là ngày vui và hạnh phúc nhất trong đời, căn nhà hoàn tất nhìn cũng đẹp mắt, sạch sẽ và tràn ngập sự ấm cúng của gia đình, tràn ngập tình yêu của xóm làng. Nhưng vấn đề ở đây là căn bệnh ghê lạ của hắn, những mục ghẻ ấy ngày càng lở loét ra nhiều hơn, sức khỏe của hắn cũng giảm hơn trước nhiều, lại một lần nữa lòng nhân ái trỗi dậy trong mỗi người, họ góp tiền cho hắn đi khám bệnh, khi nhận được giấy báo xét nghiệm, hắn xem mà chẳng hiểu gì, đọc chữ còn không được làm sao mà xem được chứ! Đưa cho một cô y tá điều dưỡng ở gần nhà xem giúp. Kết quả là dương tính với HIV, một tin gây chấn động cả xóm, tất cả mọi người điều kinh hoàng, không biết căn bệnh xuất phát từ đâu. Nhưng điều chắc chắn là hắn đã bị nhiễm HIV. Từ ngày dân trong xóm biết tin, không còn ai dám đến gần thăm hỏi như lúc trước nữa, ánh mắt họ nhìn hắn cũng khác hẳn, nếu như lúc trước là sự cảm thông, thương tiếc thì bây giờ chỉ là sự kì thị và ghê tởm! Không một ai dám đến gần. Tất cả không chừa một ai, thậm chí khi hắn đi hớt tóc trong một tiệm ở gần nhà, khi mọi người biết được thì chỉ khoảng ba tháng sau tiệm hớt tóc ấy đóng cửa, vì quá ế ẩm không có ai đến hớt nữa vì họ sợ bị “dính” thì khốn. Nhà nước ta tuyên truyền vận động mọi người không xa lánh kì thị những người bị nhiễm HIV, nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là tuyên truyền và vận động, cái chính là trong ý nghĩ của mỗi người vẫn còn đè nặng vấn đề HIV, hắn bị xa lánh, bị khinh rẻ, và giá trị con người cũng mất đi. Mang trong người căn bệnh không biết chết ngày nào, vậy mà hắn vẫn phải làm việc để mưu sinh, đơn giản chỉ vì mình không làm thì lấy gì mà ăn, ai mà nuôi! Không những hắn nuôi miệng mình mà còn nuôi luôn mẹ và mấy đứa em và cháu. Hắn có ba đứa em gái, đứa lớn lấy chồng và sinh được hai đứa con gái, không lâu sau chồng của cô ta bị bệnh liệt nửa người, chỉ còn nằm chờ nuôi thôi. Cô em gái thứ hai của hắn cũng đã lập gia đình và sinh được ba đứa con gái, nhưng chồng của cô này thì vào tù ra khám như đi chợ, vì tội danh trộm cắp, từ khi cưới cô thứ này về anh ta vào tù hai lần. Chỉ có cô em út của hắn là tốt hơn cả, cô này có chồng và về ở nhà chồng lâu rồi cũng không thấy qua thăm mẹ. Thế đấy mọi ghánh nặng lại dồn hết vào sức lực một kẻ bệnh hiểm nghèo như hắn. Không ai nuôi mình, mà mình còn phải làm để nuôi cháu nuôi em tiếp mẹ. Năn nỉ cả ngày mới được nhận chở hàng trở lại, quả thật hắn là con người phi thường, không buôn xuôi mà vẫn tiếp tục cuộc sống. Mẹ hắn chịu không nổi, cuộc sống túng quẩn đã đẩy bà vào con đường sai trái. Bà ta làm vợ bé của người khác để lấy tiền nuôi con, cháu. Hàng xóm dị nghị vô cùng, danh giá của gia đính cũng mất luôn, có thể hình dung gia đình ấy giống như một vectơ chỉ xuống, chỉ có đi xuống mà thôi, không ai, không có bất cứ điều gì thay đổi cho số phận của những con người ấy. Và khi người vợ lớn của ông ta phát hiện được, mẹ hắn, hắn và các em của hắn bị chửi rủa không biết bao ngày, nhục nhã trước mọi người không biết bao ngày, và cuối cùng thì mẹ hắn buộc phải xa người đàn ông đã có vợ. Cuộc sống lại chìm trong đêm tối, tối như ngày 30 không trăng không sao vậy!
Giờ hắn ngồi trong đêm, suy nghĩ về cuộc đời mình, hắn nghĩ về câu nói của cậu học trò gần nhà “Trong sự đau khổ của số phận hãy tin rằng con người sinh ra là để có hạnh phúc giống như chim trời sinh ra là để bay cao vậy”, hắn tự hỏi ngày mai của mình sẽ ra sao, cái gì được gọi là ước mơ và tương lai? Và hắn đã tìm ra được màu sắc thích hợp với mình, đó là màu đen, đen như chính cuộc đời của hắn vậy. Xung quanh cũng vẫn là màn đêm u ám, không gian thật yên lặng hay chính tâm hồn hắn yên lặng?! Khi tiếng ếch nhái vẫn kêu quanh đây! Xa xa vẫn nghe được tiếng chó, và vang vọng đâu đó tiếng cải lương nhà ai. Lúc này mưa cũng bắt đầu rơi, hắn cảm nhận được từng hạt, từng hạt bằng chính đôi gò má của mình!!!



Trần Đức Toàn
 
×
Quay lại
Top