Một chuyến đi vào lòng đất của các nhà thám hiểm, phát hiện gây ngỡ ngàng

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Bên dưới rừng mưa của hòn đảo, các nhà thám hiểm tìm kiếm những phát hiện mới ẩn sâu bên trong một số hang động lớn nhất, dài nhất và hoang dã nhất Trái Đất.

Bên dưới rừng mưa của hòn đảo, các nhà thám hiểm tìm kiếm những phát hiện mới ẩn sâu bên trong một số hang động lớn nhất, dài nhất và hoang dã nhất Trái Đất.

Tờ mờ sáng, một đàn dơi tản ra đi tìm mồi trong rừng mưa quanh Động Hươu. Là một trong những lối đi dưới lòng đất dài nhất hành tinh, Động Hươu chứa trong mình hơn 2 triệu con dơi.

Cuối buổi sáng oi ả tháng 4, hai nhà thám hiểm hang động người anh mảnh khảnh là Frank và Cookie thả mình xuống một cái hố ẩm thấp và trơn trượt sâu bên dưới rừng mưa ở Borneo.

Leo xuống ngang qua đống phân chim lâu ngày và len lỏi vào dãy cột lấp lánh màu xương cũ, hai người họ khao khát làm nên lịch sử. Họ đã chui vào Phong Động, sâu trong lòng một hệ thống hang động được gọi là Thanh Thuỷ, nơi họ sẽ tìm đường đến Động Rắn Đua, một phần của hệ thống hang động Phục Sinh-Rắn Đua.

Kết nối hai hệ thống lại sẽ tạo thành một “siêu hệ thống”, một trong những mê cung ngầm dài nhất hành tinh. Khi hai người lách xuống, khoan và đóng đinh vào tảng đá trơn trượt để giữ dây leo, xác suất thành công của họ có vẻ khả quan.


Các đỉnh núi đá vôi đâm xuyên qua thảm thực vật sum suê gần trung tâm Vườn Quốc gia Gunung Mulu của Malaysia. Đặc điểm của hiện tượng phong hoá karst bị bào mòn từ các nền đá vôi dày qua hàng trăm ngàn năm này gợi liên tưởng đến các hang động ngầm ở thế giới siêu nhiên.
Các đỉnh núi đá vôi đâm xuyên qua thảm thực vật sum suê gần trung tâm Vườn Quốc gia Gunung Mulu của Malaysia. Đặc điểm của hiện tượng phong hoá karst bị bào mòn từ các nền đá vôi dày qua hàng trăm ngàn năm này gợi liên tưởng đến các hang động ngầm ở thế giới siêu nhiên.

Động Sarawak đang được chiếu sáng lập loè bởi hàng chục bóng đèn là hang động lớn nhất từng được khám phá trên Trái Đất – lớn hơn 2 lần kích thước của sân vận động Wembley ở Anh – và là mái nhà của hàng trăm loài chim yến.
Động Sarawak đang được chiếu sáng lập loè bởi hàng chục bóng đèn là hang động lớn nhất từng được khám phá trên Trái Đất – lớn hơn 2 lần kích thước của sân vận động Wembley ở Anh – và là mái nhà của hàng trăm loài chim yến.

Thanh Thuỷ trải dài 140 dặm và một số hang động còn có nước sông chảy xiết, cũng như hệ thống Phục Sinh-Rắn Đua chứa các động rộng đến mức một chiếc máy bay phản lực có thể nằm vừa vặn trong lòng hang mà vẫn còn nhiều chỗ trống. Nói cách khác, đá vôi nằm dưới khu vực này, bên dưới Vườn Quốc gia Gunung Mulu của Malaysia, có đầy những hốc lớn nhất, đường hầm rộng nhất, và những khoảng không hùng vĩ nhất so với bất kỳ nơi đâu trên Trái Đất.

Nếu bạn là kiểu nhà thám hiểm thích chui xuống bóng tối nóng ẩm để lùng vết bóng tối nóng ẩm hơn, thì Borneo vừa là một vùng đất hứa, vừa là một Disneyland và cả Neverland, tất cả trong một.

Thử tưởng tượng họ dưới đó, Frank và Cookie, lấm lem bùn đất và cười toe toét, trên bờ vực kết nối hai hệ thống hang động thành một tổng thể duy nhất rộng mênh mông. Bạn không có hứng thú? Chà, nó dành cho những nhà thám hiểm hang động. Rất hiếm có những liên kết siêu cấp như vậy được hình thành. Trong thế giới thám hiểm dưới lòng đất mờ mịt ấy, do các cơ quan quốc tế với những tên gọi như “Uỷ ban Dài nhất, Lớn nhất và Sâu nhất” điều hành, thì một kỳ tích như vậy rất ra trò.


Đảo Borneo.

Ở nơi khác sâu bên dưới bề mặt Trái Đất, trong lòng Động Rắn Đua, một nhóm nữa đang bò vào vị trí. Họ cũng mang theo búa và khoan, và sớm thôi hai nhóm sẽ bắt đầu đục vào vách động và khoan vào đá, nghe thấy nhau, hy vọng tiếng ồn sẽ dẫn dắt họ tìm đến nhau và có một vị trí trong sách kỷ lục.

Không xa phía trên, tôi ngồi trong đường hầm lớn, lắng nghe tiếng khoan của họ. Đường hầm vẫn còn nguyên sơ; nó chỉ mới được khám phá vài ngày trước, và tôi là một trong những người đầu tiên bước vào. Nhưng nơi tôi đang ngồi, bao quanh là những măng đá cao chót vót và nấm đá khổng lồ, hang động sống động với nhiều loại âm thanh. Ngay gần tôi, nước tí tách chảy vào vũng trong vắt, trong khi phía trên đầu, hàng ngàn con chim yến – loài chim nhỏ đen tuyền dành phần lớn đời mình trong các hang động tối đen như hũ nút – hót ríu rít và sử dụng tiếng vang để bay về tổ được làm từ nước bọt, rêu và bùn.

Nếu Frank và Cookie làm nên lịch sử ở đâu đó dưới chân tôi, tôi sẽ không nghe thấy được. Nhưng không sao. Hơn bất kỳ môn thể thao nào, khám phá hang động là môn thể thao về những bí mật và những thứ chúng ta mải miết kiếm tìm. Đôi khi những gì bạn làm được chỉ là chờ xem bóng tối tiết lộ điều gì. Vì vậy tôi nằm xuống, bật đèn và lắng nghe những con chim sà xuống thấp, gần đến nỗi có thể cảm thấy nhịp vỗ cánh trên gò má.

“Nơi này rất thú vị. Tìm đâu trên đời một lãnh địa chưa được khám phá thế này chứ?”

Nụ cười tươi rói nở trên môi Andy Eavis. Sau đó, trưởng đoàn thám hiểm cau mày.


Những thác nước cao khoảng 400 bộ đổ qua mái Động Hươu sau một trận mưa bão. Một số hang động ở Gunung Mulu chứa các con sông lớn, trở thành những dòng nước chảy xiết khi có mưa to.
Những thác nước cao khoảng 400 bộ đổ qua mái Động Hươu sau một trận mưa bão. Một số hang động ở Gunung Mulu chứa các con sông lớn, trở thành những dòng nước chảy xiết khi có mưa to.

Động Hươu là nơi sinh sống của nhiều loài dơi, thường bay ra ngoài vào chiều tối để săn mồi.
Động Hươu là nơi sinh sống của nhiều loài dơi, thường bay ra ngoài vào chiều tối để săn mồi.

Những dãy măng đá dày đặc mọc lên từ bờ trầm tích nhạt màu trong Rừng Say – hang động được đặt tên do có kết cấu các góc nghiêng lạ thường. ẢNH TOÀN CẢNH TỪ 4 ẢNH ĐƠN
Những dãy măng đá dày đặc mọc lên từ bờ trầm tích nhạt màu trong Rừng Say – hang động được đặt tên do có kết cấu các góc nghiêng lạ thường.
ẢNH TOÀN CẢNH TỪ 4 ẢNH ĐƠN


“Chà, chắc cũng có vài nơi chứ,” anh nói, tư lự với câu hỏi của chính mình. “Papua New Guinea nữa này. Và tất nhiên là có đáy biển luôn. Nhưng dù gì đi nữa thì cũng không phải. Nói về thám hiểm hang động thì Borneo thuộc số hiếm. Không có nơi nào giống như vầy dưới lòng đất.”

Eavis, bệ vệ và dẻo dai ở tuổi 70, cảm thấy thoải mái khi đồng tình với nhận định trên. Ông đã dành ra hơn 50 năm thám hiểm nhiều hệ thống hang ngầm kỳ vĩ và xa xôi nhất thế giới và phục vụ cho gần như mọi cơ quan quản lý môn thể thao này, giúp quyết định cách thức lưu giữ các kỷ lục khám phá hang động và cách phong tặng các danh hiệu như “lớn nhất” và “sâu nhất”. Nói bình dân hơn, ông đã dành nhiều năm lao động nhằm bảo vệ các hang động và đảm bảo chúng vẫn chào đón những người khám phá yêu thích hang động. Dù xét ở khía cạnh nào, Eavis cũng là một đại sứ của thế giới dưới lòng đất.

Vào buổi sáng trong rừng mưa ấy, Eavis đứng dưới hiên của trạm nghiên cứu gần trụ sở công viên quốc gia, chuẩn bị cho chuyến đi vào lòng đất. Một cơn gió nồm thổi qua tán lá, làm im bặt tiếng ríu rít của vô số côn trùng.

Trên đường đi, ốc sên và ếch nhái phóng vọt vào bóng râm và tiếng chim thánh thót giữa cái nóng dần lên cao. Eavis kéo chiếc quần bó chạy bộ màu đen – trang phục chuẩn cho những nhà khám hiểm trong các hang động “nóng” giống như thế này ở Borneo, nơi nhiệt độ có thể đạt tới 80 độ F.


Vườn Quốc gia Gunung Mulu tại bang Sarawak, Malaysia trên quần đảo Borneo là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Bên dưới thảm xanh rừng mưa rậm rạp, các núi đá vôi chứa trong mình nhiều hệ thống hang động rộng nhất hành tinh.
Vườn Quốc gia Gunung Mulu tại bang Sarawak, Malaysia trên quần đảo Borneo là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Bên dưới thảm xanh rừng mưa rậm rạp, các núi đá vôi chứa trong mình nhiều hệ thống hang động rộng nhất hành tinh.

“Hồi tôi mới bắt đầu, chúng ta không có những đồ nghề như này,” Eavis nói, vẫy vẫy chiếc quần. “Hoặc như này”. Ông giơ chiếc mũ bảo hiểm bị trầy xước đã được buộc đèn to như tách trà lên.

“Dạo đó chúng tôi cứ đi loanh quanh trong bóng tối thôi. Không biết gì về sự mênh mông của những thứ mình khám phá.”

Năm 1979, Eavis đến Borneo trong khuôn khổ chuyến thám hiểm của người Anh được thiết kế để nghiên cứu về rừng mưa và giúp Malaysia vừa độc lập hiểu tường tận Vườn Quốc gia Gunung Mulu mới thành lập. Khám phá hang động lúc bấy giờ vẫn còn là môn thể thao khá non trẻ, Eavis cùng một nhóm 4 người khác được đưa tới ngay sau khi các trưởng đoàn thám hiểm nhận ra rằng những hang động lớn là một trong số nhiều báu vật của khu rừng.

Eavis và bạn ông đã dùi mài kỹ năng tại quê nhà Anh quốc, nơi những hang động thường nhỏ và lạnh. Nhưng hang động ở Borneo, vốn trái ngược với hầu hết chúng, đã đẩy Eavis và những người đồng hành vào một chiều không gian khác.

Với khám phá đầu tiên của mình, họ đã lập kỷ lục về kích thước: Hang động ấy có tên là Động Hươu, hay Gua Rusa, lối vào rất rộng – cao gần 500 bộ – tới mức ánh nắng có thể chiếu tới sâu bên trong và không khí trong lành ùa vào, tạo nên một sinh cảnh vừa lạ lẫm vừa hùng vĩ giữa tranh tối tranh sáng. Một đàn dơi khổng lồ bám vào nóc động, trong khi trên sàn là những đống phân to đầy gián, cua, giun và vật chủ ký sinh của nhiều loài vi khuẩn.


Trưởng đoàn thám hiểm Andy Eavis chui vào một cửa hang nhỏ phủ đầy rêu. Ông đã nghiên cứu và khám phá hệ thống hang bên dưới Vườn Quốc gia Gunung Mulu từ năm 1979.
Trưởng đoàn thám hiểm Andy Eavis chui vào một cửa hang nhỏ phủ đầy rêu. Ông đã nghiên cứu và khám phá hệ thống hang bên dưới Vườn Quốc gia Gunung Mulu từ năm 1979.

Nhóm nghiên cứu người Anh phát hiện ra Động Hươu kéo dài gần 2 dặm, và một thập kỷ sau đó, nó vẫn đứng đấy như một lối đi hang động lớn nhất thế giới từng được biết đến. Năm 1991, một hang động được khám phá ở Việt Nam có tên là Sơn Đoòng , đã vượt mặt Động Hươu, nhưng sự tụt hạng ấy không làm lu mờ đi sức quyến rũ của Động Hươu. Ngày nay, Động Hươu là một danh thắng chính thu hút khách du lịch, những người dạo quanh trên lối đi bộ trải gỗ và tụ tập lúc chạng vạng tại miệng hang, cầm đồ uống trên tay, vỗ tay và thở hắt ra khi hàng triệu con dơi lũ lượt đổ ra bầu trời như làn khói.

Phô trương, hiển nhiên, quá cỡ – Động Hươu ngầm ra dấu những điều đáng mong đợi hơn đang nằm dưới lòng đất. Hơn 3 tháng ở Mulu, với sự giúp sức của người dẫn đường từ dân tộc Penan và Berawan gần đó, những người khám hiểm hang động đã tìm thấy một vài lối vào dẫn đến sâu bên trong khu vực đá vôi cổ.


Một người khám hiểm hang động xuất hiện chỉ bằng một đốm nhỏ trong miệng hang của Động Hươu – cao gần 500 bộ. Ánh mặt trời xuyên sâu vào trong, cho phép rong rêu, dương xỉ và tảo phát triển mạnh gần lối vào. Trên mặt đất, cua, côn trùng và vi khuẩn ăn phân chim và phân dơi.
Một người khám hiểm hang động xuất hiện chỉ bằng một đốm nhỏ trong miệng hang của Động Hươu – cao gần 500 bộ. Ánh mặt trời xuyên sâu vào trong, cho phép rong rêu, dương xỉ và tảo phát triển mạnh gần lối vào. Trên mặt đất, cua, côn trùng và vi khuẩn ăn phân chim và phân dơi.

Được hình thành từ những con sông ngầm từ thời xa xưa, hệ thống hang động Credence dần bị lực kiến tạo đẩy lên cao, nâng nó khỏi mặt nước và giúp nó trở nên khô ráo.
Được hình thành từ những con sông ngầm từ thời xa xưa, hệ thống hang động Credence dần bị lực kiến tạo đẩy lên cao, nâng nó khỏi mặt nước và giúp nó trở nên khô ráo.

Một số hang động bắt nguồn từ những vết nứt không thể nhìn thấy trên bề mặt đá, được che phủ bởi cây bụi và cành cây. Những hang động này thường ở trên cao, là những hang động già cỗi, tương đối khô ráo, xuyên qua trung tâm những ngọn núi của Mulu.

Các hang khác ở độ cao thấp hơn thì trông như những cống thoát lũ khổng lồ – những lỗ khổng lồ trên thềm đá dẫn nước mưa vào sông ngầm. Những hang động sông trẻ hơn, hình thành hàng trăm ngàn năm về trước, bên trong có những hình thù đá vôi đẹp mắt, là nơi sinh sống của cá, chim, rắn, cua ma trắng và vô số côn trùng và nhện.

Trong thời gian ở dưới lòng đất năm 1979, Eavis và các cộng sự của mình đã khám phá khoảng 30 dặm đường đi – một kỳ tích chưa từng có. Gần 40 năm sau, khi mặc quần bó đen trong cái nóng nhễ nhại buổi sáng, Eavis mỉm cười nhớ lại.

“Chưa có chuyến thám hiểm nào khám phá được nhiều như thế trước đây,” ông nói. “Chúng tôi đã khám phá gần như tất cả.”

Eavis dừng chân, nhìn xuống quần mình, và khom người. Ông nhặt lên một con đỉa từ dây giày và quăng nó vào rừng.

“Cho tới thời điểm đó, chúng tôi chỉ là những tay thám hiểm hang động người Anh non nớt,” ông nói. “Mulu đã thay đổi chúng tôi.”

Chuyến đi năm 1979 là bước đệm cho chuyến thám hiểm ở Borneo. Kể từ đó vài nhóm thám hiểm hang động đã thực hiện những hành trình dài đến Mulu, bản thân Eavis đã dẫn dắt nhiều người trong số họ. Trong chuyến đi thứ 13 năm 2017, ông đã tiếp quản một đội gồm 30 nhà thám hiểm, bao gồm con trai Robert của mình và nhiều cựu binh ở Mulu. Cuối tháng 3, tôi gọi hẹn gặp ông tại Kuching, một thành phố trên bờ biển phía tây Borneo, khi ông ra bắc để gặp họ.

“Chúng ta có thể sẽ tìm thấy một nơi nào đó cách lối đi trong hang động mới gần 30 dặm,” ông nói đầy tự tin. “Chưa có ai làm được điều đó. Trừ tôi, có lẽ vậy.”

Hai tuần sau, khi tôi gia nhập với ông ở Mulu, niềm tin đó đã được hun đúc. Chuyến thám hiểm được chia thành 3 đội chính. Hai đội tìm kiếm các lối đi mới trong một khu vực thâm sơn cùng cốc của rừng mưa, trong khi nhóm thứ 3, gọi là “nhóm kết nối”, thì nghiên cứu bản đồ, tìm những địa điểm có thể liên thông các hệ thống hang động khác nhau.


Những bức tường cao chót vót của hang ngầm Gua Nasib Bagus – Động May Mắn – khiến cho điểm cắm trại của nhóm khám hiểm trông thật nhỏ bé.
Những bức tường cao chót vót của hang ngầm Gua Nasib Bagus – Động May Mắn – khiến cho điểm cắm trại của nhóm khám hiểm trông thật nhỏ bé.

Cho đến nay, Eavis kể, tốc độ khám phá đã bị chậm đi và “chén thánh” kết nối – thứ mà Frank và Cookie về sau sẽ tìm kiếm – đã lẩn tránh họ. Eavis thừa nhận sự thất vọng, nhưng nhóm của ông vẫn tìm được hơn 7 dặm đường hầm mới, và còn nhiều hơn nữa đang nằm phía trước.

Buổi sáng sau khi đến nơi, tôi nhập hội cùng Eavis và một đoàn nhỏ đi tìm một hang động có tên là Gua Nasib Bagus – Động May Mắn – nơi chứa Động Sarawak đẹp như tiên cảnh. Eavis cùng các nhà thám hiểm người Anh khác đã khám phá ra hang động này năm 1981, bằng cách lần theo một con sông chảy vào sườn núi.

Sau khi leo, kéo, và bò lên ngược dòng hàng giờ, các nhà thám hiểm đến được một nơi tĩnh lặng và yên bình, dòng sông biến mất vào lòng đất tại đây. Họ mở cuộn thước dây và bắt đầu khảo sát trong bóng tối, mong sớm chạm được vách hang cuối đường.

Nhưng không có vách hang nào cả. Vì vậy họ thử một chiến thuật khác, xoay người đột ngột, nghĩ rằng sẽ va vào vách hang ở bên. Họ nghe thấy tiếng chim yến phía trên, dòng sông gầm thét đâu đó dưới chân. Vẫn không có vách hang. Ánh đèn pha chỉ tan biến vào bóng đêm.

Sau 17 tiếng thám hiểm, họ lao ra khỏi Động May Mắn, ướt sũng và bối rối. Họ vừa tốn hàng giờ liền đi lẩn quẩn nhiều vòng, hoặc họ đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc.

Những nhóm thám hiểm sau này đã chứng minh rằng Động Sarawak là không gian kín lớn nhất từng được biết đến trên Trái Đất, dài 2000 bộ, rộng 1400 bộ, và cao gần 500 bộ. Lớn gấp 2 lần vũ đài thể thao lừng danh nhất Vương quốc Anh, sân vận động Wembley.


Siêu hang động.


Khi chúng tôi cuốc bộ qua rừng mưa rậm rạp đến Động May Mắn, tôi hỏi một nhà thám hiểm có tên Philip Rowsell, còn được gọi là “Phil Điên”, tại sao một nhà thám hiểm đầy tham vọng lại quay trở lại địa hình đa tầng này nếu đã có quá nhiều kỷ lục được lập ra tại đây. Anh bảo rằng các hang động không bao giờ tiết lộ tất cả trong chuyến viếng thăm đầu tiên.

“Cậu thường tìm thấy những thứ mà mấy gã trước đây bỏ lỡ. Nhất là nếu nó quá khủng tới mức choáng ngợp.”

Động Sarawak rất lớn, Phil Điên giải thích, nên gần như chắc chắn nó chứa những lối đi mới – nhất là ở nóc hang, nơi chưa ai tìm kiếm. Dù thật cám dỗ khi nghĩ về những hang động giống như các trục hầm mỏ – những đường hầm dốc xuống tương đối thẳng đứng, nhưng các hang động tự nhiên ngoằn ngoèo và mở rộng hay thu hẹp theo chuyển động của đá, sự uốn khúc của nước, hoặc không theo trật tự nào.

Khái niệm “lên” và “xuống” đặt ra các định nghĩa khá mơ hồ dưới lòng đất, nơi phương hướng có thể bị đảo ngược hoàn toàn trong vài triệu năm. Nếu một người đang khám phá phần dưới của hang động, người khác có thể thử nhìn lên. Và phía trên là chuyên môn của Phil Điên.

Biệt danh của anh dường như có được từ một trò biểu diễn ca nô thời đại học, nhưng Phil Điên được biết đến với tài leo vách hang động mà không ai có thể làm được. Anh và Eavis dự tính leo lên nóc Động Sarawak, tìm kiếm các đường hầm chạy xuyên qua động giống như những lối đi bị giấu kín trên trần căn dinh thự.


Những người khuân vác địa phương vận chuyển trang thiết bị của đoàn thám hiểm qua một con sông ngầm để đi đến nhiều động trong hệ thống hang động.
Những người khuân vác địa phương vận chuyển trang thiết bị của đoàn thám hiểm qua một con sông ngầm để đi đến nhiều động trong hệ thống hang động.

Tác giả Neil Shea lách qua một lối đi để vào một hang động vô danh mà nhóm chỉ vừa khám phá ra vài ngày trước.
Tác giả Neil Shea lách qua một lối đi để vào một hang động vô danh mà nhóm chỉ vừa khám phá ra vài ngày trước.

Trời đổ mưa khi chúng tôi băng qua khu rừng. Mưa ngày càng nặng hạt, tiếng mưa nhấn chìm mọi âm thanh và cuộc trò chuyện. Không lâu sau khu rửng trở nên nhoè đi, mờ dần trong làn nước cho đến khi mọi sự sống dường như chỉ bị ngăn cách bởi một lớp màng mỏng manh.

Một giờ sau chúng tôi đến cửa Động May Mắn, một dòng sông xuất hiện từ khe hở dài trên vách hang núi đá vôi. Chúng tôi lội xuống và tiến lên phía trước, dòng nước ấm trong vắt ban đầu dâng tới bắp chân, sau đó tới hông, rồi tới ngực.

Lối đi ngày càng mở rộng, lộ ra như một đường hầm tàu hoả phía trên chúng tôi. Dơi và chim bay qua lại, thỉnh thoảng chạm vào ánh đèn pha, và chẳng mấy chốc dòng sông trở nên trắng xoá, cuộn sóng qua các đường hầm đá vôi, buộc chúng tôi phải bước lên những tảng đá trơn trượt đầy tia nước và phân chim.

Vì đường đi quá trắc trở nên ở một vài nơi các nhà thám hiểm hang động trước đây đã cột sẵn dây vào vách hang để họ có thể kéo bản thân về phía trước ngược dòng nước chảy.

Sau dặm đường hoang vu và đẫm nước, dòng sông biến mất vào lòng đất, và Động Sarawak nuốt chửng chúng tôi vào dáng vẻ to lớn của nó.

Ngay cả khi mọi ánh đèn đều chiếu lên trên, chúng tôi cũng chỉ thấy được bóng dáng lờ mờ của nóc vòm đồ sộ. Còn nếu quay đèn về phía sau hang, chúng tôi chẳng thấy gì cả. Không mấy khó hiểu khi nhiều năm trước Eavis và bạn ông bị lạc trong khoảng không vô định này.

“Nếu nhìn xung quanh cậu có thể thấy dấu giày cũ của chúng tôi,” Eavis nói, cười lớn. “Hồi ấy chúng tôi cứ loạng choạng như mấy con chuột mù.”

Điểm kỳ lạ ở các hang động là bạn nhớ chúng rất rõ. Ánh sáng lờ mờ trong những ngóc ngách, nhưng trái lại vách hang, đất đá và mấy con nhện lại phản quang tốt. Ảnh chụp lại càng làm ảo ảnh này rõ nét hơn. Điều vẫn đúng là ngoại trừ khoảnh khắc khi đèn flash của nhiếp ảnh gia chiếu sáng qua động, hầu hết mọi vật đều tối om.

Không có ánh sáng mặt trời để xác định thời gian, chúng tôi đánh dấu thời gian bằng các bữa ăn, trà và những thỏi sô cô la.

Gần cửa vào động, Phil Điên bắt đầu khoan đinh vào vách, làm việc theo cách của mình quanh một mõm đá nhô ra khỏi nóc động. Những người còn lại khám phá bên dưới, tiến về phía trước, thăm dò không gian kín lớn nhất hành tinh từng được biết đến.

Trên đầu, chim yến hót ríu rít, huyên thuyên và gọi nhau không nghỉ, thi thoảng sà xuống đậu trên ngực chúng tôi, ngồi đó và muốn được vuốt ve.

“Đêm” xuống, chúng tôi trải túi ngủ trên tảng đá phẳng và xếp tất thẳng hàng để gió lùa vào. Hang động ẩm ướt và ấm áp, như thể bản thân bóng tối đã ẩm ướt, phía xa bên kia rìa trại là một chòm sao “đá quý” nhỏ lấp lánh trong ánh đèn pha – những cặp mắt của vô số con nhện, có con to bằng bàn tay tôi.


Một thành viên nhóm thám hiểm leo lên nóc Động Hươu đang lủng lẳng trên một hình bóng trông như Abraham Lincoln. Hình ảnh vị tổng thống sắc nét này là một đặc điểm tự nhiên của đá vôi và là một trong nhiều điều gây tò mò của hệ thống hang động này.
Một thành viên nhóm thám hiểm leo lên nóc Động Hươu đang lủng lẳng trên một hình bóng trông như Abraham Lincoln. Hình ảnh vị tổng thống sắc nét này là một đặc điểm tự nhiên của đá vôi và là một trong nhiều điều gây tò mò của hệ thống hang động này.

Một “ngày” nọ, cùng với Phil Điên và một nhà thám hiểm trẻ tên là Ben, tôi khám phá dọc theo mạn trái của hang động, tìm một lối vào khác. Sarawak quá rộng nên chứa nhiều khu vực riêng biệt, chúng tôi đã leo qua ít nhất một nửa trong số chúng, băng từ đống đá đầy bùn trơn trượt vào một mê cung đá vôi có vách sắc nhọn như bề mặt một chiếc bàn nạo pho mát, đến một ngóc ngách yên tĩnh rợn người rải đầy lông vũ và phân chim trôi nổi, dường như là nơi các sinh vật sống trong hang động – chim, nhện, dế, rết – bỏ mạng.

Bên kia là một tổ chim con câm lặng, tại đây hang động rất ấm áp và tĩnh lặng, bầy yến cảm thấy an toàn đến đẻ trứng trên nền đất trơ trọi. Chúng tôi chưa tìm thấy lối vào nào khác, dù chắc chắn là phải có một lối vào nữa – tiếng nước chảy và những đàn chim đã cho biết điều đó. Nhưng chúng tôi phải để chuyện đó lại cho các nhà thám hiểm tương lai.

Cuối cùng, nhóm của Eavis không đạt được thêm những khám phá kỷ lục. Frank và Cookie – cặp đôi dính đầy bùn, đang khoan và đập vào đáy hang – cũng chưa kết nối được hệ thống hang động Thanh Thuỷ với hàng xóm của nó có vẻ như đang trêu ngươi ở rất gần. Nhưng chuyến thám hiểm đã thành công trong việc tìm và hoạ đồ 14 dặm đường đi mới khá tốt.

Vài tuần sau khi rời Borneo, tôi trò chuyện cùng Eavis, lúc này cũng đã trở về Anh. Ông bảo đã lên kế hoạch cho chuyến quay trở lại Vườn Quốc gia Gunung Mulu để tự mình kết nối các hang động.

“Chúng ta đã ở rất gần rồi,” ông nói.

Ông đảm bảo thứ thôi thúc ông không phải là cuộc chạy đua về kỷ lục, hay một danh nhân kỳ quặc mà môn thể thao của ông đôi lúc phong tặng. Ông nghĩ về các hang động ấy mỗi ngày. Các con ông biết rõ câu chuyện của ông từ rừng già sâu thẳm.

“Tôi đoán chỉ có 50% lối đi đã được khám phá,” ông nhận định. “Không phải cậu đã rất muốn biết sao? Mulu là một nơi tuyệt vời vậy đấy, tôi muốn biết có những gì ở dưới đó và xem tất cả các mảnh ghép sẽ vừa vặn với nhau thế nào.”

Đó là mê cung của cả đời người, ông thì thầm.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top