Mẹ con là y sỹ

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Mẹ tôi làm nghề y sĩ ở một xã miền núi mà cái nghèo luôn đeo bám, xã lại cách xa trung tâm huyện lỵ. Cũng vì cái nghèo, cái khổ đó mà bao năm mẹ gắn bó với trạm y tế xã và trở thành người mẹ không chỉ của riêng con.

Tôi sinh ra trong một gia đình cha tôi làm nghề xây dựng, thời gian cha dành cho những công trình từ vùng này đến tỉnh khác, còn mẹ làm y sĩ ở trạm xá xã nhà. Gia đình có 5 anh chị em, tôi là con út.

Tuổi thơ tôi lớn lên ở trạm xá nhiều hơn là ở nhà. Bởi cha xa nhà, anh, chị ngoài công việc học hành thì bao nhiêu thời gian dành cho ruộng đồng, không ai chăm lo tôi. Mỗi ngày mẹ lên trạm xá tôi phải theo mẹ đi cùng.

Là một y sĩ sinh ra trong chiến tranh nên cái xe đạp mẹ cũng không có mà đi phải cuốc bộ 3km đường rừng để làm việc. Tôi được mẹ sinh ra nhưng tháng năm mà cái đói, cái khổ luôn hành hạ. Đồng lương tem phiếu của cha và mẹ đã không đủ nuôi 5 anh em chúng tôi, buộc các anh, chị phải làm ruộng đồng để có cái ăn mà theo con chữ.

Ngày đó mang tiếng trạm xá nhưng chỉ có hai người, đương nhiên mẹ giữ chức trạm trưởng và một người làm trạm phó. Nhưng không ngày nào thiếu bệnh nhân và người đến lấy thuốc.

Những tháng năm vất vả với công việc, khó khăn của cuộc sống nhưng 5 anh, chị em chúng tôi thì chỉ có chị cả “hi sinh” cho chúng tôi để 4 anh em được ăn học tử tế. Và hiện giờ ai cũng đều có việc ổn định.

Mẹ ơi! Con biết, mẹ không chỉ của riêng con, bởi mẹ có hàng trăm người con gọi mẹ của con là mẹ. Con nhớ trong những đêm gió bão ập về, giá rét hành hạ nhưng mỗi khi có bệnh nhân mẹ lặn lội đến từng nhà để chữa trị.

Và đã có hàng trăm ca sinh nở khó khăn dù vào thời khắc nào mẹ cũng có mặt để giúp họ, chào đón những sinh linh bé bỏng ra đời và sau này khi lớn lên họ biết ơn mẹ, họ gọi mẹ của con bằng mẹ.

Con thương mẹ, thương đôi chân đất mẹ phải cuốc bộ, trong lúc địa bàn xã rộng lớn. Mẹ vẫn đến từng nhà để chữa bệnh. Và cũng vì công việc cứu người mà cả xã mình không một ai không biết mẹ, có hàng trăm đứa trẻ ra đời biết ơn mẹ, gọi mẹ của con bằng mẹ.

Con còn nhớ cái lần mẹ đi chữa bệnh mà để mình con ở trạm xá chơi một mình. Con chờ mẹ mãi, chờ cả ngày. Con khóc hết nước mắt không thấy mẹ về. Thấy vậy có nhiều người lại dỗ dành nhưng con không chịu. Đến khi đêm xuống thì mẹ mới đón con về nhà.

Mẹ còn nhớ không lần đó con có hỏi mẹ: “Mẹ không thương con”. Lúc đó con đang nhỏ dại nhưng con còn nhớ lời mẹ: “Mẹ xin lỗi con, mẹ lo cứu người. Làm người mà thấy người sắp chết không cứu là không được đâu con”.

Và từ đó những lúc vắng mẹ, con đói, khát nhưng con không bao giờ khóc nữa, có ai hỏi con: Mẹ con đâu?, còn liền trả lời: Mẹ con đi cứu người.

Ngoài thời gian làm việc ở trạm xá đã mệt mỏi thì khoảng thời gian về bên gia đình, mẹ cũng bị “hành hạ”. Những bữa cơm đạm bạc cùng các con, vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn nhưng mẹ phải bỏ dở khi có người ốm đau cần cứu chữa thì mẹ phải đi liền.

Và giờ đây con đã hiểu tại sao ngày xưa mẹ có một quyết định đúng đắn khi cha con làm việc ở thành phố Vinh, Nghệ An được cơ quan cấp nhà cửa và cha về đón cả gia ra đó ở nhưng mẹ từ chối.

Con biết mẹ ạ, mẹ không thể rời cái trạm xá này đi được, bởi người dân cả xã họ đang cần mẹ. Thiếu mẹ khi những ca sinh nở khó khăn ai sẽ cứu những đứa trẻ, những người ốm đau sẽ thế nào?...

Giờ đây quê hương đã thay đổi, bao nhiêu năm gắn bó với trạm xá thì mẹ đã già và về hưu xum vầy bên con cháu. Trạm xá bây giờ đã có bác sĩ và có nhiều ý tá. Y sĩ không còn như ngày xưa nữa. Dù vậy , mẹ được mọi người trong xã biết đến, nhất là những đứa trẻ ngày xưa mẹ đỡ đẻ giờ đã làm cha, làm mẹ nhưng gặp mẹ, họ vẫn gọi mẹ của con bằng mẹ. :KSV@18::KSV@18::KSV@18:
 
Hay, cảm ơn:KSV@03:
 
×
Quay lại
Top