Mất điểm trong mắt vợ vì những thói quen xấu

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Lần nào vào phòng tắm, chị Hoa (Phương Mai, Hà Nội) cũng phải cảnh giác ấn nút vòi sen xuống trước khi mở, bởi chị đã có kinh nghiệm "đau thương" bị ướt nhẹp nhiều lần vì anh chồng đãng trí quên khóa vòi sen sau khi tắm.

vochong.jpg

Ảnh minh họa: Sasstrology.com

Không dưới chục lần vào nhà tắm giặt khăn mùi xoa cho con hoặc rửa tay chân, chị Hoa phát cáu vì bị chiếc vòi sen gắn trên tường dội thẳng xuống, ướt hết mình mẩy, đầu tóc. Nguyên nhân là do anh chồng tắm xong rất hay quên chuyển vòi về nút xả bình thường.

"Mấy lần đầu mình còn nhịn, nhắc nhở nhẹ thôi, nhưng có bữa nửa đêm con nôn ói, vào toilet bật vòi lên để xả khăn cho con thì ôi thôi, bị vòi sen phun ướt ráo cả. Điên tiết vì đang lo chuyện của con, thế là mình xạc cho 'lão ấy' một trận", chị Hoa kể lại.

Sau vài lần ông xã không chịu rút kinh nghiệm, chị Hoa bực quá "trả miếng" chồng bằng cách "để cho lão ấy dính nước vài lần cho chừa". Nhưng xem ra chiêu này không hiệu quả, bởi anh chồng vẫn chứng nào tật ấy. Sau lần dính nước gần đây nhất, chị tháo luôn chiếc vòi sen ra, bắt cả nhà chuyển sang "tắm ngồi" cho an toàn.

Còn anh Phương, ở Ba La, Hà Đông, Hà Nội, thì bị vợ "ghét đặc" vì cái tội hay ngoáy mũi. Dù đang ăn cơm, hay làm việc, cứ thấy bận bận tay là anh lại đưa lên, khiến lỗ mũi rộng ngoác ra. Cô con gái 3 tuổi thấy bố làm thế thì thú vị lắm, cũng rất hay dùng ngón tay để "lấy" dị vật ra.

"Hồi yêu nhau ít có thời gian ở cùng, không biết những điều này. Ai dè lấy nhau về rồi mới thấy cả 'tá' khuyết điểm. Nào là ngoáy mũi, rung đùi, hay nhai cơm như 'tằm ăn rỗi'... Nhắc nhở nhẹ nhàng không xong, mình nói toẹt ra là trông anh làm vậy bất lịch sự, chả đẹp đẽ chút nào, song anh ấy hình như mất dây thần kinh xấu hổ ấy, cứ mặc kệ, lại còn để con bắt chước nữa", chị Ly, vợ anh, bức xúc kể.

Không rượu chè, thuốc lá, làm ăn chí thú, song anh Bình ở Gia Lâm bị vợ chê nhất là tội thích ở trần. Vì béo, nên anh luôn cảm thấy nóng nực, cứ về đến nhà là "cởi trần cho mát". Ngay cả khi hàng xóm sang chơi, đi chợ hay dắt con đi dạo, anh sẵn sàng trương hết bụng bia cho thiên hạ ngắm. Không ít lần, chị vợ giận dỗi, bóng gió rằng làm vậy là bất lịch sự, nhưng anh Bình chỉ cười trừ, và đâu vẫn hoàn đấy.

Vợ chồng chị Xuân (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) lại nhiều lần cự nhau vì tật hay đi dép vào nhà của ông chồng. Chị Xuân cho biết, vốn tính xuề xòa, công việc cũng bận rộn nên chồng chị nhiều khi vội vàng, hay quên mà cứ lê dép vừa đi từ ngoài đường vào nhà, trong khi vợ vừa hì hụi lau chùi sạch sẽ, khiến chị "nổi cơn điên".
"Nhà đã bé, lại có con nhỏ, mình thì cố gắng sắp xếp, dọn dẹp cho thật sạch sẽ, vậy mà anh ấy không biết ý, đã chẳng giúp vợ thì chớ, lại còn lê dép bẩn vào nhà, nhắc bao nhiêu lần cũng không chừa", chị Xuân thổ lộ.
Nhiều lần, vì lý do này mà hai vợ chồng to tiếng. Chị thì cho là anh vô tâm, không biết nghĩ đến vợ con, anh lại bảo rằng chị quá xét nét, nhiều chuyện. Ngay tuần trước, hai anh chị vừa cãi nhau một trận to chỉ vì điều này.

Hôm đó, chị Xuân đi làm về, vừa mở cửa vào nhà đã thấy trên nền gạch hoa đã được lau sạch bóng vào buổi sáng giờ toàn đất, cát, dưới gậm gi.ường còn có đôi dép da để chình ình, trong khi trước cửa ra vào có giá để giày dép.
Đã mệt sẵn, lại biết ngay "thủ phạm" là ai, chị bực tức thét to "không thể chịu được" rồi quăng đôi dép ra ngoài. Sáng hôm sau, chồng chị tìm khắp trong nhà không thấy dép, được cô con gái mách nước "mẹ quẳng ra sân rồi", mới lúi húi nhặt hai chiếc dép nằm lăn lóc ở sân, lại bị dính nước mưa đêm trước. Anh bực bội lớn tiếng mắng chị, và thế là chiến tranh xảy ra.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình, thuộc Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tình trạng vợ chồng cự nự nhau vì những tật xấu nhỏ nhặt như trên có thể gặp ở hầu như tất cả các gia đình. Đây cũng là điều tất yếu bởi vợ chồng vốn là hai cá thể hoàn toàn độc lập, được giáo dục trong những môi trường khác nhau.

Nhà tâm lý cho biết, những thói quen nho nhỏ của người này có thể gây khó chịu cho người kia và đôi khi làm nảy sinh mâu thuẫn giữa họ. Nghiêm trọng hơn, nhiều khi từ lý do đó mà các đôi suy diễn về nhau, gây rạn nứt tình cảm, chẳng hạn như bà vợ vì nhắc mãi chồng không sửa mà cho là chồng không tôn trọng và không yêu thương mình, còn ông chồng suốt ngày bị kêu ca đâm bực bội và nghĩ vợ quá nhỏ nhặt, thậm chí là coi thường chồng.

Theo bà Hà, thật ra, việc sửa những thói quen nho nhỏ đó thực sự rất khó, chỉ khi cả hai bên cùng cố gắng và có thiện chí thì mới thực hiện được.
"Không chỉ người 'mắc lỗi' mà cả người phê bình cũng đều cần thay đổi. Người chồng cố gắng có ý thức sửa chữa tật xấu gây khó chịu cho vợ, còn người vợ cũng không nên quá nặng nề chuyện này mà quên hết những ưu điểm của bạn đời", chuyên gia chia sẻ.

Bà cho rằng, khi ông xã mắc những tật xấu khó sửa, chị em cần nhẹ nhàng góp ý và cả hai có thể đưa ra thỏa thuận, chẳng hạn "khi nào anh sai thì em sẽ nhắc nhở, anh phải ghi nhận và có thiện chí sửa chữa". Nếu bà vợ cáu giận, chì chiết nhiều lần có thể gây ức chế cho người chồng và khiến mọi việc tệ thêm. Ngược lại, chính các quý ông cũng cần có ý thức dung hòa cái riêng của mình để vì cái chung của gia đình, quan tâm đến cảm xúc của vợ trước mỗi hành xử của bản thân.
"Để chung sống hòa thuận, cả vợ và chồng đều nên cố gắng nhìn vào ưu điểm của nhau để khuyến khích, hơn là lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào những tật xấu nhỏ rồi hậm hực và gây gổ với nhau", nhà tâm lý bày tỏ.
Vương Linh
VnExpress
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
 
  • Thích
Reactions: nho
×
Quay lại
Top