Mã Tiểu Khiêu tinh nghịch_Dương Hồng Anh

Tiểu Khiêu không biết ước mơ của cậu là gì. Cậu không giống cậu Đạt “hà mã” hay Mao Siêu “khỉ”. Họ đều có những ước mơ và chúng luôn thay đổi.
Thử làm bố


Hồi lớp một, Trương Đạt ước trở thành lính giải phóng quân, Mao Siêu ước trở thành nhà khoa học. Lên lớp hai, Trương Đạt lại ước trở thành ngôi sao bóng đá, Mao Siêu ước thành nhà du hành vũ trụ.
Lên lớp ba, ước mơ của họ lại thay đổi. Trương Đạt ước trở thành giám đốc. Mao Siêu ước trở thành nhân viên ngân hàng. Nhưng ước mơ của Tiểu Khiêu thì không hề thay đổi. Từ lớp một đến lớp hai rồi lên lớp ba, cậu chỉ ước được làm bố. Các bạn và cô giáo đều cười trêu cậu.
Nhưng Tiểu Khiêu không sợ người khác cười trêu. Cậu vẫn ước được làm bố.
- Làm bố thì có gì hay chứ? - Trương Đạt thắc mắc.
- Muốn làm bố thì cậu phải lấy vợ. Phiền phức lắm!
Tiểu Khiêu vội nói:
- Tớ không muốn lấy vợ!
- Không lấy vợ thì làm sao làm bố được?
Tiểu Khiêu không tin điều đó. Cậu mặc cả với bố:
- Bố ơi, bố cho con làm bố một ngày. Bố làm con một ngày có được không ạ?
- Cái gì? Con nói gì? - Ông Thiên Tiếu chớp chớp mắt tưởng mình nghe nhầm.
- Tiểu Khiêu! Con nhắc lại xem nào?
Tiểu Khiêu nhắc lại lần nữa.
Lần này, ông Thiên Tiếu nghe rất rõ. Ông đồng ý để Tiểu Khiêu làm bố một ngày, nhưng cậu phải nói cho ông biết tại sao cậu lại muốn làm bố.
Tiểu Khiêu nói, làm bố thì không cần phải làm bài tập; làm bố được trông con; làm bố thì có tiền, muốn mua gì thì mua; làm bố được tự do, thích làm gì cũng được.
Ông Thiên Tiếu cười lớn. Ông chưa bao giờ nghĩ làm bố lại có nhiều điều thú vị đến như vậy. Ông đồng ý cuối tuần sẽ cho Tiểu Khiêu làm bố một ngày.
Sáng thứ bảy, Tiểu Khiêu ngủ nướng. Ông Thiên Tiếu lay gọi.
- Tiểu Khiêu, con dậy đi còn làm bài tập!
Tiểu Khiêu vẫn mắt nhắm mắt mở:
- Hôm nay, con là bố, bố là con. Làm gì có chuyện con bắt bố làm bài tập chứ?
Ông Thiên Tiếu đổi lại cách xưng hô.
- Bố ơi, con đói. Bố làm gì cho con ăn đi!
Tiểu Khiêu xoay người, cậu vẫn muốn ngủ thêm một lát nữa. Nhưng làm bố thì không thể để con trai bị đói được.
Tiểu Khiêu ngồi dậy, ngáp dài. Cậu hỏi:
- Con trai, con muốn ăn gì nào?
- Con muốn uống sữa, ăn trứng gà, ăn xúc xích, ăn dưa vàng, ăn bánh mì. - Ông Thiên Tiếu tiếp tục nói
- Bố đừng ốp trứng chín quá nhé, bố ơi!
Tiểu Khiêu thấy thật phiền phức. Cậu nói:
- Sao con ăn nhiều thế? Con ăn ít thôi kẻo béo phì đấy!
- Không được đâu ạ! - Ông Thiên Tiếu nói. - Lẽ nào vì lười mà bố để con trai mình bị đói sao?
Nếu ngại việc mà để con trai bị đói thì còn gì là bố nữa. Tiểu Khiêu không thể là một ông bố như vậy được. Cậu rót cho ông Thiên Tiếu một cốc sữa và cho bánh mỳ vào lò nướng, Cậu làm cháy hai miếng rồi lại nướng hai miếng khác chín tới. Sau đó, cậu thái xúc xích và dưa chuột.
Tiểu Khiêu ốp trứng. Ông Thiên Tiếu cho dầu ăn vào chảo ít quá nên Tiểu Khiêu chỉ có thể ốp được một quả trứng chín vừa, còn một quả thì bị cháy.
Ngồi vào bàn ăn, ông Thiên Tiếu tranh miếng bánh mỳ nướng vàng và món trứng ốp lếp chín tới về đĩa mình, để lại hai miếng bánh mì xém cạnh và quả trứng cháy cho Tiểu Khiêu. Tiểu Khiêu không muốn nhưng làm bố thì không được tranh giành với con.
Tiểu Khiêu rất bực mình vì thấy ông Thiên Tiếu ăn mặc không hợp lí chút nào. Cậu thấy ông mặc comlê, đi giầy da. Ăn mặc như thế chẳng giống trẻ con chút nào. Thế là cậu bắt ông Thiên Tiếu thay bộ quần áo khác.
- Vậy con mặc cái gì? - Ông Thiên Tiếu có vẻ không vui. - Làm con trai thì không được mặc quần áo ạ?
Tiểu Khiêu bảo ông thay bộ quần áo thể thao. Như vậy, trông sẽ giống trẻ con hơn. Cậu còn đội cho ông một chiếc mũ lưỡi trai quay ngược về phía sau.
Bộ comlê của ông Thiên Tiếu vừa dài vừa rộng. Mặc bộ đồ đó vào, Tiểu Khiêu lập tức có cảm giác mình giống như một ông bố.
Bố thì phải quản lí con.

- Thiên Tiếu, lấy vở ra làm bài tập đi.
Ông Thiên Tiếu ngoan ngoãn lấy sách vở trong cặp sách của Tiểu Khiêu ra rồi hỏi cậu:
- Làm bài tập toán hay tập làm văn ạ?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Con làm bài tập làm văn trước đi!
Tiểu Khiêu mừng thầm. Cậu rất ghét phải làm tập làm văn. Hôm nay làm bố, cậu không phải làm nữa rồi.
Ông Thiên Tiếu hỏi Tiểu Khiêu:
- Đề bài là gì ạ?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Một ngày của em.
Hình như ông Thiên Tiếu đã làm xong bài tập làm văn. Tiểu Khiêu thấy nhẹ cả người. Cậu nằm trên ghế sôpha, gác chân lên bàn xem ti vi.
- Bố ơi, bố tắt ti vi đi.
- Tại sao lại phải tắt đi? - Tiểu Khiêu hỏi.
- Con làm bài tập đi, con mà lại cấm bố xem ti vi sao?
- Bố xem ti vi còn con phải làm bài tập. Con không làm nữa! - Ông Thiên Tiếu ngồi phịch xuống cạnh Tiểu Khiêu. - Con cũng muốn xem ti vi!
Tiểu Khiêu không còn cách nào khác, đành phải tắt ti vi.
Tiểu Khiêu lấy bao thuốc trong túi áo comlê ra, kẹp điếu thuốc vào hai đầu ngón tay ra vẻ như đang hút thuốc.
Ông Thiên Tiếu làm bộ mè nheo:
- Bố ơi, con viết cái gì bây giờ?
- Con ngốc quá! Đến “một ngày của mình” mà cũng không biết kể.
- Tiểu Khiêu bắt đầu dạy ông Thiên Tiếu làm tập làm văn. - Ví dụ, chúng ta sẽ kể về ngày hôm nay. Hôm nay bố làm gì nhỉ?
- Hôm nay bố làm bố.
- Tại sao bố lại làm bố? Đó là mở bài. Bố làm bố như thế nào? Đó là thân bài. Cảm giác khi được làm bố ra sao? Đó là kết luận. Bài văn này chia làm ba đoạn: mở bài, thân bài và kết luận. Con đã hiểu chưa?
Đến Tiểu Khiêu cũng rất ngạc nhiên. Tại sao viết một bài văn lại đơn giản như vậy nhỉ? Thế thì dễ quá! Sao lúc chưa làm bố, cậu lại sợ tập làm văn như vậy chứ?
Ông Thiên Tiếu viết xong bài văn thì cũng đến trưa.
- Bố ơi! - Ông Thiên Tiếu hỏi Tiểu Khiêu. - Trưa nay bố nấu cho con ăn món gì thế ạ?
Tiểu Khiêu mạnh dạn nói:
- Con muốn ăn gì nào? Con cứ nói đi. Đơn giản thôi nhé!
- Con muốn ăn sườn xào chua ngọt và canh cà chua trứng ạ!
- Bố không biết làm sườn xào chua ngọt. Bố chỉ biết nấu canh cà chua trứng thôi.
Ông Thiên Tiếu nói:
- Đến món sườn xào chua ngọt mà bố cũng không biết làm thì làm bố làm sao được ạ?
- Vậy thì con không làm bố nữa đâu! - Tiểu Khiêu cởi bộ comlê ra.
- Làm bố chẳng có gì hay ho cả.
Tiểu Khiêu làm bố có nửa ngày mà đã thấy chán lắm rồi. Từ đó trở đi, Tiểu Khiêu không bao giờ mơ ước được làm bố nữa.
 
Tiếng bước chân vang lên nặng trịch từ ngoài hành lang. Chắc chắn người đó phải mang một đôi giày rất to, rất nặng. Màu nâu hay màu đen nhỉ? Mã Tiểu Khiêu đang nghĩ.
“Thầy đùng đùng đoàng”

Cộp! Cộp! Cộp!
Cộp! Cộp! Cộp!

Tiếng bước chân vang lên nặng trịch từ ngoài hành lang. Chắc chắn người đó phải mang một đôi giày rất to, rất nặng. Màu nâu hay màu đen nhỉ? Mã Tiểu Khiêu đang nghĩ.
Tiếng bước chân ngày càng gần,... càng gần…
“Xuỵch... ”, cửa lớp hé mở. Một cái đầu bóng mượt ngó vào, theo đó là cái dáng người gầy gò.
Chà, ông ta là ai nhỉ? Tiết này là tiết khoa học tự nhiên, ông ta vào đây làm gì thế?
Giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên mọi hôm là cô giáo hay mặc chiếc áo dài có hoa văn lớn, dáng người béo ục ịch, lúc nào cũng cười tít mắt. Mỗi lần cô bước vào, các học sinh đều tưởng người ta đang đẩy một lẵng hoa khổng lồ vào lớp. Sau này Mã Tiểu Khiêu có nghe lỏm các bạn gái trong lớp thầm thì với nhau rằng, cô giáo dạy môn khoa học tự nhiên thích mặc chiếc áo dài hoa đó thực ra là để giấu cái bụng lớn của mình, vì trong bụng có một em bé.
- Cô Vương nghỉ sinh con. Từ hôm nay thầy sẽ là thay cô Vương dạy các em môn khoa học tự nhiên.
Giọng nói của thầy khàn khàn, hơi giống tiếng kêu của vịt đực.
- Các con chưa biết thầy phải không?
Thầy giáo đứng phía sau bàn giáo viên, vươn người ra hỏi, bởi thế cổ thầy lúc này trông cũng hơi giông giống cổ vịt.
- Thưa - thầy- chưa- ạ!
Cả lớp đồng thanh trả lời.
- Không sao cả, các em sẽ làm quen ngay bây giờ.
Thầy giáo quay người, dùng phấn viết lên bảng hai chữ rất lớn: “Lôi Minh”
- Các em có biết cái tên này có ý nghĩa là gì không?
Thú vị thật đấy, từ trước tới giờ chưa có giáo viên nào hỏi học sinh câu hỏi như thế cả.
- Không ai biết phải không?
Thấy hình như không ai biết, thầy tỏ vẻ hứng khởi:
- Thế các em có biết tiếng sấm nổ thế nào không?
- “Đùng đùng đoàng” ạ! “Đùng đùng đoàng” ạ!
Cả lớp nhao nhao.
- Chính xác! Hoàn toàn chính xác! - Thầy giáo gật gật đầu một cách vô cùng mãn nguyện. - Tên thầy đúng là mang ý nghĩa như thế đấy!
Thầy “đùng đùng đoàng” bước từ bục giảng ra ngoài. Mã Tiểu Khiêu nghiêng cả người ra phía lối đi ở giữa để ngó đôi giày của thầy. Quả thật là thầy đang đi một đôi giày rất to, nhưng không phải màu đen, cũng không phải màu nâu mà là một thứ màu nhờ nhờ trông rất bẩn.
Cái quần dài mà thầy “đùng đùng đoàng” mặc mới gọi là kì lạ! Quần của thầy ít nhất phải có tới mười mấy cái túi quần cả lớn lẫn bé, cái nào cũng phồng to, không hiểu bên trong đựng những thứ gì.

Mã Tiểu Khiêu hỏi cô bạn gái ngồi cùng bàn Lộ Mạn Mạn:
- Cậu đoán xem trong túi quần của thầy đựng gì?
Lộ Mạn Mạn không trả lời mà lập tức ghi ngay ý kiến vào cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ của Lộ Mạn Mạn là cuốn sổ chuyên để ghi chép những hành vi không tốt của Mã Tiểu Khiêu. Sở dĩ cô chủ nhiệm lúc nào cũng biết mọi hành vi của Mã Tiểu Khiêu rõ như lòng bàn tay chính là vì ngày nào cô cũng xem quyển sổ đó.
Nhưng Mã Tiểu Khiêu vốn là một cậu bé tò mò. Nếu đã muốn biết điều gì mà chưa làm được, cậu không bao giờ bỏ qua cả. Cậu chẳng đếm xỉa những lời mách lẻo của Lộ Mạn Mạn.
Mã Tiểu Khiêu lại quay xuống bàn dưới hỏi Đường Phi:
- Cậu thử đoán xem thầy đựng gì trong những cái túi quần đó?
Đường Phi tưng tửng trả lời:
- Đựng lựu đạn chứ còn gì nữa!
Mã Tiểu Khiêu bật cười khúc khích. Lộ Mạn Mạn lại ghi thêm một dòng nữa vào cuốn sổ.
- Các em nhìn xem tay thầy đang cầm cái gì đây?
Thầy “đùng đùng đoàng” giơ hai bàn tay to lớn của mình lên, Mã Tiểu Khiêu lập tức chuyển sự chú ý của mình sang bàn tay của thầy giáo, tay thầy chẳng có gì cả.
Thầy “đùng đùng đoàng” đưa tay chộp một cái về phía trước, trong tay thầy đã xuất hiện một quả trứng.
- Đây là cái gì?
- Thưa thầy, quả trứng ạ!
Cả lớp đồng thanh trả lời.
Đường Phi huých một cái đằng sau lưng Mã Tiểu Khiêu:
- Hoá ra là trứng gà, không phải lựu đạn cậu ạ!
Mã Tiểu Khiêu ngoái cổ lại đằng sau:
- Tay thầy cầm quả trứng nhưng biết đâu trong túi là lựu đạn đấy!
Lộ Mạn Mạn lại tiếp tục ghi thêm một dòng vào cuốn sổ ghi chép của cô bé.
- Ai trong số các em có thể đặt quả trứng dựng đứng trên bàn?
- Em ạ! Em ạ!
Mã Tiểu Khiêu là “vua giơ tay” của cả lớp. Bất kể thầy cô giáo đưa ra câu hỏi gì cậu đều giơ tay xin trả lời, mà tay lúc nào cũng giơ thật cao, người thì đổ về phía trước như thế xung phong vậy!
Mã Tiểu Khiêu đi lên bục giảng, đón lấy quả trứng trong tay thầy “đùng đùng đoàng” định đặt nó dựng đứng trên bàn, nhưng vừa thả tay ra quả trứng đã đổ lăn xuống.
- Mã Tiểu Khiêu, cậu ngốc thật đấy! - Trương Đạt ở phía cuối lớp ra sức giơ tay, suýt nữa thì làm đổ cả bàn học - Thưa thầy, em làm được, em làm được ạ!
Mã Tiểu Khiêu ỉu xìu đi xuống chỗ ngồi, còn Trương Đạt hùng hục chạy lên bục giảng.
Cũng giống hệt như Mã Tiểu Khiêu, Trương Đạt dựng quả trứng lên, nhưng khi buông tay ra chưa đầy một giây, quả trứng lại nằm ngay xuống bàn. May mà thầy “đùng đùng đoàng” nhanh tay đỡ kịp, nếu không quả trứng đã lăn xuống đất vỡ nát ra mất rồi.
Trương Đạt tiu nghỉu đi xuống, Lộ Mạn Mạn lại hồ hởi chạy lên.
Lộ Mạn Mạn loay hoay với quả trứng một hồi lâu, bên dưới, bạn thì hò hét, bạn thì gõ tay xuống bàn, bạn thì sốt ruột đến nỗi không thèm xem nữa.
Thấy mấy bạn học sinh đều không dựng được quả trứng lên, thầy “đùng đùng đoàng” hết sức phấn chấn.
- Đúng là không còn ai dựng được quả trứng đứng lên phải không?
- Thưa thầy, không còn ai ạ! - Cả lớp đồng thanh.
“Bộp” một tiếng, cả lớp lại tròn mắt ngạc nhiên.
Thầy “đùng đùng đoàng” đập mạnh quả trứng xuống bàn. Một đầu vỏ trứng vỡ vụn, quả thật quả trứng gà đã đứng thẳng trên bàn.
- Nhìn xem, quả trứng đứng được rồi đây này!
Đơn giản thế thôi ư? Sao chẳng ai nghĩ ra nhỉ? Tất cả học sinh trong lớp ồ lên, ai cũng tự dùng tay đập vào trán mình, ai cũng tự trách sao dây thần kinh não lại nhất thời bị chập mạch như vậy.
Dường như thầy “đùng đùng đoàng” rất thích thú khi nhìn thấy học sinh của mình vò đầu bứt tai như vậy.
- Hôm nay thầy cho các em bài học dựng quả trứng là để khai thông suy nghĩ của các em. Một khi suy nghĩ đã được khai thông thì chuyện gì cũng trở nên dễ dàng thôi.
Đúng như những lời thầy “đùng đùng đoàng” nói, trong giờ khoa học tự nhiên của thầy, tất cả các bạn đều thấy điều gì cũng đơn giản, đó có lẽ là do thầy “đùng đùng đoàng” đã khai thông suy nghĩ của các bạn.
Ngày nào Mã Tiểu Khiêu cũng muốn được học môn khoa học tự nhiên, tiếc rằng mỗi tuần chỉ có một tiết học mà thôi. Giờ thì thầy “đùng đùng đoàng” đã trở thành thần tượng của Mã Tiểu Khiêu. Cậu ngưỡng mộ tất cả mọi thứ của thầy, từ cái đầu chải bóng nhoáng, từ cái quần nhiều túi đến đôi giày to đùng có màu nhờ nhờ nước hến của thầy, và kể cả… Đương nhiên, điều làm Mã Tiểu Khiêu ngưỡng mộ nhất đó là thầy biết làm trò ảo thuật.
 
Với Mã Tiểu Khiêu, mỗi ngày trôi qua đều thật vui và thú vị, nếu có chút gì đó buồn bực thì chắc chắn đều là do Lộ Mạn Mạn thôi.
Oan khiên khó rửa


Lộ Mạn Mạn là cô bạn ngồi cùng bàn với Mã Tiểu Khiêu. Chính cô giáo chủ nhiệm đã xếp cho cô bé ngồi cạnh để giám sát Mã Tiểu Khiêu. Cô bé có một cuốn sổ nhỏ, chuyên dùng để ghi những hành vi không tốt của Mã Tiểu Khiêu. Hàng ngày sau khi tan học, cô bé bí mật nộp cuốn sổ cho cô chủ nhiệm. Chỉ vì thế mà Mã Tiểu Khiêu thường xuyên phải phạt đứng góc lớp và liên tục bị viết bản kiểm điểm. “Trăm hay không bằng tay quen”, Tiểu Khiêu viết bản kiểm điểm còn hay hơn cả làm bài tập làm văn, câu cú mạch lạc, trơn tru đến nỗi chẳng giống một bản kiểm điểm tí nào, mà giống một bài tả văn đầy cảm xúc. Suốt từ năm lớp một đến tận bây giờ, “trình” viết kiểm điểm của Tiểu Khiêu đã tiến bộ vượt bậc.
Hôm nay Tiểu Khiêu mang kẹo cao su đến lớp. Lúc tan học, cậu thấy Lộ Mạn Mạn đi phía trước nên mới nhét kẹo cao su vào miệng, vậy mà Lộ Mạn Mạn vẫn phát hiện được. Mạn Mạn quay phắt người lại, dùng ngón tay chỉ vào mũi Tiểu Khiêu:

- Cậu không được ăn quà!

Mã Tiểu Khiêu liền đẩy miếng kẹo cao su giấu xuống dưới lưỡi rồi há to miệng cho Lộ Mạn Mạn xem:
- Ăn quà đâu mà ăn quà? Tớ chẳng ăn gì cả!
- Cậu ăn quà. Tớ nhìn thấy rõ mà! - Lộ Mạn Mạn không chịu tha. - Nhè ra ngay!
Mã Tiểu Khiêu không muốn rắc rối với Lộ Mạn Mạn vì cậu đang vội xuống sân đánh bóng bàn.
- Nhè thì nhè!
“Phù” một cái, Mã Tiểu Khiêu thổi ngay miếng kẹo cao su ra. Cũng chẳng biết nó bay đến tận đâu nữa.
Tiểu Khiêu lao vội xuống cầu thang nhưng vẫn chậm một bước. Trương Đạt “hà mã” và Mao Siêu “khỉ” đã bắt đầu đánh bóng bàn mất rồi! Cậu đành phải xếp hàng sau Đường Phi “chim cánh cụt”.
Vừa đến lượt mình đánh bóng thì mấy cô bạn cùng lớp hùng hùng hổ hổ chạy đến nắm lấy cổ áo Tiểu Khiêu và doạ sẽ đưa cậu lên gặp cô giáo chủ nhiệm.
- Các cậu làm gì thế hả? - Trương Đạt và Mao Siêu đứng chắn trước mặt Mã Tiểu Khiêu - Các cậu kéo cậu ấy làm cái trò gì thế?
Đường Phi đứng bên cạnh cũng gào ầm lên:

- Các cậu đang cướp chú rể đấy à? Nếu muốn cướp thì đừng có cướp Mã Tiểu Khiêu, cướp Trương Đạt ấy! Cậu ấy đẹp trai hơn Tiểu Khiêu nhiều!
Mấy đứa con gái đỏ hết cả mặt, buông ngay Tiểu Khiêu ra. Một cô bé nói:
- Lộ Mạn Mạn đang khóc kia kìa!
Mã Tiểu Khiêu vênh mặt:
- Cậu ấy khóc thì liên quan gì đến tớ chứ? Cậu ấy lúc nào mà chẳng thích khóc!
Một cô bé nói:
- Cậu ấy bảo cậu “ném đá giấu tay”!
Tiểu Khiêu hỏi Trương Đạt:
- “Ném đá giấu tay” nghĩa là gì?
Trương Đạt lắc đầu, Đường Phi cũng lắc đầu. Ngay đến cả Mao Siêu “biết tuốt” mà cũng lắc đầu. Lũ con trai cảm thấy mấy từ ngữ đó có vẻ đáng sợ, chắc là có chuyện gì nghiêm trọng rồi, vì thế chẳng ai dám bảo vệ cho Mã Tiểu Khiêu nữa mà còn đẩy cậu về phía các bạn gái, mặc cho họ muốn làm gì thì làm.
Mấy đứa con gái xông vào, đẩy Mã Tiểu Khiêu ngã lăn kềnh ra đất. Sau đó đứa thì nắm lấy tay, đứa thì nắm lấy chân, đứa thì nắm lấy đầu khiêng Tiểu Khiêu đi như người ta khiêng một con lợn vậy.
Chân tay Tiểu Khiêu quẫy đạp loạn xạ, luôn mồm kêu cứu. Trương Đạt, Mao Siêu và Đường Phi thấy vậy chỉ đứng đó ôm bụng cười nghiêng cười ngả.
Tiểu Khiêu cảm thấy hơi có chút tủi thân: Bạn thân mà thế ư? Đồng cam cộng khổ mà thế ư? Quả đúng là lúc khốn khó mới biết ai là bạn! Thật đáng ghét! Mã Tiểu Khiêu không muốn chống cự lại nữa, cậu nhắm mắt giả chết, mặc cho mấy đứa con gái hì hục khiêng cậu. Tự nhiên cậu cảm thấy rất dễ chịu!
Khiêng đến cầu thang thì mấy cô bé không thể khiêng nổi nữa, họ bảo Tiểu Khiêu đứng dậy tự đi. Tiểu Khiêu chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng thèm động đậy, đã giả chết thì phải giả cho chót.
- Cậu ấy chết rồi à?
Một cô bé lấy tay bịt vào lỗ mũi Tiểu Khiêu xem cậu còn thở không. Tiểu Khiêu nín thở lâu quá, ... “Hức... Hắt xì...!” nước mũi của cậu bay vèo ra, bắn cả vào tay cô bạn.
Người chết đương nhiên không thể hắt xì được. Rõ ràng Mã Tiểu Khiêu chưa chết mà chỉ giả chết thôi. Khi mấy cô bé nổi giận thì dường như họ mạnh mẽ hẳn lên. Họ khiêng Tiểu Khiêu và chạy một mạch lên tận tầng ba, sau đó đưa thẳng cậu vào văn phòng của cô chủ nhiệm.
Trước mặt cô Tần thì không thể giả chết được, cậu đứng thẳng người, dáng vẻ rất ngoan ngoãn trước mặt cô chủ nhiệm. Thấy mấy cô bạn đứng thở hổn hển, Tiểu Khiêu cười thầm trong bụng.

Lộ Mạn Mạn cũng đang đứng đó, khuôn mặt đẫm nước mắt trông vô cùng tội nghiệp. Mã Tiểu Khiêu nhìn Lộ Mạn Mạn, cậu thấy bộ dạng của Mạn Mạn lúc này trông vừa đáng thương, vừa đáng yêu, khác hẳn với Lộ Mạn Mạn ngày thường, đanh đá và suốt ngày chỉ hằm hè xăm soi cậu. Đứng trước cô bạn yếu đuối, tội nghiệp Tiểu Khiêu bỗng dưng muốn thể hiện sự ga-lăng đàn ông của mình.
Cậu lại gần Lộ Mạn Mạn:
- Lộ Mạn Mạn, ai bắt nạt cậu? Cậu cứ nói với tớ, tớ sẽ giúp cậu…
- Mã Tiểu Khiêu, em không biết thật hay giả vờ thế hả?
Tiểu Khiêu chưa nói dứt câu thì đã bị cô chủ nhiệm ngắt lời. Cậu không để ý từ nãy tới giờ, cô đang ngồi xem chăm chú chiếc váy của Lộ Mạn Mạn.
Tiểu Khiêu thừa nhận rằng vừa rồi cậu đã giả chết, nhưng không hề giả vờ.
- Thưa cô, em lại có lỗi gì ạ?
Cô Tần chỉ vào váy Lộ Mạn Mạn:
- Em nhìn đây này!
Đó là một chiếc váy viền ren hoa rất đẹp. Nhưng Mã Tiểu Khiêu vẫn không hiểu tại sao Lộ Mạn Mạn mặc váy đẹp lại có liên quan đến cậu.
Cô chủ nhiệm thì nghĩ rằng, Mã Tiểu Khiêu định đánh trống lảng không chịu nhận lỗi, cô bảo Mạn Mạn quay người lại rồi chỉ vào phía sau váy cho Tiểu Khiêu xem.

Một miếng kẹo cao su đã nát bét ra, dính chặt vào váy của Lộ Mạn Mạn.
- Hôm nay Lộ Mạn Mạn vừa mặc chiếc váy mới, tại sao em lại dính kẹo cao su vào váy bạn?
Mỗi lần cô Tần tức giận, hai khoé miệng của cô lại bị kéo xệch xuống khiến Tiểu Khiêu không dám nhìn thẳng vào cô nữa.
- Mã Tiểu Khiêu, có phải vì Lộ Mạn Mạn giám sát em, mà em đã “ném đá giấu tay” để trả đũa không?
Lại là “ném đá giấu tay”! Sao cô trò họ lại thích dùng cái câu “ném đá giấu tay” thế nhỉ? Mặc dù Mã Tiểu Khiêu cũng không hiểu ý nghĩa của cụm từ “ném đá giấu tay” cho lắm, nhưng cậu có thể cảm nhận được tính nghiêm trọng của nó qua nét mặt của cô giáo chủ nhiệm.
- Em có “ném đá giấu tay” đâu ạ?
- Em còn chối hả? - Hai khoé miệng cô Tần lại kéo xệch xuống dưới, còn đôi lông mày thì dựng ngược lên. - Không “ném đá giấu tay” thì tại sao kẹo cao su lại dính vào váy của Lộ Mạn Mạn?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Kẹo cao su tự dính vào váy bạn ấy chứ ạ?
Cô Tần bực đến nỗi không thốt được nên lời. Phải đến một lúc sau, cô mới hạ giọng nhẹ nhàng nói với Tiểu Khiêu:
- Mã Tiểu Khiêu, cô biết em là một cậu bé thật thà, nếu em nhận lỗi, cô và Lộ Mạn Mạn sẽ bỏ qua cho em.
Mã Tiểu Khiêu thừa nhận chính cậu đã nhổ miếng kẹo cao su đó, nhưng không hề cố tình dính nó vào váy của Lộ Mạn Mạn. Cậu lắc đầu một cách quả quyết:
- Em không nhận lỗi đó vì em không hề dính kẹo cao su vào váy của Lộ Mạn Mạn!
- Mã Tiểu Khiêu! Em làm cô thất vọng quá!
Cô chủ nhiệm tỏ vẻ rất buồn phiền. Mã Tiểu Khiêu cũng buồn phiền không kém.
Tiểu Khiêu buồn rầu, thất thểu đi về nhà. Mặc dù cậu luôn đề cao tư tưởng: “Là đàn ông không được khóc” nhưng cậu vẫn không kìm được những giọt nước mắt đang chảy ra. Quả là bị oan uổng chẳng dễ chịu chút nào!
 
Tiết học đầu tiên của buổi sáng nay là môn toán. Thầy giáo dạy toán đưa ra hai mươi phép tính nhẩm cho cả lớp.
Ai phải nhận lỗi


Nhân lúc thầy giáo quay lên bảng viết, Mã Tiểu Khiêu liền đối chiếu kết quả phép tính của mình với kết quả phép tính của Mao Siêu ngồi ở bàn trên.
Lộ Mạn Mạn ghi ngay hành động đó vào cuốn sổ:
“Trong giờ học toán, Mã Tiểu Khiêu trao đổi bài với Mao Siêu.”
Tiết thứ hai là môn văn, bình thường khi học giờ của cô chủ nhiệm, Mã Tiểu Khiêu ít khi để xảy ra lỗi. Thế mà Lộ Mạn Mạn vẫn ghi vào cuốn sổ một câu thế này:
“Trong giờ Văn, Mã Tiểu Khiêu đọc bài không dõng dạc.”
Giờ ra chơi, nhân lúc Lộ Mạn Mạn không có trong lớp, Tiểu Khiêu liền lục cặp sách Mạn Mạn lấy cuốn sổ ra xem trộm. Nếu Lộ Mạn Mạn viết đúng sự thật, ví dụ như chuyện cậu và Mao Siêu so kết quả phép tính thì cậu không nói làm gì, coi như thừa nhận; còn nếu Lộ Mạn Mạn mà viết sai sự thật, ví dụ như cậu đọc bài tập đọc không dõng dạc thì cậu phải gặp Mạn Mạn làm cho ra nhẽ.
Mã Tiểu Khiêu cầm quyển sổ ghi chép của Lộ Mạn Mạn, bên cạnh còn có cả Mao Siêu “khỉ”, Trương Đạt “hà mã” và Đường Phi “chim cánh cụt” trợ uy, cả bốn hùng hổ đi khắp nơi để tìm Lộ Mạn Mạn.
- Lộ Mạn Mạn đâu, ra ngay!
Lộ Mạn Mạn bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống, xuất hiện chắn ngay trước mặt Mã Tiểu Khiêu:
- Có việc gì?
- Cậu vu khống! - Mã Tiểu Khiêu hét lên. - Tớ đọc bài tập đọc không dõng dạc bao giờ hả?
Giọng của Lộ Mạn Mạn còn to hơn cả giọng Tiểu Khiêu:
- Rõ ràng là cậu đọc không dõng dạc chút nào cả!
Mã Tiểu Khiêu định dùng giọng của mình để áp đảo Lộ Mạn Mạn, cổ cậu nổi lên những đường gân trông như những con sâu màu xanh.
- Ai nghe thấy tớ đọc bài không dõng dạc? - Mã Tiểu Khiêu hỏi Mao Siêu. - Cậu có thấy tớ đọc bài không dõng dạc không?
Mao Siêu nói không nghe thấy. Mã Tiểu Khiêu lại hỏi Đường Phi và Trương Đạt, hai cậu đều nói không nghe thấy.
Tìm người làm chứng “không hợp pháp” cũng là một lỗi của Mã Tiểu Khiêu. Lộ Mạn Mạn giật lấy cuốn sổ trong tay Mã Tiểu Khiêu, định ghi ngay vào đó.
Thực ra Mã Tiểu Khiêu không đấu lí được với Lộ Mạn Mạn. Cậu đành phải lên gân lên cốt, cao giọng quát to:
- Rồi sẽ có ngày tớ sẽ đốt cháy quyển sổ đáng ghét của cậu!
Nhưng Mã Tiểu Khiêu vừa nói xong là quên ngay lập tức.
Buổi chiều sau giờ tan học, Mã Tiểu Khiêu hẹn Trương Đạt, Mao Siêu và mấy cậu bạn cùng đi đá bóng. Nhưng chưa bước ra khỏi cổng trường, cậu đã bị Lộ Mạn Mạn chặn trước mặt và yêu cầu cậu lên phòng làm việc của cô chủ nhiệm.
Mã Tiểu Khiêu không hề thấy lạ vì chuyện này. Cậu nghĩ hôm nay cãi nhau to với Lộ Mạn Mạn, chắc chắn cô bé sẽ ghi thêm vài lỗi nữa của cậu vào sổ. Bị cô chủ nhiệm gọi lên là đương nhiên rồi!
Mã Tiểu Khiêu bảo Trương Đạt và các bạn đợi một lát. Cậu nói rằng chỉ cần cậu nhận lỗi là cô Tần sẽ thả về ngay.
Mã Tiểu Khiêu đi sau Lộ Mạn Mạn đến phòng cô chủ nhiệm, vừa đi còn vừa làm trò trêu chọc cô bé.
Mã Tiểu Khiêu chỉ muốn cô chủ nhiệm nhanh chóng thả cậu về. Theo kinh nghiệm đã tích luỹ từ trước tới nay, chưa đợi cô Tần lên tiếng, cậu đã nhanh nhảu nhận lỗi:
- Thưa cô, em biết lỗi rồi ạ!
Cô Tần không buồn ngẩng đầu, vẫn tiếp tục chữa bài.
Mã Tiểu Khiêu tưởng cô chủ nhiệm không nghe thấy, bèn nói to hơn:
- Thưa cô, em biết lỗi rồi ạ!
Giọng nói của Mã Tiểu Khiêu làm các thầy cô giáo khác trong phòng giật cả mình. Họ ngẩng lên nhìn Mã Tiểu Khiêu rồi tủm tỉm cười.

Mã Tiểu Khiêu nhìn qua cửa sổ thấy Trương Đạt và các bạn đang khoa chân múa tay ra hiệu cho cậu ở bên dưới, có vẻ như rất sốt ruột. Cậu lại nói to thêm một lần nữa:
- Thưa cô, em biết lỗi rồi ạ!
Cuối cùng thì cô chủ nhiệm cũng dừng tay, ngẩng đầu lên hỏi Mã Tiểu Khiêu:
- Em có lỗi gì?
- Trong giờ học toán, em đã trao đổi bài với Mao Siêu ạ!
Sắc mặt cô Tần vẫn không thay đổi:
- Còn gì nữa?
- Trong giờ văn, em đọc bài không dõng dạc ạ!
Mặc dù Mã Tiểu Khiêu cho rằng chỉ tại Lộ Mạn Mạn cố tình đổ lỗi cho cậu đọc bài không dõng dạc, nhưng muốn nhanh chóng được thoát thân thì tốt nhất không nên nói qua nói lại nhiều nữa.
Sắc mặt cô Tần vẫn không thay đổi:
- Còn gì nữa nào?
Mã Tiểu Khiêu liếc nhìn Lộ Mạn Mạn với vẻ mặt tức tối đứng bên cạnh nên nghĩ ra thêm một lỗi nữa:
- Thưa cô, lẽ ra em không nên cãi nhau với bạn Lộ Mạn Mạn ạ! Lộ Mạn Mạn, tớ xin lỗi cậu, bỏ qua cho tớ nhé!
Mã Tiểu Khiêu đứng trước Lộ Mạn Mạn, vòng tay cung kính dập đầu liền ba cái. Mạn Mạn “hứ” một tiếng rồi quay đi nơi khác.
- Nghĩ nữa đi xem em còn lỗi gì nữa không?
- Hết rồi ạ! Em thề đấy! - Mã Tiểu Khiêu giơ tay phải lên. - Không còn lỗi gì nữa ạ!
- Thật không? - Cô Tần chậm rãi nói: - Thế em có nói sẽ đốt cuốn sổ ghi chép của Lộ Mạn Mạn không?
Mã Tiểu Khiêu chớp chớp mắt, cậu cũng không nhớ mình có nói câu đó với Lộ Mạn Mạn không nữa.
Cô chủ nhiệm đưa tay về phía Mã Tiểu Khiêu:
- Em đưa quyển sổ của Lộ Mạn Mạn cho cô!
Mã Tiểu Khiêu lắc đầu:
- Em không cầm sổ của bạn ấy ạ!
Lộ Mạn Mạn nói:
- Nếu không phải là cậu lấy thì sổ của tớ có chân chạy mất à?
Mã Tiểu Khiêu trừng mắt:
- Cậu hỏi tớ, tớ làm sao biết được?
- Mã Tiểu Khiêu, em làm cô quá thất vọng! - Hình như cô Tần thực sự cảm thấy thất vọng về Mã Tiểu Khiêu - Trước đây, ít ra em còn có một ưu điểm là dám làm dám chịu, giờ đến cái ưu điểm duy nhất đó cũng không còn nữa sao?
Mã Tiểu Khiêu nói:
- Em không lấy cuốn sổ của Lộ Mạn Mạn thật mà!
- Thế thì lạ thật đấy! Sáng nay em vừa nói sẽ có ngày đốt quyển sổ của Lộ Mạn Mạn, chiều nay thì cuốn sổ của Mạn Mạn mất tích.
Mã Tiểu Khiêu cũng cảm thấy kỳ lạ!
Cô Tần định đưa ra một điều kiện với Mã Tiểu Khiêu:
- Mã Tiểu Khiêu, nếu em không nhận đã lấy cuốn sổ của Lộ Mạn Mạn…
- Không phải là em!
Cô Tần không thích Mã Tiểu Khiêu ngắt lời cô như vậy, vì thế cô nói một cách rất quả quyết:
- Chắc chắn là em lấy! Vì cuốn sổ đó chỉ ghi chép những hành vi không tốt của một mình em mà thôi!
Thế có nghĩa là chỉ có Mã Tiểu Khiêu là người có động cơ gây án. Mã Tiểu Khiêu còn đang định phân bua nhưng cô chủ nhiệm không thèm nghe nữa. Cô bắt cậu về nhà viết bản kiểm điểm.
Ngày hôm sau, cô chủ nhiệm bắt Tiểu Khiêu đứng trước lớp đọc bản kiểm điểm. Tiểu Khiêu bèn đọc:
“Hôm qua, bạn Lộ Mạn Mạn bị mất một cuốn sổ nhỏ. Vì cuốn sổ đó hàng ngày chuyên dùng để ghi chép những hành vi không tốt của em nên cô chủ nhiệm và bạn Lộ Mạn Mạn đã khẳng định rằng, chỉ có em là người lấy cuốn sổ. Nhưng em không lấy, em thề có bóng đèn…”
- Em có thể làm chứng, không phải là Mã Tiểu Khiêu lấy…- Mao Siêu đứng dậy.
Cô chủ nhiệm nói:
- Mao Siêu, em là bạn thân của Mã Tiểu Khiêu, em không được che giấu lỗi cho bạn!
- Chính em đã lấy! – Mao Siêu vươn cái cổ dài của mình lên, dường như đang cố lấy dũng khí vậy. - Em thấy những điều mà Lộ Mạn Mạn ghi trong sổ có điều không đúng sự thật. Ví dụ bạn ấy viết rằng Mã Tiểu Khiêu đọc bài không dõng dạc, nhưng em nghe thấy Mã Tiểu Khiêu đọc rất dõng dạc…
Hoá ra là cô chủ nhiệm và Lộ Mạn Mạn đã hiểu lầm Mã Tiểu Khiêu. Mã Tiểu Khiêu nghĩ, nếu cô Tần và Lộ Mạn Mạn nhận lỗi với cậu và xin cậu tha thứ, cậu sẽ bỏ qua cho họ. Nhưng Tiểu Khiêu có nghĩ cũng bằng không mà thôi. Cô chủ nhiệm và Lộ Mạn Mạn không hề nhận lỗi với cậu, càng không xin cậu tha thứ. Nghĩ cũng đúng, cô Tần là cô giáo chủ nhiệm, còn Lộ Mạn Mạn là một học sinh ưu tú, sao có thể nhận lỗi với cậu và cầu xin một học sinh như cậu tha thứ chứ?
 
Ngoài thầy giáo dạy thể dục ra, hầu hết các giáo viên đã từng dạy Mã Tiểu Khiêu đều nói rằng, Mã Tiểu Khiêu bị mắc chứng quá hiếu động.
Diễn kịch chữa bệnh


Cô giáo chủ nhiệm không chỉ một lần nói với Tiểu Khiêu rằng:
- Mã Tiểu Khiêu, em không thể yên chân tay một phút ư? Em thử bảo bố đưa đến bệnh viện khám xem có phải em bị mắc chứng quá hiếu động không?
Cô chủ nhiệm đã nói thế sao cậu dám trái lời. Mã Tiểu Khiêu thuật lại nguyên văn câu nói của cô Tần cho ông Thiên Tiếu nghe.
Ông Thiên Tiếu chẳng có vẻ gì lo lắng cả:
- Con có bệnh gì đâu mà phải đến bệnh viện khám?
Mã Tiểu Khiêu nói:
- Vì con thích vận động ạ.
- Thích vận động là tốt! - Ông Thiên Tiếu vỗ vai Mã Tiểu Khiêu. -
Cuộc sống nằm trong sự vận động mà!
Sau khi biết được chân lí “Cuộc sống nằm trong sự vận động”, Mã Tiểu Khiêu còn hoạt bát hơn trước kia nhiều.
Cô chủ nhiệm hỏi:
- Mã Tiểu Khiêu, bố em đã đưa em đi khám chưa?
Tiểu Khiêu thưa:
- Chưa ạ!
- Tại sao thế?
- Bố em nói là: “Cuộc sống nằm trong sự vận động” ạ!
- Bố em hóm hỉnh thật đấy!
Trong vấn đề giáo dục Mã Tiểu Khiêu, cô chủ nhiệm chưa bao giờ kì vọng vào bố của cậu, bởi vì cô thấy ông Mã Thiên Tiếu chỉ giống như một đứa trẻ to xác chẳng có hiểu biết gì cả. Vì thế cô dốc rất nhiều tâm huyết trong việc dạy dỗ Mã Tiểu Khiêu.
- Mã Tiểu Khiêu, cô sẽ chữa bệnh quá hiếu động cho em.
Cô chủ nhiệm bao giờ cũng thích áp đặt người khác như vậy. Tiểu Khiêu chưa đến bệnh viện khám bệnh mà cô đã khẳng định cậu bị mắc chứng quá hiếu động.
Mấy hôm sau, cô hỏi Mã Tiểu Khiêu có thích lên sân khấu biểu diễn vào dịp Tết thiếu nhi mùng 1 tháng sáu không.
Đương nhiên là thích rồi, lúc nằm mơ Tiểu Khiêu còn mong muốn điều đó cơ mà!
Tiết mục của lớp Tiểu Khiêu là vở kịch được dựng theo câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”. Lộ Mạn Mạn sẽ đóng vai Thỏ, Đường Phi đóng vai Rùa. Hai nhân vật chính đã có người nhận rồi, vậy Mã Tiểu Khiêu đóng vai gì?
Cô chủ nhiệm nói:
- Mã Tiểu Khiêu sẽ đóng vai cây cổ thụ!
Tiểu Khiêu hỏi cô đó là cây gì. Lộ Mạn Mạn liền nhanh nhảu trả lời:
- Là cây mà Thỏ sẽ dựa vào đó để ngủ.
Nói là diễn cho oai, chứ thực ra Tiểu Khiêu chỉ là một đạo cụ mà thôi. Mã Tiểu Khiêu sẽ phải cầm hai cành cây, đứng bất động trên sân khấu, không được nói dù chỉ là nửa câu thoại.
Câu chuyện bắt đầu từ khi một con Thỏ gặp một con Rùa dưới gốc cây và cũng kết thúc ở chính gốc cây đó. Vì thế Mã Tiểu Khiêu bắt buộc phải đứng im trên sân khấu từ đầu đến cuối vở kịch.
Mã Tiểu Khiêu giơ cao hai cành cây, mắt tròn xoe nhìn Thỏ Mạn Mạn nhảy qua nhảy lại bên cạnh, Rùa Đường Phi thì bò qua bò lại trước mặt.
Cái cậu Đường Phi cũng ngốc thật! Lời thoại của Đường Phi ngay đến Mã Tiểu Khiêu còn thuộc lòng, vậy mà cậu ta cứ quên liên tục. Mã Tiểu Khiêu không thể nhẫn nại được nên đành nhắc lời thoại cho Đường Phi. Đường Phi không cảm ơn mà còn mách với cô chủ nhiệm.

- Thưa cô, bạn Mã Tiểu Khiêu nói ạ!
Cô chủ nhiệm liền lại gần cảnh cáo Mã Tiểu Khiêu:
- Em phải nhớ rằng em chỉ là một cái cây. Cây thì không được nói gì cả!
Rùa và Thỏ chuẩn bị thi chạy. Thỏ vốn chủ quan nên nằm dưới gốc cây ngủ. Vậy là Lộ Mạn Mạn dựa vào chân Mã Tiểu Khiêu và nhắm mắt lại. Trong lòng, Mã Tiểu Khiêu cảm thấy có đôi chút ghen tị: “Làm nhân vật chính thế này thì sung sướng quá, vừa được đi đi lại lại trên sân khấu một cách kiêu hãnh, vừa được dựa vào chân người khác để nghỉ ngơi. Còn Mã Tiểu Khiêu thì đứng lâu đến tê cả chân, vậy mà cũng chỉ là một đạo cụ mà thôi”. Mã Tiểu Khiêu muốn chọc Lộ Mạn Mạn một chút cho bõ tức, cậu bèn lùi lại phía sau một bước, thế là Lộ Mạn Mạn mất đà ngã kềnh ra đất.
Lộ Mạn Mạn khóc tức tưởi, chạy đi tìm cô chủ nhiệm mách tội Mã Tiểu Khiêu.
Cô Tần vốn đã quý mến Lộ Mạn Mạn, vừa nhìn thấy cô bé khóc là nổi giận đùng đùng.
- Mã Tiểu Khiêu, nếu em còn cố ý phá rối, cô sẽ đổi vai cho người khác, rất nhiều bạn đang muốn diễn vai của em đấy!
Mã Tiểu Khiêu biết, quả thật là rất nhiều bạn muốn diễn vai của cậu. Ví dụ như Trương Đạt hay Mao Siêu chẳng hạn, hai cậu còn tuyên bố rằng: Chỉ đợi cô chủ nhiệm loại Mã Tiểu Khiêu ra là họ sẽ vào thế chân ngay.
Mã Tiểu Khiêu sợ bị cô giáo loại ra khỏi đội kịch, vì thế cậu phân bua rằng cậu không cố ý phá rối, chẳng qua là do hơi mệt thôi.
Cô Tần lại cảnh cáo Tiểu Khiêu lần nữa:
- Mã Tiểu Khiêu, em phải nhớ rõ em chỉ là một cái cây, cây thì không được mệt đâu đấy!
Vì thế trong lúc tập kịch, Mã Tiểu Khiêu luôn tự nhắc mình: “Mã Tiểu Khiêu, mi chỉ là một cái cây, không phải là con người. Cây thì không được nói, không được cử động và cũng không được mệt.”
Cô chủ nhiệm thấy Mã Tiểu Khiêu có tiến bộ nên động viên cậu:
- Mã Tiểu Khiêu, nếu em diễn tốt cô sẽ cho em nói một câu thoại.
- Em không nói đâu!
- Tại sao?
-Vì cô bảo, cây thì không được nói và không được cử động.
Cô chủ nhiệm bật cười:
- Vở kịch của lớp ta là một câu chuyện ngụ ngôn, trong chuyện ngụ ngôn thì động vật cũng biết nói, vì thế cây cũng có thể nói được.
Mã Tiểu Khiêu nói:
- Nếu cây trong truyện ngụ ngôn nói được thì sao lại chỉ nói có một câu? Sao cô không cho em nói vài câu nữa?
- Không được! - Cô chủ nhiệm không để cho Tiểu Khiêu mặc cả. - Chỉ được nói một câu thôi. Nhưng câu nói đó vô cùng quan trọng.
Mãi sau này Mã Tiểu Khiêu mới biết, cái câu vô cùng quan trọng đó là: “Khiêm tốn sẽ làm bạn tiến bộ, kiêu ngạo sẽ khiến bạn lạc hậu”. Cô Tần an ủi Mã Tiểu Khiêu:
- Em đừng coi thường câu nói đó. Câu nói đó chính là bài học mà câu chuyện ngụ ngôn này muốn gửi gắm đến chúng ta.
Để được nói một câu trong kịch bản, Mã Tiểu Khiêu đã phải đứng bất động suốt một, hai tiếng đồng hồ trong buổi tập. Có những lúc Đường Phi không nhớ lời thoại hoặc Lộ Mạn Mạn có sai sót gì đó, có khi phải đứng đến ba, bốn tiếng đồng hồ.
Cuối cùng, cô chủ nhiệm cũng đồng ý cho Mã Tiểu Khiêu nói câu kết của vở kịch.
Mã Tiểu Khiêu đã luyện câu nói này tới hàng trăm lần. Ông Thiên Tiếu nói:
- Khi nói câu “Khiêm tốn sẽ làm bạn tiến bộ, kiêu ngạo sẽ khiến bạn lạc hậu”, con phải dùng một giọng nói đầy trí tuệ.
Mã Tiểu Khiêu không hiểu thế nào là “giọng nói đầy trí tuệ” cả.
Ông Thiên Tiếu làm mẫu một lần cho Tiểu Khiêu xem, điệu bộ của ông làm cậu cười ngặt nghẽo.
- Hoá ra “giọng nói đầy trí tuệ” nghĩa là phải nói kéo dài, ề à như thế sao?
Buổi biểu diễn chính thức hôm mùng 1 tháng sáu, Mã Tiểu Khiêu được mặc một bộ đồ màu nâu, màu của gốc cây. Lúc Tiểu Khiêu cầm hai cành cây màu xanh, trông càng giống một thân cây hơn. Vừa lên sân khấu, tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về phía cậu. Mã Tiểu Khiêu vốn nổi đình nổi đám ở trường vì nghịch ngợm, vì thế tên tuổi của cậu đương nhiên được nhiều người biết hơn Lộ Mạn Mạn và Đường Phi. Mọi người chẳng chú ý gì đến câu chuyện Rùa Thỏ chạy thi mà Lộ Mạn Mạn và Đường Phi đang biểu diễn cả. Họ chỉ chăm chú nhìn Mã Tiểu Khiêu mà thôi.
- Nhìn Mã Tiểu Khiêu đóng vai cây cổ thụ kìa!
- Cậu ấy trông giống cây cổ thụ thật đấy!
- Mã Tiểu Khiêu! Mã Tiểu Khiêu!
Kết thúc vở kịch, Mã Tiểu Khiêu dùng một giọng nói đầy trí tuệ, tức là cái giọng kéo dài, ề ề à à mà bố đã dạy để nói câu kết của vở kịch. Đó cũng là câu linh hồn của vở kịch: “Khiêm tốn sẽ làm bạn tiến bộ, kiêu ngạo sẽ khiến bạn lạc hậu!”
Vừa nói hết câu thì cả hội trường vỗ tay rầm rầm như sấm, khán giả nói cười hoan hỉ.
Những thầy cô đã từng dạy Mã Tiểu Khiêu đều nói rằng, Mã Tiểu Khiêu diễn kịch quá giỏi. Bởi vì một học sinh chân tay mồm miệng không lúc nào yên thậm chí bị nghi ngờ mắc chứng quá hiếu động như Mã Tiểu Khiêu mà phải đóng vai một thân cây đứng im từ đầu tới cuối thì quả thật là khó!
 
Sau mỗi buổi tan học, khoảng thời gian đi bộ từ trường về nhà chính là lúc Mã Tiểu Khiêu cảm thấy hạnh phúc nhất, vì đó là thời gian cậu được hoàn toàn tự do, chẳng có gì phải lo lắng cả.
Một trò khôn vặt


Không có Lộ Mạn Mạn giám sát bên cạnh, cũng không có ánh mắt tinh nhanh hơn cả mắt lửa ngươi vàng Tôn Ngộ Không của cô chủ nhiệm luôn theo dõi cậu. Mã Tiểu Khiêu có thể vừa đi vừa nhảy, đi giật lùi, bắt chước dáng đi tha thướt của những cô gái khuê các thuở xưa hay bắt chước kiểu đi nặng nề của mấy cậu bạn béo phì. Trước kia, Tiểu Khiêu thích đứng ở ngã tư để ngắm nhìn cô cảnh sát giao thông. Cậu vô cùng ngạc nhiên bởi không hiểu tại sao một cô gái xinh đẹp đến thế lại làm cảnh sát giao thông được. Từng động tác của cô hoàn hảo như một diễn viên đang múa trên sân khấu vậy. Mã Tiểu Khiêu bị thu hút bởi cô cảnh sát giao thông xinh đẹp đó nên ngày nào đi học về, cậu cũng đứng ở ngã tư để ngắm nhìn cô, cứ như thế suốt mấy ngày liền.
Nhưng không chỉ mỗi cô cảnh sát thu hút được sự chú ý của Mã Tiểu Khiêu. Ngoài cô, còn có một ông lão chuyên viết thư pháp cho mọi người cũng khiến Mã Tiểu Khiêu chú ý. Chiều nào khi đi học về qua đầu con ngõ nhỏ đó, cậu cũng nhìn thấy ông lão bày một chiếc bàn vuông dưới gốc cây, chăm chú viết.
Ông lão có dáng người gầy gò, gầy đến nỗi đôi má hóp hẳn vào. Cách ăn mặc của ông cũng rất kì quặc: Đầu đội một chiếc mũ trông giống như vỏ quả dưa hấu, cặp kính tròn gác hờ trên sống mũi, người khoác một bộ quần áo đen có hoa văn kiểu đồng tiền cổ.
Rất ít người đến xin chữ, vì thế nhiều khi ông lão chỉ ngồi đó mà chẳng có việc gì làm cả. Thấy Mã Tiểu Khiêu đang chăm chú nhìn, ông lão liền vẫy tay gọi:
- Cậu bé, lại đây! Giở vở bài tập cho ông xem cháu viết chữ có đẹp không nào?
Chữ của Tiểu Khiêu không được đẹp cho lắm, chữ nghiêng chữ ngả cứ như kiến bò vậy. Vì thế, cậu ngần ngại không dám đưa ra.
- Chữ của cháu xấu lắm ạ!
- Chắc chắn là tại thầy viết không đẹp nên trò mới viết xấu!
Tiểu Khiêu không hài lòng với việc ông lão coi thường cô chủ nhiệm:
- Giáo viên chủ nhiệm lớp cháu viết chữ đẹp lắm. Nếu ông không tin, để cháu lấy cho ông xem!
Trong cặp của Mã Tiểu Khiêu luôn có quyển sổ liên lạc. Ngày nào cô chủ nhiệm cũng ghi ý kiến về thái độ học tập ở lớp của Tiểu Khiêu vào sổ và bắt cậu mang về nhà cho bố xem, lại còn yêu cầu bố cậu phải nhận xét và kí tên vào đó, hôm sau lại mang đến nộp cho cô. Mấy ngày đầu, ông Thiên Tiếu còn ghi được vài dòng, sau đó ông thấy việc đó thật phiền phức. Mã Tiểu Khiêu cũng thấy thật phiền phức nên thường xuyên quên không đưa sổ liên lạc cho bố. Và vì thế ngày hôm sau, Mã Tiểu Khiêu lại bị gọi lên văn phòng. Cứ mỗi lần như vậy, Tiểu Khiêu lại chỉ nhớ mang sổ liên lạc về cho bố xem được vài hôm.
Ông Thiên Tiếu thích những công việc mang tính sáng tạo, vì thế nếu ngày nào cũng phải làm cái việc ghi ý kiến và kí tên thì thật nhàm chán. Trong cuốn sổ liên lạc chỉ thấy cô chủ nhiệm ghi những ý kiến đại loại như “quá hiếu động”, “quá nghịch ngợm”, rồi là “vô kỉ luật” vân vân và vân vân… Nhưng không nghịch ngợm thì sao gọi là con trai chứ? Vì thế, ông hầu như không cần xem cô giáo viết gì, chỉ hạ bút kí một chữ trông như rồng bay phượng múa ngay phía dưới lời nhận xét của cô chủ nhiệm, giống như ông thường kí văn bản giấy tờ ở xưởng sản xuất đồ chơi vậy.
Cô chủ nhiệm của Mã Tiểu Khiêu vô cùng bực mình bởi hành vi vô trách nhiệm với con cái của ông Mã Thiên Tiếu. Chiều hôm nay, cô bảo Tiểu Khiêu:
- Nếu bố em chỉ kí tên mà không ghi ý kiến vào sổ liên lạc thì cô sẽ mời bố em đến trường gặp cô đấy!
Mã Tiểu Khiêu rất sợ cô chủ nhiệm mời bố đến trường, vì cậu đã từng tận mắt chứng kiến cảnh bố cậu ngồi một cách ngoan ngoãn và ngay ngắn trước mặt cô Tần để nghe cô giáo huấn. Bộ dạng của bố như thế trông thật tội nghiệp!
Mã Tiểu Khiên lấy quyển sổ liên lạc ra cho ông lão xem, cuốn sổ dày đặc những dòng chữ của cô Tần. Ông lão không bình luận chữ cô đẹp hay xấu, chỉ nói rằng đó là chữ của phụ nữ.
- Sao ông biết là chữ của phụ nữ ạ? - Mã Tiểu Khiêu bỗng thấy ông lão có vẻ thần bí.
Ông lão không trả lời mà chỉ vào chữ kí của bố Tiểu Khiêu rồi nói:
- Đây là chữ kí của đàn ông.
- Đó là chữ kí của bố cháu. Bố cháu đúng là đàn ông! - Mã Tiểu Khiêu càng cảm thấy ngạc nhiên. - Thế chữ đàn ông và đàn bà viết khác nhau ạ?
- Không hẳn thế. - Ông lão lắc đầu, nói một cách chậm rãi. - Ví dụ như ông vừa viết được chữ của phụ nữ, vừa viết được chữ của đàn ông.
- Ông thử viết cháu xem nào!
Ông lão trải một tờ giấy trắng ra, nhìn cuốn sổ liên lạc và bắt chước chữ viết của cô chủ nhiệm, sau đó lại bắt chước chữ kí của bố Tiểu Khiêu rồi đưa cho cậu xem:
- Cháu nhìn này, đây là chữ của phụ nữ, còn đây là chữ của đàn ông. Giống thật! Quả thật là rất giống! Mã Tiểu Khiêu chợt nhận ra một điều, cái giỏi nhất của ông lão viết thư pháp chính là bắt chước chữ viết của người khác. Trước kia thấy những người đến thuê ông lão viết chữ, Mã Tiểu Khiêu thường thắc mắc rằng: Họ trông đều có vẻ được học hành đàng hoàng, tại sao phải thuê ông lão viết chữ hộ?
- Không những ông có thể bắt chước được chữ của đàn ông và chữ của phụ nữ mà còn bắt chước được cả chữ trẻ con nữa đấy! Nếu không tin thì thử viết mấy chữ vào đây!
Mã Tiểu Khiêu viết lên tờ giấy mấy chữ nghiêng nghiêng ngả ngả, trông như những con kiến đang bò.
Ông lão cũng bắt chước theo nét chữ của cậu, chữ viết của ông cũng nghiêng nghiêng ngả ngả như kiến bò, giống hệt chữ của Mã Tiểu Khiêu!
Mã Tiểu Khiêu chợt nghĩ đến bài chính tả cô giao ngày hôm nay. Tiểu Khiêu giống hệt bố cậu, ghét nhất là phải làm những công việc thiếu tính sáng tạo như ngồi làm bài chính tả.
- Ông bắt chước chữ của cháu giống quá, hay là ông viết hộ cháu bài tập chép đi!
Ông lão nghiêm mặt, kiên quyết lắc đầu.
Mã Tiểu Khiêu sờ túi quần, lôi ra hai đồng tiền xu:
- Cháu biếu ông hai đồng vậy!
- Dù cháu có biếu hai trăm đồng hay hai ngàn đồng thì ông cũng không viết. - Ông lão lộ vẻ thất vọng, đôi mắt ông nhiều lòng trắng hơn lòng đen, trông như hai quả bóng bàn. - Ông không thể vì tiền mà làm hỏng trẻ con cháu ạ!
Có thể nhận ra rằng ông lão viết thư pháp rất yêu trẻ con.
- Vậy ông viết ý kiến phụ huynh giúp bố cháu được không ạ?
- Ý kiến gì?
Mã Tiểu Khiêu đưa ông lão xem nhận xét của cô chủ nhiệm trong cuốn sổ liên lạc: “Hôm nay bài chính tả của Mã Tiểu Khiêu không đạt yêu cầu. Đề nghị phụ huynh tăng cường đôn đốc con về việc học tập.”
- Ông hãy giả làm bố cháu, viết giúp cháu mấy ý kiến rồi kí tên bố cháu được không?
Ông lão cầm cây bút, suy nghĩ một hồi lâu mà vẫn chưa dám hạ bút viết.
- Đơn giản thế mà ông cũng không viết được sao? Hay để cháu đọc cho ông viết nhé!
Mã Tiểu Khiêu bắt đầu đọc cho ông lão viết:
“Thưa cô giáo chủ nhiệm, sau khi biết bài chính tả của Mã Tiểu Khiêu không đạt yêu cầu, tôi đã nổi trận lôi đình đánh cho cháu một trận nhừ đòn. Tôi đảm bảo bài chính tả ngày mai của cháu sẽ đạt mười điểm.”
Ông lão nói:
- Cái từ “nổi trận lôi đình” dùng trong trường hợp này có vẻ hơi khoa trương.
Mã Tiểu Khiêu đáp:
- Không hề khoa trương chút nào ạ. Bình thường bố cháu không mấy khi tức giận, nhưng hễ tức giận là “nổi trận lôi đình” ngay!
Ông lão lại nói:
- “Tôi đảm bảo bài chính tả ngày mai sẽ đạt mười điểm.” Thế nhỡ không đạt mười điểm thì sao?
Mã Tiểu Khiêu thấy quả thật đây cũng là một vấn đề lớn. Nhưng chỉ cần cô chủ nhiệm nhìn thấy hài lòng là được, nghĩ làm gì nhiều!
Nhưng ông lão thật sự lo lắng cho Tiểu Khiêu:
- Thế chắc chắn cháu sẽ cố gắng để bài chính tả ngày mai được mười điểm chứ?
Mã Tiểu Khiêu trả lời rất dứt khoát:
- Bây giờ nếu ông viết giúp cháu thì chắc chắn ngày mai cô sẽ cho cháu mười điểm!
Ông lão viết thư pháp nghĩ, đằng nào thì cũng đang rỗi việc. Thế là ông ngồi ngay ngắn lại, bắt đầu nắn nót bài tập viết cho Mã Tiểu Khiêu.
 
Hôm nay Mã Tiểu Khiêu được mười điểm môn chính tả. Quả là chuyện Sao Hoả đâm vào Trái đất, không ai có thể tin nổi.
Kẻ tám lạng, người nửa cân


Nhưng đó lại là sự thật trăm phần trăm: Bài chính tả hôm nay của Mã Tiểu Khiêu được cô cho mười điểm!
- Chắc Mã Tiểu Khiêu nhìn bài của Lộ Mạn Mạn thôi!
Mỗi lần cô giáo chủ nhiệm chấm bài chính tả, Lộ Mạn Mạn đều được mười điểm.
Buổi chiều sau giờ tan học, cô chủ nhiệm gọi Mã Tiểu Khiêu lên văn phòng.
- Tiểu Khiêu, cô sẽ đọc cho em chép lại bài chính tả ngày hôm nay một lần nữa nhé!
Nét mặt cô không hề có biểu hiện gì cả, không ai biết cô đang vui vẻ hay giận dữ. Cô lật quyển vở chính tả của Mã Tiểu Khiêu sang một trang mới và bài chính tả bắt đầu. Cô đọc chữ nào, Mã Tiểu Khiêu viết ngay chữ đó. Vì cậu viết nhanh nên bài chính tả cũng mau chóng kết thúc.
Cô chủ nhiệm cầm cuốn vở lên xem qua một lượt, bài chính tả của Mã Tiểu Khiêu đúng là không hề có sai sót nào. Cô lại giương mục kỉnh lên xem lại lần nữa nhưng tất cả các chữ đều viết đúng chính tả.
- Em tiến bộ nhiều rồi đấy. Cô rất vui vì điều này!
Cuối cùng thì khuôn mặt cô cũng xuất hiện một nụ cười. Những lúc cô Tần cười, trông cô vừa thân thiện vừa xinh đẹp, chỉ tiếc rằng rất ít khi thấy nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt cô. Mã Tiểu Khiêu cảm thấy tiếc thay cho cô chủ nhiệm.
- Em thấy không, chỉ cần bố em chịu khó kèm một chút là em tiến bộ ngay. Chứng tỏ từ trước tới nay, bố em không hề kèm em học.
Mã Tiểu Khiêu cúi đầu, cậu không dám nhìn thẳng vào mắt cô chủ nhiệm vì sợ rằng cô sẽ phát hiện ra điều gì đó.
- Bố em đánh vào đâu? Để cô xem nào!
- Dạ, đánh vào mông ạ!
Thực ra Mã Tiểu Khiêu không hề bị bố đánh nên làm gì có vết tích?
Cậu nghĩ chắc cậu nói bị đánh ở mông thì cô sẽ không dám xem, vì cô là phụ nữ mà!
Quả thật là cô Tần không dám xem. Cô viết mấy dòng chữ vào cuốn sổ liên lạc và bảo Mã Tiểu Khiêu mang về cho bố cậu kí.
Trên đường về nhà, Tiểu Khiêu lôi cuốn sổ liên lạc ra xem. Hôm nay cô chủ nhiệm viết:
“Hôm nay Mã Tiểu Khiêu có tiến bộ. Tôi mong rằng phụ huynh sẽ đôn đốc Mã Tiểu Khiêu học thuộc hai bài thơ cổ. Đối với những đứa trẻ như Tiểu Khiêu, không nên lơ là dù chỉ một phút.”
Mã Tiểu Khiêu lại đến gặp ông lão viết chữ thuê ở đầu con ngõ nhỏ.
Mặt bàn của ông lão viết thư pháp vẫn trống không, chẳng có ai đến thuê ông viết chữ cả. Ông lão ngồi đó, dùng một que diêm để ngoáy ráy tai, mải mê đến nỗi miệng méo xệch cả xuống.

Mã Tiểu Khiêu đi tới, đặt cuốn sổ liên lạc xuống mặt bàn trước mặt ông lão viết chữ thuê.
- Cháu đọc cho ông viết nhé!
Ông lão cũng chẳng buồn nói thêm câu nào. Mã Tiểu Khiêu bảo viết thì viết, đằng nào cũng đang nhàn rỗi, có cái để viết còn hơn là chẳng có gì để làm.
Mã Tiểu Khiêu bắt đầu đọc cho ông lão viết:
“Thưa cô giáo chủ nhiệm! Sự tiến bộ ngày hôm nay của cháu Tiểu Khiêu nhà chúng tôi chẳng có gì đáng kể. Thực ra cháu Tiểu Khiêu nhà chúng tôi còn thông minh hơn cả Lộ Mạn Mạn. Vấn đề ở chỗ cô giáo không tin tưởng vào cháu, ví dụ như hôm nay cô đã bắt cháu phải viết lại bài chính tả.”
Ông lão hỏi:
- Hết rồi à?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Hết rồi ạ!
- Ông thấy chưa được thoả đáng lắm!
Tiểu Khiêu không hiểu “thoả đáng” là cái gì cả. Cậu yêu cầu ông lão viết chữ thư pháp phải nói ngôn ngữ hiện đại, đừng nói ngôn ngữ cổ với cậu.
Ông lão nheo nheo mắt đọc:
- “Thực ra Tiểu Khiêu nhà chúng tôi còn thông minh hơn cả Lộ Mạn Mạn...”. Câu này nghe có vẻ “dương dương tự đắc” quá!
- “Dương dương tự đắc” là gì ạ?
- Có nghĩa là hơi khoe khoang.
- Lộ Mạn Mạn mới là người khoe khoang! - Nhắc đến Lộ Mạn Mạn, Tiểu Khiêu lập tức cảm thấy đố kị. - Cô chủ nhiệm lúc nào cũng coi Lộ Mạn Mạn là người giỏi giang, còn cháu thì chẳng có gì là tài giỏi cả.
- Thế thì cô chủ nhiệm của cháu quá thiên vị rồi!
- Ông ơi, “thiên vị” nghĩa là gì ạ?
Ông lão chỉ vào ngực cậu:
- Trái tim của chúng ta luôn luôn ở bên trái, còn trái tim của cô giáo chủ nhiệm cháu có lẽ bị lệch sang bên phải, như thế gọi là thiên vị.
Tiểu Khiêu nghĩ thấy cũng phải, rất có thể trái tim của cô Tần bị lệch chỗ.
Tiểu Khiêu cất cuốn sổ liên lạc vào cặp rồi định đứng dậy về nhà. Ông lão gọi cậu quay lại và nhắc rằng, cậu vẫn chưa học thuộc hai bài thơ cổ. Đó là điều mà cô giáo chủ nhiệm yêu cầu cậu trong sổ liên lạc.
Ông lão viết thư pháp dạy Tiểu Khiêu học thuộc lòng bài thơ cổ bằng một phương pháp đặc biệt. Trước hết ông bảo Tiểu Khiêu tìm những từ vần với nhau trong câu thơ, sau đó mới học thuộc. Quả nhiên, Tiểu Khiêu chỉ đọc ba lần đã thuộc làu làu.
Hôm nay, cô giáo chủ nhiệm lại gọi Tiểu Khiêu lên văn phòng.
Mã Tiểu Khiêu nghĩ rằng cô giáo sẽ lại biểu dương cậu vì hôm nay cậu đọc thuộc lòng cả hai bài thơ, không sai một chữ nào.
Hình như cô chủ nhiệm vô cùng bực dọc, cô giở soàn soạt cuốn sổ liên lạc tới trang giấy mà hôm qua ông lão thư pháp vừa mới viết rồi hỏi Mã Tiểu Khiêu:
- Bố em viết thế này là có ý gì, hả?
Mã Tiểu Khiêu không lên tiếng, cậu đang đợi cô chủ nhiệm nói tiếp.
- Dựa vào cớ gì mà bố em nói rằng em thông minh hơn Lộ Mạn Mạn, hả?
Mã Tiểu Khiêu vẫn im lặng. Dường như cậu đã đoán ra câu nói tiếp theo của cô giáo.
- Tại sao bố em nói cô không tin tưởng em, hả?
Nhìn cô chủ nhiệm phẫn nộ như vậy, cậu thấy hơi hoảng sợ.
- Không ạ, ý bố em là...
- Ý là gì?
Giọng nói của cô chủ nhiệm ngày càng trở nên bức xúc, nhưng ngay lập tức cô nhận ra rằng không nên xả giận lên Mã Tiểu Khiêu.
Cô viết vào cuốn sổ liên lạc rằng:
“Là một phụ huynh thì nên đánh giá con cái một cách khách quan, có thế mới giúp ích cho sự phát triển lành mạnh của đứa trẻ.”
Mã Tiểu Khiêu lại đến gặp ông lão viết thư pháp. Ông lão vẫn chưa có việc gì làm nên đang ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi.
- Cháu đọc cho ông viết nhé!
Ông lão tỉnh hẳn. Ngày hôm nay ông chỉ mong ngóng đến giờ Mã Tiểu Khiêu quay trở lại.
Trước khi viết, Mã Tiểu Khiêu không quên hỏi ông lão:
- Thế nào gọi là “đánh giá khách quan” ạ?
- “Đánh giá khách quan” nghĩa là khi nhìn một sự vật thì phải nhìn hai mặt, nhìn mặt phải rồi nhìn cả mặt trái nữa. Nói tóm lại là muốn đánh giá sự vật gì thì phải nhìn bằng nhiều góc độ khác nhau.
Mã Tiểu Khiêu đã hiểu ra:
- Vậy “Đánh giá con cái một cách khách quan” có nghĩa là nếu đánh giá khuyết điểm thì cũng nên đánh giá cả ưu điểm của con cái phải không ạ?
Ông lão vươn cổ ra, “ừm” một tiếng.
Mã Tiểu Khiêu lại đọc, ông lão lại bắt đầu viết:
“Cô giáo cũng nên đánh giá học sinh một cách khách quan, không được thiên vị.”
Không cần đoán cũng biết hậu quả của ngày hôm sau thế nào. Hai từ “thiên vị” đã khiến cô chủ nhiệm tức giận đùng đùng, nếu không mời bố Tiểu Khiêu đến làm cho ra nhẽ thì không thể chịu được. Ông lão viết thư pháp đương nhiên không dám mạo hiểm giả danh ông Mã Thiên Tiếu đến trường được. Vì thế Mã Tiểu Khiêu đành phải đánh liều, đợi lúc bố vui vẻ mới dám báo cái tin không hay ho đó.
 
×
Quay lại
Top