Lời phê mạt sát gây nguy hiểm cho tâm lý học trò

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nhiều giáo viên có những lời phê vào bài kiểm tra của học sinh gây sốc: "Em là nỗi nhục của bộ Giáo dục", "Em học rất giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh"..

Khi thầy cô 'chụp mũ' học trò

Thời gian gần đây dư luận xã hội liên tiếp "sững sờ" trước những lời phê của các thầy cô giáo trong bài kiểm tra của học sinh. Đây là những bài kiểm tra có chất lượng kém nhưng những lời phê này vẫn khiến nhiều người giật mình. Trong một bài kiểm tra tiếng Anh, đề bài yêu cầu học sinh ghi lại nội dung bài tiếng Anh do cô giáo đọc.

Thay vì ghi lại nội dung bằng tiếng Anh, học sinh lại dùng tiếng Việt để ghi lại âm tiếng Anh do cô giáo đọc như sau: "Maria quoát xờ côn. En i lờ vi... Mu pờ đờ tu gờ u ét ây..."

Trước đó, cư dân mạng cũng từng bàn luận về những bài kiểm tra có lời phê "bá đạo". Bài kiểm tra tiếng Anh 45 phút của học sinh lớp 11 có tên L.T.H này đã được cho điểm 0 cùng lời phê: "Em học rất giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh".

Thậm chí, bài kiểm tra môn địa lý của một học sinh lớp 11 đã bị cô giáo phê khá nặng lời: "Em là nỗi nhục của bộ Giáo dục". Bài kiểm tra được cho 1,5 điểm. Không hiểu kết quả học tập tất cả các môn của em học sinh đó như thế nào mà cô giáo phê những lời như vậy.

Có ý kiến cho rằng: Học sinh có thể hôm nay làm bài tốt, nhưng ngày mai có bài chưa tốt. Chỉ dựa vào kết quả của một bài kiểm tra mà đánh giá học sinh theo kiểu nặng nề, áp đặt như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của học sinh. Có người lại cho rằng, cách phê như vậy không thể khiến học sinh cố gắng mà chỉ cho học sinh cảm thấy tủi thân và xa lánh môn học cũng như ngại gặp cô giáo bộ môn.

Ở một đề văn: "Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội có những nét nổi bật nào trong đời sống của Liên?", học sinh chỉ làm rất ngắn và sơ sài. Nếu như cô giáo chỉ phê bài viết của học sinh kia dựa trên kết quả bài viết thì sẽ không có gì phải bàn.

Tuy nhiên, giáo viên này lại có cách phê rất riêng: "Lười học văn. Suy ra khó thành người tử tế". Với cách phê này, có người đồng tình, vì với những bài văn làm cẩu thả sơ sài cần phải phê nghiêm khắc. Tuy nhiên, nhiều người phản ứng dữ dội vì cho rằng việc giáo viên phê như trên là quy chụp. Bởi lẽ, học sinh có thể không học giỏi đều các môn.

Bên cạnh đó, không phải lười học bộ môn văn là không thể trở thành người tử tế. Có những người học rất giỏi văn, nhưng khi sống vẫn chưa biết kính trên nhường dưới, chưa biết lễ nghi phép tắc, trong khi đó có những người không được đến trường vẫn là những công dân tốt. Muốn học sinh cố gắng học tốt, thầy cô giáo cần phải có những lời phê nghiêm khắc nhưng cũng cần có những lời động viên để học sinh phấn đấu.

giao%20duc%20thay%20co.JPG

Lời nói và hành động của giáo viên tác động lớn đến tâm lý, hành động của học sinh.

Trao đổi với PV , TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước việc giáo viên nhận xét, phê vào bài kiểm tra của học sinh như vậy.

Theo ông, vấn đề đánh giá học sinh qua bài làm rất quan trọng. Lời phê sẽ khích lệ học sinh phát triển, để các em có niềm tin vào cuộc sống, vào chính bản thân mình. Những lời nhận xét mạt sát, thiếu khích lệ học sinh sẽ rất nguy hiểm.

Năng lực sư phạm kém

"Trong một nền giáo dục hiện đại, công tác đánh giá không phải chỉ căn cứ vào điểm số, lực học hiện tại mà phải làm sao khích lệ được học sinh cố gắng học tập phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới. Còn những lời nhận xét của giáo viên khiến các em chán nản, tự ti, không còn động lực học tập sẽ rất phản giáo dục.

Đối với những giáo viên đưa ra những nhận xét như thế là rất vô trách nhiệm, thiếu đạo đức của một người làm công tác giáo dục, đứng trên bục giảng. Khi giáo viên đã không tôn trọng học sinh thì học sinh cũng sẽ không tôn trọng giáo viên. Điều này dẫn đến việc thầy cô bảo, trò không nghe, không giáo dục được học sinh của mình", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Dưới góc độ một nhà tâm lý giáo dục, thầy giáo nghỉ hưu Nguyễn Văn Thú (Bắc Ninh) cho rằng, những giáo viên có lời phê như vậy là chưa tiếp cận được khoa học giáo dục mà chỉ đánh giá hiện tại, chỉ dựa vào kinh nghiệm của mình để mạt sát, xúc phạm học sinh, điều này vô cùng nguy hiểm đối với tâm lý của học sinh.

Biết nhận xét, đánh giá một cách khoa học, đúng đắn sẽ không gây cho học sinh những phản ứng tiêu cực, chống đối. Các thầy cô giáo có những nhận xét phản giáo dục như vậy cần nhận thức lại cách đánh giá, nghiệp vụ sư phạm của mình một cách nghiêm khắc, đúng đắn và nên chủ động tiếp cận với những phương pháp đánh giá khoa học hiện đại để không bị lạc hậu.

Tiến sỹ Ngữ văn, Nguyễn Văn Điệp, viện Văn học phân tích: "Sở dĩ có chuyện giáo viên phê vào bài học sinh những lời thiếu tính giáo dục như trên là bởi các giáo viên đó có năng lực sư phạm kém. Lời phê rất quan trọng, nếu các thầy cô giáo phê vào bài của học sinh không đúng chuẩn mực sư phạm sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của học sinh".

Vị tiến sỹ này cũng cho rằng, hiện nay ở một số ngành trong đó có ngành giáo dục còn bộc lộ một số hạn chế từ thời bao cấp để lại, đào tạo vẫn còn nửa vời. Lương thấp cũng là một vấn đề khó thu hút được người tài vào lĩnh vực sư phạm. Trong môi trường sư phạm không có nhiều cạnh tranh nên người giỏi không chịu nâng cao năng lực, người kém không cố gắng, bởi vậy mà có những lời phê lạ, phản cảm như vậy.

Hệ quả như hiện nay không thể đổ lỗi cho một vài cá nhân mà phải nhìn tổng thể từ khâu tuyển sinh đại học, đào tạo và tuyển dụng. Nguy hại hơn nữa, có trường hợp, giáo viên không muốn đi dạy, không yêu nghề nhưng do không có nghề gì làm nên buộc phải đi dạy.
Theo nguoiduatin
 
×
Quay lại
Top