Khói bếp

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
'Khói', nó sẽ chẳng có liên quan gì nếu bạn từng lớn lên ở chốn phồn hoa, đô thị. Và cũng chẳng có chút thú vị gì nếu bạn là một đứa trẻ thôn quê đã quên mất mùi khói bếp.


h6a.jpg


Mùi khói và thời gian rồi cũng sẽ nhạt nhòa, vậy mà chiều nay giữa lòng thành phố, tôi chợt khóc thầm và nghe tim mình nhớ nhung đến lạ thường. Tôi thực sự nhớ thứ được gọi là sương khói bếp quê.

Là một người ưa hoài niệm, nhiều lúc tôi ngẩn ngơ, tự hào về vẻ đẹp chốn thôn quê mà không phải ai cũng trải qua và hiểu được giá trị của nó. Tôi sinh ra tại một làng chài nhỏ bé ở dải đất nắng gió ven biển miền Trung, nơi ấy nhà cửa san sát, con người chan hòa yêu thương nhau dù quanh năm làm lụng vất vả.

Hình ảnh "khói" xuất hiện trong tôi là những ngày còn thơ bé, khi cuộc sống ở làng quê chưa phát triển như bây giờ, nhưng cũng đỡ được phần nào so với thời ba mẹ tôi còn nhỏ. Khói làm tôi nhớ về đến hình ảnh mệ nội (bà nội) hồi lên 7, lên 8.

Ngày đó, tôi thường hay bày trò nhất trong đám trẻ cùng xóm nên thường bị nội la mắng, biết không khiến đứa cháu của mình sợ hãi, vì thế, nội thường dọa mách chú và mẹ tôi. Nếu tôi vẫn tỏ thái độ không nghe lời thì kết quả thế nào, chắc các bạn cũng biết. Những trận đòn của mẹ càng mạnh mẽ hơn, khiến tôi ám ảnh cả đời.

Ngày xưa, ở thôn quê, nhà nào cũng dùng bếp củi hay bếp than chứ không có những chiếc bếp ga hay bếp điện như thời nay. Để tôi tả thêm đôi chút về cái bếp của nội. Nó được đặt trong cái lều bé, được chia thành hai gian nhỏ, một gian được nội nuôi gà, gian còn lại là nơi nấu ăn kiêm nhà kho.

Phần nền chỗ đất, chỗ đá vôi. Nhà cũng được xây bằng đá vôi, kiểu và hình thức của dân Cảnh Dương xưa. Gian bếp của nội chất đầy củi nhặt được ở đê kè hay cành cây khô ở xưởng đóng thuyền, một số mua của những người bán rong, hoặc nội được bạn bè, hàng xóm cho. Sau đó, củi được chặt ra thành những mản nhỏ và chất gọn gàng ở xó bếp.

Thuở ấy, trong đầu óc ngây thơ của lũ trẻ tụi tôi, cái bếp kia chẳng có gì đẹp đẽ, có chăng nó chỉ được nhớ đến khi bụng đói cồn cào mà trên tay lúc đó là củ khoai, củ sắn hay miếng cơm cháy còn sót lại sau bữa trưa. Khi ấy, phần lớn thời gian chúng tôi đang lêu lổng ở khu nhà hoang bên cạnh nhà.

Mờ sáng, khi sự yên tĩnh vẫn còn ngự trị, nội tôi đã nhóm lửa cho bếp hồng, khói bắt đầu len lỏi khắp ngả, đó là khói của thanh củi khô đang cháy, của ấm nước chè tỏa hương thơm phức, khói của nồi cám heo đặc kẹo cho đàn lợn đang tuổi vỗ béo... Màn đêm dần thắp sáng bởi sự đánh thức của làn khói kia, gà cũng lên giọng gọi chào ông mặt trời. Làn khói ơi! Xin đừng làm cay đôi mắt nội tôi ngày ấy và của tôi như bây giờ.

Ngày ấy, tôi cũng thỉnh thoảng dậy sớm cùng nội, lý do đơn giản bởi làn khói kia đánh thức, tôi nhớ khoảnh khắc được ngồi trước đống lửa hồng cháy rực, kỷ niệm ngày thơ cứ thế ùa về trong trẻo.

Có thể chính gian bếp nhỏ đó đã cho tôi ngửi hết mọi thứ dân dã: mùi cơm chín, mùi của nồi cám heo, mùi món cá kho, mùi mỡ heo... Có nhiều người, trong đó có cả tôi đã từng đứng trước làn khói bếp nghi ngút và tự phong cho mình làm ông bụt có phép màu như trong chuyện cổ tích trước sự thán phục của vài thằng bạn. Cũng từ nơi đó, khuôn mặt chúng tôi lấm lem đầy nhọ nồi, trông không khác gì Bao Công xử án. Mỗi lần tắm cho tôi, mẹ cũng đánh cho vài cái bên mông.

Quê nhà tôi ngày ấy phủ trong làn khói của sương sớm hay chiều xuống, tôi nhớ vô cùng túp lều nhà nội, rộng hơn chút là cái xóm nhỏ của thôn Đông Tỉnh. Những ngày đông về, những gia đình dùng bếp lửa hồng sẽ thấy đỡ hơn phần nào trước cái lạnh tê tái, hoặc tất cả mọi người có thể xum vầy bên nhau nhấm nháp món bắp (ngô) hay cá trích nướng thì ngon hết chỗ chê.

Không chỉ có những ngày đông giá rét, mà còn những ngày hè nhiều nắng, nắng vàng nhẹ của ngày mới xuyên qua khe cửa nhà bếp, chỉ chờ cơn gió khẽ thổi là khói hòa quyện vào đó để vi vu, lênh đênh cùng vạt nắng mai, cuốn trôi những ngày bé thơ của tôi đi mãi, xa mãi.

Đơn giản chỉ là khói thôi, nhớ đến hình ảnh khói bếp vào những ngày tết, tôi hồi tưởng nồi bánh chưng sôi sùng sục, có cả mùi xôi chín, mùi giò heo luộc... Chỉ cần ngồi trước đống lửa trông thôi cũng đủ khiến tôi hồi hộp, xao xuyến đến lạ thường.


1504535-10152614506631785-2018-6980-2541-1440055823.jpg


Đứng ở một nơi xa, vô tình thấy làn khói phương xa trôi dạt, tôi biết sẽ có người vui, kẻ buồn. Vui vì những đứa con tha thương háo hức cho bữa cơm đoàn tụ trong dịp lễ tết. Còn buồn vì không thể về nhà để xem người thân có khỏe mạnh không? Có vội vàng trong những ngày giáp tết?

Không chỉ là những lúc bình minh đến, khi hoàng hôn trầm mình lại, ngay cả không gian chạng vạng, tôi vẫn thấy bếp nhà nội đang đỏ lửa, nhắc nhở tôi không quên những thứ đơn sơ, đã gắn bó suốt một thời thơ ấu. Tôi thấy ba tôi, gia đình nhỏ của tôi đang cười nói rôm rả trong mâm cơm ngày tết. Chỉ thế thôi mà sao thân quen đến vậy!

Bếp lửa thôn quê là biểu tượng cho sự ấm no, hạnh phúc. Khi rời xa quê nhà, tôi vẫn luôn vô thức nhớ về nó. Ở thành phố phồn hoa, bếp ga, nồi cơm điện, bếp từ... đã thay thế bếp củi mất rồi. Tôi thầm nghĩ bếp lửa như nhắc chúng ta về những phong tục, tập quán, là cội nguồn, là truyền thống.

Mỗi khi tết đến xuân về, người dân ở Cảnh Dương luôn háo hức chờ đợi đêm giao thừa - khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, và lửa trại được đốt lên để thể hiện sự may mắn, niềm vui trong năm mới, đồng thời cũng là sự quyến luyến, tiễn biệt năm cũ sắp qua đi.

Những ngọn lửa được chúng tôi đem về sau tiếng chuông ở nhà thờ tổ, đem ngọn lửa về thắp sáng bàn thờ, bếp than, bếp củi, mang sự may mắn, ấm no cho gia đình trong dịp năm mới. Đã chín cái tết tôi thay ba đem ngọn lửa may mắn về nhà.

Ôi, tuổi thơ, những buổi chiều của năm cũ, có ba và mẹ, cả tôi nữa cũng đang háo hức chuẩn bị cho ngày tết. Tôi thấy tôi ngày ấy với những giấc mơ vuông tròn.

Nhà thơ Phan Ngọc Hải đã viết :

"... Mai mỏi cánh, chim vọng về chốn cũ,

Tìm bình yên... nhen nhóm bếp quê nhà

Nơi coi giữ cả một trời thơ ấu

Thuở chiều êm

Cháu ngủ rụng vai bà".

Hay của nhà thơ Nguyên Hồng:

"Lang thang lọn khói bếp quê

Sớm mai lan tỏa bên lề mái tranh

Hòa cùng sương sớm long lanh

Mơ giăng đồng trũng, lúa xanh bùn ngầu

Nội nghèo gồng gánh bán bưng

Nhớ giành giề cháy thơm lừng cháu yêu

Cay cay khói bếp buổi chiều

Mẹ ngồi lửa hắt lieu xiêu bong buồn

Mặt trời xế tắt hoàng hôn

Gù gù..gà mẹ gọi con về chuồng

Bếp nghèo bên khói dạ tuôn

Mà lòng ấm áp tình thương quê nhà

Nhắn ai dẫu có đi xa

Đồng quê khói bếp vườn nhà đừng quên"...

h6a-1.jpg


Dù cuộc sống hiện tại đã làm phai mờ những hình ảnh khói bếp xưa nhưng chúng ta đôi lúc sẽ nghĩ về những ngày thơ bé đầy thiếu thốn đã qua. Tôi thèm lắm một lần trở về với túp lều, cái bếp củi cũ, tha hồ hít căng làn khói ngày ấy, bên nội trông coi nồi nước chè mỗi sáng sớm, lấm lem quần áo, mặt mũi của nhọ nồi. Đứng ở góc trời xa xứ, tôi lặng nhìn ngắm làn khói lam chiều nhè nhẹ bay qua khung trời tuổi thơ, để yêu thêm sự bình dị, mộc mạc một thời mà biết đâu tìm lại?

Đêm nay thật dài, có một bài hát vang lên đâu đó nơi xóm trọ nhỏ, trong sự yên tĩnh bao trùm:

"Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ... Ngày ấy, ngày ấy đâu rồi?"...

Tôi đoán rằng, chắc một cô, cậu sinh viên đang nhớ quê, nhớ mùi khói bếp nên thao thức như tôi lúc này chăng?

...Nhớ mùi hương khói bếp quê nhà.

Theo VnExpress
 
×
Quay lại
Top