Khổ sở với “ngoài học phí”

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Bên cạnh học phí, nhiều khoản phụ phí đang được một số trường đại học, cao đẳng “hợp thức hóa”.
tang-hoc-phi1.jpg
Chiều 14-9, dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi cùng cha con tân SV M. (quê Gò Công, Tiền Giang) đi làm thủ tục nhập học ở Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Đủ loại phí bắt buộc
Sau khi đóng học phí (HP) 9,98 triệu đồng/năm, cha con M. được hướng dẫn đóng... phí câu lạc bộ. Người cha trạc 50 tuổi dè dặt hỏi: “Hổng đóng phí câu lạc bộ gì đó được hông cô?”. Một nữ nhân viên tay vẫn viết, không ngẩng mặt lên, đáp: “Ở phổ thông (THPT) con chú cũng học thể dục mà”. Nói rồi trong khi người cha đóng 185.000 đồng thì M. cầm viết đánh đại vào môn taekwondo trong danh sách các môn thể thao tự chọn.
Rời phòng này, theo bảng hướng dẫn cha con M. tìm đến phòng D20 (gần chân cầu thang) mua đồng phục: “Cặp tài liệu: 138.000 đồng, áo sơmi dài tay 70.000 đồng, bộ áo dài nữ (giá tùy kích cỡ), đồng phục (giáo dục thể chất, quốc phòng) 168.000 đồng, khám sức khỏe 40.000 đồng. Tổng cộng: nam 416.000 đồng, nữ 346.000 đồng + áo dài”. Đó là nội dung bảng báo giá được dán ngay trước cửa phòng. Thoáng chút lưỡng lự, người cha thắc mắc: “Bắt buộc mua hết hả cô?”. Một nhân viên gật đầu.
Mua những thứ trên xong, cha con M. dò “Bảng giá thu tiền vải áo + quần trắng 2009-2010” để mua áo dài theo quy định của trường. Giá áo dài tùy theo chiều cao của SV và dao động 138.000 - 171.000 đồng. Như vậy, bên cạnh HP (6,98-13,98 triệu đồng/năm) thuộc hàng “top ten” trong số các trường ĐH ngoài công lập, thì nữ SV Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng phải đóng thêm các khoản ngoài HP là 531.000 đồng (chưa kể tiền áo dài) và nam SV đóng 601.000 đồng.
Người cha “mần nông cũng có, mần mộc cũng có, ai kêu chi mần đó” tâm sự: “Ở nhà thấy HP hơn 9 triệu nhưng lên đây “xà quần” cũng hết gần 11 triệu đồng. May mà tui mượn thêm chòm xóm một ít dằn túi chứ không biết làm sao...”. Tất cả tân SV Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đều phải nhập học theo quy trình cha con M. vừa trải qua.
Tương tự, theo “Hướng dẫn thủ tục nhập học năm 2009” của Trường CĐ Bách Khoa Đà Nẵng, bên cạnh HP 1,9 triệu đồng/học kỳ còn có các khoản: đồng phục học đường 120.000 đồng/khóa (nữ) và 140.000 đồng/khóa (nam), đồng phục thể dục thể thao 50.000 đồng/khóa, tiền thẻ HS- SV 10.000 đồng/khóa, lệ phí xét tuyển 15.000 đồng (nếu chưa nộp), chi phí khám sức khỏe 40.000 đồng/khóa... Những khoản phí, lệ phí trên cũng được áp dụng cho các hệ khác của trường.
Nhập nhằng nhiều phí... có tên
Thông báo thu HP ở các bảng thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM luôn được niêm yết theo bộ ba: HP, CSVC, thư viện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một SV hệ ĐH chính quy của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trung bình một năm học 37,5 tín chỉ (150 tín chỉ cho bốn năm học) nên đóng HP 4,12 triệu đồng/năm (110.000 đồng/tín chỉ). Tính theo “bộ ba” nói trên thì HP 2,4 triệu đồng theo quy định của Nhà nước, “ngoài HP” 1,72 triệu đồng, trong đó 1,62 triệu đồng CSVC và 100.000 đồng thư viện.
Ở bậc CĐ, CĐ nghề, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề trường này cũng có cách thu tương tự. Bạn T., SV lớp CDKQ10, cho biết vừa đóng HP học kỳ 1 năm học 2009-2010 là 1,62 triệu đồng với nội dung thu: HP, thư viện, niêm giám, sổ tay SV. T. thắc mắc: “Tôi theo dõi báo chí biết từ tháng 9-2009, Thủ tướng quy định HP của hệ CĐ, CĐ nghề từ 40.000-200.000 đồng/tháng/sinh viên. Những tưởng tôi sẽ đóng HP không quá 2 triệu đồng/năm nhưng một học kỳ trường đã thu 1,6 triệu...”.
Bạn H., học viên lớp TCDT36B bậc TC, hai năm đóng 1,325 triệu đồng/học kỳ. Với các mức thu như trên, bên cạnh HP theo quy định, SV-HS Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phải gánh các khoản ngoài HP tương ứng cho bậc ĐH, CĐ, TC là 1,72 triệu, 1,24 triệu và 1,1 triệu đồng/năm.
Cách tính HP của Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng khiến nhiều SV-HS khổ sở. Bạn K. học viên lớp 26TCKT1 cho biết vừa đóng HP kỳ 1 năm 2 là 1,25 triệu đồng (250.000 đồng/ tháng). Số tiền này được hiểu là 675.000 đồng HP và 575.000 đồng tiền cơ sở vật chất. Tính ra một năm tiền CSVC các học sinh hệ TC của trường này phải gánh là 1,15 triệu đồng/năm.
Ở bậc CĐ, SV trường này phải hoàn thành khoảng 100 tín chỉ để được ra trường. Trường thu khoảng 95.000 đồng/tín chỉ (tín chỉ lý thuyết và thực hành) thì trung bình một SV phải đóng 3,13 triệu/năm học, cao hơn quy định của Nhà nước (2 triệu đồng/năm) 1,13 triệu. Mức cao hơn này được “hợp thức hóa” là tiền... CSVC.
“Thu đúng quy định, không thể mua máy móc hiện đại”
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng các khoản thu của trường đúng như SV-HS phản ảnh nhưng HP không cao hơn quy định của Nhà nước. Chẳng hạn như ở hệ ĐH, trường thu 110.000 đồng/ tín chỉ thì 70.000 đồng là HP, 40.000 đồng/tín chỉ còn lại là tiền CSVC. Mức thu này do nhà trường cân đối để đầu tư lại cho người học.
Trường có nhiều ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ như cơ khí, môi trường, điện, điện lạnh, điện tử, ôtô... đòi hỏi phải có thiết bị, phòng thí nghiệm, dụng cụ, máy móc, thiết bị, nâng cấp thư viện... phục vụ việc học tập, nghiên cứu. “Nếu thu HP đúng quy định Nhà nước, chúng tôi không thể mua sắm máy móc hiện đại phục vụ việc thực hành của SV-HS nên không đảm bảo chất lượng đầu ra của trường”, ông Hoàn nói.

HÀ BÌNH (TTO)
 
×
Quay lại
Top