gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nếu ở vùng biên, chuyện bỏ học chủ yếu do vấn đề “cơm áo gạo tiền”, thì tại nhiều nơi khác, chuyện bỏ học vì nguyên nhân đó đã… xưa rồi. Bây giờ, xã hội đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để chăm lo, cải thiện đời sống, giúp người dân thoát nghèo, nhưng con em họ vẫn cứ bỏ học.

Anh-bai-2-1.jpg

Trẻ em vùng nông thôn ĐBSCL đi học.

Ngành giáo dục đang đau đầu trước cái gọi là “mặt trái” của cuộc sống thời mở cửa. Nhưng sâu xa hơn và nghiêm trọng hơn, hàng loạt những bất cập trong giáo dục, đào tạo đã và đang khiến người ta không còn xem sự học là số 1...

Sự học thời mở cửa

Khảo sát của người viết cho thấy, hằng năm, cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán hoặc sau kỳ nghỉ hè, ngành giáo dục ĐBSCL phải đối mặt với hiện tượng bỏ học khá bất thường ở khối học sinh THCS. Theo thống kê của Sở GDĐT tỉnh An Giang, trong tổng số 6.057 học sinh bỏ học năm rồi, thì có đến 2.490 học sinh thuộc khối THCS (chiếm tỉ lệ hơn 40%). Tại huyện An Phú (An Giang), trong tổng số 712 học sinh bỏ học ở hai cấp tiểu học và THCS, thì có đến 489 em THCS (chiếm tỉ lệ hơn 68%).

Tại Trà Vinh, năm học rồi, toàn tỉnh có 3.161 học sinh bỏ học, trong đó, học sinh THCS chiếm hơn phân nửa với 1.685 em. Phân tích nguyên nhân bỏ học của khối này cho thấy: Hoàn cảnh gia đình khó khăn 660 em, học lực yếu kém có 436 em, bỏ học vì xa trường đi lại khó khăn 30 em, bỏ học vì thiên tai dịch bệnh 39 em, còn lại 628 em bỏ học vì nguyên nhân khác.

Vậy nguyên nhân khác là nguyên nhân nào? Cô Tăng Thị Ngọc Mai - Trưởng phòng GDĐT huyện Trà Cú - trả lời: Có trên 40% số học sinh bỏ học không phải vì gia đình nghèo mà thuộc gia đình cận nghèo, các em muốn sớm kiếm tiền. Chỉ cần ăn tết, gặp bạn bè đi làm công nhân có điện thoại, xe máy, có tiền bao bạn đi chơi... là sau tết học sinh bỏ học hàng loạt!

Khảo sát của người viết ở nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, tỉ lệ bỏ học mỗi nơi cao thấp khác nhau, đa phần các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có em gia đình rất nghèo, nhưng chưa đến mức phải bỏ học.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang - gọi đó là tác động của cuộc sống thời mở cửa và cho biết: Trước đây, ở các vùng nông thôn nghèo, cuộc sống của trẻ con rất đơn giản: Sáng thức dậy đến trường, chiều ra đồng ruộng, tối đến ôn bài để sáng mai đi học tiếp. Bây giờ, vùng nông thôn nào cũng “thay da đổi thịt”, du nhập rất nhiều thứ tiến bộ, có tiệm game, shop quần áo, cửa hàng xe gắn máy, càphê nhạc sống... Là con người ai cũng muốn được hưởng thụ, theo đó, nhu cầu cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà cũng tăng theo.

“Cứ hỏi đến chuyện ước mơ là các em trả lời ngay không cần suy nghĩ: Em muốn đi xe tay ga, muốn xài điện thoại di động cảm ứng... Để thỏa mãn những nhu cầu trên, các em đã bỏ học đi lao động. Chuyện mưu sinh kiếm tiền cũng theo đó mà lấn át sự học” - bà Giang thở dài.

Chuyện trên làm tôi nhớ đến hôm đi công tác ở TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Khi ghé một cửa hàng điện thoại di động để mua một “cục sạc” dự phòng, tôi há hốc mồm khi thấy một đứa bé bán vé số vào cửa tiệm mua một chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng với giá gần 3 triệu đồng. Đứa bé tên Tuấn, nhà cũng đủ ăn đủ mặc, nhưng vừa lên lớp 7 thì em nghỉ học.

Tuấn kể: “Mấy đứa bạn em, ai cũng có điện thoại di động để xài, em cũng muốn có điện thoại nên nghỉ học đi bán vé số kiếm tiền”. Tôi hỏi: “Vậy em bỏ học vì chiếc điện thoại di động?”. Tuấn không trả lời mà nói tiếp: “Vài tháng nữa, em theo anh Ba ra Bình Dương làm công nhân, có tiền rồi, em có thể sắm cả xe máy, quần áo hiệu và nhiều thứ khác...”.

Xa rồi, sự học

Tác động của cuộc sống thời mở cửa đã làm tăng con số bỏ học, nhưng đó chỉ là “giọt nước tràn ly”. Hôm tôi đến huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang), ông Thái Kim Khải - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện này - ngao ngán kể: Hằng năm, cứ vào thời điểm sau tết, nhiều em học sinh theo anh chị ra Bình Dương làm việc rồi nghỉ học luôn. Các em so sánh rất thực dụng: Làm công nhân “chui” ngoài đó, mỗi tháng cũng kiếm được 4-5 triệu đồng lại được bao ăn ở. Còn thầy cô của các em, học xong đại học, ra trường đi dạy, thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Vậy là các em bỏ học!

Tại Trường THCS Phước Hưng (huyện Trà Cú), thầy Từ Hữu Lâm - giáo viên phụ trách phổ cập của trường cho biết, có 2 học sinh nữ lớp 9A5 bỏ học đi TPHCM tìm việc làm. Tôi với giáo viên chủ nhiệm tới nhà phân tích thiệt hơn cho cha mẹ em nghe. Họ trả lời: “Cho con học hết đại học tốn vài trăm triệu đồng. Mấy đứa trong xóm học ĐH Trà Vinh, ĐH Cửu Long có xin việc được đâu? Học xong, chúng nó lại xin làm công nhân thôi, lương cũng như học sinh lớp 9. Bó tay luôn anh à!”.

Ở tỉnh Kiên Giang, chuyện nghe còn bức xúc hơn. Một số giáo viên đã lặn lội hơn chục cây số đường đến nhà, vận động học sinh ra lớp. Nhưng vừa thấy giáo viên ở đầu ngõ, phụ huynh đã quay sang nói với con mình: “Mày trốn đi, cô giáo mày lại đến nữa kìa”. “Mình đến nhà vận động, phụ huynh các em nói thẳng: Thằng Hai, thằng Ba nhà tui học hết 4 năm đại học, tốn biết bao tiền của, nhưng ra trường có xin được việc làm đâu. Tui cho thằng út học tiếp để nó đói nhăn răng như anh nó à. Những bất cập trong đào tạo và giải quyết việc làm đã khiến người ta không còn hào hứng với sự học nữa” - bà Nguyễn Thị Minh Giang cho hay.

Mang những chuyện mắt thấy tai nghe ở trên về kể cho một vị lãnh đạo ngành giáo dục TP.Cần Thơ nghe, vị này lại kể với tôi nghe chuyện lễ giáo của vài mươi năm trước. Ngày đó, trẻ con luôn được giáo dục lễ nghĩa, phép tắc đến mức “chuẩn không cần chỉnh”. Mỗi khi cha mẹ bàn việc “đại sự” trong gia đình, con cái đứng gần để nghe là điều tối kỵ. Còn bây giờ, không ít người mang cả chuyện quà cáp, đút lót ở thương trường, cơ quan... về nhà nói thao thao bất tuyệt trước mặt con nhỏ.

Cũng ngày đó, chuyện lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn luôn là ưu tiên số một của mọi nhà, dù không ít gia cảnh nghèo đến “rớt mồng tơi”. Còn bây giờ, nông thôn phát triển, nhà nhà khá lên, nhưng sự học lại bị dạt xuống hàng thứ yếu. Ai đó nói với tôi rằng, không đâu lạ lùng như ở Việt Nam khi người dân chỉ mong mình... nghèo mãi để mỗi ngày nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Lại có chuyện, một phụ huynh theo con đi lãnh học bổng, vừa ra khỏi trường, ông bố cao hứng, liền alô cho các “chiến hữu” đến làm vài chai ăn mừng. Sau một hồi “chén chú chén anh”, hai bố con chẳng còn đồng nào dính túi.

ĐBSCL đất đai trù phú, bạt ngàn ruộng đồng, sông nước đầy ắp cá tôm. Thậm chí, không quá để nói người dân chỉ cần ra ngõ trước, vườn sau là có cái ăn. Phải chăng, chính vì được thiên nhiên quá ưu đãi, nên con người đã ỷ lại? Một thống kê cho biết, cư dân miền Trung ra nước ngoài rất nhiều, nhưng là đi xuất khẩu lao động - một cách làm việc để thoát nghèo. Còn ở miền Tây, cư dân cũng ồ ạt xuất ngoại, nhưng là đi lấy chồng Đài Loan (TQ), Hàn Quốc... Họ muốn nhanh chóng đổi đời mà khỏi phải làm lụng vất vả...

Ông Nguyễn Quý Đôn - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.Cần Thơ - gọi đó là sự “xuống cấp nghiêm trọng” về ý thức của các bậc làm cha mẹ. Ông nói: “Nếu trách các em thì chúng ta nên trách những bất cập trong xã hội. Chính những bất cập đó đã tạo ra những nguyên cớ để người ta đổ lỗi cho sự bỏ học”.

Ông Lý Thanh Tú - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang - bổ sung: “Ngay cả khi các em mong muốn có một chiếc ĐTDĐ hay một chiếc xe tay ga thì ước mơ đó cũng rất đời thường và không có gì sai trái. Chúng ta không thể ngăn cấm, mà phải giáo dục tư tưởng để các em hiểu rằng trong hoàn cảnh như vậy, có nên sở hữu những vật dụng đó hay không?”

“Học cao, ra trường không xin được việc làm, dẫn đến bất mãn, rồi bỏ học. Đó là cái nhìn rất hạn hẹp. Chúng ta phải thấy rằng, sự học là một cách thoát nghèo không gì bền vững hơn. Điều này thuộc về nhận thức, và mọi giải pháp phải bắt đầu từ nguyên nhân. Nếu phải giáo dục đạo đức con trẻ, thì trước hết nên xem lại tư tưởng của người lớn” - ông Đôn nói.
Theo LD
 
×
Quay lại
Top