Khi sinh viên ngại tốt nghiệp !?

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Chưa quen với việc tự lập kiếm tiền, không ít tân cử nhân có tâm lý “ngại” và “sợ” tốt nghiệp, ngược lại với tâm trạng háo hức của đa số bạn trẻ vì sắp được thử sức thật sự. Lan Anh, cô gái quê Hưng Yên, học năm cuối Khoa ngoại ngữ kinh tế, Đại học kinh tế Hà Nội, tâm sự “Cứ nghĩ đến việc chỉ còn một năm nữa ra trường mình lại thấy sợ. Mình không thích môi trường làm việc kinh tế, bon chen và khắc nghiệt lắm”.

sv1.jpg

Ảnh chỉ có tính minh họa: Hoàng Hà.

Hóa ra Lan Anh học khối D, vốn dĩ thích theo nghề phiên dịch, nhưng vì bố mẹ cô đều làm kinh tế và đã mở công ty riêng nên muốn con nối nghiệp, vì vậy mà Lan Anh rất sợ phải ra trường. “Trong thời gian học mình chán chẳng muốn làm gì. Bây giờ cũng chỉ muốn kéo dài việc đi học càng lâu càng tốt. Có lẽ mình sẽ học cao học hoặc văn bằng hai ngoại ngữ nữa, để trì hoãn việc đi làm thêm một thời gian nữa xem sao”, cô tâm sự.

Có cả nghìn lẻ một lý do để nhiều sinh viên ngại tốt nghiệp. Ngoài một vài trường hợp liên quan đến chuyện tình cảm "người đi, kẻ ở", đa số ngại phải đi xin việc, ngại chuyển chỗ ở, hoặc sợ môi trường công việc khắc nghiệt….
Nhóm bạn Trang, Huyền, Kim Anh, sinh viên năm cuối khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tâm sự: “Đang đi học, chẳng phải làm gì, cứ đến tháng là được nhận 'lương'. Bây giờ ra trường là bố mẹ hết bao cấp, phải tự mình đi kiếm tiền, nghĩ cũng hơi ngại. Mà mới ra trường khó xin việc lắm, không cẩn thận là chết đói mất”.

Tâm lý ngại thay đổi, ngại thích nghi cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ, bắt nguồn từ việc họ chưa phải tự lập bao giờ, và sống trong sự bao bọc của gia đình từ nhỏ đến lớn.

“Trước cứ nghĩ cứ đến đâu rồi tính, nên lúc đi học đại học cũng chỉ tập trung vào việc học thôi, ra trường lúc mới lo việc đi làm. Giờ sắp ra trường rồi mà đứng trên bục giảng mình còn run, viết bảng thì không thẳng. Cứ nghĩ đến lúc đứng trình bày khóa luận tốt nghiệp đã sợ chứ chưa nói là ra trường đi dạy. Giá học thêm một thời gian nữa thì tốt, chắc lúc đó mình sẽ xin đi dạy thêm nhiều hơn để lấy kinh nghiệm”, Thu Trang, sinh viên năm cuối khoa Sử trường Đại học sư phạm Hà Nội, lo lắng nói.

Hay như Thanh Tùng, cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Học viện kỹ thuật mật mã, hiện là nhân viên học việc tại một phòng game của một công ty truyền thông kể lại: “Trong suốt mấy năm học vì được bố mẹ cho nhiều tiền nên không bao giờ mình nghĩ đến chuyện đi làm thêm mà chỉ giành thời gian để đi học, nào là lập trình, quản trị mạng,.., lấy đủ các văn bằng. Đến khi nhận được đồ án tốt nghiệp, phải trực tiếp liên hệ với những người trong nghề để nhờ chỉ bảo thì mới bắt đầu thấy mọi thứ bên ngoài khác quá so với những gì đã học. Nghĩ đến lúc phải tốt nghiệp đi làm mà thấy lo lắng”.

Nhiều bạn trẻ cũng từng xác định đi làm thêm khi còn đang học sẽ có kinh nghiệm, song lại cân nhắc thiệt hơn nên ở nhà là chính.

Minh Tâm, sinh viên năm cuối khoa Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Đại học Thủy Lợi là một trường hợp. Là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội, Tâm chỉ được gia đình chu cấp đủ để sống "tàm tạm". Vì thế, ngay khi vào học một thời gian, cậu đã tính đến chuyện đi làm thêm vừa lấy kinh nghiệm, vừa có đồng thu nhập, song lại thôi. "Đi gia sư thì sợ bị trung tâm lừa. Đi làm ở quán café thì cũng sợ bị mang tiếng. Đi làm những công việc part time liên quan đến chuyên ngành mình học thì lại thấy tốn nhiều thời gian quá…. Suy nghĩ kỹ, mình quyết định chăm chỉ ở nhà học thôi, tiền tiêu hàng tháng thì bố mẹ gửi lên cho”.

Và kết quả là Tâm đạt học bổng ở tất cả các kì học trước nhưng đến kỳ thực tập thì cậu thực sự rơi vào trạng thái lo lắng vì những điều đọc được trong giáo trình khác nhiều so với thực tế. “Sắp tốt nghiệp rồi mình không biết là mình có thể làm được việc gì không nữa. Càng nghĩ càng thấy nản”.

Phần lớn các bạn trẻ này đều không thể vượt qua được cảm giác ngại ngần cũng như việc ỷ lại ở người khác.

Họ vừa lòng với một môi trường giáo dục hiền hòa và với mức chi tiêu mà bố mẹ chu cấp. Đồng thời cũng một phần nguyên nhân là do nhiều bậc phụ huynh, do quá sính kết quả học tập nên không tạo điều kiện để cho con tự lập thực tế. “Mình cũng thử xin đi làm thêm, nhưng hai cụ bảo 'có phải bố mẹ không có tiền cho mày ăn học đâu mà phải đi làm. Cứ chú ý vào việc kiếm tiền mà lại chểnh mảng việc học hành đi'” - Minh Tâm kể lại.

Giờ đây, chàng tân sinh viên này thấy tiếc hùi hụi vì nhiều bạn cùng lứa với mình ra trường đã tiến bộ rất nhanh trong công việc, do kiến thức và tâm lý tích lũy được trong thời kỳ làm thêm, không ít trong số đó là phái yếu.
Thu Phương, khoa Công tác xã hội thuộc Học viên báo chí và tuyên truyền, ngay khi là sinh viên đã làm cộng tác viên dịch và hiệu đính băng hình cho Viện xã hội học Hà Nội, đồng thời còn tranh thủ thời gian đi dạy thêm.

“Nhiều lúc mệt quá muốn bỏ bớt việc đi nhưng lại tự động viên mình, vì đi làm giúp mình thực hành chính những lý thuyết mình học trên lớp. Điều đó làm mình thấy yên tâm hơn”, cô gái trẻ nói. Không chỉ thế, Phương còn là tình nguyện viên tích cực của nhóm Thắp Lửa Trái Tim.

Không ít bạn trẻ đã vượt qua được những cản trở từ tâm lý, gia đình để lập nghiệp từ rất sớm.

Phương Thảo sinh viên năm ba khoa Tiếng Trung, Đại học ngoại ngữ Quốc gia từng bị bố mẹ cấm đi làm thêm, nhưng cô vẫn không từ bỏ. Thảo kể “Hồi mình mới năm nhất, mình đi làm ở một nhà hàng Trung Quốc. Biết bố mẹ khó tính nên mình không dám nói. Nhưng không biết làm cách nào mẹ biết được, và lên tận Hà Nội chỉ giáo cho mình một đêm, bắt nghỉ làm. Mình vâng vâng dạ dạ, nhưng sau vẫn trốn đi tiếp. Vì có phải chỉ là kiếm tiền đâu, mình còn được thực hành tiếng Trung nữa chứ”.

Những người như Thảo hay bạn Phương sẽ không bao giờ rơi vào tâm trạng sợ phải tốt nghiệp mà ngược lại: “Mình rất hồi hộp để chờ đợi khoảnh khắc thiêng liêng ấy, khi mình được cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Đó là khi khép lại một khoảng thời gian thật đẹp để tiếp tục đi về phía trước”, Phương chia sẻ.

Anh Cường, cựu sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện là nhân viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng: “Các bạn trẻ bây giờ vẫn chỉ biết đến học và học mà không chịu thử sức mình trong các công việc làm thêm trước đó. Bởi vậy khi ra trường, vấn đề đi làm với các bạn hoàn toàn là một vấn đề mới, rất khó bắt đầu và thích nghi”. Từ kinh nghiệm bản thân, từng làm cộng tác viên dịch thuật cho Công ty tư vấn du học Visco từ khi còn ngồi trên giảng đường, anh Cường nhận thấy cái được lớn nhất là tâm lý tự tin, cách xử trí công việc linh hoạt.

“Dấn thân vào một công việc với niềm đam mê là điều mà các bạn sinh viên bây giờ cần làm ngay để không còn cảm giác ngại, hay sợ trước khi tốt nghiệp”, anh Khánh, chuyên viên phòng công tác chính trị sinh viên của một trường đại học chia sẻ, chia sẻ.

:KSV@04:
Thụy Anh
VnExpress
 
“Trong thời gian học mình chán chẳng muốn làm gì. Bây giờ cũng chỉ muốn kéo dài việc đi học càng lâu càng tốt. Có lẽ mình sẽ học cao học hoặc văn bằng hai ngoại ngữ nữa, để trì hoãn việc đi làm thêm một thời gian nữa xem sao”, cô tâm sự.
Giống mình thế, hihi!
 
Dù đã từng đi làm thêm thời sv, nhưng sắp ra trường rùi, cũng thấy sợ lém :-s
 
×
Quay lại
Top