Khát vọng con chữ, 15 năm cõng con đến trường

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Mười lăm năm trời, bước chân ông không mỏi. Hành trình nuôi dưỡng ước mơ con chữ cho người con trai tật nguyền của một người cha già để lại nỗi xúc động lớn lao. Ngày Gia đình, nói về câu chuyện cảm động và đầy nghị lực của hai cha con nghèo xứ Nghệ…

Ông trở về sau cuộc chiến tranh, mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin của một thời đạn bom khốc liệt. Ba người con nối tiếp chào đời, thì chỉ duy nhất một người lành lặn. Cô con gái đầu xấu số, chịu ảnh hưởng di chứng chiến tranh, ngậm ngùi ra đi vào một đêm mưa. Riêng người con trai Lê Văn Thành (SN 1993), từ lúc lọt lòng chân tay đã không cử động được, mọi sinh hoạt phải nhờ đến chiếc xe lăn.

Dốc hết tình yêu thương cho người con sớm chịu nhiều bất hạnh, ông bỏ cả cái chức vụ “ngon ăn” là quản đốc một phân xưởng, trở về ngày ngày cõng con tới lớp. Và rồi, Thành được vào Đại học. Nước mắt người cha già như vỡ òa.

Mười lăm năm cõng con đến trường

Người cha đó là Lê Đình Mão (58 tuổi, trú xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Suốt 15 năm nay, người cha già với mái đầu bạc trắng, nụ cười hiền hậu là đôi chân của cậu con trai út Lê Văn Thành. Thành bị tật nguyền từ nhỏ, bởi di chứng chất độc da cam/dioxin. Và giờ, cậu đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Kế toán trường Đại học Vinh.

Căn nhà của cha con ông Lê Đình Mão nhỏ bé, nằm khiêm nhường giữa khu tập thể gia binh ở Hưng Đông, một xã ngoại thành thành phố Vinh. Bên trong, chẳng có gì đáng giá ngoài cái gi.ường ọp ẹp, và một cái bàn con dùng để kê bộ dàn máy vi tính. Chiếc máy vi tính gần như là tài sản quý giá duy nhất để nuôi dưỡng ước mơ cho cậu con trai tật nguyền.

cong.jpg
Ông Mão trên hành trình không mỏi cõng con tới lớp

Nhiều năm rồi, hình ảnh ông Mão ngày ngày cõng con tới trường, với người dân thành Vinh, là một hình ảnh cảm động. Ngày nắng hay mưa, người cha già với mái tóc bạc trắng ấy vẫn cần mẫn với việc đưa con đến trường, cõng con lên lớp và ngồi chờ để đón con trở về. Quãng đường hơn 12 cây số dường như quá ngắn cho khát vọng con chữ lớn lao. Bao nhiêu năm qua, việc làm ấy, cung đường ấy đã trở nên quen thuộc và gần gũi đối với người cha già này, dù rằng nỗi vất vả cơ cực thì chẳng bao giờ đong đếm được.

Năm 1974, khi vừa tròn 18 xuân xanh, ông Mão lên đường nhập ngũ. Một thời gian huấn luyện, ông được biên chế về một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 4, chiến đấu tại đường 9 Nam Lào (Quảng Trị). Trước đó, bản thân có chút tay nghề về sửa chữa ô tô nên khi vào chiến trường, ông lãnh luôn nhiệm vụ bám sát những chuyến xe vận tải dọc tuyến đường này để nhận nhiệm vụ khắc phục xe khi có sự cố xảy ra. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được điều động về lại quê hương, công tác tại một phân xưởng sửa chữa quân đội tại TP Vinh. Lúc đó, ông đã là một bệnh binh. Một năm sau, ông Mão nên duyên với một cô gái quê Hà Tĩnh nết na, duyên dáng.

Năm 1981, cô con gái đầu lòng chào đời. Ngày vui vừa đến, nhưng buồn thương cũng đã vội kéo về. Cô con gái chưa tròn năm, ngậm ngùi ra đi vào một đêm mưa. Lúc này, ông phát hiện mình đã trở thành nạn nhân của chất độc da cam. Đau đớn vô ngần, đôi vợ chồng trẻ đã nghĩ đến chuyện thôi không sinh con, nhưng nỗi khát khao tiếng nói trẻ thơ luôn thôi thúc.

Nhưng cũng phải mất 10 năm sau, họ mới đủ can đảm sinh con. Lần này, trời thương, cậu con trai khỏe mạnh, dễ thương dần lớn lên trong niềm vui khôn xiết. Nhưng, ngày vui ngắn ngủi trôi đi, buồn thương dường như chưa dừng lại. Cậu con trai út Lê Văn Thành ra đời, nhưng tứ chi đã bất động. Với nghị lực phi thường, cháu đã chống chọi với bệnh tật đớn đau để lớn lên trong tình thương vô bến bờ của bố mẹ.

Khiếm khuyết về cơ thể, nhưng bù lại, Thành trí óc lại rất thông minh. Thương con, hai vợ chồng quyết không để con vì tật nguyền mà thua kém bạn bè, nên đã thay nhau cõng con đi học. Lên lớp 5, Thành bắt đầu đau nhức chân tay, thường xuyên bị những cơn đau hành hạ. Thương con, ông Mão dồn hết tình yêu cho người con trai sớm nếm trải nhiều bất hạnh.

Tình cha


Người cha già thương con, quyết định xin đơn vị cho nghỉ hưu trước tuổi, thôi chức vụ lúc bấy giờ khá “ngon ăn” là quản đốc một phân xưởng sửa chữa ôtô lớn, để có thời gian sớm tối chăm con. “Một quyết định cực kỳ khó khăn, bởi cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào đồng lương công vụ ấy. Nghĩ thời gian tới chỉ sống bằng lương hưu, thấy gian nan vất vả vô cùng. Nhưng thương con, tôi động viên vợ cố gắng” - ông Mão chia sẻ. Có thêm thời gian, ông dồn cả vào việc chăm con. Đi ra ngoài, nghe người ta kể về cái gì mới, cái gì bổ ích dành cho thiếu nhi, ông đều cố gắng chắt bóp để mua về với hi vọng con sẽ vui mà quên đi mặc cảm, nỗi đau bệnh tật.

Suốt 8 năm trời, từ khi Thành bước vào lớp 5 trường Tiểu học Hưng Đông đến lúc kết thúc lớp 12 tại trường THPT Nguyễn Trãi (TP Vinh), nhịp sống quen thuộc và đều đặn của người cha này là sáng đưa con đến lớp, “nai nịt” thật chắc sau xe đạp rồi chở đến sân trường, rồi cõng con vào lớp. Thời gian chờ chở con về, ông tranh thủ vác bơm cùng với đồ nghề ngồi trước cổng trường bơm vá xe đạp. Ngày nắng cũng như mưa, đưa con đến lớp cũng như đi bệnh viện, ông đều sát cánh bên con chẳng bỏ sót một bữa nào. “Có thời điểm, thời gian đi viện của Thành còn nhiều hơn cả thời gian lên lớp”, ông Mão nhớ lại.

Và rồi, niềm vui như vỡ òa. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, ông Lê Đình Mão cõng con đến làm thủ tục dự thi ở cụm thi Vinh, được tổ chức tại trường Đại học Vinh. Tại đây, người cha già đã ôm mặt khóc rưng rức khi được hội đồng thi thông báo, trường hợp của em Thành không phải thi mà được đặc cách vào thẳng đại học, sau khi đã xem xét học bạ và các giấy tờ liên quan đủ điều kiện. Từ đó đến nay, người cha già Lê Đình Mão lại nhẫn nại với hành trình đưa con đến giảng đường, cõng con vào lớp.

cong1.jpg
Tình thương của bố, nghị lực của con

Lớp Thành học nằm tít trên tầng 4. Bất chấp tuổi tác, vết thương hành hạ liên miên, bước chân người cha già vẫn miệt mài ngày đêm không mỏi, cõng con đi học mỗi sáng. Sau khi gửi xe ở gara, ông Mão lại cõng con lên tầng 4, đặt ngay ngắn vào góc học tập rồi trở ra chờ con tan lớp, lại ngược cầu thang đón con trở về. Sáng nắng cũng như chiều mưa, Thành chưa bao giờ lỡ mất một buổi học. “Mình cố gắng một chút thì con đỡ khổ, mà bản thân mình cũng bớt khổ tâm” - ông Mão nói.

Không chỉ cõng đi học, hôm nào ngoại khóa hay sinh hoạt đoàn, sinh hoạt lớp, ông Mão cũng cõng con trai tham gia đầy đủ. Ông nghĩ, sinh hoạt tập thể là cơ hội để con trai hòa đồng, vui chơi cho quên tủi. Bản thân con đã tật nguyền, đừng để nó phải thiệt thòi thêm nữa.

PGS.TS - Nhà giáo ưu tú Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Vinh nói, Thành là một sinh viên đầy nghị lực, hòa đồng trong công tác đoàn thể và có ý chí vươn lên trong rèn luyện, học tập. “Khi biết được chuyện ngày ngày Thành được bố cõng đến lớp, nhà trường đã khuyến khích giáo viên chuyên ngành soạn giáo trình riêng cho phù hợp với khả năng để động viên em Thành trong học tập” – ông Khoa cho hay.

Câu chuyện về nghị lực vươn lên của sinh viên khuyết tật Lê Văn Thành, và đặc biệt là câu chuyện về sự truyền lửa không biết mệt mỏi của người cha già đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời đã có tác động mạnh mẽ, không chỉ với hơn 50 sinh viên tật nguyền đang theo học tại trường Đại học Vinh, mà còn là động lực cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên tật nguyền trên khắp mọi miền đất nước. Hãy đứng dậy, bước qua rào cản tật nguyền để hướng đến tương lai.
Theo GDVN.VN
 
×
Quay lại
Top