Kết thúc đợt 2 thi ĐH 2013: Đề thi - Những điểm nhấn ấn tượng (11/07/2013)

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Đề thi các môn đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay có những điểm nhấn ấn tượng, được đánh giá hay, lạ và thẳng thắn, nhất là đề văn các khối C, D, địa lý, cần có kiến thức tổng hợp, có tư duy sáng tạo mới làm được bài một cách hoàn hảo. Các đề hay đều có câu hỏi mở, đang chờ đợi hướng dẫn đáp án của Bộ GD-ĐT có thật sự cởi mở và "dễ chấm” chính xác hay không.

2013_192_13_a1.jpg

1. Sáng qua 10-7, thí sinh cả nước hoàn thành đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH với môn văn ở hai khối C và D; khối B thi môn hóa học. Tiếp tục tốn kém còn hơn kỳ 1 do hồ sơ ảo, sau kỳ thi ĐH đợt 2 ít nhất có 20 tỷ đồng nữa bay vèo - là lệ phí hồ sơ đăng ký dự thi ảo. Có khoảng 200 ngàn thí sinh gửi hồ sơ ĐKDT nhưng không đến thi.

2. Đề thi năm nay một số môn mang tính sáng tạo rất cao. Cả hai đề văn khối C và D đều có ý tưởng "mở” tương tự nhau ở 2 câu nghị luận xã hội nói về tính cách của người Việt – cụ thể là điểm xấu trong tính cách người Việt. Bình luận về lối sống, nhận xét mặt tích cực và tiêu cực trong lối sống của người Việt truyền thống vốn không dễ, nên đề Văn khối C gây bất ngờ với nhiều thí sinh – một dạng đề lạ ít gặp.

"Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là "Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”- (Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục VN, 2013, tr 160-161). Từ nhận thức về những mặt tiêu cực và tích cực của lối sống trên, anh/ chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

Đề thi phân hóa cao khi kích thích sự hứng thú làm bài của những thí sinh có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức đã học, trình bày thẳng thắn vốn sống và sự hiểu biết của mình, nhưng sẽ "bí” với những em quen trả lời câu hỏi giáo khoa, học thuộc lòng.

Đề văn khối D cũng thú vị, cần có vốn sống riêng khi bình luận câu nhận xét về người Việt Nam qua ý kiến của một Việt kiều. "Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét " Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội buộc bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn” – (John đi tìm Hung, NXB Kim Đồng, 2013, tr 113). Anh/ chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John về quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

Cách chọn lựa ý kiến để đưa vào đề thi văn như vậy rất phù hợp với mỗi khối, học sinh chủ động làm bài theo cảm nhận của mình, không rập khuôn SGK hay giáo viên. Vấn đề là thí sinh có "dám” bày tỏ ý kiến riêng của bản thân một cách độc lập, thẳng thắn và thuyết phục. Theo một số giáo viên, đây là thao tác mà các em rất ít khi sử dụng, thường chỉ quen làm bài lập luận phân tích và bình luận, câu này vì vậy chỉ những em khá giỏi mới làm tốt..Những câu hỏi khác ở đề văn phải có cảm nhận, cảm thụ sâu sắc về tác phẩm mới làm bài tốt được. Cái khó còn do đòi hỏi phải có kỹ năng phân tích và tổng hợp.

Đề địa lý khối C cũng hấp dẫn vì để làm được bài, thí sinh buộc phải có những hiểu biết mang tính thời sự về tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển nước ta, cũng như phân tích nguyên nhân tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển.

Với môn Hóa học, nhiều thí dự thi khối B chiều qua cho biết, đề thi tương đối khó so với môn Hóa khối A. Có nhiều bài tập khiến thí sinh mất thời gian, lúng túng trong việc lựa chọn đáp án. Lượng thí sinh làm được trên 70% không cao.

3. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, đợt thi đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng Quy chế. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Với những tiêu chí đánh giá "muôn năm cũ” như thế, 2 đợt thi vậy là thành công.

Sự vào cuộc hết sức hết lòng của xã hội, sự gồng mình của thí sinh và các gia đình nghèo khăn gói ra thành phố dự thi, sự lãng phí nhiều mặt… dường như khá quen thuộc, như lẽ đương nhiên. Công tác chuẩn bị thi tốn không biết bao nhiêu nhân lực, vật lực, cũng ít được điểm danh thống kê chi tiết. Số hồ sơ ảo thường chỉ được công bố "khoảng một phần tư số ĐKDT”, thay vì mỗi đợt 200 ngàn bộ hồ sơ ảo, cụ thể hơn là số tiền không nhỏ 20 tỷ đồng trôi theo mỗi đợt thi chưa thấy ngành chức năng đề cập tới.


Thi đại học đợt 2: 199 thí sinh, 3 cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, trong đợt 2 kì thi ĐH 2013, toàn quốc có 3 cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 2 khiển trách, 1 bị đình chỉ. Có 199 thí sinh bị xử lý trong đó khiển trách 43, cảnh cáo 13, đình chỉ 143. Số bị đình chỉ chủ yếu do mang điện thoại di động và tài liệu. Như vậy sau cả 2 đợt thi, toàn quốc có 333 thí sinh và 10 cán bộ vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật.

Theo daidoanket.vn
 
×
Quay lại
Top