Kafka bên bờ biển: Khi thế giới hòa tan ảo và thực

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Kafka bên bờ biển": Hòa tan ảo và thực Đeo đuổi dòng văn học hiện thực thông qua việc xây dựng những câu chuyện phi lý, hoang đường nhưng hẳn là chưa bao giờ Murakami lại cho thấy một thế giới mà ở đó ảo và thực gắn bó mật thiết với nhau như ở "Kafka bên bờ biển".

Tên sách: KAFKA BÊN BỜ BIỂN
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Dương Tường
Phát hành: Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam & NXB Văn học
KenhSinhVien-kafka-ben-bo-bien.jpg


Tại sao là Kafka?

Bắt đầu từ tựa truyện Kafka bên bờ biển, một suy nghĩ đã vụt nảy ra trong tôi: liên tưởng về dòng văn học hiện thực mang đậm tính chất huyền thoại hoang đường mà nhà văn vĩ đại người Czech Franz Kafka được coi là người khởi xướng. Và quả thật, toàn bộ cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang này đủ minh chứng cho sức ảnh hưởng sâu sắc mà phong cách Franz Kafka để lại trong tư tưởng và lối viết của nhà văn Nhật Bản Murakami.
Bằng việc xây dựng nhân vật Kafka Tamura, cậu bé mới mười lăm tuổi quyết bỏ nhà ra đi để chạy trốn lời nguyền khủng khiếp do cha đẻ giáng xuống đầu cậu, Murakami đã chứng tỏ ông xứng đáng là một môn đồ xuất sắc của nhà văn người Czech.
Không chỉ dùng tên của nhà văn này làm tên của nhân vật chính, Murakami còn xây dựng nhân vật cậu bé Kafka theo lối điển hình của Franz Kafka: nhân vật con người cô độc. Không gia đình, oán ghét vỏ xác bọc bản thể, oán ghét dòng máu trong người và gene di truyền của bố, sống đơn độc, xa lạ và lạc lõng trong chính cộng đồng của mình, Kafka Tamura chỉ biết đối thoại với con người thứ hai của mình (một cậu bé được gọi là "Quạ", mà "Kafka" trong ngôn ngữ Czech cũng có nghĩa là "quạ") để cố cắt nghĩa, tìm hiểu về chính mình.

Nhưng trong cuốn tiểu thuyết này, Kafka Tamura không phải là một thực thể cá biệt. Murakami đã dựng lên cả một cộng đồng nho nhỏ gồm những con người cô độc như vậy: ông Nakata "chả thông minh sáng láng gì lắm" nhưng biết nói tiếng mèo; Oshima với "th.ân thể đàn bà nhưng tinh thần thì hoàn toàn đàn ông"; bà Saeki với cuộc sống mãi mãi ngưng đọng ở tuổi hai mươi, Johnnie Walker - kẻ huỷ diệt mèo "để gom hồn chúng lại làm thành một loại sáo đặc biệt".

Sự khác người ở những nhân vật này đẩy họ vào cuộc sống trơ trọi khốn cùng. Trong khi cả xã hội bình yên thì họ lại không chịu ngồi yên một chỗ, họ cố đi tìm hiểu căn nguyên của những hiện thực phi lý; chung sống và đấu tranh với những ám ảnh dữ dội, với bản thể, linh hồn.

Mê cung ảo và thực

Cùng với cách xây dựng nhân vật độc đáo, Kafka bên bờ biển còn là tiểu thuyết mẫu mực trong nghệ thuật xây dựng cái phi lý trong thế giới vô thường.

Thế giới trong Kafka bên bờ biển là thế giới pha trộn đến quái đản giữa thực và ảo. Ở nơi đó, giữa thực và mơ, giữa quá khứ và hiện tại không hề tồn tại ranh giới. Thế giới ấy thách thức trí tưởng tượng, thách thức mọi hình thức tư duy suy lí bởi những sự kỳ quặc nhất hay điều sợ hãi nhất đều có khả năng xảy ra. Ở đó, cậu bé Kafka Tamura của thế kỷ 21 chợt nhận thấy số phận của Oedipe (nhân vật huyền thoại trong bi kịch Hy Lạp) đã đeo vào cổ cậu, ám ảnh, dằn vặt cậu suốt thủa ấu thơ đến thời niên thiếu. Không chỉ lời nguyền độc địa của cha mà nỗi đau khổ, dằn vặt của hàng vạn kiếp người đã ứng nghiệm vào cậu, đè nặng lên cuộc sống của cậu.
Ở đó, lão già Nakata mất trí nhớ chỉ cần giương ô lên là làm ra cả trận mưa cá hay mưa đỉa. Ở đó, hình bóng của bà Saeki ở tuổi mười lăm đêm đêm lại trở về căn phòng của người yêu đã chết để ngắm bức tranh Kafka bên bờ biển - bức tranh vẽ người đã khuất.
Ở đó, có một đại tá Sander bất thần hiện ra từ chốn hư vô, là một sinh vật vô cảm "có trái tim khác với trái tim người" với nhiệm vụ điều chỉnh những lệch lạc giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, giữa ảo - thực...
Nhiều độc giả (và cả chính các nhân vật trong truyện) cũng không thể phân định được những chi tiết nào hiện thực, chi tiết nào là mơ. Các nhân vật trải qua những sự việc thật hoang đường và trong những giấc mơ, họ lại làm những hành động thực đến nỗi khi tỉnh giấc còn nhìn thấy những dấu vết để lại trên th.ân thể mình.

Hay chỉ bằng cách lật một phiến đá kỳ bí mang tên "phiến đá cửa vào", một thế giới song hành với thực tại, nơi mà thời gian không còn ý nghĩa gì và mọi người ở đó đều phải quên đi ký ức, đã được mở ra trong một khu rừng rậm bị lãng quên.

Có thể nói, những nhân vật của Kafka bên bờ biển luôn chới với giữa hai bờ: hiện thực và huyền ảo, quá khứ và thực tại. Trên hành trình đi tìm kiếm căn nguyên sự tồn tại của mình, họ tình cờ rơi vào thế giới ảo và ở đó, họ tìm thấy cả mớ triết giải siêu hình cho những câu hỏi bấy lâu. Và cũng trong thế giới ảo ấy, họ lại cứu rỗi thế giới thực... Luẩn quẩn giữa thực và ảo, Murakami khiến cho độc giả và cả nhân vật của ông phải không ngừng kinh ngạc. Nhưng qua đó, dường như nhà văn Nhật Bản đã soi chiếu được vào nội tâm của nhân loại với phát ngôn của Oshima: "Nếu ta đảo ngược cái vỏ ngoài và cái cốt lõi - nói cách khác, coi cái vỏ ngoài là cốt lõi và cái cốt lõi chỉ là vỏ ngoài, thì cuộc sống của chúng ta ắt có thể dễ hiểu hơn nhiều".

Với Kafka bên bờ biển, một lần nữa Murakami đã khẳng định được vị trí của mình trong dòng văn học phi lý. Thậm chí, ông đã cho thấy ông thoát khỏi cái bóng của bậc thầy Franz Kafka một cách ngoạn mục, với những tư tưởng vượt trước nhân loại đến vài thập kỉ.

Có lẽ bởi thế nên dù đã gấp lại những trang cuối cùng của Kafka bên bờ biển, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác mụ mị vì đã để mình chìm đắm quá sâu vào những hiện thực kỳ quái, những giấc mơ hoang đường...

Dưới bàn tay tôi, dường như những tư tưởng đó đang quẫy động, muốn đào thoát, òa vỡ ra với đời thực. Một cuốn tiểu thuyết khiến người ta không thể không suy ngẫm và không thể không mê đắm!


  • Thiên Bình
 
×
Quay lại
Top