Sử II, Bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai

xam2507

không gì là mãi mãi.........
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/11/2011
Bài viết
30
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình thế giới từng bước có những chuyển biến to lớn, tác động tới quan hệ quốc tế, tác động tới từng nước, từng khu vực và cả trật tự thế giới vừa được thiết lập.

Thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng các nước châu Âu, Nhật Bản và Liên Xô bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị tổn thất lớn cả về người và của. Chỉ có Mỹ giàu lên nhanh chóng trong chiến tranh (thu về 114 tỉ đô la lợi nhuận do bán vũ khí và phương tiện chiến tranh) và trở thành nước mạnh nhất về kinh tế trong khoảng 3 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ chiếm quá nửa tổng sản lượng công nghiệp của thế giới tư bản (56,4% năm 1948). Mỹ là chủ nợ lớn nhất thế giới (riêng về vũ khí, các nước đồng minh châu Âu đã nợ Mỹ 41,751 tỉ USD) và nắm trong tay một lợi thế khiến các nước phải kiêng nể, e dè: độc quyền về bom nguyên tử.

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ chỉ có 30 vạn người chết (trong khi Liên Xô là hơn 26,5 triệu người, và toàn thế giới là 56 triệu người), đất nước Mĩ lại không bị chiến tranh tàn phá (vì mặt trận chính là chiến trường châu Âu bị tàn phá lên tới 260 tỉ đô la, trong đó Liên Xô chiếm 49,3%). Có thể thấy rằng, Mĩ đã làm giàu trên sự đổ nát của châu Âu và thế giới. Sau chiến tranh, nước Mĩ đã trở thành nước giàu mạnh nhất, chiếm ưu thế về mọi mặt trong thế giới tư bản chủ nghĩa.

Có thể nói, Mỹ vượt trội hơn tất cả các nước về kinh tế, quân sự và chính trị…Từ đây tham vọng làm bá chủ thế giới của Mỹ ngày càng bộc lộ và đây cũng là cơ sở để Mỹ triển khai nhanh chóng kế hoạch của mình trong một bối cảnh quốc tế và tương quan so sánh lực lượng hết sức thuận lợi đứng cả về hai phía quan hệ: Mỹ với các nước trong khối đồng minh tư bản chủ nghĩa; Mỹ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sức mạnh và ưu thế của Mỹ không kéo dài được mãi, nó đã bị giảm sút tương đối từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, đặc biệt từ những năm 70 khi các nước tư bản phục hồi và vươn lên nhanh chóng, trước hết là Tây Âu và Nhật Bản.

Bị thiệt hại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chẳng những mất hết thuộc địa mà nền kinh tế cũng lâm vào tình trạng bị phá hủy hoàn toàn. Đất nước tiêu điều, các thành phố lớn bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản bị kiệt quệ về kinh tế, bị đè bẹp về quân sự, bị suy sụp về tinh thần, bị thiệt hại lớn về người và của. Nhờ vào kế hoạch đầu tư của Mĩ mà bước sang những năm 60 của thế kỷ XX, kinh tế Nhật Bản đã có bước phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và vượt các nước Tây Âu, vươn lên đứng thứ hai (sau Mĩ) trong thế giới tư bản chủ nghĩa. Từ một địa vị chưa đáng kể trước chiến tranh và rất nguy kịch trong những năm đầu sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng vượt bậc mà dư luận phương Tây thường suy tôn là “thần kỳ Nhật Bản”. Thực ra sự phát triển nhanh chóng vượt bậc này của kinh tế Nhật Bản có những nguyên nhân khách quan, chủ quan của nó, và sự “thần kỳ” này đã chứa đựng những mặt trái của nó mà từ đầu những năm 70 trở đi đã ngày càng bộc lộ rõ ràng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Nhật Bản đã có những bước tiến hết sức kỳ diệu trong tất cả các lĩnh vực, khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Thứ hai, hai cường quốc Xô – Mỹ từ quan hệ đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau chiến tranh quan hệ ấy nhanh chóng chuyển thành quan hệ đối đầu. Từ quan hệ đối đầu giữa hai nước chuyển thành quan hệ đối đầu giữa hai phe – phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hai cực, quan hệ Xô –Mỹ, quan hệ giữa hai phe, mặc dù mâu thuẫn, nhưng vẫn phụ thuộc và kiềm chế nhau, đều thực hiện chiến lược phòng ngự, đều tránh đụng đầu trực tiếp với nhau. Vì thế, về đại cục, hòa bình thế giới được duy trì trong suốt thời kì chiến tranh lạnh và cả sau đó.

Giữa “hai cực” Liên Xô và Mĩ có những mâu thuẫn rõ ràng. Trong khi “cực” Liên Xô luôn luôn làm hậu thuẫn cho phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; ngược lại, “cực” Mĩ luôn ra sức cấu kết, giúp đỡ các thế lực phản động chống phá cách mạng thế giới với mưu đồ vươn lên vị trí thống trị thế giới. Đúng như Thomas L. Friedman trong tác phẩm của mình có nhan đề “Chiếc Lexus và cây ô liu” đã nhận xét khá chính xác về mối quan hệ giữa hai cường quốc vốn là bạn bè và liên minh với nhau trong chiến tranh, giờ lại là những đối thủ cạnh tranh của nhau: “Khi Mỹ trỗi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cưỡi trên lưng thế giới như một siêu cường vô địch, có trọng trách toàn cầu và tham gia tranh giành quyền lực với Liên Xô…Bỗng nhiên, cả thế giới trở thành sân chơi của Hoa Kỳ, và cả thế giới chỗ nào cũng quan trọng, vì mọi ngõ ngách trên thế giới đều có sự tranh giành với Liên Xô”.. Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của trật tự hai cực Ianta, một đặc điểm lớn của tình hình thế giới là giữa Liên Xô và Mỹ, giữa hai phe vừa đấu tranh gay gắt với nhau lại vừa chung sống hòa bình và hợp tác với nhau thông qua diễn đàn của tổ chức quốc tế Liên Hợp Quốc. Việc Giáo sư Michael Mandelbau, môn Quan hệ đối ngoại, Đại học Hopkins ví Chiến tranh Lạnh giống như môn vật Sumo của Nhật Bản đã khắc họa chính xác mối quan hệ giữa hai siêu cường Xô – Mỹ: “Sẽ có hai anh béo đứng trên đài, múa may lễ bái đủ đường, giậm chân huỳnh huỵch, nhưng rất ít khi chạm vào nhau… cho tới cuối trận thì có chút ít xô đẩy và có một tay bị thua do bị đẩy ra khỏi đài, nhưng rốt cuộc chẳng có anh nào chết cả”.

Thứ ba, một biến chuyển lớn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Một loạt các nước Đông Âu, Châu Á và khu vực Mỹ Latinh sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với Liên Xô hợp thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm 50 - 60 đã thu hút sự chú ý của thế giới và tác động tới chiều hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn, chủ nghĩa xã hội là chỗ dựa tin cậy của phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất chi phối nền chính trị thế giới. Tình hình trên đây đã dẫn tới một vấn đề: trong chiến lược của mình, Mĩ và các nước đồng minh không thể không tính đến việc hạn chế sự phát triển của chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu và âm mưu chủ yếu của kế hoạch thống trị thế giới của Mĩ là tìm cách ngăn chặn và tiêu diệt hệ thống xã hội chủ nghĩa. Với chính sách “ngăn chặn”, Mĩ định bao vây quân sự, kinh tế Liên Xô, hi vọng rằng Liên Xô sẽ bị suy yếu, kiệt quệ rồi đi đến chỗ tự tiêu diệt, và ở các nước Đông Âu, giai cấp tư sản sẽ có điều kiện lên nắm chính quyền, thiết lập nền thống trị tư bản chủ nghĩa. Ở Đức cũng như ở Triều Tiên, Mĩ không chỉ muốn ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản mà còn muốn cấu kết, nâng đỡ các thế lực phản động ở hai nước này để tiến tới tiêu diệt lực lượng cách mạng và xâm lược, thống trị toàn nước Đức và toàn nước Triều Tiên. Trung Quốc là nơi mà Mĩ đã bỏ công sức nhiều nhất trong thời kỳ từ 1947-1949, hi vọng rằng sẽ tiêu diệt lực lượng cách mạng và đặt được nền thống trị trên lục địa có dân số khoảng 700 triệu người. Nhưng âm mưu và hi vọng của Mĩ đã hoàn toàn bị phá sản trong giai đoạn này, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới không những không bị ngăn chặn mà còn được hình thành từ châu Âu sang châu Á và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Liên Xô không bị suy yếu và kiệt quệ mà trái lại còn hùng mạnh và vững chắc hơn trước, năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, khiến ưu thế độc quyền bom nguyên tử của Mĩ bị phá sản. Ở Đông Âu, trong những năm 1947-1949, nhân dân các nước Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Nam Tư, Rumani, Tiệp Khắc đã lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bắt đầu bước bào thời kỳ quá đô tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, sự thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức(7-10-1949) và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (21-9-1948) là đòn đánh mạnh vào hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, làm thất bại nặng nề âm mưu “ngăn chặn” và thống trị của Mĩ ở hai nước này. Tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, đánh dấu hệ thồng xã hội chủ nghĩa đã được hình thành và làm cho lực lương so sánh trên thế giới thay đổi có lợi cho chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt trên phạm vi quốc tế cho sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã thắng lợi và “chính sách ngăn chặn”, chống lại sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới của Mĩ đã bị thất bại.


Thứ tư, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cao trào giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi ở khắp các lục địa của Á, Phi, Mỹ La Tinh, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân bị tan vỡ từng mảng lớn và đến giữa những năm 60 đã sụp đổ về cơ bản. Hơn 100 quốc gia dân tộc trẻ tuổi ra đời, ngày càng tham gia tích cực vào đời sống chính trị thế giới. Bộ mặt hành tinh thay đổi to lớn. Trong chiến lược của hai cường quốc Xô – Mĩ và hai hệ thống không thể không tính đến lực lượng này.

Thứ năm, cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật bùng nổ vào những năm 40 của thế kỷ XX và diễn ra mạnh mẽ sau đó. Cuộc cách mạng này đã đưa lại những tiến bộ nhảy vọt, những thành tự kì diệu, những tác động tích cực và những hậu quả của nó rất to lớn. Những nước nào đi sâu vào cách mạng khoa học - kỹ thuật, tận dụng những thành tựu của nói thì vươn lên mạnh mẽ, tiếng nói của họ trong quan hệ quốc tế ngày càng có trọng lượng hơn. Những nước bỏ lỡ cơ hội tận dụng thành tựu của cách mạng khoa học – kỹ thuật, thì tụt hậu, hình bóng của các nước ấy trong quan hệ quốc tế cũng trở nên mờ nhạt.

Cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật, hay còn gọi là cách mạng kỹ thuật lần thứ hai có những điểm khác biệt so với cuộc Cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất, vì có nội dung phong phú hơn và phạm vi rộng lớn hơn nhiều, nó diễn ra trong lĩnh vực khoa học cơ bản gồm toán học, vật lí học, hóa học, sinh vật học. Trải qua nửa thế kỷ, nhất là giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đã thu được những thành tựu to lớn và kỳ diệu trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, sự kiện đáng chú ý, có ảnh hưởng trực tiếp đến hai khối quân sự được hình thành sau này là năm 1945, bom nguyên tử đã ra đời ở Mĩ, có thể dẫn tới những sự tàn phá không lường hết được của đất nước này đối với hòa bình thế giới. Sau khi phá vỡ thế độc quyền về bom nguyên tử của Mĩ năm 1949 thì năm 1954, Liên Xô xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.

Tóm lại, Chiến tranh lạnh gần như là một hệ quả tất yếu của tình hình đối đầu, căng thẳng giữa hai phe thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc Chiến tranh lạnh (hình thành năm 1947 và kéo dài đến 1989) đã có tác động mạnh mẽ tới chính sách đối nội, quan hệ đối ngoại và mậu dịch của hầu hết mọi nước trên thế giới. Chiến tranh lạnh “không tạo lập tất cả nhưng lại định hình rất nhiều thứ”.Nhà nghiên cứu Mỹ,Thomas L.Friedman, đã chỉ ra rằng: “Với vai trò là một hệ thống quốc tế, Chiến tranh lạnh có cấu trúc quyền lực riêng: cán cân lực lượng giữa Hoa Kỳ và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết. Chiến tranh lạnh có những luật lệ riêng: trong quan hệ đối ngoại, không một siêu cường nào muốn xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của một siêu cường khác; trong kinh tế, những nước kém phát triển chú tâm vào việc phát triển những ngành công nghiệp quốc gia của riêng họ, các nước đang phát triển chú tâm tăng trưởng trên cơ sở xuất khẩu, các nước xã hội chủ nghĩa tập trung thắt lưng buộc bụng và phương Tây thì chăm chăm vào việc buôn bán có điều tiết. Chiến tranh lạnh có hệ tư tưởng riêng của nó: cuộc chạm chán giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giai đoạn hòa hoãn, không liên kết hay cải tổ (perestroika). Chiến tranh lạnh có khuynh hướng về dân số riêng: di cư từ Đông sang Tây bị bức màn sắt ngăn trở, nhưng di cư từ miền Nam lên phía Bắc thì đều đặn hơn. Chiến tranh lạnh có cái nhìn toàn cầu riêng: thế giới được chia thành phe XHCN, phe TBCN và phe trung lập; nước nào cũng thuộc về một trong những phe này. Chiến tranh lạnh sinh ra những công nghệ định hình riêng: chủ đạo là vũ khí hạt nhân và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai, nhưng đối với dân chúng ở các nước đang phát triển thì búa liềm vẫn là công cụ gần gũi. Chiến tranh lạnh có thước đo riêng: số lượng tên lửa hạt nhân của mỗi bên. Và sau cùng, Chiến tranh lạnh tạo ra mối lo riêng: sự hủy diệt hạt nhân”. Không chỉ có vậy, Thomas L. Friedman đã đúng khi khẳng định: “Trước hết, nói về Chiến tranh lạnh là nói đến sự chia cắt. Thế giới bị chia cắt ngang dọc thành nhiều cánh đồng vụn vặt manh mún”.
 
×
Quay lại
Top