Hủ tục rợn người và câu chuyện mẫu tử cảm động

casanohu

Cựu quản lý
Tham gia
8/1/2010
Bài viết
474
Đứa con trai sinh ra đang được đặt bên xác mẹ để chờ chôn sống với mẹ nó. Thiếu phụ mới 17 tuổi, theo tục lệ của buôn làng, khi sinh con, người mẹ phải tự ra bờ suối để làm công việc vượt cạn và tự giải quyết tất cả, từ lau rửa cho con, cho mình đến cắt cuống rốn cho đứa bé...

Nỗi đau từ hủ tục lạc hậu
Chuyện được ghi lại trong một chiều lắc rắc mưa rơi, tại số nhà 79, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Ngoài trời, mưa rơi ngày càng nặng hạt; trong nhà, chị Nguyễn Thị Hoa, một người mẹ nặng những tâm tư kể lại cho tôi nghe câu chuyện cách đây vừa tròn hai mươi năm. Nhiều lần chị phải dừng lại để lau nước mắt.
Năm 1987, cặp vợ chồng: anh Dư Quang Thanh- quê ở Hà Tây và chị Nguyễn Thị Hoa, cô gái miền sông Hương, núi Ngự- vui mừng đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Anh chị đặt tên con là Dư Quang Quyền. Đó là những năm tháng gian nan, thiếu ăn thiếu mặc đủ bề. Lương của anh công nhân một trạm thủy điện nhỏ và cô công nhân nông trường Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cộng lại cũng chưa tròn một trăm đồng. Chiếc gi.ường mẹ con chị Hoa nằm là bốn chiếc cọc tre đỡ tấm liếp nứa do anh Thanh tự chế tác. Dù sao, đời sống một gia đình công nhân nông trường có gian nhà gỗ trong khu tập thể để chui ra chui vào như anh chị cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Một sớm, chị Hoa nghe loáng thoáng bên ngoài người ta kháo nhau: có một thiếu phụ người dân tộc thiểu số Giarai ở Làng C, xã Gào, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, sau khi sinh con được chín ngày, chị kiệt sức và đã chết.

Picture-0061.jpg

Cháu Dư Quang Lợi (giữa) cùng bố Thanh, mẹ Hoa cùng các em, Ảnh Đinh Hữu Trường

Thiếu phụ do ăn uống kham khổ, lại bị sốt rét, sức yếu, chị sinh nở khi cái thai mới được bảy tháng và kiệt sức ngay tại bờ suối. Mấy hôm sau, người nhà tìm đến thì chị đã chết. Cũng theo tục lệ ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số Giarai, người mẹ sau khi sinh con mà chết, thì đứa bé vừa sinh ra cũng phải chôn theo mẹ nó. Nghe chuyện đau lòng ấy, tình mẫu tử trong lòng chị Hoa trỗi dậy:
"Khi nghe chuyện, em không có một ý nghĩ gì phân biệt người Kinh hay người dân tộc cả. Ôm đứa con bé bỏng của mình trong lòng, em chợt nghĩ: Nếu mình cũng chết như thiếu phụ kia, thì con mình sẽ ra sao đây. Em bảo anh chồng thiếu phụ: "Mày mang đứa bé đến đây tao nuôi, đừng chôn nó mà mang tội đấy!". Buổi chiều, anh ta cùng đứa em vợ đến, nhưng không thấy đứa bé đâu, em hỏi: " Sao không mang con mày đến?", anh ta bảo: " Tao có mang nó đến đấy"; rồi thò tay vào trong gùi nhấc ra một thai nhi trần trụi, bé quắt như con mèo con. Nhìn thấy nó, em phát hoảng vì không ngờ nó quá bé. Nó bé đến nỗi, chỉ lấy một cái tã bịt từ đầu đến chân là vừa. Hai ngày đêm phải nằm với mẹ ngoài bờ suối, nó chỉ còn thoi thóp. Nhưng rồi, em vẫn quyết định nhận và nuôi cháu..."

Ngọt ngào tình mẹ

Đứa bé được cứu sống, được đặt tên là Dư Quang Lợi, kèm theo tên dân tộc là Rơ Chăm Dưt, và tên thân mật hàng ngày là "Cu Trắng" ( để phân biệt với cháu Quyền là " Cu Đen", và cũng là cách gọi ngược cho dễ nuôi). Cũng từ đây, gian nan với anh Thanh, chị Hoa lại nhân đôi. Khi bé Dư Quang Quyền được mười tháng tuổi, chị Hoa buộc phải cai sữa đứa con ruột của mình để dồn sữa cho bé Lợi (Rơ Chăm Dưt) bú. Lợi rất yếu, đến nỗi đã 4 tháng nhưng không ngậm được vú mẹ, chị phải vắt sữa ra thìa cho Lợi nuốt từng giọt. Để có cái ăn cho mình và có sữa cho con bú, anh chị phải làm đủ nghề, từ mót lúa, gặt thuê đến phụ hồ, kéo xe mướn...
"Lúc cháu được 4 tháng, gia đình em quá khó khăn. Mỗi bữa chỉ được một lon gạo, phải nấu cháo để cả nhà cùng ăn. Sức khỏe em suy kiệt, tưởng như gục ngã, không gượng dậy nổi. Lúc bấy giờ em sống bằng ý chí: Dù khổ mấy cũng phải nuôi sống được cả Quyền và Lợi. Vợ chồng em bảo nhau quyết tâm làm để nuôi con, và coi như mình đã sinh ra cháu Lợi..".
Thiếu sữa cho con bú, chị Hoa mua đậu nành về giã ra, vắt lấy nước đun sôi, hòa với đường đen cho con uống. Đã bảy tháng tuổi mà Cu Trắng vẫn như đứa trẻ mới chào đời, nằm bất động cả ngày, chỉ thỉnh thoảng mới ọ ẹ như để nói rằng mình vẫn đang còn tồn tại trên cõi đời này. Mỗi lần cho uống sữa, anh Thanh phải bồng lên đùi để chị Hoa dùng xilanh bơm sữa vào họng cậu. Cu Trắng bị suy dinh dưỡng nặng, người lại lở loét, nặng mùi. Phải chăm sóc rất kỹ lưỡng.
Mỗi chiều, sau buổi đi làm về, người trong vùng quen với cảnh một đôi vợ chồng, người đèo, người ẵm đứa bé èo uột trên xe đạp, vượt mười cây số đường rừng lên bệnh xá nông trường để y sĩ lể mụn, bôi thuốc cho cháu. Thiên hạ có người ác khẩu: " Rước họa vào thân mà làm gì. Rồi coi chừng nó chết, dân làng họ kéo đến phạt vạ thì khốn". Chữa mãi không khỏi, chị Hoa đành tự chữa lấy cho cháu bằng cách hái lá cây Dã quỳ - thứ cây có rất nhiều ở Tây Nguyên - vò nát, nấu sôi để bôi và tắm cho bé. Chị chữa chạy kiên trì đến mức ông Diêu, y sĩ nông trường phải thốt lên: Anh chị cực khổ quá, kiên trì quá. Vào người khác thì có lẽ " bỏ cuộc" rồi.
Ở nông trường Bàu Cạn, thiếu thốn, cực khổ trăm bề, năm 1990, cái gia đình nho nhỏ ấy quyết định dời sang Đắc Lắc. Gia tài ngoài mấy bộ quần áo, dăm chiếc xoong nồi, là hai đứa trẻ cùng dặt dẹo như nhau. Anh địu một đứa, chị ẵm một thằng, chen chúc lên xe đến miền đất mới. Không thân thích, chẳng người quen, đành phát cây dựng cọc thành túp lều để có chỗ mà ở. Bù lại, ở Đắc Lắc có nhiều việc làm để lấy tiền nuôi con:
"Sang Đắc lắc có nhiều việc làm thuê lắm. Nào phụ hồ, bốc củi, đốt than, còn anh Thanh đi bốc vác thuê, cuốc bồn cà phê... tất tật, việc gì cũng làm. Nhiều lúc không có tiền, em phải vào bệnh viện xin được bán máu để lấy tiền mua gạo. Chúng em cắm đầu cắm cổ làm việc để có tiền nuôi các con, và để tiệt trừ cái ý nghĩ: vì đói quá, khổ quá mà trả Cu Trắng lại cho gia đình người dân tộc kia. Bởi vì, ở bên Gia Lai, vì quá đói khổ, đã có lúc em nghĩ đến việc này..."
Tai họa xé lòng

daclac3.jpg

Dư Quang Lợi bên mẹ Hoa, bố Thanh và em Nhi, Ảnh Đinh Hữu Trường

Ông Trời cũng có lúc thiếu công bằng. Khi Lợi được chín tuổi thì cháu Quyền, đứa con mà anh chị rứt ruột đẻ ra gặp nạn. Rồi cháu bỏ bố Thanh, mẹ Hoa về với đất. Đau đớn đến tột cùng, anh chị dồn tình thương cho bé Lợi, coi đây là "duyên số" ông trời "dun" vào nhà mình. Lợi cứ thế lớn lên, rồi đi học. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm can, chị Hoa cũng có những lúc quặn lòng nhớ đến đứa con rứt ruột đẻ ra của mình giờ đang ở trong lòng đất; còn mình thì đang vất vả nuôi con người khác. Nhưng rồi, đó chỉ là những ý nghĩ thoáng qua:
"Tới cái ngày Cu Trắng thi vào lớp 12, em đưa cháu đi thi, mà nước mắt dàn dụa. Em khóc vì mừng, vì thấy con mình đã khôn lớn. Em khóc vì nghĩ đến đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nếu còn sống thì giờ này nó cũng đang nắm tay em nó để bước vào phòng thi. Trong em vấn vương một ý nghĩ: con đẻ mình giờ đang nằm ở đâu đấy, còn đây là con người ta, một đứa bé người dân tộc thiểu số. Nghĩ vậy, nhưng em nuốt nước mắt vào trong lòng, vẫy tay nói với Cu Trắng: Con ơi, con cố lên con nhé. Mẹ tin tưởng ở con!"
Nhờ vậy, Rơ Chăm Dưt (hay là Dư Quang Lợi, là Cu Trắng), đã lớn lên và trưởng thành.
Nhớ lại thời gian khó khăn, chị Hoa bùi ngùi xúc động nhắc đến tên hai người đã thực sự cảm thông, sẻ chia khó khăn cùng anh chị - đó là vợ chồng ông bà Trần Kỳ Sơn ( nay là Giám đốc Sở Điện lực Đắc Lắc) và Nguyễn Thị Sự ( hiện đang là Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Đắc Lắc). Đây thực sự là động lực để chị Hoa có thêm nghị lực nuôi cháu Rơ Chăm Dưt sống, lớn lên và trưởng thành như ngày hôm nay

Kết thúc câu chuyện, người viết bài ký này ngẫm ngợi một điều: Trong khi xã hội còn nhiều điều bất công, điều thiện và điều ác đan xen nhau; xã hội vẫn còn những thân phận bị hành hạ đến kiệt cùng như cháu Nguyễn Thị Bình, bị vợ chồng quán phở Hạnh - Phương đánh đập tàn nhẫn suốt hơn 10 năm; hoặc cháu Hào Anh ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) bị chủ đầm tôm hành hạ như thời trung cổ hàng năm trời...
Nhưng chúng ta vẫn vui mừng nhận thấy rằng: xã hội ta vẫn còn rất nhiều người dũng cảm, nhân ái như bà Hà Thị Bình, như vợ chồng anh Thanh, chị Hoa, vợ chồng ông Sơn, bà Sự...
Nguồn : tuanvietnam.net
 
xã hội này sao còn nhiều hủ tục kỳ lạ vậy trời :KSV@17:
 
×
Quay lại
Top