Hôn anh, thêm một lần nữa nhé!

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Mỗi lần đứng trước cửa nhà tôi là cô gái ấy sẽ chuẩn bị nói một câu chuyện, dài và lộn xộn. Còn tôi thì luôn chỉ lắng nghe, trong vai người bạn được gia đình em trả tiền hàng tháng để im lặng và nghe em nói.



Thêm một lần nữa nhé!

Đó là ngày cuối cùng của tháng Mười, mưa mang cái rét đầu mùa ùa vào lòng Hà Nội. Những con đường trùng xuống, ảm đạm trong một màn mưa miên man và day dứt. Khi tôi đang ngồi bên cửa sổ căn gác nhỏ của mình, đọc một số tài liệu cho cuộc họp chuyên môn, những hạt mưa hoà vào nhau rồi lăn dài thành những dòng tiếc nuối phía bên ngoài lớp kính, cô gái đó tìm đến trước cửa nhà tôi. Em đứng trước bậc thềm, giũ nhẹ chiếc ô in hình nhiều bông hoa nhỏ màu cam ngả nâu xếp thành những vòng tròn đồng tâm cho những hạt nước mưa rơi xuống và đưa ngón tay trắng bệch nhấn vào chuông cửa. Nửa phút sau, cánh cửa mở ra. Em đứng trước tôi, mắt nhìn thẳng, cái cổ cao hơi vươn lên dường như đang cố tìm cho mình âm vực của sự bình tĩnh. Và em tìm được. Bình thản, em nhìn vào mắt tôi:

  • Em cần nói chuyện.
Em co người, vùi mình vào chiếc gối màu xanh nhạt đặt ở góc chiếc ghế đệm trắng, mắt nhìn đăm đăm vào bức tranh “Phố” treo ở bức tường đối diện. Tôi lặng im nghe em nói, lặng im như từ trước đến giờ vẫn vậy, trong vai người bạn được gia đình em trả tiền hàng tháng để im lặng và nghe em nói. Người ta nghĩ em nên có một người có thể khiến em tin tưởng và tâm sự, bởi có một ngày, họ nhận ra em không có đến một người bạn thực sự. Em chìm trong câu chuyện của mình, miên man nói, mắt vẫn không rời bức tranh trên tường - bức tranh vẽ một góc phố nào đó của Hà Nội với những đường nét đơn giản và gam màu của quen thuộc của mùa Thu. Câu chuyện dài ra theo những lúc đến giảng đường, về nhà, ngồi vào bàn ăn, bữa trưa một mình, những món ăn từ rau đến thịt, đến cả chiếc đĩa đựng những quả táo, chiếc găng tay lấy đồ nướng trong lò của cô giúp việc tên Hoài, chương trình tivi lúc ba giờ chiều, chiếc áo dài cô biên tập viên mặc, bản nhạc đàn bên dương cầm đứt đoạn bởi cơn mưa, và mùi mưa lạnh giá tràn căn phòng…

  • Bây giờ anh muốn làm gì? – Em đột ngột quay sang và hỏi tôi.
  • Làm gì à? – Tôi hỏi lại trong lúc tìm kiếm một suy nghĩ – Tôi muốn một giấc ngủ dài, quên tuốt những cuộc họp rắc rối. Khi tỉnh dậy, tôi sẽ ăn một tô phở nóng.
  • Em chẳng thích ngủ, và cũng chẳng muốn ăn phở. – Em nhún vai.
  • Em chỉ muốn đi…
  • Hôm nay đủ rồi. Em về đây!
  • Đủ rồi? – Tôi nhìn em hoài nghi.
  • Vâng, đủ rồi!
  • Tôi thấy có chuyện gì đó khác!
  • Anh mắc bệnh nghề nghiệp nặng quá rồi đấy. Có lẽ với bác sỹ tâm lý thì đầu óc ai cũng có vấn đề! – Em cầm chiếc ô với những vòng tròn hoa đồng tâm lên, bước về phía cánh cửa.
  • Em cứ quay lại nếu thấy cần!


Đó là cuối chiều của một ngày cuối tháng Mười, trời tối sớm, không gian là một màu ảm đạm và buồn bã. Bốn mươi lăm phút sau khi ‘bệnh nhân’ của tôi bước ra khỏi cánh cửa, tôi đã quay lại và tiếp tục nhấn chìm mình trong đám tài liệu với mong muốn về một giấc ngủ dài và tô phở nóng sau khi thức dậy. Ngoài cửa kính, mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt, những cành cây run rẩy trong từng cơn gió lạnh. Trong một thoáng, tiếng chuông cửa kéo tư tưởng vừa tự do bay tung lung quay lại với căn phòng nhỏ. Cô gái ấy lại đang đứng trước cửa nhà tôi, tay giũ nhẹ chiếc ô in hình những bông hoa li ti xếp thành nhiều vòng tròn đồng tâm. Nửa phút sau, cánh cửa mở ra. Em đứng đó, những sợi tóc thấm nước mưa, bết lại thành những lọn nhỏ, vai áo trắng và gấu quần jeans thì đã ướt nhẹp. Em ngước lên, lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt trong suốt, đôi môi mím chặt và cố giữ cho mình đứng vững trên đôi chân run rẩy vì lạnh.

  • Tôi nhớ em có mang ô !
  • Vâng… - Em cúi mắt xuống.
  • Vào đi ! – Tôi đẩy vai em qua khỏi cánh cửa. – Và nói cho tôi nghe đã xảy ra chuyện gì.
Căn phòng tê cứng trong im lặng. Em so vai trong chiếc chăn mỏng và duỗi nhẹ những ngón chân đỏ ửng - dường như đã đi bộ rất xa, xoay nhẹ người trong bộ đồ rộng rãi tôi đưa em thay trước đó, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào bức tranh ‘Phố’ treo trên tường, màu sắc ấm áp hơn đôi chút với cái chụp đèn vừa bật sáng. Tôi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh và chờ đợi. Cảm giác thật khó tả khi nhìn vào em trong khoảnh khắc đó, giống như em đang quay lưng về phía tôi, quay lưng lại với thế giới đằng sau, gương mặt chìm trong bóng tối của sự cô độc đang khao khát được chia sẻ. Em nhắm mắt:

  • Ba mẹ em ly hôn rồi. Sáng nay mẹ đã lên máy bay…
  • Mẹ sang Ý, còn em thì chưa bao giờ thích nước Ý cả. Em chỉ muốn Hà Nội.
  • Ba nói với em: ‘Ba rất tiếc’. Và chiều nay, ba đi Nha Trang dự hội nghị…
  • Cô Hoài rất buồn vì mẹ đi. Chiều nghe tin con trai cô ấy ở quê ốm. Thế nên cô ấy đã xin nghỉ ba ngày… Em dặn cô ấy nghỉ một tuần. Em nói em tự lo được…
  • Dù sao em cũng đã 21 tuổi rồi. Em đã rất lớn. Em đã học qua lớp nấu ăn, biết dọn nhà, đến trường, về nhà, chơi dương cầm hoặc xem tivi khi buồn… Không còn là con bé 6 tuổi phải để người lớn giục đi ngủ…
  • Ba không hay ở nhà với em. Mẹ cũng thế…
  • Suy cho cùng, em chỉ quen với sự có mặt của cô Hoài. Em chẳng thấy có gì thay đổi ngoài sự vắng mặt của cô ấy. Nhưng...
  • Hôm nay em ở lại đây được không ? – Em choàng mở mắt rồi quay sang nhìn tôi, vẫn ánh nhìn trong suốt nhưng lấp lánh những niềm hy vọng của một đứa trẻ.
  • Nếu em muốn. Nhưng em sẽ nấu bữa tối, đồ ăn có trong tủ lạnh. – Không tỏ ra ngạc nhiên, tôi khoát tay làm một động tác chỉ về phía nhà bếp.
Em nhoẻn cười, gạt chiếc chăn mỏng sang, đi về phía nhà bếp, bỏ mặc tôi phía sau – đăm đăm nhìn vào bóng gót chân em thấp thoáng sau gấu quần phải xắn lên vì quá dài.



Đó là một buổi tối của ngày cuối tháng Mười, căn phòng hơi se lại bởi cái rét đầu tiên vừa mới về ngày hôm qua giữa lòng thành phố. Phòng ăn ấm áp với những chiếc đèn rủ xuống từ trần nhà, toả ra thứ ánh sáng màu mật ong loãng dịu nhẹ. Em đặt tô canh xuống bàn, đến gần và hôn nhẹ lên tóc tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn em. Em cười :

  • Như một gia đình vậy !
Ừ, “như một gia đình”. Đã lâu rồi, tôi không thấy trong lòng nhẹ nhõm đến lạ lùng như vậy. Có lẽ việc sống quá lâu với những bữa ăn một mình khiến khoảnh khắc này trở nên rất khác biệt.

  • - Tại sao anh không sống với ba mẹ?

  • - …

  • - Ba mẹ anh không giống ba mẹ em. Họ vui hơn mà! – Em ngước mắt nhìn lên những chiếc đèn, mắt long lanh sáng với những ý nghĩ vui vẻ về ba mẹ tôi.

  • - …

  • - Anh thử món canh đi. Em vừa đọc công thức làm nó trên gói hạt nêm. – Em mỉm cười – Em chưa từng làm, cũng chưa ăn bao giờ. Hồi trước, em gọi đó là Món canh cho Thỏ. Có quá nhiều loại củ, anh thấy không…

  • - …

  • - Anh thấy ngon chứ? Cả món này nữa… Trong tủ của anh rất nhiều đồ… Chị ấy mua cho anh hả?

  • - “Chị ấy”? – Tôi ngước lên – À, mẹ tôi.
Em ngậm đầu đũa, mắt lại ngước về phía những bóng đèn.

Phần còn lại của bữa tối trôi qua im lặng. Gần hai năm, tôi đã tạo ra một thói quen là nghe em nói và không can thiệp nhiều vào mạch ngôn từ của em. Cho đến lúc muốn nói về bữa tối dành cho Thỏ với 70% rau củ quả thì bắt gặp những suy nghĩ trong mắt em. Ừ, có lẽ sự vui vẻ lúc này đối nghịch quá với nỗi buồn em mang theo. Có một gia đình vừa mới tan vỡ.



Đó là đêm cuối tháng Mười trời mưa, khi đồng hồ đang chỉ về những giờ cuối cùng của ngày, cô gái ấy và tôi đang ngồi trên những chiếc ghế khác nhau, theo dõi một chương trình tổng hợp bóng đá. Một lát sau, em đứng dậy, làm một điệu bộ rón rén rất buồn cười và đi về phía tôi trên những ngón chân. Em ngồi xuống tấm thảm dưới chân tôi, vươn tay choàng qua cổ tôi:

  • Em chỉ muốn được ôm thật chặt!
Một vài giây để cảm nhận mùi hoa Lavender trên tóc em.

  • Lẽ ra anh nên nói những lời vui vẻ trong bữa tối chứ? Ăn tối với anh thật là chán!
Tôi đưa tay và ôm lấy em. Cái ôm chặt tốt cho một th.ân thể rã rời sau những ngày mệt mỏi. Nghe cánh tay em siết lại trên cổ tôi, để gần nhau thêm một chút.

  • Nếu em muốn hôn anh thì sao? – Em thì thầm cùng với một nụ cười nghịch ngợm.
  • Em có biết mình đang đi đâu không?
  • Có!
Và chỉ một động tác đơn giản, em áp môi em vào môi tôi. Đó là những thời khắc cuối cùng của tháng Mười, khi ngoài trời, mưa vẫn nặng hạt rơi, gió thổi lạnh từng cơn, và phía bên trong căn phòng, chúng tôi đã hôn nhau rất lâu…

Gimmekissbymeago-copy2.jpg




  • Anh sẽ nhường gi.ường của anh cho em chứ?
  • Em sẽ ngủ ở salon, tiểu thư ạ!
  • Đàn ông galant sẽ nhường gi.ường nệm cho phụ nữ và ngủ ở trên ghế!
  • Hãy ra salon nằm đi, em sẽ có một chút kinh nghiệm mới mẻ. Tôi nghĩ là em đã chán gi.ường nệm rồi đúng không?
  • Anh không galant chút nào!
  • Cảm ơn vì lời khen!
Tháng Mười đang trôi qua những giây cuối cùng. Khi cô gái ấy đã cuộn mình trong tấm chăn ấm và nằm im trên ghế salon trong phòng khách, khuôn mặt giấu vào chiếc gối mềm màu xanh cốm nhạt, tôi trở lại phòng ngủ, khép cửa lại và vùi người vào đám chăn gối của mình. Tôi đã nghĩ, nếu có thể, tôi muốn hôn cô ấy thêm một lần nữa, và có thể là một lần nữa, một lần nữa…



  • Em vừa bò vào gi.ường tôi đấy! Em là một cô bé hư hỏng ! – Tôi gối đầu lên cánh tay mình, hé mắt nhìn em trong ánh đèn ngủ màu cam nhạt.
  • Không, em không hư hỏng! – Em chun mũi bướng bỉnh. - Ở ngoài đó sợ lắm, gió cứ thổi mãi. Cành cây đập vào cửa sổ nhà anh nghe như có ai gõ cửa vậy!
  • Em thật nhát gan, chẳng chịu nổi lấy năm phút một mình!
  • Không! Chẳng qua đây đâu phải nhà em? Em không quen.
  • Em đã lê la ở đây gần hai năm rồi!
  • Nhưng vẫn không phải nhà em…
  • Em không sợ tôi sẽ làm gì em sao?
  • Anh sẽ làm gì em à ?
  • Có thể !
  • Nhưng em đang mặc một bộ đồ buồn cười và chẳng sexy chút nào hết !
  • Thế thì sao ? Em không thấy lúc nãy tôi hôn em rất say sưa đấy à ?
  • Anh thích hôn em đấy chứ ?
  • Đấy là nụ hôn thứ hai của em.
  • Thứ hai ?
  • Lần đầu tiên khi em học lớp 11, cậu bạn cùng lớp. Em thấy nó rất khó chịu và bọn em đã không hẹn hò thêm nữa.
  • Vậy lần này thế nào ?
  • Khó chịu bình thường ! – Em cười.
  • Em nói dối. Tôi thấy là em cũng rất say sưa!
  • Thôi ngủ đi. Em tránh xa tôi ra. Tôi sợ những móng tay của em! Nếu thức khuya hơn nữa, mai tôi sẽ muộn làm và tôi sẽ giết em.
  • Được thôi! – Em nhướn mày và quay đi.
Chúng tôi nằm quay lưng vào nhau. Tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm từ cô gái ấy, một luồng ấm áp với những cảm xúc rất buồn cười. Bên cạnh tôi, một cô gái 21 tuổi, dường như chưa kịp lớn bởi tuổi thơ thiếu sót quá nhiều ký ức, để thậm chí không thể cảm nhận được sự tan vỡ, không biết cách khóc khi ba mẹ mình ly hôn, nói rất nhiều mỗi lần đến gặp tôi, chỉ yêu cầu được lắng nghe bởi như thế với em đã là đủ, đề nghị được ở lại nhà tôi vào một tối tháng Mười mưa lạnh buốt và chui vào gi.ường tôi lúc Mười hai giờ đêm nhưng lại làm cho tôi có cái cảm giác thật yên lòng, vì tôi biết mình sẽ không “làm gì”. Sự xuất hiện của em trong căn nhà buồn tẻ này đã trở nên tự nhiên và thân quen quá đỗi. Có lẽ đó là, cảm giác cần che chở và không thể làm tổn thương một cô gái đã quen với việc bị thương quá nhiều trong đống nhung lụa của mình...


Khi tôi đi làm, cô gái ấy vẫn đang còn say ngủ, mặt quay về phía tôi nằm nhưng hai bàn tay thì giấu dưới gối. Tôi để lại cho em một mấu giẩy ngắn gọn: “Tự lo bữa sáng nhé!” và vội vã ra khỏi nhà. Lúc trở về, tôi nhận được một mẩu giấy to gấp sáu lần mẩu giấy tôi để lại, và những gì em viết: “Em sẽ sang Ý tìm mẹ. Khi mẹ đi, em đã trốn trong phòng và không ôm mẹ. Chiều ngày mùng 8 em quay lại Hà Nội. Em cũng đã gọi cho ba và nói ba cắt hợp đồng với anh. Bởi vì, lúc 5 giờ chiều ngày mùng 8 tháng Mười một, nếu anh ra đón em ở Nội Bài, em sẽ trò chuyện với anh miễn phí trong suốt phần còn lại của ngày tháng. Và hôn anh thêm một nụ hôn nữa, một nụ hôn nữa, một nụ hôn nữa…
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top